TẠI SAO PHÁP THUA?

 

Những người Pháp sáng suốt như Leclerc, Sainteny, Lacouture, Devillers, Paul Mus... đều muốn điều đình vì biết chiến tranh sẽ kéo dài, càng kéo dài càng bất lợi cho Pháp. Việt Nam có đủ ba điều kiện để thắng: địa lợi, nhơn hòa và thiên thời.

 

Về địa lợi, chúng ta chiến đấu ở trên đất chúng ta, biết rõ sông núi từng miền, quen với khí hậu. Pháp trái lại, phải đem quân viễn chinh qua, rất tốn kém mà không quen với sông núi, khí hậu. Nước ta rất nhiều rừng, khi địch tấn công ta mạnh quá, ta chống cự không lại rồi thì rút lui ngay vào rừng, bụi; địch không dám đuổi theo.

 

Ta lại có thể tản vào trong đám dân thường, làm bộ cuốc đất hay nhổ cỏ, hoặc núp trong hầm hố, và được dân chúng che chở cho. Bộ đội khéo được huấn luyện, tới đâu cũng nhã nhặn, lễ phép, vui vẻ, giúp đỡ dân, cho nên rất được lòng dân, sống với dân như cá trong nước.

 

Vả lại toàn dân đều coi thực dân Pháp là kẻ thù, đều muốn đuổi chúng đi, gần như gia đình nào cũng có người theo bộ đội hoặc giúp kháng chiến, và coi chính phủ kháng chiến là chính phủ của dân, mặc dầu những người lãnh đạo là cộng sản. Ông Hồ Chí Minh đã giải tán đảng Cộng sản, hô hào toàn dân đoàn kết và toàn dân đã đoàn kết thật, ít nhất là cho tới năm 1950. Cũng có một số rất ít vì lẽ này hay lẽ khác bất mãn với chính phủ, nhưng hạng đó không dám sống ở chiến khu mà phải về những miền bị địch chiếm. Ngay trong những miền này, số dân có cảm tình với kháng chiến cũng rất động, có nơi đến chín phần mười. Như vậy địch bất kì ở đâu cũng phải sống với kẻ thù, lo lắng, bất an; nhất cử nhất động của họ đều bị theo dõi và báo cho kháng chiến biết. Kháng chiến được điều kiện nhân hòa đó, nên lực lượng mỗi ngày một tăng: mới đâu chỉ có một số du kích, cuối cùng có tới vài ba trăm ngàn quân kể cả chính qui và du kích, với những sư đoàn đầy đủ võ khí nặng. Quân đội Pháp không thể tăng hoài cho kịp ta được vì ngân sách thiếu, dân chúng họ cũng muốn chống tăng thuế, chỉ muốn sống yên ổn thôi, không muốn chiến tranh. Họ không muốn cho con họ chết trong rừng bụi Đông Dương để bảo vệ quyền lợi của giới tư bản.

 

Như vậy càng kéo dài chiến tranh thì quân ta càng mạnh lên mà địch càng suy, tất phải tới một lúc địch không chịu nổi phải xin hòa đàm.

 

Điều lợi thứ ba cho ta là thiên thời. Sau thế chiến thứ nhì là thời giải thực (décolonisation), thời tàn của chế độ thực dân lối cũ. Các dân tộc thuộc địa khắp thế giới đều muốn đuổi thực dân đi, và cường quốc thứ nhất là Mĩ không muốn cho Pháp chiếm lại Việt Nam; vì vậy năm 1945 Mĩ có cảm tình với Việt Minh. Còn Nga thì không hề lên tiếng ủng hộ Hồ Chí Minh, không hiểu tại sao. Anh, cường quốc thứ ba, nhờ có thủ tướng Attlee sáng suốt, đã tự ý trả lại độc lập cho các thuộc địa cũ. Pháp yếu mà tham, ngu muội cố bám lấy các thuộc địa nên hùng hùng hổ hổ đem quân viễn chinh qua tính tái chiếm nước mình, rốt cuộc đã mất Việt Nam, sau lại mất Algérie và phải bấm bụng trả lại độc lập cho tất cả các thuộc địa khác mà vẫn bị thế giới ghét.

 

Nhất là từ cuối năm 1949, cộng sản Trung Hoa đánh bại Quốc Dân đảng, chiếm toàn thể lục địa, Tưởng Giới Thạch phải cuốn gói qua Đài Loan; rồi tháng Giêng năm 1950, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa nhìn nhận Cộng hòa Dân chủ Việt Nam, thì sức kháng chiến của mình tăng lên rất mau, nhờ sự giúp đỡ của Trung Hoa: quân đội của mình có thể “trốn” qua Trung Hoa được, họ huấn luyện cho, viện trợ lương thực, khí giới cho.

 

Năm 1953, chiến tranh Triều Tiên kết liễu rồi, sự viện trợ đó càng tăng cường, và theo Bernard Fall thì từ đó, Paris hoặc Washington còn hi vọng hão huyền, chứ ở Sài Gòn và Hà Nội, bọn thực dân đã hết ảo tưởng, chỉ cố vơ vét cho thật nhiều để cuốn gói về “mẫu quốc”.

 

Một nguyên nhân nữa mà tôi cho là nguyên nhân chính: chiến tranh của ta có chính nghĩa, toàn dân vì chính nghĩa mà chiến đấu; quân đội của Pháp, trừ một số thanh niên Pháp và một số lính lê dương là chiến đấu hăng, hầu hết tinh thần rất kém, nhất là bọn “partisan”, bọn lính đánh thuê Việt mà họ tuyển. Sau khi Bảo Đại về nước, Pháp buộc Bảo Đại phải thành lập một đạo quân Việt Nam, Bảo Đại phải kí sắc lệnh bắt thanh niên nhập ngũ, sắc lệnh đó khiến dân càng ghét Bảo Đại và Pháp. Chương trên tôi đã nói ảnh hưởng biện pháp ấy tới học sinh ra sao.

 

Louis Saurel trong cuốn La Guerre d’Indochine (Editions Rouff – Paris – 1966) dẫn mấy hàng này trong một số Paris Match:

 

“Khi sắp có trận Điện Biên Phủ, tướng Navarre (Tổng tư lệnh Pháp ở Đông Dương) kêu 120.000 thanh niên Việt Nam nhập ngũ, thì chỉ có 7.000 trình diện, trong số đó có 5.000 sở dĩ trình diện vì biết chắc sẽ được miễn dịch, thải về”.

 

Có nhiều người tự hủy hoại thân thể thành tàn phế để khỏi bị bắt lính. Kẻ có tiền thì đút lót, chạy chọt. Vậy là kêu 120.000 chỉ được có 2.000.

 

Đúng như lời ông Hồ Chí Minh nói với kí giả Mĩ Davis Schoenbrun từ 11-9-1946, trước khi xảy ra chiến tranh ở Bắc:

 

“Nếu có chiến tranh thì sẽ là một cuộc chiến đấu giữa con cọp và con voi. Nếu cọp ngưng thì bị ngà voi đâm thủng bụng liền. Nhưng nếu cọp không ngừng thì voi lần lần sẽ mất máu và kiệt sức”.

 

LỰC LƯỢNG VÀ TÍNH THẦN QUÂN ĐỘI PHÁP

 

Tháng Giêng 1947 khi chiến tranh mới phát, Leclerc tính phải có 500.000 quân mới thắng nổi. Không biết hồi đó ông ta đoán quân đội du kích Việt có được bao nhiêu. Theo các nhà quân sự Mĩ năm 1960, thì muốn chặn được du kích phải có một số quân gấp 10 số quân du kích. Muốn thắng được thì số quân phải gấp 20. Ở Mã Lai, Anh dùng 350.000 quân mà mất 12 năm mới diệt được 8.000 Mã cộng. Như vậy không phải là gấp 20 mà gấp 40.

 

Quân Pháp hồi đó chỉ có 13.000 người[1]. Leclerc đòi tăng lên 500.000, các bộ trưởng Pháp hoảng hồn, lắc đầu. Từ đó tới 1954, có tất cả 19 lần cải tổ nội các, nội các nào cũng không chịu thương thuyết với chính phủ kháng chiến của ta, mặc dầu những người Pháp sáng suốt bảo chỉ chính phủ đó mới được toàn dân ủng hộ. Pháp không đủ sức tăng quân số lên, dân chúng thấy chiến tranh sa lầy sinh chán nản. Các thượng tướng hàng Tổng tư lệnh, Tư lệnh đa số bất tài, thay đổi không biết mấy lần; tướng nào cũng tin chiến lược của mình mới đúng, mà chẳng chiến lược nào có kết quả, nhiều lắm chỉ gỡ nguy được một thời gian. Còn hạng thấp hơn, thiếu tướng, tá, đại úy thì theo Lucien Bodard trong La guerre d’Indochine (3 cuốn) chỉ phè phỡn, ham tiền, gái, huy chương. Bất đắc dĩ phải dùng quân đội Việt. Pháp tung tiền ra mua chuộc các giáo phái Cao Đài, Hòa Hảo và đảng Bình Xuyên; nhưng hễ không thỏa mãn được yêu sách của họ, thì họ bỏ vô bưng, mang theo khí giới.

 

Sài Gòn, Hà Nội thành những kinh đô ăn chơi, áp phe mà áp phe lớn nhất là buôn đồng quan. Từ trên xuống dưới ai cũng đua nhau xin được mua đồng quan theo hối suất chính phủ (1 đồng bạc Đông Dương ăn 17 quan), xin giấy phép xuất nhập cảng. Được một giấy phép xuất nhập cảng rồi, người ta chỉ nhập cảng lấy lệ một số đồ xấu giá rẻ còn dư đồng quan thì gởi các ngân hàng bên Pháp, vì buôn bán gì cũng không lợi bằng mua bán đồng quan. Tóm lại bao nhiêu thanh niên Pháp chết, toàn dân Pháp phải đóng thuế để nuôi mập một bọn thực dân con buôn và một số tay sai Việt Nam của chúng.

 

CHIẾN SỰ Ở NAM, BẮC

 

Mặt trận ở Nam (từ Đèo Cả trở vào) không có gì quan trọng, tình hình cho tới 1954 đại khái cũng như hồi 1946. Chỉ khác mỗi ngày du kích tăng lên nhiều hơn, các đường giao thông, nhất là đường Sài Gòn - Miền Tây bất ổn hơn. Nhiều đoàn xe dài hai ba chục chiếc của quân đội cũng bị phục kích, mà hễ bị phục kích thì tổn thất lần nào cũng nặng. Có chỗ bị phục kích hoài - 4, 5 lần - mà không cách nào tránh được, đồn bót bên đường không có chút công dụng gì cả. Về sau Pháp phải cho quân đội đi dò mìn mỗi buổi sáng rồi mới cho xe đò qua, vì vậy có nhiều chuyến xe từ Hậu Giang lên phải đậu lại ở Mĩ Thuận, sáng hôm sau mới tới Sài Gòn. Xe đò muốn chạy thì phải đóng thuế cho Việt Minh. Miền quê nào bị quân Pháp thường bố thì dân chúng một phần rời vào trong xa, một phần ra các thành thị. Dân số các châu thành tăng lên rất mau, càng dễ cho Việt Minh len lỏi vào; đồng quê bỏ hoang, kinh tế càng mau suy sụp. Những vụ xử tử Việt gian ở làng xóm cũng tăng lên. Tình thế mỗi ngày mỗi tệ.

 

Ở Sài Gòn, bác sĩ Thinh tự tử rồi, Hoạch lên thay, rồi Xuân, rồi Hữu... nhưng Pháp có giao cho chút quyền hành nào đâu, họ chỉ đóng vai bù nhìn; dù là bù nhìn thì cũng phải có chút tư cách, mà bọn họ lại thiếu tư cách quá, quan thầy biểu sao nghe vậy, nên bị dân chúng khinh. Báo nào độc lập, có cảm tình với kháng chiến thì bán chạy như tôm tươi, còn báo của chính quyền chỉ để phát không cho các công sở. Điều đó đáng lẽ mở mắt cho họ chứ; nhưng họ lại cho báo chí là tiếng nói bậy bạ của bọn “nói láo ăn tiền”, chứ dân chúng thì ghét cộng chứ không ghét Pháp và chỉ muốn yên ổn làm ăn. Họ thật mù quáng không biết tinh thần yêu nước của người Việt.

 

Khi chiến tranh nổ ở Bắc, D’Argenlieu bị gọi về Pháp, Bollaert qua thay nhưng chỉ có nhiệm vụ tìm hiểu tình hình rồi báo cáo về Pháp thôi. Không hề ở Việt Nam, ông ta làm sao hiểu tình hình được. Người phụ tá của ông là Pignon, Torel với bọn thực dân nói gì thì ông biết vậy. Vả lại chính phủ Pháp cũng không có ý muốn thương thuyết, nên chẳng có gì thay đổi cả.

 

 

Ở Bắc, chính phủ kháng chiến rút lên miền Thái Nguyên, Bắc Cạn để bảo toàn lực lượng, tổ chức, huấn luyện du kích, nắm chắc dân tâm và hô hào toàn dân bất hợp tác với Pháp. Giai đoạn đầu là giai đoạn du kích, phải mua và chế tạo những khí giới nhẹ; những khí giới nặng như chiến xa, đại bác đều cất giấu hoặc hủy bỏ.

 

Tháng 10-1947, Hồ Chủ tịch ở Bắc Cạn, chung quanh chỉ có vài ngàn quân không đủ khí giới, nhưng trong khu Tuyên Quang - Thái Nguyên - Bắc Cạn có nhiều kho khí giới và nhiều quân đội. Tướng Valluy biết được tin đó, đem một lực lượng rất mạnh, gồm 15.000 quân với nhiều xe thiết giáp, phi cơ phóng pháo, săn giặc, bất thần đánh vào Bắc Cạn để bắt sống Hồ Chủ tịch, nhưng ông Hồ thoát kịp. Chuyến đó Pháp không đạt được mục đích mà tổn thất nặng vì khi rút lui, bị phục kích.

 

Trong chiến dịch đó, quân Pháp chiếm được con đường thuộc địa số 4 từ Cao Bằng tới Lạng Sơn, chủ ý để bao vây quân Việt ở phía Bắc, không cho trốn qua Trung Hoa. Đại tá Beauffre chiếm Cao Bằng một cách quá dễ dàng, không tốn một viên đạn, không gặp một lính Việt, một người dân Việt; chỉ thấy những chiếc cầu bị phá, những khúc đường bị đào và những xóm làng đương cháy. Vài ngày sau quân đội của ông ta mới bị phục kích. Và từ đó, con đường số 4 bị phục kích liền liền thành một ung nhọt rỉ máu hoài, làm tiêu mòn lực lượng của Pháp. Pháp phải dùng mấy ngàn lính bảo vệ con đường, mỗi tháng tiêu hàng tỉ quan, mà các nghĩa địa ở Cao Bằng và Lạng Sơn thì mỗi ngày một thêm những cây thánh giá quét vôi trắng.

 

Ai cũng biết đó là một thất sách nhưng các tướng Pháp tự ái, không chịu rút lui, bỏ con đường đó, sợ mất mặt. “Đoàn viễn chinh Pháp mà chịu thua quân đội da vàng ư?”.

 

Họ cố bám lấy đường đó hai năm. Cuối năm 1949, quân đội cộng sản Trung Hoa tiến tới biên giới Bắc Việt, và năm sau quân đội Việt được Trung Hoa huấn luyện, viện trợ khí giới nặng, đủ sức để tấn công Pháp rồi, Carpentier mới cho phép rút khỏi Cao Bằng.

 

Họ rút lui chậm quá, ngày đầu chỉ được 13 cây số vì đường bị phá hủy nhiều, họ phải sửa lại cho từng đoàn căm nhông, chiến xa, đại bác... qua. Tướng Võ Nguyên Giáp kịp thời huy động 15.000 quân đánh họ tơi bời ở Thất Khê và khi tàn quân của họ tới Lạng Sơn, coi lại thì thiệt mất 7.000 người.

 

Ở Lạng Sơn, họ mắc thêm một lỗi nữa. Lúc đó quân mình còn ở cách xa Lạng Sơn, nếu họ đóng quân ở đó, chuẩn bị để chống cự thì Lạng Sơn chưa đến nỗi mất; nhưng họ hoảng quá, không kịp phá hủy 1.300 tấn khí giới, quân nhu ở Lạng Sơn, đã vội rút lui nữa về Phủ Lạng Thương. Quân ta thắng được trận đó rất lớn, thu được tất cả khí giới đó. Quân Pháp phải bỏ tất cả khu ở phía Bắc sông Hồng Hà mà chỉ giữ được miền đồng bằng thôi.

 

Thừa thế, tướng Võ Nguyên Giáp tiếp tục đại tấn công, lần này tính dùng năm sư đoàn (304, 308, 312, 316, 320) để tiến về Hà Nội.

 

Chiến thắng đó làm cho tinh thần mình phấn khởi bao nhiêu thì tinh thần Pháp suy sụp bấy nhiêu. Dân chúng Pháp bất mãn về chính phủ. Quân linh Pháp gởi qua tăng viện ở Việt Nam phải đi ban đêm, xuống tàu ban đêm. Quan tài chở về Pháp cũng phải lén lút đưa lên bờ trong các nhà máy ở các bến tàu, đã có những vụ phá hoại để ngăn chận “cái chiến tranh dơ dáy” đó.

 

Ở Việt Nam cũng có sự thay đổi. Cho tới cuối năm 1949, còn là “Mặt trận quốc gia”, nhưng khi Trung Cộng đã giúp mình thì họ đòi chính phủ kháng chiến phải có thái độ, đường lối dứt khoát. Theo Jean Lacouture và Phillipe Devillers trong La fìn d’une guerre (Editions du Seuil - 1960) thì Mao Trạch Đông buộc ông Hồ Chí Minh phải lập lại đảng Cộng Sản Việt Nam đã giải tán năm 1946, và đảng Cộng sản phải ra mặt nắm địa vị lãnh đạo. Do đó mà chính phủ kháng chiến lập ra đảng Lao Động và năm 1950-51 có nhiều vụ thanh trừng. Lần lần chính phủ Cộng hoà Dân chủ Việt Nam thành chính phủ Cộng hòa Nhân dân; kế đó ta bắt đầu có cuộc cải cách ruộng đất theo kiểu Trung Cộng. Đó là một lầm lẫn lớn của chính phủ kháng chiến, hậu quả rất tai hại tới nay chưa hết, tôi sẽ xét ở sau.

 

Một số người ái quốc theo kháng chiến, thấy cuộc thanh trừng đó, rời bưng trở về thành.

 

GIẢI PHÁP BẢO ĐẠI

 

Đầu năm 1946, khi lập xong chính phủ Liên hiệp Quốc gia rồi (chủ tịch là Hồ Chí Minh, phó chủ tịch là Nguyễn Hải Thần; Huỳnh Thúc Kháng bộ trưởng Nội vụ, Nguyễn Tường Tam bộ trưởng Ngoại giao...), Hồ Chủ tịch phái công dân Vĩnh Thụy (Bảo Đại) cầm đầu một phái đoàn qua Trùng Khánh. Bảo Đại được Tưởng Giới Thạch tiếp đãi, mời lên Nam Kinh vì chính phủ Trung Hoa đương dọn về Nam Kinh. Chính phủ Liên hiệp Quốc gia bảo ông cứ ở Trung Hoa đừng về vội. Ông ở lại Trung Hoa nhưng không lên Nam Kinh mà qua Hương Cảng.

 

Năm 1947, chính phủ Pháp theo chính sách của Bidault trong Phong trào Cộng hòa Nhân dân (M.R.P.) nhất định không thương thuyết với ông Hồ Chí Minh mà muốn dùng lá bài Bảo Đại, phái người qua tiếp xúc với Bảo Đại ở Hương Cảng. Các đảng phái ở Nam: Cao Đài, Hòa Hảo, Việt Nam Quốc Dân đảng v.v.. tức thì phái đại biểu tới tấp qua Hương Cảng thúc Bảo Đại về và bày mưu kế với Bảo Đại. Dĩ nhiên Bảo Đại cũng đòi hỏi như Hồ Chí Minh: sát nhập Nam Bộ và miền cao nguyên vào Việt Nam, có chính phủ riêng, quân đội riêng, tự trị về ngoại giao, bỏ hết các kiểm soát của Liên bang Đông Dương... Pháp biết nếu không chấp nhận thì giải pháp Bảo Đại không thành, nên sau hai lần tiếp xúc ở vịnh Hạ Long giữa Bảo Đại và Bollaert (12-47), rồi giữa Bollaert và Nguyễn Văn Xuân thủ tướng Nam Kì quốc, đại diện cho Bảo Đại, Pháp đành nhượng bộ (6-48) nhưng mãi đến 8-3-49, Bảo Đại mới kí một hiệp ước với tổng thống Pháp Vincent Auriol, rồi về nước.

 

Tuy nhiên Bảo Đại không ở Sài Gòn mà lên thẳng Đà Lạt, lập “triều đình” ở đó, để tỏ vẻ bất mãn về nền độc lập bánh vẽ mà Pháp trao trả ông, và đến 7-1953, tình hình Đông Dương nguy khốn, chính phủ Laniel mới chịu thi hành đúng đắn hiệp ước 8-3-49. Lúc đó đã quá trễ.

 

Bảo Đại khôn lanh nhưng nhu nhược, chỉ ham tiền, ham gái và săn bắn, bị dân chúng khinh bỉ. Bọn tay sai của ông, trừ một hai người như Nguyễn Hữu Trí trong đảng Đại Việt mà ông ta nghi kị vì có tư cách, còn thì “chủ nào tớ nấy” cả. Uy tín của Hồ Chí Minh vẫn lớn và giải pháp Bảo Đại hoàn toàn thất bại.

 

DE LATTRE DE TASSIGNY VÀ VÕ NGUYÊN GIÁP

 

Vụ Pháp đại bại trên đường Cao Bằng - Lạng Sơn làm cho dân chúng Pháp xúc động và một phần quân đội viễn chinh (nhất là quân Algérie) mất tinh thần. Chinh phủ Pleven phải đưa tướng De Lattre de Tassigny qua. De Lattre là một tướng giỏi, can đảm, cương quyết, quyết định mau, đòi được toàn quyền ở Đông Dương, vừa làm Cao ủy vừa làm Tổng tư lệnh, và xin thêm nhiều quân, nhiều võ khí, nhưng chính phủ chỉ cung cấp được một phần nhỏ thôi.

 

Ngày 17-12-50 ông ta qua, không ở Sài Gòn mà ở Hà Nội. Rất hách dịch. Mới qua, đuổi ngay một số tướng tá về Pháp, không cho vợ con quân nhân, công chức Pháp về nước để khỏi làm dao động tinh thần quân đội. Người Pháp gọi ông ta là “Le roi Jean” (Quốc vương Jean).

 

Ông ta vừa kịp chỉnh đốn lại quân đội, tiêm tinh thần chiến đấu vào đoàn quân viễn chinh thì tướng Võ Nguyên Giáp tấn công ở Vĩnh Yên ngày 13-1-51, cách Hà Nội độ 40 cây số với một lực lượng mạnh. Lần này là lần đầu bên mình dàn quân để chiến đấu ở đồng bằng với một biển người. Mới đầu quân mình thắng. De Lattre phải dùng rất nhiều phi cơ chở quân lính lên tiếp sức và thả bom napalm (mủ cao su trộn với dầu xăng) để chặn biển người đó. Quân mình lần đầu thấy bom napalm hoảng hốt, hỏi nhau có phải là bom nguyên tử không.

 

Trận đó mình thất bại nặng: 6.000 chết, 500 tù binh (theo Louis Saurel - sách đã dẫn). Tướng Võ Nguyên Giáp nhận là lầm lẫn.

 

Nhưng cuối tháng 3-1951, tướng Giáp tấn công nữa ở Đông Triều (Mao Khê, phía tây bắc Hải Phòng). Quân Pháp lại lâm nguy, De Lattre lại phải dùng nhiều phi cơ và napalm mới cứu được. Quân mình phải rút lui vào rừng, nhưng không thiệt hại nặng như lần trước.

 

Lần thứ ba, mình tấn công thình lình ở Phủ Lí và Ninh Bình, mới đầu cũng đánh bại được quân Pháp ở Ninh Bình. De Lattre vội vàng đem quân xuống cứu; quân mình rút lui về bờ bên kia sông Đáy, trốn vào các hang núi vôi ở miền đó.

 

Ba lần đó Pháp tuy thắng nhưng rất khó nhọc và hai lần suýt nguy; thế giới đều thấy lực lượng của mình đã ngang với Pháp rồi. Tướng Võ Nguyên Giáp rút kinh nghiệm, biết rằng chiến đấu ở đồng bằng, mình bất lợi vì phi cơ địch ở trên nã xuống, mình không có chỗ núp, mà rút lui tới chỗ yên ổn thì hơi xa, nên từ đó đổi chiến lược, đưa chiến tranh lên xứ Thái. Ba lần trước, De Lattre chỉ chống đỡ, tháng 11-1951 mới bắt đầu tấn công, đem quân lên chiếm Hòa Bình để chận con đường Bắc Việt tiếp tế cho Thanh Hóa. Chiếm thì dễ, nhưng giữ rất khó. Chỉ có hai đường tiếp tế Hòa Bình là con đường thuộc địa số 6 đã hư hỏng nhiều, và con sông Đà. Cả hai đường đó, khúc gần Hòa Bình đều có nhiều bụi rậm, hoặc bờ giốc âm u, rất dễ cho quân mình phục kích và Pháp lần nào cũng bị thiệt hại nặng, đến nỗi gọi đường thuộc địa số 6 là địa ngục, và gọi Hòa bình là “merdier” (đám phân hay cầu tiêu). Sau cùng Pháp phải bỏ Hòa Bình, rút về, thiệt hại nặng, gần bằng vụ Cao Bằng - Lạng Sơn.

 

Lần đó một đại đội quân của chính phủ Bảo Đại đào ngũ, trốn qua phía kháng chiến, mở đầu cho nhiều vụ đào ngũ sau này.

 

De Lattre thất bại, lại đau nặng vì bệnh ung thư, về Pháp ít lâu thì chết. Ông ta còn mắc một lỗi nữa là xây một vòng đai đồn bót bao vây miền đồng bằng Bắc Việt, đã tốn tiền, lại cầm chân một số binh lính để giữ đồn, mà chẳng được ích gì. Quân mình vẫn len lỏi vào miền đồng bằng như trước.

 

NAVARRE VÀ TRẬN ĐIỆN BIÊN PHỦ

 

Tướng Navarre qua thay De Lattre. Tài kém xa De Lattre, uy tín cũng kém mà lại tự phụ, không chịu nghe ý kiến ai, cho chỉ chiến lược của mình mới đúng.

 

Khoảng cuối năm 1952, quân mình chiếm được Nghĩa Lộ ở ngang Tuyên Quang, giữa khoảng từ Nhị Hà tới sông Đà. Pháp muốn phục thù, đem 30.000 đánh vào phía sau quân mình ở Phủ Đoan gần Tuyên Quang, không gặp quân kháng chiến, chỉ phát giác và phá hủy được ít kho súng đạn rồi rút về, thiệt hại độ một đại đội. Thất bại nữa.

 

Thất bại thứ ba ở miền Trung, phía ngoài Huế, bên con đường Quốc lộ số 1, từ Vân Trình tới Quảng Trị, nơi mà quân Pháp gọi là “con đường sầu thảm” vì bị phục kích rất thường. Pháp dùng cả thủy quân, lục quân với rất nhiều phi cơ yểm trợ, tính bao vây, diệt trọn quân kháng chiến, nhưng quân mình trốn thoát được; Pháp lục soát từng nhà một ở làng Phủ An, tìm được một ít khí giới, bắt được một số tù binh, rồi vội vàng rút lui.

 

Sau cùng là trận Điện Biên Phủ. Điện Biên Phủ là một lòng chảo dài 17 cây số, rộng 9 cây số, giữa có con sông Nam Youn[2], chung quanh là rừng núi, nằm ở phía dưới Lai Châu, gần biên giới. Tháng 11-1953, Navarre dùng phi cơ thả quân xuống chiếm lòng chảo đó để chặn đường quân mình qua Lào, rồi rút quân ở Lai Châu về đó, xây cất đồn binh, sân bay. Từ tổng tư lệnh Navarre tới tư lệnh miền Bắc Cogny và tướng chỉ huy Điện Biên Phủ là De Castries đều tin rằng quân kháng chiến không sao hạ Điện Biên Phủ được, vì không đủ đại bác, không đủ người để chở khí giới quân nhu tới nơi xa xôi đó; và nếu chở được đại bác thì cũng bị hủy diệt vì phi cơ Pháp ở trên bắn xuống, đại bác Pháp ở lòng chảo bắn lên. Họ không thể ngờ được rằng tướng Võ Nguyên Giáp cho làm cả trăm cây số đường rừng, sửa sang 200 cây số đường nữa, đưa được năm sư đoàn và rất nhiều đại bác tới Điện Biên Phủ mà chỉ nhờ sức của cả trăm ngàn người đi dân công với cả ngàn chiếc xe đạp Peugeot cũ để thồ mỗi chiếc 200 ki lô trong rừng. Pháp về sau biết vậy mà không sao chặn được vì phi cơ bay trên cao không thấy, còn đem quân vào rừng để đánh thì không dám.

 

Đại bác tới, mình đào hang trong núi để giấu, hễ bắn xong vài phát lại kéo thụt vào trong hang rồi lấy lá cây phủ miệng hang, Pháp không dò ra được, mà có được thì máy bay cũng không có cách nào bắn phá được. Vậy là chung quanh Điện Biên Phủ có vô số họng đại bác từ trên cao nã xuống sân bay, đồn trại của địch, mà địch không có cách nào chống đỡ.

 

Trận Điện Biên Phủ bắt đầu từ 13-3-1954. Khi các căn cứ ở phía Bắc: Gabrielle, Béatric, Anne Marie bị đại bác của ta san phẳng thì Điện Biên Phủ rung rinh rồi. Tới phiên hai sân bay bị phá hủy nữa, sự tiếp tế chỉ còn trông vào máy bay thả dù xuống - việc này rất mạo hiểm mà kết quả không được bao vì máy bay không dám xuống thấp, một nửa số tiếp tế rớt vào khu vực của ta - lúc đó quân đội Pháp như cua ở trong giỏ, sinh mạng đếm từng ngày. Pháp cầu viện Mĩ, xin Mĩ dùng bom nguyên tử, Mĩ không chịu, xin Mĩ ồ ạt đem quân lính và phi cơ sang, Mĩ cũng không chịu. Mà rốt cuộc ngày 7-5-1954, trong khi sáu nước: Pháp, Nga, Trung Hoa, Mĩ, Anh, Việt, đương họp ở Genève để tìm một giải pháp chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam thì Điện Biên Phủ thất thủ, tướng De Castrie phải đầu hàng.

 

Theo Saurel, Pháp thiệt hại 16.000 người trong số đó 1.500 người chết, 4.000 bị bắt làm tù binh. Chắc cuốn La guerre d’Indochine của Saurel đã in lộn. Con số 10.000 tù binh Jules Roy đưa ra trong cuốn Điện Biên Phủ (René Julliard - 1963) có phần đúng hơn.

 

Việt Nam, theo sự phỏng đoán của bộ tham mưu Pháp, thiệt hại gần gấp đôi: từ 25.000 đến 30.000 người, trong số đó có từ 10.000 đến 12.000 người hi sinh.

 

Một tờ báo ngoại quốc bảo sau trận Waterloo chưa bao giờ Pháp thua một trận lớn như vậy. Khắp thế giới đều phục sự anh dũng của người Việt.

 

De Gaulle, D’Argenlieu, Bidault có bị lương tâm cắn rứt không nhỉ? Biết bao thanh niên bỏ mạng ở Việt Nam vì họ. Nhưng thời đại dân chủ này, có một ông lớn nào chịu một trách nhiệm gì đâu? Giá như Nhật Bản thời trước thì đã có dăm ba vụ hara kiri (tự mổ bụng) rồi.

 

SÁCH TÔI DÙNG ĐỂ VIẾT VỀ CHIẾN TRANH VIỆT - PHÁP

 

Sách ngoại quốc (Anh, Pháp) viết về chiến tranh Việt Pháp rất nhiều, tôi đọc được trên một chục cuốn. Dưới đây là những cuốn chính, tôi dùng làm tài liệu:

 

Philippe Devillers - Histoire du Viet Nam de 1940 à 1952 (Ed. du Seuil - 1951)

 

Paul Mus - Sociologie d'une guerre (Ed. du Seuil - 1952)

 

Jean Lacouture et Philippe Devillers… - La fin d'une guerre… (Ed. du Seuil - 1960)

 

Jean Lacouture - Ho Chi Minh (Ed. du Seuil – 1965). Les deux Viet Nam (Payot -1967)

 

Bernard Fall - Guerres d’Indochine France 1946- 1954; Amérique 1957 (Ed. J’ai lu - 1965)

 

Bốn tác giả trên đều là học giả hiểu dân tộc Việt Nam, không hiếu chiến.

 

Jules Roy - La bataille de Dien Bien Phu (Julliard - 1963). Tác giả rất ghét Navarre.

 

Lucien Bodard - La guerre d'Indochine (3 cuốn) (Gallimard - 1963)

 

Hai nhà trên là kí giả.

 

Louis Saurel – La guerre d’Indochine (Ed. Rouff - 1966)

 

Cuốn này cho ta một tổng quan sơ lược nhưng rõ ràng, khá đầy đủ… Có vài lỗi nhỏ.


[1] Chắc là ở riêng miền Bắc. Vì ở Nam cuối năm 1945 Leclerc đã có 35.000 quân rồi.

[2] Tức Nặm Rốm. (Goldfish)

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Nhấn vào giữa màn hình để hiển thị Tùy chọn đọc.
Theo dõi Đọc Sách Hay trên Facebook, mỗi ngày chúng tôi cập nhật những cuốn sách, truyện hay nhất!

Có thể bạn thích