VÀI CẢM TƯỞNG CỦA TÔI VỀ KIẾN TRÚC CAO MIÊN

Những sách chỉ dẫn mà tôi đã đọc như cuốn Angkor của Groslier, bộ Guides của Marchall, cuốn Guide của Grolier (°) đều tả tỉ mỉ kiến trúc những đền Đế Thiên Đế Thích, nhưng không cuốn nào cho tôi biết đại cương về sự tiến hoá hoặc biến chuyển của khoa kiến trúc đó, vạch cho tôi những giai đoạn mà nhà kiến trúc Cao Miên đã qua để đi tới giai đoạn Angkor Vat, phân tích đặc điểm của từng giai đoạn.

Chúng tôi không phải là nhà khảo cổ, lại đi coi rất vội trong một ngày, mà mới coi được mười hai đền, nhận xét chắc chắn là có chỗ nông nổi, nhưng cảm tưởng ra sao, xin ghi lại dưới đây, chẳng qua chỉ để gợi óc so sánh của độc giả, biết đâu chẳng có vị tò mò, tìm kiếm thêm mà hiểu rõ kiến trúc Cao Miên.

Chúng tôi nhận thấy rằng những đền Đế Thiên Đế Thích cất theo bốn kiểu:

1) Kiểu thứ nhất gồm những đền như Ta Prohm, Banteai Kdei, Ta Som, Prak-khan (đẹp nhất là đền Park khan). Những đền này có tường hay hào ở chung quanh. Nền thấp. Có hai lối đi thăm thẳm từ hai cửa đông và tây đưa vào, có một dãy phòng ở giữa và nhiều dãy phòng đưa qua hai bên tả, hữu.

2) Kiểu thứ nhì gồm những đền như: Bakheng, Ta Keo, Prey Rup, Mebon đông (đẹp nhất là Prey Rup). Nền rất cao (thường cất trên ngọn đồi), có ba từng, có bực thang đưa lên, trên những từng đó có tháp, càng lên số tháp càng ít, tới ngọn chỉ còn một tháp.

Kiểu này đẹp hơn kiểu trên; tuy đền không rộng nhưng cao, gom lại, có vẻ uy nghi, mạnh mẽ.

Những đền cất theo kiểu thứ nhất phảng phất như đền của ta, của Tàu, còn những đền cất theo kiểu thứ nhì giống đền của Chàm.

3) Kiểu thứ ba gồm những đền như Phiméanakas, Bapoun, Bayon (đẹp nhất là Bayon). Nền cũng cao nhưng không cất trên đỉnh núi. Có ba từng, hai hay ba dãy hành lang đi suốt bốn mặt, giữa hai hành lang có một khu sân hẹp. Tại góc hoặc giữa hành lang có tháp và ở giữa đền có một tháp cao, lớn, đẹp hơn cả.

4) Kiểu thứ tư là Angkor Vat, tập thành ba kiểu trên. Cũng có tường, hào chung quanh, cũng có những lối thăm thẳm đưa vào đền như kiểu thứ nhất, cũng có nền cao, ba từng và nhiều tháp như kiểu thứ nhì và cũng có ba dãy hành lang bao bọc bốn phía như kiểu thứ ba.

ANGKOR VAT

Hết thảy những đền khác đều quay về hướng đông, duy Angkor Vat (°) quay về hướng tây. Người ta nói do địa thế bắt buộc đền không thể cất ở phía Tây đường được vì phía đó đất lầy, mà phải quay ra đường (đường này xưa vẫn có), cho nên phải hướng về phía tây.

Vua Jayavarman II đã cho khởi công đầu thế kỷ XII ở trên một khu đất dài 1.500 thước, rộng 1.300 thước, rộng khoảng 200 mẫu tây. Mất 60 năm mới xong. Đền là nơi thờ phụng ông và hình như xưa có chứa di hài ông.

Vì lẽ đền hướng tây và đẹp nhất, nên chúng tôi để lại sau cùng cái thú ngắm nó. Phải đợi buổi chiều mới thấy cái cảnh thần diệu của ánh sáng tà dương trên những cột và hành lang bằng đá. Chúng tôi tới cửa đền hồi bốn giờ rưỡi chiều.

Đứng ở đường nhìn vào không thấy gì đẹp cả. Nhà kiến trúc vô danh muốn giấu viên ngọc trong cái vỏ tầm thường chăng? Sau khi coi những bệ Voi, những đền như Bayon, Bapoun, thì bức tường dài một cây số này ở giữa có đục cửa, mặc dù hùng tráng, cũng không cho ta thêm một cảm giác gì mới.

Nhưng khi ta đã qua cái hào rộng trên 200 thước mà lục bình như muốn giữ mây chiều ở trên nước, vừa bước tới cửa tây thì ta thấy có cái gì đè nặng lên tâm hồn ta.

Tôi nhớ lần đầu tiên đi thăm núi Hùng, vừa qua một khúc đường cong, bổng thấy núi cao và rậm, sừng sững dựng ngay trước mặt như để án đường, tôi cũng có cảm giác như vậy. Lần này cảm giác mạnh hơn. Tôi không phải đứng trước một công trình kiến trúc nữa mà hình như đứng trước một sức mạnh thông minh, uy nghiêm, cao cả, muốn thống trị tôi.

Nhưng khi phân tích ra thì tôi không thấy được nguyên nhân. Cao thì không cao, còn kém Bayon. Rộng tuy có rộng, nhưng không bằng bệ Voi. Rất cân đối, rất điều hoà. Hàng triệu phiến đá đó (một nhà khảo cổ tính rằng cất đền này mất 22.000 thước khối đá) chỉ hợp thành một khối để diễn tả một ý tưởng hùng diễm. Ở đây ta thấy rõ một bộ óc chỉ huy tất cả, không như ở Bayon mà bệ hẹp quá, tháp lại cao quá, như có sự tranh giành của hai ba ý tưởng.

Ta từ từ tiến vào, nhẹ bước trên con đường rộng hai chục thước, lát toàn đá lớn, và dài năm trăm thước, đưa từ cửa ngoài đến bệ của đền; tuy bước mà mắt vẫn dán vào ngôi đền như bị thôi miên, không chú ý tới hai toà thư viện và hồ vuông ở bên đường. Tôi đã hiểu tại sao một người đàn bà Mỹ thích cảnh này đến nỗi nguyện khi chết đi, được hoả thiêu rồi di hài được vãi trên con đường lát đá này. Di chúc đó được thực hành năm 1936. Di hài của bà ta chắc còn vương đâu đây, trong những kẹt đá chung quanh tôi.

Ta đã tới cái bệ. Bệ không rộng nhưng chễm chệ, quý phái. Ta trèo lên, quay lại, nhìn con đường hun hút mới qua, thăm thẳm giữ hai tay vịn, chói lọi dưới ánh chiều.

Ta nhìn vào đền: một hàng cột dài hai trăm thước, nửa sáng nửa tối, và một hàng bóng xiên xiên, song song nằm trên hành lang. Ta ngửng lên, ba ngọn tháp chổ trắng, chổ xám cồ kính in trên nền trời xanh thẳm. Tôi thấy chói và ngợp.

Rồi tiến vào, qua hành lang thứ nhất, tới một khu sân, ngửng lên, ngọn tháp càng cao, cảnh càng tịch mịch, bóng các hàng cột có vẻ u huyền kỳ dị, làm tim thắt lại.

Đứng ở sân này ngó ra ngoài thấy mấy ngọn thốt nốt ló lên khỏi dãy hành lang thứ nhất. Ta muốn chặt những cây đó đi. Không ở đâu cây hại cho cảnh bằng ở đây. Cảnh ở đây khác với thế giới ngoài xa quá. Nhìn chung quanh chỉ có đá và bóng tối, nhìn lên trên chỉ có trời xanh và mây trắng, ta tưởng như đã gần trời, đã cách biệt hẳn với thế gian, trút hết được những thị dục của ta mà thông cảm với các vị tinh tú đêm đêm sẽ tới thăm ta trên khoảng thăm thẳm kia, cho nên ta thất vọng khi thấy mấy tàu thốt nốt đó. Lần đầu tiên ta ghét loài thảo mộc, nó làm hỏng cả một cảnh.

Lại leo lên hai chục bực nữa, qua dãy hành lang thứ nhì. Càng vào sâu, càng lên cao, bóng tối càng đè ta, tháp càng vươn lên. Mỗi bước đưa ta vào một thế giới khác.

Tới sân thứ nhì ta rùng rợn khi thấy một cầu thang bằng đá sừng sửng ngay trước mặt, dốc ngược xuống, bực rất nhiều và hẹp. Nhưng tháp trên kia quyến rủ ta, không thể không leo được. Ta vòng qua bên trái, chổ này một người đàn bà đã trượt chân té bể sọ, cho nên trường Viễn đông đã xây một bực bằng xi-măng có tay vịn. Phải bấu chặt vào tay vịn, chân đặt nghiêng, dò dò từng bực, mắt không dám nhìn lên mà cũng không dám đưa xuống. Ta vừa trèo vừa đếm: ba mươi tám bực. Tới bực chót, ta thở một cách nhẹ nhàng, và ta ngồi nghỉ một chút cho tim bớt đập.

Ta đã ở trong một hành lang nữa, bên một cái hồ cạn dưới chân ngọn tháp cao nhất có bốn điện hướng về bốn phương trời. Ta từ từ bước vào, thấy mờ mờ tượng Phật.

Ai thiếu lòng tin nhất tới đây cũng phải mất cả lý trí không suy nghĩ gì được nữa, hoàn toàn bị tôn giáo cảm kích vì sức mạnh vô cùng của nó.

Ta mau mau lùi ra. Đứng ở góc hành lang kia thấy dễ thở hơn. Nhìn cái hồ giữa hai cột đá, ta tưởng tượng những khi hồ đầy, bóng tháp và cột chiếu xuống nước long lanh ánh trăng, cảnh huyền ảo làm sao! Lại một góc khác, nhìn xuống sân ở dưới xa, vàng vàng một màu cỏ úa, và rừng ở chung quanh, âm u, xanh thẳm, ta thấy vui vui. Lúc này ta lại yêu cây cỏ, lại thích đón gió mát trên ngàn đưa về vì óc ta đã mệt sau khi bị kích thích quá mạnh.

Ta xuống ba mươi tám bực thang hồi nãy, đi chung quanh hành lang ở từng nhì: hàng chục tượng Phật bằng gỗ sơn xếp thành hàng, mặt trái xoan, nét rất thanh.

Ta xuống một cầu thang nữa, tới hành lang thứ nhất dài hai trăm thước một chiều mà chạm cao đến hai thước tính ra có tới non hai ngàn thước vuông đá chạm. Có đủ cảnh: cảnh thiên đường, cảnh địa ngục, cảnh trần gian, cảnh giặc giã, cảnh cung diện với các vũ nữ, cảnh thần Vichnou khuấy biển cho thành sữa… Biết bao nhiêu kiểu áo, kiểu xe và biết bao nhiêu loài vật kỳ dị! Không một nét nào không sắc. Có chổ tay người sờ nhiều quá, bóng tựa sành. Thật là cả một pho sử bằng đá: sử các triều đại, sử tôn giáo, sử văn minh, sử vạn vật.

Ở hành lang thứ nhất này có một phòng rất lạ: hẹp chừng một thước mỗi chiều, nhưng cao. Đứng giữa phòng đó đấm vào ngực, ta sẽ nghe có tiếng vang tựa tiếng chuông văng vẳng từ xa lại, nhưng nói lên thì không có tiếng vang.

Coi hết dãy hành lang này, chúng tôi ra dãy tây bắc ngồi nghỉ, mặt trời đã xuống gần đến ngọn tháp ở cửa tây, trời vẫn một màu xanh ngắt, hành lang phía bắc nhuộm một màu vàng nhạt, một hàng thốt nốt cao như hàng cột dựng song song ở ngoài. Trước cảnh tỉnh mịch của buổi chiều, bên một khu rừng dìu hiu, tôi tưởng tượng một đêm kia, cách đây non tám thế kỷ.

MỘT ĐÊM TRĂNG

Quốc vương Cao Miên Jayavarman VII sau khi thắng được Chiêm Thành, làm lễ bốn vị thần ở Angkor Vat rồi mở cuộc ca vũ trên bệ trước đền thành Angkor Thom, đêm đó náo nhiệt lạ thường, mấy chục năm chưa từng thấy. Tiếng giã gạo, xay lúa, dệt cửi tắt hẳn, nhường cho tiếng cười, tiếng hát, tiếng trống, tiếng chiêng. Trai gái già trẻ quấn xiêm rực rỡ, mớ tóc loang loáng dầu dừa, tay bưng âu đồng lấp lánh, dắt díu, chen chúc nhau vào cửa đền, đứng chật cả sân. Nhiều kẻ leo lên cây, lên bức tường chung quanh, ngồi xổm, mắt chăm chú nhìn vào bệ.

Một khúc nhạc bắt đầu nổi thì họ im bặt như có lệnh của Thượng đế. Nhà vua đội mũ mười chín từng dát ngọc ở trong đền từ từ bước ra, ngự trên chiếc ngai vàng, hai bên là các ông lục và đại thần.

Văng vẳng có tiếng vàng chạm nhau, thoang thoảng có mùi hương theo gió. Một đoàn “rmann” (mái) nhẹ nhàng, uyển chuyển như con naga uốn khúc từ một phía hành lang bước ra, đi hết một vòng bệ rồi tới trước ngai vàng, cùng quì xuống một lượt.

Bao nhiêu đuốc bổng tắt. Chỉ còn ánh trăng long lanh trên những mũ và xiêm dát vàng, dát ngọc của sáu trăm vũ nữ.

Nhà vua đưa tay ra hiệu. Cả đoàn vũ nữ lùi ra, chia làm năm bọn như đoá hoa nở ra năm cánh, rồi khi một khúc nhạc du dương nổi lên, quyến lấy những tấm thân đẫy đà nhưng vô cùng mềm mại đó thì một ngàn hai trăm bàn tay xoà ra một lúc. Họ bắt đầu múa. Ta còn thấy một viên kim cương vĩ đại lăn chuyển dưới ánh trăng vằng vặc, chiếu ra hàng triệu tia sáng lung linh của đủ các thứ ngọc ở Xiêm, Lào, Pailin, tiết ra một mùi hương ngan ngát của các thứ trầm quý nhất ở Mã Lai, các thứ hoa thơm nhất trong miền Siemreap.

Hàng vạn cặp mắt không chớp, hàng vạn bộ ngực nín thở. Rồi một giọng hát từ trong sáu trăm miệng hoa thốt ra. Khi như bay vút lên cung trăng, khi như quyến luyến trong cành lá.

Trong khi ấy thì ở hồ Srah Srang, hồ Ba rai đông và tây hàng trăm chiếc thuyền sơn son thếp vàng, chăng đèn hai bên, đương lượn trên làn nước phẳng lặng; và ở trong các đền Ta Keo, Ta Prohm, Banteai Kdei, Prê-rup, Mébon, Ta Som, Preak-Khan,… giọng tụng kinh của hàng vạn ông lục làm vang động cả rừng thẳm.

Cả kinh thành Angkor Thom đêm nay ca khúc khải hoàn.

Chú thích:

(°) Hình như có sự nhầm lẫn. Trong “vài lời thưa trước” và trong chú thích ở chương ba, các sách được tác giả nhắc đến là: Guide Groslier, Pour mieux comprendre Angkor của G. Coedès và Les monuments du groupe d’Angkor của Maurice Glaize

 

 

SỨC MẠNH CỦA TÔN GIÁO

Tôi muốn ngồi đây ngắm cảnh mặt trời lặn nhưng mấy anh em giục tôi về vì đêm tối, miền này nguy hiểm.

Qua hai toà thư viện, gặp hai ông lục tiến vô đền, mắt thăm thẳm dán xuống đất, bình bát ở bên sườn. Họ bước như những cái bóng, im lìm. Họ có nhìn thấy chúng tôi không?

Họ nghĩ gì? Những buổi hoàng hôn, những lúc bình minh, những khi gió thổi trong rừng hoang hoặc trăng mọc trên ngọn tháp, họ nghĩ gì? Những phiến đá mà tổ tiên họ đã đem hết cả tinh huyết ra chạm trổ sau khi chở từ dãy núi Kulen về, dãy núi mà nay đã nằm ở bên kia biên giới mới? Gió thì thầm gì với họ? Họ, dòng dõi (°) của một dân tộc mà toàn thể theo đạo, một dân tộc nghệ sĩ đã để lại công trình không tiền khoáng hậu đó?

Nhớ những ngày tết của họ - vào khoảng tháng tư dương lịch – hết thảy dân gian đều vào chùa ở luôn ba bốn ngày tụng kinh niệm phật, tiếng mõ vang cả trong nước; nhớ một vụ xãy ra năm trước ở Nam Vang, hết thảy các ông lục ở Cao Miên đều về kinh để xin cho một ông lục khỏi bị người Pháp xử tội đã làm cho cả xứ sôi nổi, nhiều người Pháp bị thương; rồi trông đền Bayon kia, tôi tưởng như trong nụ cười của vị Avalokitecvara hiền từ có một cái gì vô cùng bí mật. Đền Banteai Kdei, Ta Prohm, Prak Khan, Neak Pean, Ta Som, Krol Ko, Ta Nei, Bantéai Chmar, Vat Nokor, ở Kompong Cham, vô số các đền nhỏ khác trên khắp xứ, cả trên con đường lên Lào, ra Chiêm thành; ngoài ra ông còn cất 121 cái sala làm trạm nghỉ cho kẻ hành hương và 162 dưỡng đường nữa. Chưa có ông vua nào mà xây cất nhiều như vậy, mà Cao miên thời đó như khoác một khăn phủ ren bằng đá.

Đường xá mở mang, cứ 12 hai 15 cây số lại có một nhà trạm. Dưỡng đường tổ chức rất đàng hoàng: mỗi nơi có hai vị lương y, tám người đàn bà ở để giúp việc, hai người giữ kho, hai người bếp, sáu mươi tám người lao công, mười bốn y tá. Mỗi năm ba lần, triều đình lấy trong kho ra cấp cho mỗi nơi đủ thứ: mật, đường, mè, các đồ gia vị, quế, dấm… Tính ra mỗi năm cơ quan y tế dùng tới trên 11 tấn gạo, trên 2.000 ký mè, non 2.000 hột thuốc trị bệnh trĩ, 105 ký bạch đậu khấu, 48. 000 ngàn liều thuốc trị sốt rét.

Một tấm bia ghi rằng: “Nhà vua đau khổ về những bệnh tật của thần dân hơn là bệnh tật của người. Người cầu nguyện cho mọi sinh vật thoát khỏi biển trầm luân”, không biết ông có chịu ảnh hưởng của bà vợ sau không. Hay là ông ân hận đã bắt dân chịu biết bao nỗi lầm than để xây cất những đền đài khắp nơi. Ông Coedès trong cuốn Pour Mieux Comprendre Angkor viết:

“Phải tưởng tượng đám đông người thợ đục núi Kulen, đám lao công chở những khối đá thạch lớn, đám thợ nề sắp những khối đá đó lên, thợ chạm, khắc”

Chú thích:

(°) Trong tài liệu nguồn ghi là giòng giõi, lỗi này có thể do khâu in ấn. Các bạn có thể xem bài Nữa thế kỷ chánh tả trong cuốn Mười câu chuyện văn chương của Nguyễn Hiến Lê

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Nhấn vào giữa màn hình để hiển thị Tùy chọn đọc.
Theo dõi Đọc Sách Hay trên Facebook, mỗi ngày chúng tôi cập nhật những cuốn sách, truyện hay nhất!

Có thể bạn thích