Trong chuyến viếng thăm đầu tiên của tôi đến Ủy ban nhân dân thành phố Bắc Kinh năm 1976, trong phòng khách nơi tiếp đón chúng tôi có rất nhiều ống nhổ. Một vài nhà lãnh đạo Trung Quốc thật sự sử dụng chúng. Năm 1978, khi Đặng Tiểu Bình đến thăm Singapore, chúng tôi đã chuẩn bị một ống nhổ màu trắng xanh đời Minh. Mặc dù chúng tôi đã đặt nó sát bên ghế của ông ta trong phòng họp, nhưng ông ta không sử dụng nó. Dường như ông ta biết rằng người Singapore gốc Trung Quốc không nhổ. Năm 1980, trong chuyến viếng thăm kế tiếp tại Bắc Kinh, tôi thấy các ống nhổ được chuyển đi khỏi Ủy ban. Vài năm sau, khi tôi dùng bữa tối với Gu Mu, ủy viên hội đồng nhà nước chịu trách nhiệm về kinh tế tại Singapore, tôi đã đề cập đến vấn đề rằng họ đã ngừng sử dụng các ống nhổ tại Ủy ban. Ông ta cười và nói rằng họ đã loại bỏ chúng khỏi phòng họp nhưng vẫn còn sử dụng chúng trong văn phòng. Đó là một hủ tục lâu đời khó bài trừ.

Trong những năm 60, tôi đã khởi xướng một cuộc vận động chống khạc nhổ. Nhưng thậm chí trong những năm 80, một vài tài xế tắc xi vẫn khạc nhổ ra khỏi cửa sổ và một vài người vẫn khạc nhổ trong chợ và các trung tâm ăn uống. Tôi vẫn bền lòng và tiếp tục phổ biến thông báo vào các trường học và trên khắp phương tiện thông tin đại chúng rằng khạc nhổ sẽ làm lây lan dịch bệnh như ho lao chẳng hạn. Ngày nay chúng ta thấy rằng ít người khạc nhổ nơi công cộng. Chúng tôi là một cộng đồng di cư, những người đã rời bỏ nơi chôn nhau cắt rốn của mình và chuẩn bị từ bỏ những hủ tục để tạo cuộc sống tốt hơn trên quê hương mới. Điều này cũng khích lệ tôi thay đổi những thói quen xấu khác.

Sau độc lập, tôi đã tìm kiếm một vài cách để chỉ ra sự khác biệt giữa chúng tôi với các nước thuộc Thế giới thứ Ba khác. Tôi chấp nhận chọn một Singapore xanh và sạch. Mục đích của chiến lược này là làm Singapore trở thành một ốc đảo trong Đông Nam Á, vì nếu chúng tôi có những tiêu chuẩn của Thế giới Thứ nhất thì các thương gia và các khách du lịch sẽ chọn chúng tôi làm căn cứ cho việc kinh doanh của họ cũng như là một vùng du lịch. Cơ sở hạ tầng cơ bản dễ cải tiến hơn cung cách cộc cằn của người dân. Nhiều người trong số họ đã rời khỏi những nhà xí tạm bợ chỉ với một cái lỗ dưới đất và một cái gầu để đến những căn hộ cao tầng với điều kiện vệ sinh hiện đại, nhưng cách cư xử của họ thì vẫn như cũ. Chúng tôi đã phải làm việc cật lực để xóa bỏ việc vứt rác bừa bãi, những âm thanh ồn ào và thái độ thô lỗ, và hướng dẫn người dân trở nên ý tứ và lịch sự hơn.

Chúng tôi bắt đầu từ một nền tảng thấp. Trong những năm 60, hàng nghìn người xếp hàng dài tại các buổi tiếp dân của chúng tôi, nơi các Bộ trưởng và các Nghị sĩ giúp giải quyết các vấn đề của cử tri của họ. Những người thất nghiệp, cùng với vợ và con của họ cần xin việc làm, giấy phép lái xe tắc xi hoặc bán hàng rong, hoặc quyền bán thức ăn trong căn tin trường học. Đây là khía cạnh nhân quyền đằng sau các con số thống kê thất nghiệp. Hàng nghìn người bán thức ăn trên lề đường không đếm xỉa gì đến giao thông, sức khỏe và các lý do khác. Rác rưởi, mùi hôi của các thức ăn đã bị thối rữa và các âm thanh hỗn loạn đã khiến nhiều khu vực của thành phố biến thành những khu ổ chuột.

Một vài thương nhân cho nhiều người mướn các xe hơi tư nhân cũ kỹ để trở thành “những tài xế cướp tắc xi”, không bằng lái và không bảo hiểm. Giá đi loại xe này chỉ đắt hơn một chút so với xe buýt nhưng lại rẻ hơn rất nhiều so với các loại xe tắc xi có đăng ký. Họ dừng lại mà không hề báo hiệu, đón và trả khách vô tội vạ và đã trở thành mối đe dọa cho nhiều người đi đường khác. Hàng trăm, hoặc thậm chí hàng nghìn các tắc xi kiểu này đã làm kẹt cứng đường phố và phá hủy hệ thống xe buýt.

Chúng tôi không thể làm sạch thành phố bằng cách di dời những người bán hàng rong và những tắc xi bất hợp pháp trong nhiều năm. Chỉ sau năm 1971, khi đã tạo ra nhiều việc làm, chúng tôi mới có thể thi hành luật pháp và làm sạch đường phố. Chúng tôi cấp giấy phép kinh doanh cho những người bán hàng rong và chuyển họ từ lề đường vào trung tâm dành cho những người bán hàng rong với hệ thống nước, cống rãnh và chỗ đổ rác. Mãi đến đầu những năm 80, chúng tôi mới tái ổn định tất cả những người bán hàng rong. Một vài người trong số đó làm những món ăn tuyệt hảo hấp dẫn khách du lịch. Một vài trong số đó trở thành những nhà triệu phú đi làm bằng xe Mercedes–Benz và thuê người phục vụ. Đây là sự táo bạo, nỗ lực và tài năng của những người tạo nên Singapore. Những tài xế tắc xi bất hợp pháp đã bị trục xuất khỏi đường phố chỉ sau khi chúng tôi tái tổ chức lại hệ thống xe buýt phục vụ và tạo cho họ những việc làm khác.

Sau hai cuộc bạo động vào tháng 7 và tháng 9/1964, lúc đó chúng tôi còn thuộc Malaysia, thành phố trở nên bẩn thỉu. Nhuệ khí giảm xuống. Có hai sự việc đã khiến tôi phải hành động. Một sáng tháng 11/1964, tôi nhìn qua Padang từ cửa sổ phòng làm việc của tôi ở Tòa Thị chính và thấy một vài con bò đang ăn cỏ trên Esplanade. Một vài ngày sau đó, một luật sư đang lái xe chạy trên một đại lộ ngoài thành phố đụng phải một con bò và chết. Những người Ấn Độ chăn bò dắt bò của họ vào thành phố để thả ăn cỏ bên lề đường và trên Esplanade. Tôi triệu tập một cuộc họp với những nhân viên sức khoẻ cộng đồng và giải thích một kế hoạch hành động để giải quyết vấn đề này. Chúng tôi gia hạn cho những người chủ của những đàn bò và dê một khoảng thời gian đến ngày 31/1/1965. Sau thời gian đó, tất cả những gia súc nào đi lang thang trên đường sẽ bị mang đến lò sát sinh và sau đó đem thịt tới cho các nhà làm phúc. Đến tháng 12/1965, chúng tôi đã bắt và giết 53 con bò. Rất nhanh sau đó, tất cả các súc vật đều bị nhốt lại trong chuồng.

Để đạt được những tiêu chuẩn của Thế giới Thứ nhất trong một khu vực thuộc Thế giới thứ Ba, chúng tôi bắt đầu biến đổi Singapore thành một thành phố vườn nhiệt đới. Tôi đã trồng rất nhiều cây tại buổi khai trương các khu cộng đồng, trong suốt những chuyến viếng thăm của tôi đến những tổ chức khác nhau và các bùng binh. Một số cây lớn rất mau, nhưng số khác thì không. Khi thăm lại một khu cộng đồng, tôi thấy có nhiều cây non mới trồng, nhưng dường như nó chỉ được trồng để dành cho chuyến viếng thăm của tôi. Tôi kết luận rằng, chúng tôi cần một văn phòng có đầy đủ chuyên môn để chăm sóc các cây sau khi đã trồng chúng. Tôi thiết lập một văn phòng như thế trong Bộ Phát triển Quốc gia.

Sau một vài xúc tiến, tôi gặp tất cả các quan chức cấp cao trong chính phủ và các ban lập pháp để kêu gọi họ tham gia vào phong trào “sạch và xanh”. Tôi cũng kể lại rằng tôi đã viếng thăm gần 50 nước và đã ở lại gần như bằng đó số nhà khách chính phủ của họ như thế nào. Điều gây ấn tượng đối với tôi không phải là quy mô của tòa nhà mà là các tiêu chuẩn của nó. Tôi biết rằng một đất nước mà các nhà cầm quyền của đất nước đó đang bị mất tinh thần khi các nhà khách của họ bị bỏ bê – các bồn rửa mặt bị rạn vỡ, các vòi nước rò rỉ, nhà vệ sinh không đủ các chức năng, một tình trạng đổ nát chung và chắc hẳn sẽ có những khu vườn bị bỏ hoang. Các chính khách sẽ đánh giá Singapore theo cách đó.

Chúng tôi đã trồng hàng triệu cây cối: cọ và các cây bụi. Màu xanh đã làm tăng thêm tinh thần của mọi người và họ tự hào với các khu vực lân cận. Chúng tôi cũng dạy họ cách chăm sóc mà không phá hoại cây cối. Chúng tôi cũng không phân biệt các khu vực của giới trung lưu và giai cấp công nhân. Anh quốc cũng có một vùng đất dành cho người da trắng gọn gàng hơn, sạch sẽ hơn và xanh hơn khu vực của người bản xứ ở Tanglin và bao quanh Government House (tòa nhà Quốc hội). Điều này thật tai hại về một chính trị cho chính phủ được bầu. Chúng tôi hạn chế ruồi muỗi và tẩy uế các cống rãnh cũng như kênh mương. Trong vòng một năm, những nơi công cộng đã có sự thay đổi đáng kể.

Tính kiên trì và sức chịu đựng là những đức tính cần thiết để đánh đổ các thói xấu cũ: Người ta bước lên cây, giẫm lên cỏ, hái hoa, ăn cắp cây non hoặc dựng xe đạp hay xe gắn máy dựa lên những cây lớn hơn khiến chúng bị đổ. Và không chỉ những người nghèo khổ phạm tội. Một bác sĩ bị bắt quả tang khi đang chuyển một cây thông giống Norfolk Island có giá trị mà ông ta yêu thích về vườn nhà của ông ta. Để khắc phục thái độ dửng dưng ở nơi công cộng, chúng tôi giáo dục trẻ em trong trường bằng cách dạy chúng trồng cây, chăm sóc cây và trồng vườn. Chúng mang thông điệp học được về nhà cho cha mẹ chúng.

Thiên nhiên đã không ưu đãi chúng tôi với những vạt cỏ xanh mướt như ở New Zealand và Ireland. Năm 1978, theo yêu cầu của tôi, một chuyên gia về cây trồng người Úc và một chuyên gia nghiên cứu đất New Zealand đã đến để nghiên cứu tình trạng đất đai ở đây. Các báo cáo của họ khiến tôi quan tâm và tôi yêu cầu được gặp họ. Họ giải thích rằng, Singapore nằm trong khu vực vành đai rừng mưa nhiệt đới gần xích đạo, nắng gắt và mưa lớn suốt năm. Khi cây cối bị tàn phá, mưa lớn sẽ xói mòn lớp đất trên và lọc đi hết các chất dinh dưỡng. Để có những vạt cỏ xanh và tươi tốt, chúng tôi phải bón phân thường xuyên, tốt nhất là phân trộn (composed) vì loại phân này không dễ dàng bị xói mòn, và rắc vôi bởi vì đất của chúng tôi có quá nhiều axit. Người phụ trách Istana thử nghiệm điều này trên các bãi cỏ. Tự nhiên chúng trở nên xanh hơn. Chúng tôi áp dụng điều này vào tất cả các trường học và các khu thể thao khác cũng như các sân vận động. Các mảnh đất nhỏ quanh cột gôn trước đây lơ thơ vài cọng cỏ vàng trông thật chán mắt nay nhanh chóng trở thành một thảm cỏ xanh mượt. Dần dần, cả thành phố xanh dần lên. Bộ trưởng Pháp, một khách mời tại tiệc chiêu đãi nhân dịp lễ Quốc khánh của chúng tôi trong thập niên 70, đã thích thú chúc mừng tôi bằng tiếng Pháp. Tôi không nói tiếng Pháp, nhưng tôi hiểu ý nghĩa từ “tươi tốt” (verdure) mà ông ta dùng. Ông ta đã bị quyến rũ bởi màu xanh của thành phố.

Hầu hết các nước châu Á đều chú ý rất ít hoặc thậm chí không hề chú ý gì đến việc làm tươi xanh đất nước. Đó là điều khác biệt của Singapore, và những biện pháp cứng rắn chống lại việc gia súc đi lang thang trên đường đã được đăng tin trên tạp chí Look của Mỹ vào tháng 11/1969. Tán dương sau chuyến viếng thăm, giám đốc sở thông tin của Hong Kong tuyên bố rằng ông ta sẽ khai mạc một chiến dịch vứt rác trong hai năm dựa trên những kinh nghiệm của chúng tôi.

Để chuẩn bị cho cuộc họp của các Thủ tướng trong khối cộng đồng diễn ra vào giữa tháng 1/1971, tôi tập hợp các quan chức chính phủ lại để cùng nhau nỗ lực hơn nhằm mang đến cho quan khách một ấn tượng tốt hơn về Singapore. Chúng tôi chỉ dẫn tường tận cho các ngành dịch vụ, những người bán hàng, các tài xế tắc xi và nhân viên làm việc trong các khách sạn cũng như nhà hàng cố gắng hết mình trở nên lịch thiệp và thân thiện hơn. Họ hưởng ứng và sự phản hồi từ các Thủ tướng, các chủ tịch và đoàn tùy tùng đến thăm là rất tốt. Được khuyến khích bởi điều này, Ủy ban Phát triển Du lịch đã khai mạc một chiến dịch phục vụ lịch thiệp và duyên dáng cho những người bán hàng và các nhân viên khác trong ngành thương mại dịch vụ. Tôi đã can thiệp vào. Thật lố bịch nếu các nhân viên phục vụ của chúng tôi chỉ lịch thiệp với các du khách chứ không lịch thiệp với người dân Singapore. Tôi triệu tập Bộ Quốc phòng chịu trách nhiệm về Quân đội Quốc gia, Bộ Giáo dục quản lý hơn nửa triệu học sinh, và đại hội Công đoàn Quốc gia với vài trăm nghìn công nhân để phổ biến thông báo rằng sự lịch sự phải trở thành cách sống của chúng ta, làm cho Singapore trở thành một nơi dạo chơi cho chính chúng ta, ngoài những lợi ích thương mại du lịch.

Phần thưởng lớn nhất của chúng tôi là khi các nhà lãnh đạo Asean thi đua trong việc làm xanh các thành phố của họ. Ngài Mahathir của Malaysia, người đã từng ở tại biệt thự Istana vào thập niên 70, hỏi tôi cách làm thế nào để biến những thảm cỏ ở Istana trở nên xanh như vậy. Khi ông ta trở thành Thủ tướng, ông ta cũng làm xanh Kuala Lumpur. Tổng thống Suharto cũng phủ màu xanh lên Jakarta, cũng như Tổng thống Marcos ở Manila và Thủ tướng Thanin ở Bangkok. Tất cả đều tiến hành vào cuối thập niên 70. Tôi đã khuyến khích họ và đã nhắc nhở họ rằng họ có một khối lượng phong phú các loại cây khác nhau, và một khí hậu thích hợp.

Không có một dự án nào mang lại những phần thưởng phong phú hơn cho khu vực. Các nước láng giềng của chúng tôi cố gắng thi đua lẫn nhau để làm xanh hơn thành phố của họ. Việc làm xanh là một cuộc thi đua tích cực giúp ích cho mọi người – nó tốt cho tinh thần, cho ngành du lịch và cả những nhà đầu tư. Điều tốt nhất là chúng tôi đã thi đua để trở thành nước xanh và sạch nhất châu Á. Tôi có thể nghĩ về nhiều lãnh vực nơi mà sự cạnh tranh sẽ trở nên có hại, thậm chí chết chóc.

Vào chủ nhật đầu tiên của tháng 11/1971, chúng tôi khai mạc ngày trồng cây hàng năm có mặt tất cả các nghị sĩ, các khu cộng đồng và các nhà lãnh đạo của họ. Từ đó trở đi chúng tôi không hề bỏ lỡ một dịp tết trồng cây nào. Trồng cây non vào tháng 11 cần rất ít nước tưới bởi vì mùa mưa sẽ bắt đầu ngay sau đó.

Bởi vì các loại cây, cây bụi và dây leo phù hợp với thổ nhưỡng của chúng tôi rất hạn chế, nên tôi đã gửi nhiều đội nghiên cứu đến thăm vườn bách thảo, các công viên và vườn cây gỗ trong các khu vực nhiệt đới và cận nhiệt đới để chọn nhiều loại mới từ các nước có cùng khí hậu trong khu vực châu Á, châu Phi, Caribê và Trung Mỹ. Họ đã mang về rất nhiều loại hoa và cây để trồng thử nghiệm trên đất và khí hậu của chúng tôi. Nhưng thật không may những cây hoa thật đẹp từ Caribê không nở hoa ở Singapore bởi vì chúng tôi không có những mùa đông lạnh. Những cây đến từ Ấn Độ và Myanmar (trước đây là Burma) hiếm khi ra hoa ở Singapore bởi vì chúng cần một khoảng mùa khô dài giữa các mùa mưa hàng năm trong môi trường sống tự nhiên của chúng. Các nhà thực vật học của chúng tôi mang về 8.000 loại cây khác nhau nhưng chỉ có 2.000 loại sống được ở Singapore. Họ nhân giống những cây thích nghi được và bổ sung chúng vào nhà kính.

Nhân vật chủ chốt nhất trong chính sách làm xanh thành phố của tôi là một nhân viên có năng lực, Wong Yew Kwan. Là một người Malaysia, anh ta học lâm nghiệp và dự định làm cho các đồn điền cao su và dầu cọ ở Malaysia. Anh ta đã mang những kiến thức của mình áp dụng vào công việc trồng các loại cây, cây bụi và nhiều loại cây cỏ khác trồng bên đường và các công viên nhân tạo tại Singapore. Tôi đưa cho anh ta những cuốn sổ ghi nhớ, những danh sách yêu cầu vô tận và anh ta cần mẫn đáp lại, thực thi thành công nhiều điều trong số đó. Người kế vị của anh ta, Chua Sian Eng, là một nhà nông học, người trở thành chuyên gia cây trồng và tiếp tục công việc một cách thành công.

Mỗi khi tôi trở về Singapore sau một vài tuần vắng mặt, và thấy các cây, cây cọ, những thảm cỏ xanh và những bụi hoa khi tôi đi dọc theo đại lộ Bờ Tây từ sân bay vào thành phố, tinh thần tôi phấn chấn hẳn lên. Việc làm xanh là dự án mang lại kết quả nhiều nhất mà tôi đã từng phát động.

Một lý do hấp dẫn để có một Singapore sạch là ước muốn của chúng tôi để tập trung càng nhiều càng tốt lượng nước mưa 2.100mm một năm. Tôi bổ nhiệm Lee Ek Tieng, một kỹ sư dân sự, sau này là người đứng đầu tổ chức chống ô nhiễm, chịu trách nhiệm kế hoạch đắp đập tất cả các con sông, suối. Kế hoạch này được thực hiện trong vòng khoảng 10 năm. Anh ta phải chắc chắn rằng tất cả rác rưởi, nước cống và các nước thải khác từ các khu dân cư và các nhà máy đều được đổ vào các ống cống. Chỉ có nước mưa sạch được hứng từ các mái nhà, các vườn, và những khoảng không gian trống được phép chảy vào các máng mở rồi sau đó chảy ra các con sông đã được đắp đập. Vào năm 1980, chúng tôi đã có khả năng cung cấp khoảng 240.000m3 nước mỗi ngày, đáp ứng được khoảng một nửa lượng nước tiêu thụ hàng ngày của chúng tôi lúc đó.

Kế hoạch tham vọng nhất của tôi là làm sạch sông Singapore và Kallang Basin để mang cá về lại cho các con sông. Khi lần đầu tiên tôi đề xuất kế hoạch này vào tháng 2/1977, rất nhiều người, đặc biệt là các nhà công nghiệp, đã hỏi tôi: “Tại sao phải làm sạch? Kênh đào Rochore (chảy vào Kallang Basin) và sông Singapore luôn luôn dơ bẩn; là một phần di sản của Singapore!” Tôi hẳn chẳng đạt được gì từ vấn đề này. Họ cũng ngửi thấy mùa thối rữa. Người mù trực tổng đài điện thoại ở văn phòng luật của Choo biết khi nào xe buýt của anh ta chuẩn bị tới sông Singapore nhờ ngửi thấy mùi hôi thối của sông. Các cống rãnh nước thải từ sản xuất chịu một nửa trách nhiệm về vấn đề ô nhiễm nguồn nước. Từng con suối, cống nước và các lạch ngòi phải được thoát khỏi cảnh ô nhiễm. Teh Cheang Wan, khi đó là trưởng phòng điều hành của HDB, châm biếm, “sẽ rẻ hơn rất nhiều nếu hàng tuần ông mua cá và thả chúng xuống sông.”

Lee Ek Tieng không nhụt chí. Anh ta làm việc sát cánh bên tôi và tự tin với sự hỗ trợ của tôi. Việc làm sạch sông Singapore và Kallang Basin là một công trình có quy mô lớn. Anh ta đặt các ống cống ngầm cho toàn bộ hòn đảo, điều này đặc biệt khó khăn trong một trung tâm thành phố đã được xây dựng sẵn. Chúng tôi di chuyển mọi người từ khoảng 3.000 xưởng sản xuất thủ công rồi sau đó tái định cư họ ở những khu công nghiệp với những bể chứa dầu và các chất thải khác. Từ khi tìm ra Singapore năm 1819, các xà lan và các tàu thuyền lớn đã chạy trên sông. Những công nhân sống, nấu ăn và tắm gội ngay trên những chiếc tàu này. Họ phải di chuyển đến Pasir Panjang ở bờ biển phía Tây, trong khi những chiếc thuyền buồm dọc theo sông Kallang được di chuyển tới Tuas và sông Jurong. 5.000 người bán thức ăn nấu sẵn trên đường phố đã phải di chuyển đến những trung tâm được thiết kế thích hợp. Quen với việc làm ăn trên lề đường không phải thuê mướn và dễ dàng bắt khách, họ từ chối di chuyển đến các trung tâm nơi họ phải trả tiền thuê mặt bằng và chi phí điện nước. Chúng tôi nhẹ nhàng nhưng cương quyết di dời họ và chu cấp toàn bộ tiền thuê chỗ. Nhưng thậm chí, một số người vẫn từ chối.

Dần dần, chúng tôi hủy bỏ việc nuôi hơn 900.000 con heo trong 8.000 nông trại bởi vì heo làm ô nhiễm các con suối. Chúng tôi cũng đóng cửa rất nhiều các ao nuôi cá, chỉ để lại 14 ao cá trong các công viên nghiên cứu kỹ thuật công nghiệp và một vài ao cá dành cho việc câu cá giải trí. Bây giờ, cá được nuôi ở ngoài khơi trong các lồng lưới nông ở eo biển Johor cũng như trong các lồng lưới sâu dưới biển gần các hòn đảo ở phía Nam.

Chúng tôi cũng thiết lập một tổ chức tái định cư để giải quyết các tranh cãi và mặc cả liên quan đến mỗi đợt tái định cư, cả những người bán hàng rong, nông dân hoặc những người làm nghề thủ công. Họ chưa bao giờ cảm thấy hạnh phúc khi bị di chuyển hoặc thay đổi công việc. Điều này quả là một công tác chính trị vốn mạo hiểm; nếu không giải quyết cẩn thận và hợp lý sẽ khiến chúng tôi mất đi các phiếu bầu trong kỳ bầu cử tới. Một ủy ban gồm các công chức và các nghị sĩ mà các khu vực bầu cử của họ cũng chịu tác động, đã giúp đỡ chúng tôi giảm bớt những thiệt hại về chính trị.

Việc tái định cư cho các nông dân là rất khó khăn. Chúng tôi trả tiền bồi thường dựa trên diện tích của các cấu trúc nông trại, các khu vực đã được tráng nền của các khoảng đất trống trong nông trại mà họ sở hữu, và số lượng cây ăn trái cũng như các ao cá. Khi nền kinh tế trở nên thịnh vượng, chúng tôi tăng số lượng, nhưng thậm chí số tiền bồi thường hào phóng nhất cũng không đủ. Những nông dân lớn tuổi không biết làm gì với số tiền bồi thường cho họ. Sống trong những căn hộ, họ nhớ những con heo, con vịt, con gà, các cây ăn trái và những vườn rau của họ vốn cung cấp cho họ thực phẩm không phải tốn tiền. 15 đến 20 năm sau khi được tái định cư ở các nhà mới của HDB, rất nhiều người vẫn còn bỏ phiếu chống lại PAP. Họ cảm thấy rằng chính phủ đã phá hủy cách sống của họ.

Vào tháng 11/1987, tôi cảm nhận được một điều toại nguyện lớn lao là khai thông sông Singapore và Kallang Basin sạch, trước đó vốn là các ống cống lộ thiên của Singapore. Tại buổi kỷ niệm Clean River (Sông Sạch), tôi trao tặng những người có trách nhiệm những huy chương vàng để ghi nhớ sự đóng góp của họ. Sau đó chúng tôi xây dựng 8 bể chứa lớn ở cửa sông mới, một vài cái trong số đó được mở cửa để đi du thuyền vào câu cá giải trí. Lượng nước có thể uống được tăng lên đến 45.600m3 một ngày. Đằng sau mỗi dự án thành công đó là một nhân viên có năng lực, được huấn luyện trong kỷ luật và cống hiến những kiến thức của anh ta cho những dự Ấn Độc nhất vô nhị của chúng tôi. Sẽ không có một Singapore sạch và xanh nếu không có Lee Ek Tieng. Tôi có thể nói ra những mục tiêu tổng quát, nhưng anh ta phải vạch ra các giải pháp kỹ thuật. Sau này, anh ta trở thành người đứng đầu của ngành dân chính.

Năm 1993, Winsemius đến câu cá ở sông Singapore và cảm thấy toại nguyện khi bắt được cá. Các dòng sông trong sạch đã tạo nên một chất lượng cuộc sống khác. Giá trị và việc sử dụng đất tăng lên đáng kể, đặc biệt là trong thành phố và những nơi tiếp giáp với dòng sông và kênh rạch. Chúng tôi mua cát từ Indonesia để tạo một bãi biển dọc theo bờ Kallang Basin, nơi ngày nay mọi người thường tắm nắng và lướt ván nước. Những khu nhà cao tầng ven bờ biển được xây dựng từ những xưởng đóng tàu nhỏ xấu xí. Thật là một giấc mơ khi thả bộ dọc theo hai bên bờ của sông Singapore. Các cửa hàng và các kho hàng đã được cải tạo và trở thành những quán cà phê, nhà hàng, các cửa hàng, các khách sạn và mọi người tổ chức các bữa tiệc ngoài trời bên bờ sông hoặc trong những chiếc thuyền rồng Trung Quốc đậu dọc theo bờ sông.

Bạn có thể kiểm tra mức độ ô nhiễm của một thành phố bằng các cây cỏ của thành phố đó. Những nơi khói thoát ra từ những xe hơi, xe buýt cũ kỹ và các xe tải chạy động cơ diesel vượt quá mức cho phép thì các bụi cây phủ đầy các hạt bồ hóng đen, héo và chết. Mùa thu năm 1970 tại Boston, tôi thật ngạc nhiên nhìn hàng dòng xe ô tô hướng về các trạm xăng. Tài xế của tôi giải thích rằng đó là ngày cuối cùng để đổi giấy phép lưu hành mới cho các xe ô tô trong năm tới, và đầu tiên chúng phải được kiểm nghiệm rồi sau đó sẽ được các trạm xăng cấp giấy phép chứng nhận thích hợp chạy trên đường. Tôi quyết định thành lập một đội chống ô nhiễm như một bộ phận trong văn phòng của tôi. Chúng tôi đặt các công cụ kiểm định chất lượng dọc theo các con đường đông đúc để đo độ bụi và tỷ trọng khói cũng như nồng độ khí sulphur dioxide (S02) thải ra từ các phương tiện giao thông. Những thành phố ở các nước khác có những vùng ngoại ô xanh và sạch để cho cư dân của họ nghỉ ngơi. Diện tích của Singapore bắt buộc chúng tôi phải làm việc, chơi và sinh sống trong cùng một nơi chật hẹp, điều này bắt buộc chúng tôi nhất thiết phải bảo quản một môi trường sạch cho cả người giàu và người nghèo.

Ở trung tâm thị trấn Jurong, bao quanh bởi hàng trăm xí nghiệp, chúng tôi xây dựng một công viên chim vào năm 1971. Nếu không có các tiêu chuẩn chống ô nhiễm ngặt nghèo, những con chim này không thể phát triển mạnh. Chúng tôi cũng làm xanh Jurong. Tất cả các công ty phải làm đẹp phong cảnh trong các khu đất của họ và trồng cây trước khi họ có thể bắt đầu hoạt động.

Mặc dù chúng tôi đã giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí trong nước, nhưng toàn bộ Singapore và những khu vực lân cận vẫn bị bao phủ bởi khói bụi từ các trận cháy rừng ở Sumatra và Borneo vào những năm 1994 và 1997. Các công ty đồn điền, sau khi bòn rút tất cả các gỗ quý, đã nổi lửa đốt khoảng rừng còn lại để làm sạch đất dành cho trồng cọ dầu và các vụ mùa khác. Vào mùa khô, các đám cháy diễn ra ác liệt kéo dài hàng tháng trời. Vào giữa năm 1997, những làn khói độc hại dày đặc bao phủ toàn bộ Malaysia, Singapore, Thái Lan và Philippin. Các phi trường phải đóng cửa và hàng nghìn người lâm bệnh.

Tôi cũng đã giải quyết vấn đề về ô nhiễm tiếng ồn mà trước đây Singapore phải chịu đựng từ những phương tiện giao thông, máy đóng cọc trong những khu xây dựng, các loa phóng thanh từ những khu giải trí ngoài trời, và vô tuyến truyền hình cũng như các máy phát thanh. Chậm rãi và có phương pháp, chúng tôi hạ tỷ lệ đêxiben12 xuống bằng cách bắt thi hành các luật mới. Ồn ào nhất và nguy hiểm nhất vẫn là phong tục đốt pháo trong suốt mùa Tết cổ truyền Trung Quốc. Rất nhiều người, đặc biệt là trẻ em, bị bỏng và bị thương nghiêm trọng. Toàn bộ những ngôi nhà bằng gỗ của cộng đồng những người cư trú bất hợp pháp đã bị cháy rụi sau trận hỏa hoạn vào ngày Tết cuối cùng của năm 1970, khi 5 người bị chết và nhiều người khác bị thương, tôi dẹp bỏ truyền thống đốt pháo cũ xưa này, coi nó là một tội. Tuy nhiên, hai năm sau, hai cảnh sát không được trang bị vũ khí đã bị tấn công tàn nhẫn khi họ cố gắng ngăn chặn một nhóm đốt pháo. Chúng tôi bước thêm một bước xa hơn là ra lệnh cấm nhập khẩu pháo hoàn toàn. Khi chúng tôi sống trên những tòa nhà cao từ 10 đến 20 tầng, thông lệ cổ truyền không phù hợp này phải được chấm dứt.

Vào thập kỷ 60, tốc độ tân trang lại đô thị tăng nhanh. Chúng tôi trải qua một thời kỳ bừa bãi phá hủy trung tâm thành phố cũ nát để xây mới lại. Vào cuối năm 1970, chúng tôi cảm thấy không yên lòng với tốc độ xóa bỏ quá khứ của mình, vì thế năm 1971, chúng tôi thiết lập một Ban Bảo tồn di tích để xác nhận và bảo tồn các tòa nhà có giá trị lịch sử, cổ truyền, khảo cổ học, kiến trúc, hoặc liên quan đến nghệ thuật, và các tòa nhà hành chánh, văn hóa và thương mại có ý nghĩa trong lịch sử Singapore. Các kiến trúc này bao gồm các đền đài Trung Quốc, Ấn Độ cổ, các nhà thờ Hồi giáo, các nhà thờ Anh giáo và Thiên chúa giáo, các giáo đường Do Thái, các kiến trúc truyền thống Trung Quốc thế kỷ 19, và các văn phòng chính phủ thuộc địa cũ trong trung tâm hành chính cũ. Niềm tự hào của quá khứ thuộc địa là dinh thống đốc, một thời là dinh thự của thống đốc Anh, bây giờ Istana là văn phòng của Tổng thống và Thủ tướng.

Chúng tôi cố gắng gìn giữ nét đặc trưng của Singapore để nhắc nhở về quá khứ. May mắn thay, chúng tôi đã không phá hủy khu vực lịch sử Kampong Giam, di tích lịch sử của Hoàng gia Malay, Little India (Tiểu Ẫn Độ), khu Hoa kiều và các nhà kho cổ dọc theo sông Singapore.

Từ thập kỷ 70, để tránh cho giới trẻ khỏi nghiện ngập và hư hỏng, chúng tôi ra lệnh cấm quảng cáo thuốc lá. Dần dần, chúng tôi ban hành lệnh cấm hút thuốc ở những nơi công cộng – trong thang máy, xe buýt, trong các trạm và trên hệ thống tàu điện ngầm (Mass Rapid Transit – MRT) và cả trong các văn phòng có gắn máy lạnh cũng như các nhà hàng. Tôi đi theo người tiên phong: Canada. Người Mỹ thực hiện điều này rất lâu sau này bởi vì sức vận động hành lang cho giới sản xuất thuốc lá của họ quá mạnh.

Chúng tôi có “một tuần không hút thuốc” mỗi năm. Như một phần của chiến dịch này, tôi thuật lại trên tivi kinh nghiệm cá nhân của tôi. Tôi đã từng hút khoảng 20 điếu thuốc một ngày như thế nào mãi cho đến năm 1957, trong cuộc tuyển cử hội đồng thành phố, sau khi chiến dịch này diễn ra ba tuần, tôi bị mất giọng và thậm chí không thể cám ơn các cử tri. Bởi vì không thể giới hạn được việc nghiện ngập của mình, tôi bỏ thuốc. Tôi phải chịu đựng trong hai tuần. Vào thập kỷ 60, tôi trở nên dị ứng với khói thuốc và không cho phép hút thuốc trong phòng làm việc có gắn máy lạnh của tôi và các phòng nội các. Trong vòng vài năm, hầu hết các bộ trưởng đều đã bỏ thuốc lá ngoại trừ hai người nghiện là Raja và Eddie Barker. Cứ mỗi 10 phút, họ lại đi ra khỏi phòng họp để đốt thuốc và thỏa mãn cơn thèm ở ngoài hành lang.

Đây là một trận chiến không ngừng mà chúng tôi vẫn tiến hành. Sự thịnh vượng của nền công nghiệp thuốc lá ở Mỹ và sức mạnh quảng cáo đã khiến nó trở thành kẻ thù ghê gớm. Số lượng những người hút thuốc cao tuổi đã giảm nhưng giới trẻ, bao gồm cả nữ giới, vẫn tiếp tục chìm sâu vào nghiện ngập. Chúng tôi không thể để thua trong trận chiến này.

Lệnh cấm ăn kẹo cao su đã khiến chúng tôi bị nhạo báng rất nhiều ở Mỹ. Đầu năm 1983, Bộ trưởng Phát triển Quốc gia đã đề nghị chúng tôi cấm điều này vì các lý do gây ra bởi việc kẹo cao su bị nhét vào các lỗ khóa và các hộp thư cũng như trong các nút điều khiển của thang máy. Việc nhổ kẹo cao su lên sàn nhà và các hành lang chung làm tốn tiền lau rửa và làm hư hỏng các dụng cụ vệ sinh. Đầu tiên, tôi nghĩ rằng lệnh cấm này quá khắt khe. Nhưng sau khi những kẻ phá hoại vô văn hóa nhét kẹo cao su vào bộ cảm biến của các cửa ra vào của hệ thống xe lửa MRT khiến cho hệ thống bị trục trặc. Lúc này, tôi không còn là Thủ tướng nữa nhưng Thủ tướng Goh và các đồng sự của ông đã quyết định ban hành luật cấm này vào tháng 1/1992. Một vài nghị sĩ đã từng du học ở các trường đại học Mỹ kể lại rằng bên dưới các ghế trong hội trường bẩn thỉu như thế nào với từng mảng kẹo cao su dính dai như đỉa. Lệnh cấm đã làm giảm đáng kể sự khó chịu, sau khi thanh toán hết các hàng tồn trong các cửa hàng, vấn đề kẹo cao su ở các trạm MRT và trên xe lửa đã giảm đáng kể.

Các phóng viên nước ngoài ở Singapore đã không hề tìm thấy một vụ tai tiếng tham nhũng lớn nào hoặc các hành động phạm pháp nghiêm trọng nào để đưa lên mặt báo. Thay vào đó, họ đưa tin về sự hăng hái và thường xuyên của các chiến dịch “làm tốt”, nhạo báng Singapore như là một “nhà nước vú em”. Họ cười nhạo chúng tôi. Nhưng tôi vẫn tự tin. Nếu chúng tôi không nỗ lực thuyết phục dân chúng thay đổi cách sống thì hẳn là chúng tôi có một xã hội thô lỗ hơn, khiếm nhã hơn, tục tĩu hơn. Chúng tôi không được coi là một xã hội có học thức, có văn hóa nếu chúng tôi không xấu hổ để bắt đầu cố gắng trở thành một xã hội có học thức, có văn hóa trong thời gian ngắn nhất có thể. Đầu tiên, chúng tôi giáo dục và hô hào dân chúng. Sau khi chúng tôi đã thuyết phục và lôi kéo được số đông, chúng tôi lập pháp để trừng phạt những thiểu số ngoan cố. Điều này đã khiến Singapore trở thành một môi trường sống thú vị hơn. Nếu đây là một “nhà nước vú em” thì tôi tự hào vì đã được nuôi dưỡng nó.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Nhấn vào giữa màn hình để hiển thị Tùy chọn đọc.
Theo dõi Đọc Sách Hay trên Facebook, mỗi ngày chúng tôi cập nhật những cuốn sách, truyện hay nhất!

Có thể bạn thích