Hồi Ký Lý Quang Diệu - Tập 2: Bí Quyết Hóa Rồng
Chương 20: Đông Á Trong Cuộc Khủng Hoảng 1997–1999

Sự tàn phá đột ngột nền kinh tế các nước Asean năm 1997 đã kéo lùi vị trí và vai trò của nó trên trường quốc tế. Tổng thống Indonesia Suharto, người xây dựng đất nước Indonesia đạt đến mức phát triển được công nhận, đã bị phế truất. Thủ tướng Mahathir của Malaysia bị giảm uy tín do giới truyền thông phương Tây đưa tin về những tố cáo của ông đối với những kẻ đầu cơ tiền tệ và cho vay nặng lãi như George Soros. Thủ tướng Thái Lan Chuan Leekpai cần thời gian để thiết lập địa vị quốc tế của mình. Đã xảy ra điều gì?

Tháng 3/1997, Richard Hu, Bộ trưởng Tài chính của chúng tôi, thông báo cho nội các rằng Thái Lan yêu cầu chúng tôi bảo vệ đồng baht của họ đang bị tấn công (làm mất giá – ND). Chúng tôi nhất trí là không nên làm điều đó. Tuy nhiên, Thái Lan yêu cầu Richard làm việc này bằng ngân quỹ của Thái. Họ không muốn thị trường biết rằng chỉ có ngân hàng trung ương Thái Lan là đang mua vào đồng baht. Ủy ban tiền tệ của Singapore thực hiện yêu cầu đó song khuyến cáo rằng giải pháp này sẽ không thành công. Khi tình hình tạm ổn, Thái Lan cho rằng chúng tôi đã dự đoán sai. Chúng tôi cảnh báo họ rằng tình hình sẽ lại xấu đi. Quả vậy, tình hình đã tồi tệ trở lại vào tháng 5. Đến ngày 2/7, sau khi đã chi hơn 23 tỷ đôla Mỹ trong quỹ dự trữ của Thái, giám đốc Ngân hàng Trung ương Thái đầu hàng. Ông ta dành phải thả nổi đồng baht, ngay lập tức nó rớt giá 15%. Các con nợ Thái tranh nhau mua đôla, đẩy đồng baht sụt giá thêm một mức nữa. Chúng tôi đã không nhận thức rõ rằng chuỗi phản ứng dây chuyền đang bùng nổ ở Đông Á.

Tiền của Thái Lan, Indonesia, Malaysia và Philippines có liên quan chặt chẽ với đôla Mỹ. Lãi suất đôla Mỹ thấp hơn nhiều so với lãi suất tiền trong nước của họ. Khi đồng đôla Mỹ suy yếu, hàng xuất khẩu trở nên rẻ hơn và xuất khẩu tăng. Khi đôla Mỹ bắt đầu mạnh từ giữa năm 1995, hàng xuất khẩu của Thái trở nên đắt đỏ và xuất khẩu giảm.20 Các công ty Thái đã vay tiền bằng đôla Mỹ, cho rằng tỷ giá hối đoái sẽ giữ nguyên ở mức xấp xỉ lúc vay vào thời điểm họ hoàn trả tiền vay. Nếu tỷ giá thả nổi thì các công ty này hẳn đã cân nhắc về nguy cơ sụt giá đồng baht trước khi quyết định vay bằng đồng tiền có lãi suất thấp hơn. Những người cho vay nước ngoài sẽ không tin tưởng đến thế về khả năng hoàn trả của người vay trong trường hợp phải đối mặt với sự thay đổi đột ngột của tỷ giá hối đoái.

Năm 1996, một số giám đốc ngân hàng Mỹ có cơ sở tại Singapore thảo luận với tôi một vài lời khuyên của họ đối với các giám đốc ngân hàng trung ương Thái và các nước Asean khác về những nguy cơ của việc kiểm soát tỷ giá hối đoái và lãi suất khi họ không còn những hạn chế trong việc lưu thông tiền vốn nữa. Họ đề xuất một tỷ giá hối đoái linh hoạt hơn. Các giám đốc ngân hàng trung ương đã không lưu tâm đến lời khuyến cáo này và sự thâm hụt trong các tài khoản vãng lai của họ gia tăng.

Từ năm 1995, Thái đã có sự thâm hụt lớn trong tài khoản vãng lai, nhập khẩu nhiều hơn xuất khẩu. Nếu tình trạng này tiếp diễn họ sẽ không có đủ ngoại tệ để trả nợ nước ngoài. Do vậy, những nhà kinh doanh ngoại hối bắt đầu bán baht, đoán trước những khó khăn mà ngân hàng trung ương Thái sẽ đối mặt để giữ đồng baht ở mức tỷ giá hối đoái cao so với đồng đôla Mỹ. Một khi những người bán khống21 bắt đầu đạt thắng lợi, các giám đốc các quỹ đầu tư có danh tiếng cũng tham gia với họ bán hạ giá các loại tiền tệ của Malaysia, Indonesia, Philipin cũng như của Thái Lan. Tất cả các loại tiền tệ này đã sụt giá khi các ngân hàng trung ương từ bỏ tỷ giá cố định so với đôla Mỹ.

Trong khi đó đôla Singapore không được định giá theo đôla Mỹ mà theo rổ tiền tệ của các quốc gia bạn hàng chủ yếu. Đôla Singapore vẫn tăng giá trị đều đặn so với đôla Mỹ cho đến giữa những năm 90. Lãi suất đôla Singapore thấp hơn nhiều so với lãi suất đôla Mỹ. Vì không bị lôi cuốn vào việc vay mượn đôla Mỹ, nên các công ty Singapore có rất ít những khoản nợ bằng đôla Mỹ.

Thủ tướng Thái Lan Chavalit Yongchaiyudh, một người bạn cũ của tôi từ khi ông còn là một Tổng tư lệnh quân đội Thái, đã hỏi Thủ tướng Goh Chok Tong để vay 1 tỷ đôla Mỹ. Goh thảo luận vấn đề này với nội các và quyết định là chúng tôi sẽ cho vay nếu Thái Lan tìm được sự hỗ trợ của Quỹ tiền tệ quốc tế trước tiên. Điều đó đã được thực hiện.

Vào tháng 7, khi cuộc khủng hoảng đã lan rộng, thủ tướng Malaysia Mahathir tố cáo George Soros là kẻ đầu cơ phải chịu trách nhiệm. Sau đó ngân hàng Negara Malaysia thông báo những thay đổi về việc giới hạn số lượng đồng ringgit của Malaysia được phép chuyển đổi sang ngoại tệ. Để ngăn chặn sự rớt giá cổ phiếu, Sở Giao dịch chứng khoán Kuala Lumpur đã thay đổi luật lệ bằng cách quy định người bán phải xuất trình chứng khoán thực trong vòng một ngày đối với bất cứ vụ mua bán nào. Họ cũng hạn chế kinh doanh đối với 100 loại chứng khoán blue–chip có tên trong danh sách ước tính của Sở Giao dịch chứng khoán. Giới quản lý các quỹ đầu tư liền bán hạ giá tiền và chứng khoán của Malaysia và các nước Asean.

Tháng 9/1997, tại một cuộc họp của các giám đốc ngân hàng quốc tế của IMF/Ngân hàng Thế giới tổ chức ở Hong Kong, Mahathir nói: “Kinh doanh tiền tệ là không cần thiết, không sinh lợi và hoàn toàn phi đạo đức. Nên ngăn chặn tình trạng này. Nên xem đây là điều bất hợp pháp”. Một sự bán tống bán tháo khác tiền tệ và chứng khoán của tất cả các nước Asean diễn ra ngay sau đó.

Thái Lan và Indonesia chấp nhận sự trợ giúp trọn gói có điều kiện của IMF. Nhưng sau khi ký thỏa thuận với IMF vào tháng 8/1997, Thái Lan đã không thực hiện những điều khoản mà họ đã cam kết: thắt chặt việc cung ứng tiền tệ, tăng lãi suất và tinh giản hệ thống ngân hàng, kể cả việc đóng cửa 58 công ty tài chính không trả được nợ. Chính phủ liên minh đa đảng của Chavalit không đủ mạnh để thực hiện những cải cách đau đớn như thế. Ở Thái Lan, các nhà lãnh đạo chính trị của các đảng phái trong chính phủ và cả trong phe đối lập đều có mối quan hệ chặt chẽ với các chủ nhà băng và những nhà kinh doanh để tìm sự ủng hộ nhằm gây quỹ. Vào tháng 11, Chavalit thất bại trong cuộc bỏ phiếu tín nhiệm và từ chức. Tại Bangkok, tháng 1/1998, ông giải thích với tôi rằng nhiều giám đốc ngân hàng người Thái thuyết phục ông bảo vệ đồng baht, rằng vì ông ta là một người lính chứ không phải là một chuyên gia tài chính nên ông ta đã làm theo lời khuyên của họ. Các giám đốc ngân hàng đồng thời là bạn ông, có lẽ đã không cho ông biết rằng họ đã vay mượn trên 40 tỷ USD và không muốn bỏ ra số baht nhiều hơn để mua đôla Mỹ trả khoản nợ đôla mà họ đã vay mượn.

Nhìn lại quá khứ, họ đã làm điều gì sai? Những năm đầu thập niên 90, nền kinh tế của Thái Lan, Indonesia và Hàn Quốc đang vận hành hết công suất của nó. Nhiều nguồn đầu tư mới được rót vào những dự án có giá trị đáng ngờ. Khi đang phấn khích mạnh mẽ, không ai chú ý đến sự yếu kém về mặt cấu trúc và tổ chức của những nền kinh tế này.

Các quốc gia này có lẽ đã khá hơn nếu như các tài khoản vốn của họ được tự do hóa dần dần. Họ cần phải có thời gian để xây dựng một hệ thống giám sát, kiểm tra và điều khiển nguồn vốn đầu tư gián tiếp từ nước ngoài (non–FDI) hướng vào những dự án có hiệu quả. Trên thực tế, một lượng vốn lớn đã được đầu tư vào các chứng khoán và bất động sản, các cao ốc văn phòng và những khu chung cư. Các chứng khoán và bất động sản này lại được thế chấp để vay mượn, thổi phồng hơn nữa giá trị tài sản. Những người cho vay nhận thức rõ sự lỏng lẻo này nhưng họ chấp nhận nó như là phương cách kinh doanh trong một thị trường mới nổi. Một số người thậm chí còn xem sự hiện diện của các đối tác kinh doanh có quan hệ chính trị như là sự bảo đảm ngầm của chính phủ đối với các khoản vay và vì vậy họ cũng hòa nhập vào cuộc chơi.

Các bộ trưởng tài chính khối G7 đã thúc ép họ tự do hóa thị trường tài chính và lưu thông nguồn vốn. Song họ không giải thích cho các giám đốc ngân hàng trung ương và các bộ trưởng tài chính của các quốc gia đang phát triển này về những nguy cơ vốn gắn liền với thị trường tài chính mang tính toàn cầu hóa ngày nay, khi mà một số vốn khổng lồ có thể ra hay vào chỉ với việc nhấn một phím máy vi tính. Sự tự do hóa này nên được phân giai đoạn một cách cẩn thận hơn nữa theo khả năng và mức độ từng trải của hệ thống tài chính của họ. Các quốc gia này nên đặt mạch ngắt điều khiển để đối phó với bất kỳ luồng vốn lưu thông đột ngột nào từ các quỹ đầu tư.

Mặc dù điều kiện kinh tế của mỗi nước là khác nhau, nhưng sự sụp đổ niềm tin bên ngoài đã tác động đến toàn khu vực. Những gì khởi đầu như là cơn sốt thị trường điển hình với những nguồn vốn dồi dào đổ vào Đông Á thì nay đã biến thành cơn khủng hoảng thị trường điển hình khi những nhà đầu tư cuống cuồng rút tiền của họ ra.

Tháng 1/1997, Hanbo, một tập đoàn công ty Hàn Quốc bị phá sản trong một vụ tai tiếng tham nhũng liên quan đến con trai ngài tổng thống Kim Young Sam. Nhiều ngân hàng và tập đoàn khác cũng rơi vào tình trạng rắc rối tương tự và giá trị đồng won của Hàn Quốc bị suy giảm. Ngân hàng trung ương Hàn Quốc đã bảo vệ đồng tiền của họ cho đến khi cạn kiệt quỹ dự trữ vào tháng 11 và phải tìm kiếm sự giúp đỡ của IMF. Trong vài tuần kế tiếp, toàn bộ Đông Á, gồm Hong Kong, Singapore và Đài Loan đều bị cuốn vào cơn lốc tài chính.

Tiền Hong Kong đã được cố định theo đôla Mỹ từ năm 1983. Do xảy ra cuộc khủng hoảng, Hong Kong phải tăng lãi suất đồng bản tệ cao hơn so với đồng đôla Mỹ như một khoản phí rủi ro để khuyến khích mọi người giữ lại đôla Hong Kong. Lãi suất cao ảnh hưởng xấu đến thị trường chứng khoán và bất động sản. Hong Kong mất tính cạnh tranh do các đồng tiền rẻ hơn của các nước láng giềng gây tổn thất cho ngành công nghiệp du lịch khiến cho những khách sạn vắng khách. Hong Kong đã đúng khi cố gắng giữ tỷ giá trong suốt cơn khủng hoảng để duy trì niềm tin trong khu vực vào thời điểm ngay sau khi nó được trả về với Trung Quốc, nhưng vấn đề trở nên nghiêm trọng khi cuộc khủng hoảng kéo dài.

Những khác biệt trong cuộc khủng hoảng kinh tế ở Đông Á so với châu Mỹ Latinh đã nhấn mạnh một sự khác nhau cơ bản về các giá trị văn hóa và xã hội. Không giống với châu Mỹ Latinh, các chính phủ Đông Á đã không lạm chi ngân sách. Không phải tất cả đều xuôi theo các dự án hoang phí hay chuyển khoản tiền vay mượn ra nước ngoài để đưa vào các thị trường chứng khoán ở New York hay London. Các chính phủ này đều có ngân sách cân bằng, lạm phát thấp và mức tăng trưởng cao đều đặn trong nhiều thập niên. Khủng hoảng là do các công ty trong khu vực tư nhân đã vay mượn quá nhiều những khoản vay ngắn hạn trong vài năm gần đây để đầu tư dài hạn rất liều lĩnh vào bất động sản và các xí nghiệp công nghiệp đã dư thừa.

Giới phê bình phương Tây đã quy sự sụp đổ này cho những gì mà họ gọi là “các giá trị châu Á”: cửa quyền, tham nhũng, lo lót hay hối lộ. Không nghi ngờ gì rằng những điều này đã góp phần vào cuộc khủng hoảng và làm trầm trọng thêm sự thiệt hại. Nhưng liệu chúng có phải là nguyên nhân chính hay không? Câu trả lời có lẽ là “không” bởi vì những thói xấu này đã hiện hữu, hầu như là một căn bệnh của khu vực, từ giai đoạn khởi đầu của “phép màu châu Á” vào những năm 60, cách đây hơn 30 năm. Chỉ trong một vài năm gần đây, một số quốc gia mới phát triển đã vay mượn quá nhiều ngoại tệ và điều đó đã gây rắc rối cho họ. Ngay cả sự vay mượn quá mức này cũng không thể dẫn đến tình trạng sụt giá tiền tệ nghiêm trọng như thế nếu không có sự góp mặt của hệ thống ngân hàng yếu kém, sự giám sát thiếu chặt chẽ và chính sách tỷ giá hối đoái sai lầm. Tập quán văn hóa xấu đã tăng thêm sự tổn thất; rất khó vạch trần và ngăn chặn những hành vi phạm pháp ở nơi mà hệ thống không minh bạch.

Nạn tham nhũng, gia đình trị và lạm quyền ở châu Á bị giới phê bình phương Tây chỉ trích như là bằng chứng về nhược điểm cơ bản trong “các giá trị châu Á”. Có nhiều hệ thống giá trị khác nhau ở châu Á như Ấn Độ giáo, Hồi giáo, Phật giáo, Nho giáo. Tôi có thể thảo luận duy nhất về các giá trị của Nho giáo. Tham nhũng và gia đình trị là một sự hạ thấp các giá trị của Nho giáo. Trách nhiệm của một người đàn ông theo đạo Khổng đối với gia đình và bạn bè là giúp đỡ họ bằng tư cách cá nhân của anh ta chứ không phải bằng tư cách của một viên chức chính quyền. Có quá nhiều viên chức sử dụng quyền hạn chức vị của mình để bao che cho gia đình và bạn bè, phá hoại sự liêm chính của chính quyền. Nơi nào mà các hệ thống minh bạch của nó có thể kiểm tra và ngăn chặn được sự lạm quyền cùng với những đặc quyền đặc lợi, như ở Singapore và Hong Kong (cả hai đều là thuộc địa của Anh trước kia), thì những lộng hành như thế rất hiếm. Singapore khắc phục cơn khủng hoảng tốt hơn bởi vì không có nạn tham nhũng và sự bao che bóp méo sự phân phối các nguồn vốn, các công chức chỉ là người giám sát chứ không tham gia vào thị trường. Tuy nhiên, ở các quốc gia bị rối loạn, quá nhiều chính trị gia và công chức đã sử dụng quyền lực và trách nhiệm của mình không phải để đem lại lợi ích cho công chúng mà là một cơ hội để thu lợi cá nhân. Vấn đề trở nên tồi tệ hơn khi nhiều nhà lãnh đạo chính trị và các viên chức của họ đã từ chối chấp nhận lời phán quyết của thị trường. Trong một thời gian dài, họ đổ lỗi cho kẻ đầu cơ và những kẻ âm mưu phá giá. Sự phủ nhận giả tạo của họ đã khiến cho nhiều nhà đầu tư nản lòng.

Không một nhà lãnh đạo nào nhận ra sự liên quan của thị trường tài chính mang tính toàn cầu hóa với việc truyền tin nhanh chóng giữa các trung tâm tài chính lớn của thế giới – New York, London và Tokyo – và đại diện của họ ở các thủ đô của Đông Á. Luồng vốn chảy vào từ các quốc gia công nghiệp không chỉ mang lại mức tăng trưởng cao mà còn bao hàm cả nguy cơ chảy ra đột ngột của chúng. Mỗi thủ đô – Bangkok, Jakarta, Kuala Lumpur, Seoul – đều có hàng trăm ngân hàng quốc tế đặt trụ sở được sự hỗ trợ của các nhân viên người địa phương xuất thân từ cộng đồng. Bất kỳ bước đi sai lầm nào của chính phủ lập tức được phân tích và báo cáo cho khách hàng của họ trên toàn thế giới. Vậy mà Suharto đã hành động y như thể vẫn còn ở thời kỳ của những năm 60, khi mà thị trường tài chính bị cô lập hơn và thời gian phản hồi chậm chạp hơn nhiều.

Thật sự phép màu châu Á phải chăng chỉ là ảo ảnh? Trong nhiều thập kỷ trước khi các công ty trong khu vực vay mượn tiền từ các ngân hàng quốc tế, các quốc gia này đã có tỷ lệ tăng trưởng cao, lạm phát thấp và ngân sách ổn định. Các nước nông nghiệp lạc hậu đã duy trì được sự ổn định, tích lũy tiết kiệm, và thu hút đầu tư từ các nước phát triển. Người dân của họ làm việc chăm chỉ và có mức tiết kiệm cao từ 30% đến 40%. Họ đầu tư vào cơ sở hạ tầng, tập trung cho giáo dục và đào tạo. Họ có những doanh nhân dám nghĩ dám làm cùng với một chính phủ thực tiễn và chú trọng đến kinh tế. Những nền tảng kinh tế của họ vững chắc. Đến năm 1999, hai năm sau cuộc khủng hoảng, sự hồi phục lại bắt đầu. Những khoản tiết kiệm cao giữ cho mức lãi suất thấp và tạo ra kết quả phản hồi sớm. Các nhà đầu tư nước ngoài trở nên lạc quan và quay về với thị trường chứng khoán, làm tăng tỷ giá hối đoái. Điều này có thể khiến cho một số nước trì hoãn việc tái cơ cấu các doanh nghiệp và hệ thống ngân hàng, và có thể sẽ phải trả giá đắt trong tương lai bởi cuộc khủng hoảng mới.

Tất cả các nhà lãnh đạo Đông Nam Á đều bị sốc đến tận tâm can trước sự tàn phá đột ngột tiền tệ, thị trường chứng khoán và giá trị tài sản của quốc gia họ. Phải mất một thời gian để lặp lại trật tự. Điều này sẽ xảy ra và nhu cầu hợp tác để tăng sức ảnh hưởng của các quốc gia Đông Nam Á khi thương lượng với các cường quốc như Trung Quốc, Nhật Bản và Mỹ sẽ khiến họ xích lại gần nhau hơn trong khối Asean. Các nhà lãnh đạo Mỹ và châu Âu sẽ tiếp tục tỏ ra thông cảm và giúp đỡ nhưng phải mất một thời gian để khôi phục lại lòng tin của họ đối với năng lực của các nhà lãnh đạo trong khu vực.

Từ sự thất bại này, các nhà lãnh đạo Asean sẽ rút ra được bài học để xây dựng một hệ thống tài chính ngân hàng mạnh mẽ hơn bằng những quy định hợp lý và được giám sát chặt chẽ. Các nhà đầu tư sẽ quay lại bởi vì các nhân tố cho sự tăng trưởng cao vẫn sẽ được duy trì trong 10 đến 20 năm nữa. Thói bao che dung túng và nạn tham nhũng khó có thể xóa bỏ hoàn toàn; nhưng bằng hệ thống luật pháp và sự giám sát hiệu quả, những hành vi này có thể bị hạn chế. Không có khả năng xảy ra một cơn suy thoái khác khi mà người ta vẫn chưa quên hậu quả tai hại của cuộc khủng hoảng này.

Trong vòng một thập niên, 5 nước thành viên đầu tiên của Asean sẽ phục hồi lại sự tăng trưởng và trong khó khăn này sẽ xuất hiện nhiều nhà lãnh đạo tài năng mới được kính trọng.

Còn một bài học sâu sắc hơn được rút ra từ cuộc khủng hoảng này. Trong một nền kinh tế mang tính toàn cầu hóa, nơi mà nước Mỹ và châu Âu đặt ra những luật lệ thông qua khối WTO và các tổ chức đa phương khác, thật lãng phí khi sử dụng vốn mà không xét đến cung cầu thị trường như Nhật Bản và Hàn Quốc đã làm. Để cấp vốn cho các tập đoàn lớn của Nhật Bản và Hàn Quốc trong việc mở rộng chiếm lĩnh thị phần nước ngoài, chính phủ của họ đã trích ra một số lượng tối đa từ tiền tiết kiệm của người dân. Thông qua hệ thống ngân hàng, số tiền tiết kiệm được chính phủ rót cho các công ty tập đoàn cụ thể nhằm chiếm lĩnh thị phần cho những sản phẩm được chỉ định. Chính sách này thường dẫn đến các ngành công nghiệp kém hiệu quả. Khi họ đang đuổi theo cho kịp với các nước tiên tiến, họ có thể quyết định nên đầu tư vào ngành công nghiệp nào. Hiện tại, khi họ đã bắt kịp với các nước phương Tây, lại không dễ dàng chút nào để chọn lựa một sự thành công. Giống như mọi người khác, họ sẽ phải phân phối nguồn vốn phù hợp với những tín hiệu của thị trường. Thật sai lầm khi cho rằng Nhật Bản và Hàn Quốc đã mất đi những ưu điểm vốn có của nó. Những thành tích trong quá khứ của họ cho thấy, họ sẽ tái thiết cơ cấu và học cách vận hành dựa trên nền tảng của lợi nhuận và tỷ suất lợi nhuận.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Nhấn vào giữa màn hình để hiển thị Tùy chọn đọc.
Theo dõi Đọc Sách Hay trên Facebook, mỗi ngày chúng tôi cập nhật những cuốn sách, truyện hay nhất!
Hồi Ký Lý Quang Diệu - Tập 2: Bí Quyết Hóa Rồng Chương 20: Đông Á Trong Cuộc Khủng Hoảng 1997–1999

Có thể bạn thích