Dao Kề Gáy
Chương XIV

DocSachHay.net

- ại sao anh hỏi cô thư ký Carroll về khả năng Huân tước Edgware kết hôn lần thứ ba? - Tôi tò mò hỏi Poirot lúc hai chúng tôi đang trên đường về nhà.

- Tại bỗng tôi chợt nghĩ rất có thể ông Huân tước tính đến lấy bà vợ thứ ba.

- Để làm gì?

- Tôi đang tìm hiểu xem vì sao ông Huân tước lại xoay chuyển thái độ nhanh như vậy, đột nhiên bằng lòng cho bà Jane Wilkinson ly hôn. Trong sự việc này có điều gì đó không bình thường.

- Tôi cũng thấy lạ.

- Anh thấy chưa, Hastings? Ông Huân tước đã khẳng định điều bà Jane Wilkinson nói ra là đúng. Thoạt đầu, bà ấy nhờ các luật gia đủ loại đến thuyết phục, nhưng ông nhất định không chịu nghe... Thế rồi, đột nhiên ông ta chấp thuận.

- Ít ra cũng nói là chấp thuận.

- Anh nói đúng, Hastings. Chúng ta chưa có trong tay bằng chứng là bức thư kia có được viết ra hay không? Nếu quả thật ông Huân tước đã viết nó thì không phải ông ta không có lý do đế viết. Cái lý do ấy, tôi thoáng nghĩ, có thể ông ta gặp một người phụ nữ nào đó có thể kết hôn. Chính vì vậy ông ấy thay đổi hắn thái độ và bằng lòng ly hôn.

- Nhưng cô thư ký Carroll kiên quyết bác bỏ cái giả thuyết ấy.

Poirot chậm rãi đáp, vẻ mơ màng:

- Đúng thế... Cô Carroll...

Tôi sốt ruột:

- Vậy bây giờ anh kết luận ra sao?

Poirot có biệt tài là dùng giọng nói để khêu gợi người khác bộc lộ ra những nghi ngờ của họ.

Tôi nói:

- Nếu cô thư ký Carroll nói dối chúng ta thì nhằm mục đích gì?

- Không vì mục đích nào cả, Hastings. Tuy nhiên tôi vẫn không tin lời cô ấy nói.

- Anh cho rằng cô Carroll nói dối? Tôi lại cho rằng cô ấy là người thành thật.

- Đúng thế. Giữa lời nói dối có ý và lời nói dối vô

tình có một khoảng cách rất nhỏ, khó phân biệt nổi.

- Tôi chưa hiểu.

- Xét một lời nói là dối hay không đâu phải đơn giản. Có khi ta tin chắc đó là sự thật và không quan tâm đến chi tiết. Anh có thấy cô thư ký Carroll đã một lần nói dối chúng ta không? Cô ta khẳng định có nhìn rõ mặt bà Jane Wilkinson, thật ra lúc bà Jane Wilkinson đi vào, cô ấy đứng trên chiếu nghỉ cầu thang, chỉ nhìn qua tay vịn. Cô ta quả quyết nhìn thấy mặt bà ta, thật ra cô ta chỉ nhìn thấy lưng bà ấy. Nhưng vì tin chắc đó là bà Jane Wilkinson nên cô ấy cho việc nói dốì chi tiết “nhìn thấy mặt” này không quan trọng. Nói cách khác, vì cô ta “biết trước” rằng đó là bà ấy. Nhân chứng mà khẳng định quá nhanh thì nhiều khả năng lời khẳng định đó chưa qua suy xét.

- Ôi, Poirot, nhận xét của anh làm đảo lộn mọi ý niệm của tôi về các nhân chứng đấy.

- Còn vừa rồi, khi tôi hỏi ông Huân tước có ý định kết hôn lần thứ ba không thì cô ấy bác bỏ ngay, vì chưa bao giờ cô ấy nghĩ đến chuyện đó... Cho nên tôi không đi tìm xem động cơ nào khiến cô ấy nói dối. A, mà tôi vừa nảy ra một ý tưởng!

- Ý tưởng gì? - Tôi tò mò hỏi.

- Một ý tưởng nảy ra trong óc tôi nhưng hơi thô thiển quá.

Poirot chỉ nói thế chứ không kể ra cụ thể cái ý tưởng ấy là gì. Tôi nói:

- Có vẻ cô thư ký ấy rất yêu Geraldine.

- Đúng. Và cô ấy muốn tham dự cuộc trò chuyện giữa hai chúng ta và cô bé. Hastings, anh nhận xét thế nào về cô con gái ông Huân tước ấy?

- Cô ấy làm tôi thấy thương hại...

- Tính anh xưa nay vẫn đa cảm. Mỗi khi thấy một cô gái đẹp rơi vào cảnh ngộ bất hạnh anh đều mủi lòng.

- Dù sao lời kết tội của bà Jane Wilkinson cũng không đúng. Cô Geraldine không thể có liên quan đến vụ án.

- Có thể cô ấy đã có đủ chứng cứ ngoại phạm nhưng thanh tra Japp chưa nói cho tôi biết.

- Anh vẫn chưa hoàn toàn tin cô ấy vô tội?

- Ta thử điểm lại xem có thể rút ra những kết luận nào sau cuộc trò chuyện với cô Geraldine nhé. Một là chúng ta biết cô ấy đã phải chịu cuộc sống khốn khổ khi cha còn sống, đến nỗi thấy cha chết cô ấy rất mừng. Thứ hai, cô ấy nóng lòng muốn biết ai là hung thủ đã giết ông Huân tước. Vậy mà anh bảo cô ấy không cần có chứng cứ ngoại phạm?

- Nguyên sự thành thật của Geraldine đủ chứng minh cô ấy vô tội.

- Tính thành thật là một phẩm chất di truyền của gia đình này. Anh thấy cậu Ronald Edgware đã ngửa hết bài ra đấy thôi.

- Đúng thế... Và hai chúng ta bị rơi vào tình thế lố bịch.

- Anh nhận xét đến là lạ. Riêng tôi, chưa lúc nào tôi cảm thấy tôi lố bịch cả. Trái lại, tôi thấy còn đưa được cậu ta vào bẫy nữa kia.

- Thật không, Poirot?

- Chứ còn gì nữa? Tôi chăm chú nghe và khi cậu ta tuôn ra hết, tôi hỏi luôn một câu khiến cậu ta hoàn toàn bất ngờ. Hẳn anh đã thấy cậu ta bối rối đến chừng nào rồi chứ?

- Tôi có thấy vẻ kinh ngạc của cậu ta khi nghe tin về cái chết của cô Carlotta Adams. Anh có cho rằng cậu ta đóng kịch không?

- Khó biết được. Anh biết đánh bài đấy chứ? Người chơi giỏi luôn làm động tác giả để đánh lừa đối phương. Nhưng ta phải đi ăn trưa thôi. Chín giờ tối nay tôi lại phải đến một nơi.

- Đến đâu?

- Ăn cái đã, Hastings. Trong lúc ngồi ăn ta sẽ trao đổi tiếp.

Poirot dẫn tôi vào một quán ăn nhỏ phố Soho, một quán khá nổi tiếng. Chúng tôi lấy món cá, món thịt gà và một chiếc bánh rưới rượu rom là thứ Poirot rất mê.

Trong lúc nhấm nháp tách cà phê, Poirot cười trìu mến nhìn tôi.

- Anh bạn thân mến ạ, chắc anh không biết anh có ích đối với tôi chừng nào đâu.

Tôi hởi lòng hởi dạ nghe câu khen bất ngờ ấy. Cho đến hôm nay, chưa bao giờ Poirot nói với tôi một lời nào kiểu như thế. Trái lại, tôi luôn bực thầm vì bị anh chê bai đủ thứ.

Poirot nói tiếp, vẻ mơ màng:

- Đúng thế đấy. Anh luôn đưa ra những nhận xét giúp tôi tránh được sai lầm trong khi tiến hành điều tra.

Tôi không tưởng tượng nổi là Poirot có thể khen tôi đến mức như thế.

- Cảm ơn. Nhưng đi theo anh tôi thấy học được rất nhiều thì có.

Poirot lắc đầu:

- Vấn đề không phải ở chỗ ấy. Mà thật ra anh không học được cái gì hết.

- Sao lại thế?

- Quy luật cuộc đời là như vậy. Mỗi người chỉ có thể khai thác phẩm chất của bản thân họ. Tôi không coi anh là cấp dưới, là người giúp việc, mà tôi coi anh là người có cách suy nghĩ thông thường.

- Thì có gì là lạ?

- Anh có cách suy nghĩ thực tế. Và điều này tôi rất cần. Khi một hung thủ định gây án, việc đầu tiên hắn làm là tìm cách đánh lừa người khác. Mà ai là người hắn đánh lừa? Những con người có cách suy nghĩ thông thường. Tất nhiên không ai hoàn toàn như thế, nhưng anh gần với kiểu con người suy nghĩ theo cách thông thường ấy. Nói anh đừng giận, nhiều lúc anh ngây thơ đến mức lạ lùng. Nhưng chính nhờ anh mà tôi thấy được hung thủ định đánh lừa ra sao. Mà điều này vô cùng quan trọng đối với tôi.

Quả thật tôi không hiểu rõ lắm Poirot định nói gì, và có phải anh khen tôi thật không? Đúng lúc đó anh ta vội vã nói:

- Tôi không biết cách diễn tả ý nghĩ của tôi. Tôi chỉ muốn nói rằng anh hiểu được tâm lý kẻ tội phạm, là thứ tôi rất thiếu. Anh chỉ cho tôi thây hắn muôn tạo cho tôi tin vào cái gì... Ôi, Hastings, thật tình tôi rất quý anh...

Tôi chưa biết nói sao thì Poirot đã nheo mắt nói thêm:

- Tôi đang tự đặt ra mấy câu hỏi.

Tôi nói:

- Tất nhiên rồi. Câu hỏi đầu tiên, ai là hung thủ giết ông Huân tước?

Poirot lắc đầu rất mạnh:

- Không, không! Câu hỏi ấy lúc này còn sớm quá. Anh giống như một độc giả khi đọc tiểu thuyết hình sự, ngay thoạt đầu đã muốn biết ai là hung thủ, rồi nghi tất cả các nhân vật bất kể ai. Thôi được, về chuyện này hai chúng ta sẽ có dịp bàn đến. Lúc này hãy trở lại vụ án đã. Hai chúng ta đang bàn chuyện gì nhỉ?

Tôi cụt hứng, lạnh lùng nói:

- Những câu hỏi anh tự đặt ra cho anh.

- “Phải rồi. Câu hỏi đầu tiên, tại sao Huân tước Edgware đột nhiên thay đổi thái độ đối vối việc ly hôn? Tôi nghĩ đến hai khả năng. Một khả năng thì anh biết rồi.

Câu hỏi thứ hai: bức thư kia hiện ở đâu? Ai quan tâm đến việc Huân tước có ly dị vợ hay không?

Câu hỏi thứ ba: giải thích thế nào về vẻ mặt của Huân tước Edgware mà anh nhận xét thấy lúc chúng ta ra khỏi phòng đọc sách của ông ấy? Anh có tin chỉ do anh tưởng tượng hay không?”

- Không. Tôi tin rằng tôi đã nhận xét đúng.

- “Thôi được, nhưng ta sẽ phải chứng minh điều đó. Câu hỏi thứ tư liên quan đến chiếc kính cận. Carlotta Adams không đeo kính, và bà Jane Wilkinson cũng không đeo. Vậy tại sao có chiếc kính trong xắc của Carlotta?

Còn đây là câu hỏi thứ năm: tại sao có người muốn biết bà Jane Wilkinson có đến dự tiệc ở phố Chiswick hay không, và ai đã gọi điện thoại?

Đấy là tất cả những câu hỏi đang đặt ra trong đầu tôi lúc này”.

Tôi nói:

- Còn nhiều câu hỏi khác nữa.

- Thí dụ?

- Ai đã thuê Carlotta Adams thực hiện cuộc “đánh lừa” kia? Cô ấy ở đâu trước và sau mười giờ tối? Người có cái tên bắt đầu bằng chữ D. là ai, và có phải là người đã tặng cô ấy chiếc hộp nhỏ bằng vàng kia?

- Các câu hỏi của anh chỉ mang tính thứ yếu. Chỉ là chi tiết. Trong khi những câu hỏi của tôi mới mang tính tâm lý...

Dù sao tôi cũng phải cắt đứt lời Poirot nói.

- Lúc nãy anh bảo tối nay phải đi đâu kia mà, Poirot?

- Đúng thế. Để tôi gọi điện xem người đó có tiếp tôi được không đã.

Anh chạy đi một lát rồi quay lại.

- Xong rồi. Anh đi với tôi.

- Đến đâu?

- Đến Huân tước Montagu Corner ở phố Chiswick. Tôi muốn hỏi thêm về cú điện thoại kia.

 

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Nhấn vào giữa màn hình để hiển thị Tùy chọn đọc.
Theo dõi Đọc Sách Hay trên Facebook, mỗi ngày chúng tôi cập nhật những cuốn sách, truyện hay nhất!
Dao Kề Gáy Chương XIV

Có thể bạn thích