Hồi Ký Lý Quang Diệu - Tập 2: Bí Quyết Hóa Rồng
Chương 17: Xây Dựng Quan Hệ Với Thái Lan, Philippines Và Brunei

THÁI LAN

Những ấn tượng đầu tiên của tôi về người Thái được cảm nhận từ những lần dừng chân tại Bangkok trên đường đi và về từ London trong những năm 50. Sau đó, trong những chuyến viếng thăm tháp tùng Tunku trong những năm 1962–1963, tôi bị ấn tượng bởi phẩm chất của những người chịu trách nhiệm về chính sách đối ngoại của họ. Bộ Ngoại giao Thái đã tuyển mộ những người giỏi và sáng giá nhất, được đào tạo tại những trường đại học ở Anh, châu Âu, châu Mỹ Latinh. Họ được phục vụ tốt, lương cao, được trọng vọng, bởi vì họ đã ra nước ngoài vào thời điểm mà du lịch còn hiếm hoi. Các nhân viên quản lý trong nước không sánh được với phẩm chất của các nhân viên ngoại giao. Họ cần lực lượng tốt nhất để chống lại sự xâm lấn của người Anh từ Miến Điện và người Pháp từ Đông Dương. Thái là đất nước Đông Nam Á duy nhất chưa từng bị làm thuộc địa.

Tôi gặp Thủ tướng Nguyên soái Thanom Kittikachorn tại Bangkok năm 1966. Ông là người ủng hộ trung thành cho sự can thiệp của Mỹ vào Việt Nam, nhưng vào khoảng tháng 1/1973, ông bảo tôi rằng ông tin rằng về lâu dài, việc Mỹ rút lui hoàn toàn khỏi Đông Dương là điều không thể tránh khỏi. Ông muốn thấy sự hòa hợp trong vùng bằng cách đưa các nước Đông Dương như Bắc và Nam Việt Nam, Lào, Campuchia và cả Miến Điện vào khối Asean, tuy nhiên chỉ sau khi có sự ngừng bắn thật sự của Bắc Việt Nam.

Thanom không phải là một người phức tạp. Ông trung thành với bạn bè và đồng minh. Ông đối xử với tôi như bạn và chúng tôi trao đổi quan điểm một cách thẳng thắn và thoải mái. Ông lo lắng vì sự hỗ trợ của Thái dành cho người Mỹ, kể cả việc cho họ sử dụng các căn cứ không quân rộng lớn mà từ đó lực lượng không quân Mỹ đã đánh bom miền Bắc Việt Nam – mối thù và sự báo thù của người Việt Nam không dễ dàng xóa bỏ được. Ông ta than vãn một thực tế là người Mỹ đang đánh nhau với một tay bị cột sau lưng; họ tấn công miền Bắc Việt Nam chỉ bằng không quân và tiến hành chiến tranh phòng thủ ở miền Nam Việt Nam, một chiến lược không bao giờ thắng. Tất cả những gì mà họ kỳ vọng là không thua. Người Thái đang điều chỉnh cho phù hợp với những thực tế mới mẻ này.

Vào tháng 10 năm đó, các cuộc biểu tình lớn ở Bangkok yêu cầu một thể chế dân chủ hơn dẫn đến sự ra đi của Thanom đến nước Mỹ. Ông và vợ không vui khi sống trong một căn hộ ở Boston. Họ nhớ những miền nhiệt đới ấm áp, bạn bè và người thân và nhiều món ăn Thái đầy gia vị.

Vào tháng 12/1974, Thanom bay về Bangkok mà không hề thông báo. Chính quyền Thái muốn đưa ông trở lại Mỹ, nhưng ông từ chối rời khỏi trừ khi người cha già yếu của ông đi cùng ông đến một nơi gần hơn so với Mỹ. Tôi đồng ý với đề nghị của chính phủ Thái cho phép Thanom cư trú ở Singapore nhưng với một điều kiện là ông không được dính líu đến các hoạt động chính trị trong suốt thời gian cư trú. Tôi cho rằng đó là một lợi thế nếu Singapore có thể trở thành một nơi ẩn náu trung lập như Thụy Sĩ ở châu Âu.

Khi tôi mời ông, vợ ông, con gái cùng con rể, những người đã cùng ở với ông ở Boston dùng cơm tối, ông đã kể lại những tai ương khi bị lưu đày trong cái lạnh không quen ở xứ New England, cái cảm giác bị cách ly và những người hàng xóm phàn nàn về hơi cay của món cà ri Thái. Ở Singapore, ông có được nhiều người thân và bạn bè và lối sống của chúng tôi không quá xa lạ. Nhưng chính phủ Thái (qua ban nhân viên đại sứ quán và các quan chức khác ở Singapore) vẫn theo dõi, cảnh giác vì cuộc vận động chính trị có thể xảy ra qua những người khách Thái và ông.

Thanom trở về Bangkok hai năm sau trong chiếc áo thầy tu, tuyên bố trước dư luận rằng ông muốn gia nhập tu viện và được các thành viên Hoàng gia Thái Lan đón chào. Thời của ông đã qua rồi và ông không bao giờ trở lại cầm quyền nhưng ông cố thuyết phục chính phủ Thái trả lại một phần lớn những tài sản của ông đã bị kê biên hoặc bị tịch thu. Đó là kiểu Thái, không đối đầu thẳng thừng tàn bạo nếu có thể thỏa hiệp. Khoan dung là một đặc trưng chủ yếu của Phật giáo.

Cuộc tổng tuyển cử diễn ra trước đó vào năm 1975 đã đưa Kukrit Pramoj, một người theo chế độ quân chủ truyền thống, lên làm thủ tướng. Ông đứng đầu một liên minh mà trong đó Đảng Hành động xã hội của ông chỉ có 18 trong số 140 ghế. Thái Lan cần ông để đối phó với chiến thắng sắp xảy đến của Bắc Việt Nam trên khắp Nam Việt Nam. Tôi thấy ông khôn ngoan và bình tĩnh, với một khiếu hài hước sắc sảo nếu không nói là tinh quái và hiểm độc. Nhưng ông có thể nhẹ dạ. Với giọng nói lưu loát, khuôn mặt và đôi tay diễn cảm, ông không gây ấn tượng cho tôi là một người có mục đích chính trị nghiêm túc. Ông đã hành động như vị Thủ tướng trong bộ phim Người Mỹ Trầm Lặng của Holywood. Ông đã ly dị, sống yên lành trong ngôi nhà gỗ teak kiểu Thái cổ, rộng rãi, hấp dẫn ở trung tâm Bangkok, nơi ông chiêu đãi tôi bữa tối ngoài trời.

Trong cương vị một nhà hoạch định chính sách, Kukrit làm tôi lo lắng. Tôi thăm ông tại Bangkok vào ngày 17/4/1975, một tuần sau khi Khmer Đỏ chiếm Phnom Penh và hai tuần trước khi Sài Gòn thất thủ. Ông không nói gì nhiều về vị thế của Thái Lan. Đại sứ của chúng tôi, người đã được nuôi dưỡng ở Thái, hiểu biết về nền văn hóa và các nhà lãnh đạo của Thái, cho rằng người Thái vẫn còn đang dò dẫm tìm một chính sách đối ngoại mới. Tôi đã viếng thăm họ vào một thời điểm căng thẳng nhất. Kukrit nói rằng các căn cứ Mỹ nên ra đi trong vòng một năm. Ông không còn tin tưởng vào nước Mỹ nữa và sự có mặt của họ, trở thành một “bia ngắm” hơn là một “thành trì”, gây khó xử và làm tổn hại cho Thái Lan. Tôi nói chúng ta không nên tuyệt giao với Mỹ. Quốc hội Mỹ sẽ thay đổi thái độ khi những sự phát triển đến với họ. Quan điểm của Singapore là sự có mặt của Hạm đội 7 của Mỹ làm mối quan hệ giữa Singapore với Trung Quốc và Liên Xô dễ dàng hơn. Không có nó, ảnh hưởng của Nga sẽ áp đảo. Khi những người Xô Viết muốn Singapore cho phép họ trữ dầu cho đoàn thuyền đánh cá trên một trong các hòn đảo ngoài khơi của chúng tôi, thì chúng tôi bảo họ hãy mua dầu từ các công ty dầu của Mỹ ở Singapore. Nếu không có Hạm đội 7, chúng tôi không thể nào đưa ra một lời đáp như vậy.

Hai tuần sau khi Kukrit thăm Bắc Kinh vào đầu tháng 7, ông đến Singapore.

Quan điểm của Kukrit là chúng tôi (Asean) phải vững vàng, mạnh mẽ và đóng vai trò làm “người anh lớn đối với các nước Đông Dương”. Chúng tôi có thể giúp họ mọi thời điểm bằng nhiều cách để họ thoát khỏi đói kém. Chúng tôi phải thể hiện ảnh hưởng, sức mạnh và sự đoàn kết của mình và thỉnh thoảng mời họ tham gia các lễ hội ca múa nhạc. Quan điểm của ông về Bắc Việt Nam đã trở nên cứng rắn hơn sau khi gặp gỡ họ ở Bangkok, nhưng quan trọng hơn, là sau chuyến thăm Trung Quốc của ông. Người Thái trở nên nhanh nhẹn và lanh lợi khi bảo vệ chủ quyền của họ.

Ông thuật lại cho tôi những gì Chu Ân Lai nói với ông về tôi: “Tôi ngạc nhiên về ông ta (ám chỉ là tôi). Ông ấy cùng dòng máu với tôi. Tại sao ông ta lại sợ Trung Quốc nắm quyền ở Singapore? Vấn đề lớn hơn của ông ta là ngăn chặn người Trung Quốc quay về Singapore.” Tôi bảo Kukrit nói với Chu rằng tôi không lo lắng gì về việc người Hoa trở về Singapore, hay người Hoa ở Singapore muốn trở về Trung Quốc, hay Trung Quốc nắm quyền ở Singapore. Đối với Trung Quốc thì Singapore quá nhỏ bé và các vấn đề mà nó tạo ra sẽ không có giá trị gì. Mối bận tâm của tôi là những thông điệp chúc mừng mà Trung Quốc gởi cho Đảng Cộng Sản Malaya và Đảng Cộng Sản Indonesia vào những ngày kỷ niệm của họ. Những việc này đã làm nảy sinh sự căm ghét và sự oán thù to lớn ở Kuala Lumpur và Jakarta và tôi không muốn sự thù địch này lây sang tôi chỉ bởi vì tôi có cùng dòng máu với Chu Ân Lai. Tôi hỏi một cách cường điệu rằng liệu Trung Quốc có thể giúp đỡ Singapore nếu nó va chạm với Indonesia không. Kukrit, trong một lúc ác ý, để lộ điều này cho báo chí Bangkok.

Người kế nhiệm Kriangsak là Tướng Prem Tinsulanonda. Là một người độc thân, đặc biệt lương thiện, ông đã dẫn dắt chính phủ hầu như thoát khỏi nạn tham nhũng. Suốt tám năm ông làm Thủ tướng (1980–1988), Thái Lan thịnh vượng, nền kinh tế cất cánh mặc cho chiến tranh ở Campuchia. Ông là một lãnh đạo nguyên tắc và đáng tin cậy, người giữ một đường lối nhất quán, ít nói, không lý thuyết suông mà thực tế. Ông được nhà vua tin tưởng. Tiếng Anh của ông không giỏi bằng Kukrit nhưng khả năng chiến lược tốt hơn. Lối ăn mặc và cư xử giản dị phản ánh tính kỷ luật tự giác của ông và một lối sống đạm bạc, gần như là khắc khổ. Quan hệ cá nhân giữa chúng tôi tiến triển tốt. Thỉnh thoảng ông nhìn tôi một cách chăm chú và nghiêm trang, nói rằng: “Tôi đồng ý với ông. Ông là người bạn tốt của nước Thái”.

Ngoại trưởng của ông, Siddhi Savetsila, là một Nguyên soái Không quân, có bằng cao học của Viện Nghiên cứu Kỹ thuật Massachusetts. (Những chỉ huy không lực của họ thường được đào tạo rất tốt).

Ngoài ra, Siddhi không chỉ có trí tuệ. Có tài và cứng rắn, ông có một tính cách mạnh mẽ và một sự kiên định vì mục đích. Ông thuộc dòng dõi pha trộn giữa Thái và châu Âu, nước da trắng, nét mặt nửa Âu nửa Á, nhưng ông được người Thái chấp nhận như một người Thái trung thành.

Khi Tướng Chatichai Choonhavan trở thành Thủ tướng vào tháng 8/1988, ông nói về việc biến Đông Dương từ một chiến trường thành thị trường. Siddhi tiếp tục là Ngoại trưởng cho Chatichai nhưng vị trí của ông sớm lung lay. Chatichai luôn đối lập công khai với ông, cho đến khi Siddhi từ chức.

Chatichai khi còn là Ngoại trưởng trong chính phủ Kukrit, có một lần nói với tôi rằng khi ông đến thăm vùng bầu cử của mình ở miền quê phía Đông Bắc, ông đã lái chiếc Porsche đắt tiền, mạnh mẽ. Hỏi tại sao, thì được ông trả lời rằng, nếu đi trên một chiếc xe hơi bình thường, nông dân sẽ không tin là ông ta có thể giúp họ. Trên chiếc Porsche, họ biết ông là người giàu có tiền của để giúp họ. Ông không giải thích những điều mà tôi đã đọc từ các báo rằng, thường những người trưởng làng được trả tiền để họ phân phát các lá phiếu đến tay dân làng.

Chatichai là một nhân vật hấp dẫn. Sau một số dính líu trong vụ đảo chính vào những năm 60, ông bị trục xuất sang Argentina và sau đó sang Thụy Sĩ, nơi ông sở hữu một biệt thự. Ông du lịch nhiều năm ở châu Âu trên những chiếc xe tốc độ và tận hưởng cuộc sống. Khi là Thủ tướng, chính phủ của ông mang tiếng là ăn hối lộ nhiều nhất trong lịch sử Thái. Sự hối lộ được chấp nhận ở Thái như là quy luật tự nhiên. Chỉ vào giữa thập niên 90, giới trung lưu trí thức đang lên đã không yên tâm về nạn tham nhũng đầy rẫy. Họ cần một lượng lớn tiền để tiến hành bầu cử. Những nhà lãnh đạo đảng phải tài trợ cho các ứng cử viên của đảng mình, nhưng sau cuộc tuyển cử các lãnh đạo và nghị sĩ phải kiếm chác lại số tiền đó. Đây là con đường chính trị tiền bạc kiểu Thái. Ở Nhật, các hợp đồng xây dựng được dùng để trả chi phí bầu cử. Ở Thái, hợp đồng nào cũng phải có đút lót, nếu không sẽ không có quỹ cho cuộc bầu cử tới.

Trong chuyến thăm kế tiếp của tôi vào tháng 1/1998, trên bàn thảo luận, Thủ tướng Chuan Leekpai, Phó thủ tướng và Bộ trưởng Tài chính cho thấy họ nhận thức được việc cần thiết phải hợp tác với IMF để phục hồi niềm tin ở Thái Lan. Vào năm 1999, họ đã cải thiện vị trí của Thái đối với IMF và các nhà đầu tư quốc tế.

PHILIPPIN

Philippin là một thế giới tách biệt khỏi chúng tôi, một nền chính trị khác và một chính phủ dưới cái “dù” quân đội Mỹ. Mãi tới tháng 1/1974 tôi mới đến thăm Tổng thống Marcos tại Manila. Khi phi cơ hãng hàng không Singapore chở tôi bay vào không phận Philippin, thì một tốp phản lực chiến đấu không lực Philippin hộ tống tôi đến phi trường Manila. Ở đó, Marcos tiếp đón tôi một cách long trọng – theo phong cách người Philippin. Tôi được nghỉ tại phòng khách trong dinh thự Malacanang, những căn phòng được bài trí xa hoa, những tác phẩm nghệ thuật có giá trị được mang về từ châu Âu treo rải khắp nơi. Gia chủ của chúng tôi tử tế, cực kỳ hiếu khách, phô trương. Hơn nghìn dặm biển cả đã chia cách chúng tôi. Nơi đó không có sự cọ xát và giao thương thì ít ỏi. Chúng tôi chơi gôn, nói về tương lai của Asean và hứa sẽ giữ liên lạc.

Ngoại trưởng của ông, Carlos Romulo, là một người đàn ông nhỏ bé, cao khoảng cỡ 1,5m, hơn tôi khoảng 20 tuổi, với sự hóm hỉnh có sẵn và tự ti về chiều cao và các giới hạn khác của bản thân. Romulo là một cây bút sắc bén, có khiếu hài hước, hùng biện và là một người bạn ăn tối tuyệt vời bởi ông là người kể chuyện tiếu lâm rất hay với một vốn lớn các giai thoại và lời nhận xét hóm hỉnh. Ông không che giấu sự ngưỡng mộ to lớn của mình đối với Mỹ. Một trong những câu chuyện yêu thích của ông là về chuyến trở lại Philippin cùng tướng MacAthur. Khi MacArthur lội nước trên bờ biển Leyte, nước chỉ đến đầu gối ông ta nhưng lên tới ngực Romulo và ông phải bơi vào bờ. Danh tiếng tốt của ông đối với các lãnh đạo Asean và với người Mỹ đã làm tăng uy tín cho chính quyền Marcos. Marcos nhờ vào danh dự và sự liêm chính của Romulo để phủ lên một lớp áo ngoài đáng kính cho chế độ của ông ta khi nó bị tiếng xấu vào những năm 80.

Tại hội nghị thượng đỉnh Asean ở Bali năm 1976, tôi thấy Marcos hăm hở đẩy mạnh hợp tác kinh tế hơn nữa trong khối Asean. Nhưng chúng tôi không thể đi nhanh hơn các nước khác. Để tạo bước tiến, Marcos và tôi đồng ý thực hiện giảm 10% thuế quan hiện tại trên mọi sản phẩm của hai nước và tăng cường thương mại trong khối Asean. Chúng tôi cũng thỏa thuận đặt đường cáp ngầm dưới biển nối Philippin với Singapore. Tôi sau đó khám phá ra rằng đối với ông, bản thông cáo là một thành tựu, còn việc thực hiện nó chỉ là thứ yếu, vấn đề phụ sẽ được bàn luận tại hội nghị khác.

Chúng tôi gặp nhau 2, 3 năm một lần. Một lần ông đưa tôi đi thăm thư viện của ông tại Malacanang, những kệ chứa đầy các tờ báo được đóng thành tập nói về các hoạt động của ông suốt những năm từ khi ông ứng cử lần đầu tiên, có những quyển cỡ tự điển nói về lịch sử và văn hóa Philippin mà ông là tác giả. Những huân chương chiến công dành cho ông với tư cách là nhà lãnh đạo du kích kháng Nhật được trưng bày trong tủ kính. Ông là ông chủ không thể tranh cãi của toàn dân Philippin. Imelda, vợ ông, có sở thích xa hoa và giàu sang. Khi đến Singapore trước hội nghị thượng đỉnh ở Bali, họ xuất hiện sang trọng trong hai chiếc DC8, một của ông và một của bà.

Marcos không coi Trung Quốc là mối đe dọa trong tương lai gần, không giống như Nhật. Ông không loại trừ khả năng có một Nhật Bản hiếu chiến, nếu hoàn cảnh thay đổi. Ông có những ký ức về nỗi sợ hãi mà quân đội đế quốc đã gây ra cho Manila.

Marcos cai trị theo quân luật, đã giam giữ thủ lĩnh đối lập Beningo Aquino – một người nổi danh là nhà vận động lôi cuốn và thuyết phục ngang với ông ta. Ông trả tự do cho Aquino và cho phép Aquino sang Mỹ. Vì tình trạng kinh tế ở Philippin xuống dốc, Aquino tuyên bố quyết định quay trở về. Bà Marcos tung ra hàng loạt những cảnh cáo ngầm. Khi máy bay đáp xuống sân bay Manila từ Đài Bắc vào tháng 8/1983, Aquino bị bắn lúc bước xuống máy bay. Cả một nhóm phóng viên nước ngoài với các phóng viên truyền hình đi cùng trên chuyến bay cũng không bảo vệ được ông.

Quốc tế phẫn nộ trước sự việc này và hậu quả là các ngân hàng nước ngoài tạm ngưng mọi khoản cho Philippin vay, lúc này đã nợ hơn 25 tỷ USD và không thể trả lãi đúng hạn. Điều này làm Marcos khốn đốn. Ông cử Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp, Bobby Ongpin, đến yêu cầu tôi khoản vay 300–500 triệu đôla Mỹ để thanh toán món tiền lãi. Tôi nhìn thẳng vào mắt ông ta và nói: “Chúng tôi sẽ không bao giờ thấy số tiền đó trở lại”. Hơn nữa, tôi nói thêm rằng mọi người đều biết Marcos lâm trọng bệnh và phải chịu sự điều trị liên tục cho căn bệnh gây hao mòn sức khỏe. Điều cần thiết lúc này là có một nhà lãnh đạo khỏe mạnh chứ không phải thêm tiền vay.

Sau đó không lâu, vào tháng 2/1984, Marcos gặp tôi ở Brunei trong lễ kỷ niệm mừng độc lập của Vương quốc Hồi giáo. Ông đã thay đổi lớn về thể chất. Dẫu ít húp híp hơn khi xuất hiện trên tivi, nước da ông đen như thể phơi nắng nhiều. Ông thở khó khăn khi nói, giọng yếu, ánh mắt mệt mỏi, tóc thưa. Trông ông yếu nhất từ trước tới nay. Một chiếc cứu thương với mọi dụng cụ cần thiết, một đội bác sĩ người Philippin túc trực bên ngoài nhà khách của ông. Marcos dành phần lớn thời gian kể cho tôi một câu chuyện hầu như không thực xung quanh việc Aquino bị bắn như thế nào .

Ngay khi tất cả các trợ lý rời khỏi, tôi vào thẳng vấn đề, rằng không một ngân hàng nào định cho ông ấy mượn tiền. Họ muốn biết ai sẽ kế nhiệm ông nếu có chuyện gì đó xảy đến với ông ấy, mọi chủ ngân hàng đều có thể thấy ông không còn khỏe nữa. Những ngân hàng Singapore đã cho vay 8 tỷ trong số 25 tỷ tiền nợ đó. Sự thật rành rành là họ không thể nhận lại số tiền hoàn trả trong 20 năm. Ông ta phản đối lại rằng chỉ cần 8 năm. Tôi nói các chủ ngân hàng muốn thấy một người lãnh đạo mạnh khỏe trong cộng đồng Philippin, người có thể khôi phục sự ổn định, và người Mỹ hy vọng cuộc bầu cử vào tháng 5 sẽ đưa ra được một người như thế. Tôi hỏi ông sẽ chỉ định ai ứng cử. Ông nói đó là Thủ tướng Cesar Virata. Tôi thẳng thừng. Virata là người không có cơ hội thắng cử, là nhà quản lý cấp cao nhưng không thể là nhà lãnh đạo chính trị, hơn nữa, người đồng nghiệp đầy mánh khóe chính trị của ông ta, Bộ trưởng Quốc phòng Juan Enrile không được tín nhiệm. Marcos im lặng, sau đó thú nhận rằng sự kế nhiệm là trọng tâm của vấn đề. Nếu ông có thể tìm được người kế nhiệm thì mọi việc sẽ được giải quyết. Khi tôi chia tay, ông bảo: “Ông là người bạn thật sự”. Tôi đã không hiểu ông ta. Đó là một cuộc gặp kỳ lạ.

Với sự chăm sóc thuốc thang, Marcos ráng lê tiếp nhiệm kỳ. Cesar Virata gặp tôi ở Singapore tháng 1 năm sau. Ông ta là một nhà chính trị non nớt, hoàn toàn ngây thơ. Ông ta nói bà Imelda có thể được đề cử cho danh hiệu ứng cử viên chức tổng thống. Tôi hỏi làm sao điều đó có thể xảy ra khi có rất nhiều ứng cử viên nặng ký khác, bao gồm Juan Enrile và Blas Ople, Bộ trưởng Lao động. Ông trả lời điều đó thực hiện với “dòng chảy của đồng tiền”, bà sẽ dùng nhiều tiền hơn các ứng viên khác để mua các phiếu ủng hộ cần thiết trong đảng và thắng cử. Ông thêm rằng, nếu bà ứng cử, phe đối lập sẽ đề cử Cory Aquino để đánh vào tâm lý người dân. Ông cho rằng kinh tế xuống dốc do không ổn định về chính trị.

Màn kết diễn ra vào tháng 2/1986 khi Marcos tổ chức cuộc bầu cử tổng thống và công bố rằng ông đã thắng cử. Cory Aquino, ứng cử viên phe đối lập, tranh cãi về vấn đề này và phát động chiến dịch bất tuân trong toàn dân. Bộ trưởng Quốc phòng Juan Envile rút lui và thú nhận có sự gian lận trong bầu cử, và người đứng đầu Sở cảnh sát, Trung tướng Fidel Ramos, theo gót ông ta. Một cuộc trình diễn lớn về “sức mạnh quần chúng” trên các đường phố Manila dẫn tới cuộc lật đổ ngoạn mục chế độ độc tài. Sự sỉ nhục cuối cùng là vào ngày 25/2/1986 khi Marcos và vợ chuồn khỏi lâu đài Malacanang trên trực thăng không lực Mỹ đến căn cứ không quân Clark rồi bay tới Hawaii. Sự kiện đầy kịch tính theo kiểu Hollywood này chỉ có thể xảy ra ở Philippin.

Bà Aquino tuyên thệ nhậm chức Tổng thống trong sự hân hoan. Tôi hy vọng rằng người đàn bà trung thực và ngoan đạo này sẽ giúp lấy lại niềm tin nơi dân chúng Philippin và đưa đất nước trở lại đúng đường. Tôi đến thăm bà vào tháng 6 năm đó, ba tháng sau sự kiện. Bà là người Thiên chúa sùng đạo, chân thành, muốn làm hết sức mình cho tổ quốc bằng cách thực hiện những gì mà bà tin rằng chồng bà sẽ làm nếu ông còn sống, đó là phục hồi nền dân chủ cho Philippin. Dân chủ sẽ giải quyết những vấn đề kinh tế xã hội của họ. Tại bữa tối, bà Aquino xếp Chủ tịch Hội đồng Hiến pháp – bà Chánh án Cecilia Munoz–Palma ngồi kế tôi. Tôi đã hỏi người đàn bà có học thức này rằng, những bài học nào mà hội đồng của bà học được từ kinh nghiệm suốt 40 năm qua kể từ lúc độc lập năm 1946 và sẽ chỉ dẫn bà trong việc phác thảo hiến pháp. Bà ta trả lời không chút lưỡng lự: “Chúng tôi sẽ không có bất cứ hạn chế hay giới hạn nào trong nền dân chủ của chúng tôi. Chúng tôi phải chắc rằng không một kẻ độc tài nào có thể xuất hiện lật đổ hiến pháp”. Có hay không sự xung khắc giữa sự phân chia quyền lực kiểu Mỹ với phong tục và tập quán của người Philippin gây ra vấn đề trong các đời tổng thống trước Marcos? Rõ ràng là không.

Những toan tính đảo chính không ngừng đã tăng thêm các vấn đề của bà Aquino. Quân đội và cảnh sát đã dính líu vào chính trị. Trước cuộc họp thượng đỉnh các nước Asean tháng 12/1987, một cuộc đảo chính được báo trước. Không có sự hỗ trợ cứng rắn của tổng thống Suharto, hội nghị ắt hẳn bị hoãn lại và lòng tin vào chính phủ Aquino bị xói mòn. Chính quyền Philippin đồng ý rằng trách nhiệm giữ an ninh nên được chia sẻ với các chính quyền thuộc Asean, đặc biệt là Indonesia. Tướng Benny Moerdani, trợ lý tin cậy của Suharto, lãnh nhiệm vụ. Ông điều một tàu chiến Indonesia vào giữa vịnh Manila, với trực thăng và đội biệt kích sẵn sàng ứng cứu những nguyên thủ quốc gia khối Asean nếu xảy ra đảo chính trong lúc diễn ra hội nghị thượng đỉnh. Tôi cũng được tính đến trong kế hoạch ứng cứu này. Tôi tự hỏi không biết một kế hoạch ứng cứu như vậy có hoạt động được hay không nhưng vẫn quyết định theo sự sắp xếp của họ, hy vọng rằng cuộc diễn tập của lực lượng sẽ xua tan ý định các thủ lĩnh đảo chính. Tất cả chúng tôi bị giữ trong khách sạn Philippin Plaza trên vùng bờ biển hướng thẳng ra vịnh Manila, từ đó chúng tôi có thể nhìn thấy chiến thuyền Indonesia đang neo đậu. Khách sạn bị phong tỏa hoàn toàn và được bảo vệ. Hội nghị kết thúc không có bất cứ rủi ro nào. Chúng tôi đều hy vọng rằng hình thức liên minh hỗ trợ chính quyền bà Aquino, vào thời điểm có rất nhiều mưu toan làm mất ổn định, sẽ làm dịu tình hình.

Điều đó chẳng mang lại kết quả gì. Những mưu toan đảo chính xuất hiện nhiều hơn, ngăn cản sự đầu tư thật sự cần thiết để tạo công ăn việc làm. Đây là điều đáng tiếc vì họ có rất nhiều người có khả năng, được đào tạo tại Philippin và ở Mỹ. Công nhân biết tiếng Anh, ít ra là ở Manila. Không có lý do gì khiến Philippin không thể trở thành một trong những quốc gia Asean thành công hơn. Vào những năm 50 và 60, nó là quốc gia phát triển nhất vì người Mỹ đã hào phóng trong việc phục hồi đất nước này sau chiến tranh. Một cái gì đó như là một chất keo gắn xã hội lại với nhau đang mất đi. Những người ở tầng lớp trên, những người lai tinh hoa có cùng một thái độ tách biệt đối với những người nông dân bản xứ giống như những người lai ở châu Mỹ Latinh đã từng đối xử với những người Lao động ở đồn điền của họ. Họ thuộc hai xã hội khác nhau: Những người trên đỉnh cao sống một cuộc sống xa hoa và tiện nghi cực điểm trong khi những người nông dân làm việc cực nhọc thì chỉ đủ ăn, và ở Philippin thì đó là một đời sống khắc nghiệt. Họ không có đất đai, chỉ làm việc trong các đồn điền dừa và các nhà máy đường. Họ có nhiều con vì nhà thờ ngăn cản các biện pháp kế hoạch hóa gia đình. Kết quả là nghèo đói cứ tăng dần.

Hiển nhiên là Philippin sẽ không bao giờ cất cánh trừ khi có sự viện trợ đáng kể của Mỹ. George Shultz, Ngoại trưởng Mỹ, đã thông cảm và muốn giúp đỡ nhưng nói rõ với tôi rằng Mỹ sẽ làm điều đó tốt hơn nếu Asean thể hiện sự ủng hộ bằng cách đóng góp vào. Mỹ không muốn thực hiện điều đó đơn độc và chấp nhận Philippin như vấn đề đặc biệt của Mỹ. Shultz muốn Asean đóng vai trò nổi bật hơn để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho tổng thống dành được nhiều phiếu cần thiết trong Quốc hội. Tôi thuyết phục Shultz khởi đầu dự án viện trợ thành công trong năm 1988, trước khi nhiệm kỳ thứ 2 của Tổng thống Reagan kết thúc. Ông đã làm. Có hai hội nghị bàn về trợ giúp đa phương (chương trình giúp đỡ Philippin): hội nghị đầu tiên ở Tokyo năm 1989 cam kết giúp 3,5 tỷ đôla Mỹ và hội nghị thứ hai ở Hong Kong năm 1991 dưới sự quản lý của Anh, cam kết giúp 14 tỷ đôla Mỹ. Nhưng tình hình bất ổn tại Philippin vẫn không giảm bớt. Điều này làm những nhà viện trợ do dự và hoãn việc thực thi các dự án.

Người kế nhiệm bà Aquino, Fidel Ramos, người được bà ủng hộ, thực tế hơn và thiết lập sự ổn định rộng lớn hơn. Tháng 11/1992 tôi viếng thăm ông. Trong một bài diễn văn nhân Hội nghị Thương mại Philippin lần thứ 18, tôi phát biểu: “Tôi không tin rằng dân chủ nhất thiết dẫn tới phát triển. Tôi tin rằng cái mà một đất nước cần để phát triển là kỷ luật hơn là dân chủ”. Tổng thống Ramos nói riêng với tôi là ông đồng ý với tôi rằng các thể chế kiểu Nghị viện Anh làm việc tốt hơn bởi đảng đa số trong cơ quan lập pháp cũng là chính phủ. Trước dư luận Ramos phải nói khác đi.

Ông biết rõ những khó khăn của việc cố gắng cai trị với sự chia sẻ nghiêm ngặt quyền lực kiểu Mỹ. Thượng nghị viện đã bác bỏ đề nghị giữ các căn cứ Mỹ của bà Aquino. Philippin có một giới báo chí năng động ồn ào nhưng nó không chặn được tham nhũng. Cá nhân các phóng viên báo chí cũng như nhiều quan tòa có thể bị mua chuộc. Cái gì đó đã hóa ra sai lầm nghiêm trọng. Hàng triệu đàn ông và phụ nữ Philippin phải rời bỏ đất nước để tìm việc ở nước ngoài không xứng với trình độ của họ. Những người Philippin chuyên nghiệp được chúng tôi tuyển dụng làm việc ở Singapore có trình độ tay nghề giỏi như người chúng tôi đào tạo. Thật vậy, kiến trúc sư, nghệ sĩ và nhạc công của họ còn khéo léo và sáng tạo hơn của chúng tôi. Hàng trăm nghìn người rời Philippin đến Hawaii và Mỹ. Đó là một vấn đề mà các phương thức hoạt động của một phiên bản Philippin theo hiến pháp Mỹ không dễ dàng tạo ra được giải pháp.

Sự khác biệt nằm ở nền văn hóa của người Philippin. Đó là một nền văn hóa mềm dẻo, khoan dung. Chỉ có ở Philippin thì mới có thể xem xét quốc tang cho một nhà lãnh đạo như Ferdinand Marcos – kẻ đã cướp bóc đất nước mình hơn 20 năm. Chỉ một phần lượng của cuộc cướp bóc đáng khinh được lấy lại, còn vợ con ông thì được cho phép trở về tham gia hoạt động chính trị. Họ ủng hộ các ứng cử viên Quốc hội và ứng viên tổng thống đang thắng thế với nguồn tài chính lớn lao và xuất hiện lại trên sân khấu chính trị và xã hội sau cuộc bầu cử 1998 – cuộc bầu cử mà đã bầu Tổng thống Joseph Estrada. Tướng Fabian Ver, Tổng tư lệnh của Marcos, người chịu trách nhiệm về an ninh khi Aquino bị ám sát, đã chạy trốn khỏi Philippin cùng Marcos năm 1986. Khi ông chết ở Bangkok, chính quyền Estrada đã đưa đội quân danh dự đến đám tang của ông. Tờ Today, một tờ báo Philippin, ra ngày 22/11/1998 viết: “Vèr, Marcos và những người còn lại của văn phòng tổng thống đã đẩy đất nước vào hai thập niên của dối trá, đau khổ và cướp bóc. Hơn một thập niên sau, đồng đảng và gia đình trực hệ của Marcos lại nhón chân trở lại đất nước này, từng người một – mỗi lần như vậy lại luôn luôn làm cho công chúng phản ứng và chán ghét, mặc dù họ cho thấy không gì mà tiền bạc ám muội và thói mặt dày không đương cự được.” Vài người Philippin viết và nói với sự hăng say. Nếu họ có thể khiến lớp người tinh hoa trí tuệ chia sẻ tình cảm và hành động của họ thì có gì mà họ không đạt được?

BRUNEI

Khi tôi đang hành nghề luật sư và xuất hiện trong các tòa án của họ vào giữa thập niên 50 thì Brunei là một vương quốc Hồi giáo êm ả, thanh bình và giàu dầu mỏ.

Vua Brunei (sultan), ngài Omar Ali Saifuddien mời tôi với tư cách là Thủ tướng cùng vị đứng đầu nhà nước của chúng tôi, Yusof Ishak đến dự lễ sinh nhật của ông vào tháng 8/1960. Ông là một người trầm lặng, nói năng mềm mỏng nhỏ nhẹ với một nụ cười quyến rũ thân thiện. Ông có rất ít bạn bè, bởi hầu như tất cả những ai muốn tiếp xúc với ông đều vì tiền. Tôi gặp ông vài lần ở London khi tôi đang thương thuyết những điều khoản cho Malaysia vào năm 1962 và 1963. Ông không bao giờ thấy thoải mái trước viễn cảnh sẽ trở thành một tiểu bang của Malaysia. Phần lớn các thu nhập từ dầu mỏ của ông sẽ đi thẳng vào chính phủ liên bang, và ông không tin rằng sự quan tâm đặc biệt mà Tunku đang dành cho ông sẽ kéo dài một khi ông ở Malaysia: Ông sẽ chỉ là một trong nhiều sultan của Malaysia. Tôi đưa ra những lý giải tại sao Singapore muốn gia nhập liên bang nhưng để mặc ông tự quyết định. Ông có nhiều cố vấn pháp luật, nhưng ông đã đưa ra một quyết định chính trị là vẫn ở ngoài chứ không gia nhập liên bang. Nhìn lại, đó là một quyết định hợp lý. Người Anh vẫn ở lại từ năm 1963 cho đến tháng 2/1984 thì họ trao trả độc lập cho Brunei.

Trong một chuyến viếng thăm Singapore sau khi chúng tôi tách khỏi Malaysia, ngài Omar cười to với hàng ria mép quắp lên và cặp mắt ánh lên và nói với tôi: “Bây giờ các anh cũng như Brunei. Điều đó tốt cho các anh hơn.” Sự thật, chúng tôi chia sẻ một vài mối quan tâm chung: các nước bé bị các láng giềng lớn bao quanh. Tôi không thèm muốn sự giàu có của ông, không bao giờ mượn tiền ông. Tôi chỉ đưa ra lời khuyên khi ông yêu cầu. Ông tin tưởng tôi.

Vào năm 1967, sau khi Malaysia chấm dứt hệ thống tiền tệ chung thì các thành viên của nó, Malaysia, Brunei và Singapore, đã đồng ý đồng tiền mới của chúng tôi có thể được chuyển đổi ngang giá. Thỏa thuận này kết thúc vào năm 1973, vị quốc vương sultan già quyết định giữ lại những thỏa thuận này với đồng tiền Singapore được chuyển đổi ngang giá. Ông là một sultan thanh đạm nhất, hoàn toàn khác với các sultan khác trong khu vực. Ông đem lại cho Brunei một ý thức kỷ luật tài chính và bắt đầu việc tích góp các tài sản khổng lồ được các nhân viên của quốc vương ở London quản lý.

Khi chính phủ Anh bắt ép ông tiến hành những sửa đổi hiến pháp hướng về nền dân chủ, thì ông trì hoãn và kéo dài thời gian bằng cách thoái vị vào năm 1967 và nhường ngôi cho con trai lớn của ông – Hassanal Bolkiah – khi đó là một chàng trai trẻ được đào tạo ở Sandhurst. Ông mất nhiều thời gian nghĩ cách giữ người Anh ở Brunei làm người bảo hộ. Ông từ chối dính líu về bất cứ điều gì với Indonesia hay Malaysia. Ông nghi ngờ người Indonesia ủng hộ Azahari, thủ lĩnh đảng Nhân Dân Brunei cầm đầu cuộc nổi loạn tháng 12/1962. Ông cảnh giác với người Malaysia vì các sĩ quan Malaysia được phái đến làm việc ở Brunei cuối thập niên 50 đầu thập niên 60 đã có thái độ kẻ cả với các sĩ quan Brunei, đối xử với họ như đàn em. Tôi đã cẩn thận không để cho bất kỳ quan chức Singapore nào được chuyển công tác đến Brunei trong bất cứ khoảng thời gian nào, và nếu có ai được cử đi, phải bảo đảm rằng anh ta đã được thông báo cặn kẽ để đối xử với người Brunei đúng mực và lịch sự.

Tại cuộc họp riêng vào tháng 3/1979, tôi thuyết phục ngài Omar – cựu Quốc vương hay là Seri Begawan như người ta vẫn gọi ông sau khi thoái vị – gia nhập vào Asean trước khi Brunei độc lập vào năm 1984. Tôi nói rằng cả Tổng thống Suharto của Indonesia và Thủ tướng Hussein Onn của Malaysia đều thân thiện và có thiện ý với Brunei. Ông đồng ý xem xét việc kiếm vị trí quan sát viên cho Brunei trong Asean, nhưng việc này không đi đến kết quả. Tôi giải thích cho ông hiểu thế giới đã thay đổi như thế nào. Ngài Omar vẫn giữ sự tin tưởng tuyệt đối vào người Anh, rằng họ sẽ luôn luôn ở lại để hậu thuẫn cho ông. Ông không muốn nhìn nhận tình hình chuyển biến của nước Anh, rằng không có lực lượng đặc nhiệm không quân hay hải quân Anh đến cứu giúp Brunei.

Sau khi Thatcher trở thành Thủ tướng, các Bộ trưởng Anh đến thăm thường đưa vấn đề Brunei ra bàn với tôi. Chính phủ của bà muốn chấm dứt việc bảo hộ bằng cách thuyết phục quốc vương tổ chức bầu cử, trở thành một nước quân chủ hiện đại hơn và độc lập. Tôi cố gắng hết sức để thúc giục Seri Begawan, ngài Omar và Quốc vương xúc tiến nhanh nhưng họ không để bị thuyết phục. Chính phủ Anh cuối cùng kết luận rằng bất chấp Brunei có chính quyền đại diện hay không, nó sẽ phải chịu trách nhiệm về tương lai của chính nó. Nước Anh sẽ tiếp tục ủng hộ chống lại sự đe dọa từ bên ngoài bằng cách giữ một quân đoàn Gurkha mà Brunei phải trả chi phí hoạt động. Tôi cũng thuyết phục Đức ông Carrington vào năm 1979, ngay sau khi ông trở thành Ngoại trưởng hãy cứng rắn với các quan chức Anh muốn kéo dài thời gian lưu trú ở Brunei. Họ đang ngăn cản các quan chức Brunei, hầu hết được giáo dục đào tạo ở Anh thu thập kinh nghiệm cần có để quản lý đất nước. Sau cuộc hội đàm đó, Anh đã có một thay đổi chính sách quan trọng. Đến năm 1984, khi Brunei độc lập, hầu hết các vị trí cao cấp đều do người Brunei bản địa nắm giữ.

Năm 1980 tôi đã nêu một vấn đề về khả năng trở thành thành viên Asean của Brunei khi nó độc lập với Tổng thống Suharto. Suharto nói ông sẽ đón chào Brunei nếu nó muốn gia nhập. Lúc đó tôi thuyết phục Quốc vương nhìn xa hơn quan điểm của cha ông coi Asean không quan trọng; ông nên thăm Tổng thống Suharto và các nhà lãnh đạo khác của Asean. Cuối cùng ông đã thực hiện chuyến thăm vào tháng 4/1981. Suharto chào đón ông nồng nhiệt ở Jakarta. Quốc vương sau đó đi thăm Malaysia và Thái Lan. Khi Brunei gia nhập khối Asean vào năm 1984, tư cách thành viên Asean đã cho quốc gia này một chiếc dù để bảo vệ an ninh và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho quốc vương hòa hợp với các láng giềng của ông.

Brunei có được hòa bình và ổn định từ khi có độc lập. Quốc vương đã trưởng thành trong sự tự tin. Hoàng tử Mohamed trở thành Bộ trưởng Ngoại giao có tri thức hiểu biết và các quan chức Brunei cao cấp có được nhiều dịp tiếp xúc với các hội nghị quốc tế và quen dần công việc của mình. Vị Seri Begawan, người đã qua đời năm 1986, chắc chắn sẽ hài lòng với các kết quả này.

Tình hữu nghị giữa người cha của Quốc vương và tôi vẫn được kế tục bởi vị Quốc vương hiện nay, anh em ông và các Bộ trưởng với Thủ tướng Goh và các đồng nghiệp của Goh. Đó là mối quan hệ của sự tin tưởng và trung thành cực kỳ tốt đẹp.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Nhấn vào giữa màn hình để hiển thị Tùy chọn đọc.
Theo dõi Đọc Sách Hay trên Facebook, mỗi ngày chúng tôi cập nhật những cuốn sách, truyện hay nhất!
Hồi Ký Lý Quang Diệu - Tập 2: Bí Quyết Hóa Rồng Chương 17: Xây Dựng Quan Hệ Với Thái Lan, Philippines Và Brunei

Có thể bạn thích