Đã Đến Lúc Phải Cứng Rắn Để Khôi Phục Sự Vĩ Đại Của Nước Mỹ
Chương 4. Đó Là Tiền Của Bạn - Bạn Nên Giữ Nhiều Hơn

Sự thật nghịch lý là thuế suất hiện nay quá cao còn tiền thu từ thuế thì quá thấp và cách hợp lý nhất để tăng thu về lâu về dài là giảm ngay thuế suất.

— Tổng thống John J. Kennedy

16 tiếng đầu tiên trong tuần làm việc 40 giờ của bạn là số giờ bạn làm không công. Nói khác đi, 4 tháng rưỡi đầu của cả năm, bạn làm việc tuyệt đối không công – chính phủ sung công đến tận đồng xu cuối cùng trong số tiền mà bạn phải vất vả mới kiếm được dưới hình thức thuế.

Thật kinh khủng. Tất cả sự cướp bóc kinh tế này đã là đủ chướng tai gai mắt rồi, song điều khiến ta giận sôi gan không kém là việc chính phủ cũng cướp đi của bạn một lượng thời gian và tự do. Hãy hình dung mỗi tuần bạn sẽ có thêm 16 tiếng để dành cho gia đình, hoặc làm tình nguyện thêm 16 tiếng mỗi tuần cho hội từ thiện mà bạn yêu thích, hoặc dùng 16 tiếng dư ra mỗi tuần ấy để phát triển công việc kinh doanh hay đầu tư cho dự án khởi nghiệp tiếp theo. Hãy thử hình dung phiếu lương của bạn cao hơn 40% so với hiện tại. Bạn có thể làm gì với 40% chỗ của cải tăng thêm đó? Bạn có thể tạo ra bao nhiêu công ăn việc làm và cơ hội cho người khác? Càng ngẫm nghĩ thêm về điều này, bạn sẽ càng nổi điên, nhất là khi bạn xem xét sự lãng phí và lạm dụng mà chính phủ liên bang gây ra khi áp các chính sách thất sách lên những người Mỹ làm lụng chăm chỉ.

Thế nhưng, điều này có khiến Obama và các cộng sự “cấp tiến” của ông ngừng lại không? Không. Thực tế là, họ nghĩ rằng vấn đề thật sự không phải là ở việc các thứ thuế đánh lên bạn quá cao mà là vì chúng quá thấp. Chính quyền lý luận rằng giá mà mấy người làm công ăn lương keo kiệt đó chịu nhả thêm tiền, thì các quan chức chính phủ nhân đức có thể phân phối lại nó một cách khôn ngoan và công bằng hơn.

Xem này, trả thuế là một phần của cuộc sống, và chúng ta cần rót tiền tài trợ những thứ mà cá nhân không thể tự mình làm được như quốc phòng, cơ sở hạ tầng và cả các chương trình An sinh Xã hội, Chăm sóc Y tế và Hỗ trợ Y tế. Phúc âm Matthew đã nhắc chúng ta rằng: “Hãy trả cho Caesar thứ thuộc về Caesar và hãy trả cho Chúa thứ thuộc về Chúa.” Nhưng như một tín hữu Ki-tô giáo đã nói với tôi, “Chúa chỉ đòi ở tôi 10% thuế khi làm những công việc tốt lành của Ngài. Obama thì lại muốn nhiều hơn hẳn.”

Đánh giá từ hành động của họ thì thấy, các nhà cấp tiến thậm chí còn không tin chính sự thổi phồng thuế của họ. Ai nghĩ mình nên đóng thuế cao hơn đều có quyền tự do đóng thêm tiền cho chính phủ liên bang. Không có luật nào nói bạn không thể đóng thêm thuế cả. Năm 1843, Bộ Tài chính đã lập ra một quỹ đặc biệt, mà đến ngày nay vẫn còn tồn tại, được gọi là “Những món quà gửi đến Quỹ Chính phủ Mỹ” dành cho “những cá nhân muốn thể hiện lòng yêu nước với nước Mỹ”. Các công dân có thể gửi séc bất kỳ lúc nào. Nhưng khi một người Mỹ bình thường phải trả thêm thuế cho cái ăn, chốn ở và cả cái mặc, thì chẳng khó thấy tại sao rất ít người làm điều đó.

Năm 2002, ở cấp tiểu bang, Kirkland Cox, một đại biểu mạnh dạn của bang Virginia, một đảng viên Đảng Cộng hòa, đã lập ra “Quỹ Đánh Thuế Tôi Nhiều Hơn” ở Virginia để xem liệu những người lớn tiếng nhất khi đòi đánh thuế cao hơn có dám làm thật không hay chỉ nói suông. Đến nay, đã hơn 8 năm trôi qua, Quỹ này nhận được một con số tức cười là 12.887 đô-la, một con số nhỏ đến mức nó thậm chí không thể trả lương nổi cho một người làm việc bán thời gian. Điểm mấu chốt là: Nếu những người có tinh thần tự do thực sự nghĩ việc đóng thêm cho chính phủ số tiền mà họ vất vả kiếm được là một ý tưởng hay, thì chắc là họ sẽ làm đấy. Nhưng họ đâu có làm.

Rõ ràng bạn đã làm việc vất vả để có tiền – tôi biết vì tôi đã làm việc vất vả – và bạn nên được phép giữ lấy nhiều hơn. Bất cứ thứ gì ít hơn sẽ tạo ra một sự thoái chí cho nền tảng đạo đức vững bền của dân tộc. Tổng thống Ronald Reagan cũng thấy y như vậy:

Chính phủ càng thu nhiều thuế, mọi người càng có ít động cơ làm việc. Người thợ mỏ than hay công nhân dây chuyền lắp rắp nào sẽ nhận làm thêm giờ khi họ biết Chú Sam sẽ đánh thuế 60% hoặc hơn cho khoản thanh toán thêm mà họ sẽ nhận được?... Bất kỳ hệ thống nào cản trở thành công và thành tựu thì đều sai. Bất kỳ hệ thống nào ngăn cản lao động, ngăn cản năng suất, ngăn cản tiến bộ kinh tế thì đều sai.

Mặt khác, nếu bạn giảm thuế và cho phép mọi người chi tiêu hay tiết kiệm nhiều hơn những gì họ kiếm được, họ sẽ cần cù hơn; họ sẽ có thêm động cơ làm việc chăm chỉ và tiền họ kiếm được sẽ tiếp thêm nhiên liệu cho cỗ máy kinh tế vĩ đại đang cung cấp năng lượng cho sự tiến bộ của đất nước chúng ta. Kết quả là: Tất cả sẽ thịnh vượng hơn – và thu nhập cao hơn cho chính phủ.

Cũng như hầu hết những điều khác, Tổng thống Reagan nói đúng về điều này. Song Reagan không phải là tổng thống duy nhất hiểu rằng thuế thấp hơn sẽ mang lại thu nhập cao hơn vì nó tháo mở sức tăng trưởng kinh tế và tạo ra việc làm. Trước sự thất vọng của nhiều thành viên Đảng Dân chủ, Reagan chỉ đang nhắc lại những tư tưởng kinh tế của tổng thống John F. Kennedy, người năm 1962 đã nói: “Sự thật nghịch lý là thuế suất hiện nay quá cao còn tiền thu từ thuế thì quá thấp và cách hợp lý nhất để tăng thu về lâu về dài là giảm ngay thuế suất.

Các quan điểm của Reagan và Kennedy chứng tỏ rằng chính sách thuế khôn ngoan không nên là một vấn đề tranh cãi đảng phái. Nó phải là một vấn đề thuộc về cảm quan chung. Nếu bạn đánh thuế thứ gì đó, bạn sẽ có nó ít hơn. Đơn giản vậy thôi. Bạn càng đánh thuế việc làm bao nhiêu, thì càng ít người sẵn lòng làm việc bấy nhiêu. Bạn càng đánh thuế đầu tư bao nhiêu, thì bạn sẽ nhận được ít đầu tư bấy nhiêu. Đây có phải là điều cao siêu khó hiểu gì đâu.

Chính sách yếu của Obama về thuế.

Tổng thống Obama cần tìm hiểu xem thế giới kinh doanh thật sự vận hành ra sao. Ai cũng biết rằng việc làm tồi tệ nhất khi kinh tế suy thoái hay đình trệ là tăng thuế suất áp lên mọi người. Có lẽ đây là một sự thật không mấy tiện lợi cho vị tổng thống và đội kinh tế đáng sợ của ông ấy, song các chủ doanh nghiệp là những người tạo ra công ăn việc làm. Hai phần ba tổng số việc làm được tạo ra ở Mỹ là do các chủ doanh nghiệp nhỏ tạo ra. Với tỷ lệ thất nghiệp tăng vùn vụt dưới thời vị tổng thống này, chắc hẳn bạn nghĩ ông ấy sẽ muốn làm mọi thứ có thể để giảm tỷ lệ thất nghiệp xuống và đẩy tỷ lệ tuyển dụng lên. Song ông ấy lại không làm vậy. Thay vào đó, ông ấy và các cố vấn chính trị nghĩ rằng việc xử tệ với các công ty và những người đang tạo ra của cải sẽ ghi điểm chính trị và bằng cách nào đó sẽ giúp ông ấy tránh được thất bại trong năm 2012.

Ông ấy sai rồi. Mọi người rất thông minh. Họ biết ta không thể vừa “ủng hộ” công ăn việc làm, vừa đi chống lại những người tạo ra nó. Mọi sự không vận hành theo cách ấy. Tất cả những gì mà việc tăng thuế lên các doanh nghiệp làm được là buộc các chủ doanh nghiệp phải cắt giảm những nhân viên mà họ không còn đủ khả năng chi trả nữa. Và điều này cũng đẩy giá cả tăng lên, khuyến khích các nam, nữ doanh nhân phải chuyển hoạt động kinh doanh của họ (và các công ăn việc làm) sang những nước có thuế suất và chi phí hợp quy thấp hơn hẳn, và đẩy người ta đến chỗ lao vào các mánh trốn thuế.... Và ngày nay chỉ với một cú nhấp chuột, ai cũng có thể dễ dàng thuê các lao động nước ngoài. Trong thế giới internet tốc độ cao, băng thông rộng của chúng ta, những rào cản kinh doanh “phải có văn phòng làm việc” xưa cũ đã biến mất rồi. Nghĩa là ngày nay tư bản có thể đảo chiều quay ngay lập tức để tránh các thứ thuế và quy định đang ngày một tăng của chính phủ.

Obama không phải là người duy nhất mù tịt về hiện trạng thuế má ở Mỹ. Thực tế là, nhiều người đã tin những lời dối trá theo tinh thần tự do mà người ta đã nói với chúng ta hàng thập niên. Lời dối trá đầu tiên là về việc tầng lớp trung lưu và tầng lớp thấp hơn phải gánh phần lớn gánh nặng thuế và để giới nhà giàu trốn thuế như thế nào. Nếu người ta chịu dừng lại và nghĩ xem điều này điên rồ như thế nào, hẳn họ sẽ thấy rằng chính quan niệm ấy đã bất chấp các quy luật toán học. Trước hết, một nửa dân số nước Mỹ thậm chí còn không đóng một xu nào trong các khoản thuế thu nhập liên bang. Có thể điều này làm bạn sốc, nhưng đó là sự thật. Đó là một trong những lý do khiến việc chi tiêu liên bang tăng vùn vụt lại nguy hiểm đến thế: Một nửa đất nước sẽ nhún vai và nói “Ai thèm quan tâm? Họ đâu có tiêu tiền của tôi đâu.” Vì vậy, ý kiến cho rằng tầng lớp thấp hơn đang chung vai gánh vác gánh nặng thuế là phi lý, vì nửa dân số Mỹ nằm dưới không hề trả một đồng thuế thu nhập liên bang nào.

Thế vẫn chưa hết chuyện. 1% những người làm công ăn lương Mỹ nằm ở tốp đầu đóng thuế nhiều hơn toàn bộ 95% người nằm dưới – kết hợp lại. Và 10% người có thu nhập nằm trong tốp đầu đóng 71% tiền thuế thu nhập liên bang. “Nói cách khác,” Scott Hodge của Quỹ thuế cho biết, “1% người nằm tốp đầu chỉ gồm khoảng 1,4 triệu người đóng thuế và phần đóng góp của họ cho gánh nặng thuế thu nhập hiện nhiều hơn số tiền đóng của 134 triệu người đóng thuế nằm dưới.” Neil Cavuto của chương trình Fox News, một người rất am hiểu về kinh doanh, đã diễn đạt điều này như sau:

Nó giống việc ra ngoài ăn tối với bạn bè. Ông bạn thân của bạn ngồi ở bàn nhận lấy hóa đơn, và gã giả ngu nào đó trơ trẽn nói: “Joe, đáng lẽ cậu nên để tiền boa nhiều hơn.” Lúc này, một số đảng viên Dân chủ đang thúc đẩy xung đột giai cấp sẽ nói: “Phải đấy, mọi sự nên như vậy. Đúng đấy Joe ạ, đáng lẽ cậu nên để tiền boa nhiều hơn.” Song khi bạn nhận ra rằng người giàu nhất trong chúng ta đang thay ta trả hào phóng cho chính phủ… Thì ít ra, thi thoảng ta cũng nên nói lấy tiếng cảm ơn chứ.

Tôi không cần một lá thư cảm ơn nào từ bất kỳ ai. Tôi làm ra nhiều tiền và đóng nhiều thuế. Đó là chuyện bình thường. Nhưng thông tin sai lệch và những lời dối trá được mấy gã được gọi là “cấp tiến” phun ra thì thật lố bịch. Sao lại phải biến người giàu thành quỷ? Ai lại không muốn làm giàu kia chứ? Thế mấy gã này nghĩ các quỹ từ thiện lấy tiền ở đâu ra? Mấy gã nghĩ ai là người tạo ra công ăn việc làm? Đó là người giàu, các doanh nhân, những người đã làm việc rất, rất vất vả đấy!

Song, phần thực sự thú vị là đây - phần mà những người tự do chủ nghĩa vẫn mù tịt: Nếu chính quyền liên bang thực sự muốn “gây rắc rối” với những người giàu và sung công thêm số tiền mà họ vất vả kiếm được để tài trợ cho những đợt chi tiêu hoang phí, điên cuồng của họ cho các chương trình xã hội phản hiệu quả, thì họ nênhạ, chứ không phải tăng thuế. Như ông bạn Steve Forbes của tôi giải thích, trước khi tổng thống Reagan bắt đầu tiến hành các chương trình cắt giảm thuế Reagan, 1% người giàu nhất nước Mỹ đóng 18% tổng thế thu nhập liên bang. Lúc đó, đỉnh thuế suất biên đã giảm từ con số nghẹt thở 70% xuống còn 28%. Và kết quả là gì? Phần đóng thuế của họ trong hóa đơn thuế quốc gia đã tăng gấp đôi – họ đã đóng 36% thuế thu nhập liên bang và tạo ra 23% thu nhập quốc gia. Như tổng thống Reagan đã giải thích: “Một vài nhà kinh tế học gọi nguyên tắc này là kinh tế học trọng cung. Tôi thì gọi nó là kiến thức thông thường.”

Tổng thống Barack Obama không hiểu sự thịnh vượng được tạo ra như thế nào – và chính quyền liên bang có thể hủy hoại nó ra sao. Ông ấy cũng không hiểu được sự thịnh vượng ngày nay dễ thay đổi như thế nào. Mọi người hiện nay có nhiều lựa chọn. Các cá nhân và doanh nghiệp có thể “chơi” ở bất kỳ đâu trên thế giới. Ví dụ, thuế suất doanh nghiệp ở Ireland là 12,5%. Còn ở Mỹ thì sao? Thuế suất của chúng ta đứng thứ hai trên thế giới, chỉ sau Nhật Bản, với con số là 39%. Nghĩa là, các doanh nghiệp của ta có thể tiết kiệm đến 26,5% tiền thuế chỉ bằng cách dời doanh nghiệp của họ ra nước ngoài. Và họ đã làm thế – với số lượng rất lớn. Thực tế, thuế suất doanh nghiệp trung bình của quốc tế là 26%. Thậm chí các nền kinh tế xã hội chủ nghĩa cũng hiểu rằng thuế suất doanh nghiệp cao là hồi chuông báo tử cho công ăn việc làm và sự tăng trưởng kinh tế. Thuế suất cao đang chuyển sự thịnh vượng và công ăn việc làm ra nước ngoài theo đúng nghĩa đen của từ này, và điều này chỉ làm giảm đi phần thu thuế mà đáng lẽ chính quyền liên bang sẽ thu được.

Một điều khác nữa về thuế suất doanh nghiệp cao là xét cho cùng, người trả hóa đơn không phải là các công ty, mà là người tiêu dùng. Quỹ thuế đã chạy các con số và nhận thấy rằng năm 2007, thuế thu nhập doanh nghiệp liên bang thu được 370 tỷ đô-la. Họ kết luận thêm rằng mỗi năm một hộ gia đình bình thường ở Mỹ phải trả 3.190 đô-la cho thuế thu nhập doanh nghiệp. Một lần nữa, Barack Obama không hiểu điều Ronald Reagan đã hiểu. Đây là cách Tổng thống Reagan giải thích ảnh hưởng xói mòn của các loại thuế doanh nghiệp lên người Mỹ bình thường:

Một số người nói phải chuyển gánh nặng thuế cho các doanh nghiệp và các ngành nghề, nhưng doanh nghiệp không trả thuế. À, xin bạn đừng hiểu sai ý tôi. Doanh nghiệp bị đánh thuế, cao đến mức chúng ta nổi bật hẳn lên trên thị trường thế giới. Nhưng doanh nghiệp phải chuyển các chi phí vận hành của mình – và trong đó gồm cả thuế – cho người tiêu dùng dưới dạng giá sản phẩm. Chỉ người dân mới trả thuế, mọi thứ thuế. Chính phủ chỉ sử dụng doanh nghiệp theo một cách lén lút để giúp thu thuế. Chúng bị giấu vào trong giá cả; chúng ta không ý thức được thực sự mình đã trả bao nhiêu tiền thuế.

Reagan nói đúng. Nếu người Mỹ hiểu có bao nhiêu thứ phí và thuế chính phủ được hấp thụ trong giá cả hàng hóa và dịch vụ mà họ mua, chắc hẳn họ sẽ nổi điên. Thử xem xét điều này: Với mỗi ga-lông xăng bạn đổ cho ô tô của mình, bạn trả 45,8 xu cho thuế bang, thuế địa phương và thuế liên bang. Vì vậy, nếu bạn đổ đầy bình 20 ga-lông, bạn mất ngay 9,16 đô-la tiền thuế. Các loại phí ẩn tàng tác động lên tất thảy mọi thứ, kể cả các hoạt động vui chơi, giải trí. Chẳng hạn, một người đánh cá trả 10% giá bán thiết bị câu cá thể thao dưới dạng thuế ẩn, và người bắn cung trả một khoản thuế liên bang là 45 xu cho một mũi và 11% nữa cho ống đựng tên. Nếu bạn đặt vé máy bay nội địa, bạn trả 7,5% thuế trên tiền vé. Bạn sẽ phải trả thêm 3,6 đô-la tiền thuế nữa, cộng với thêm một khoản thuế an toàn là 2,5 đô-la cho mỗi chuyến bay. Nếu bạn đi du lịch nước ngoài, bạn sẽ phải trả thuế trạm đi/trạm đến quốc tế là 16,1 đô-la, cũng như mức phí 4,5 đô-la cho “phí phục vụ hành khách”. Đây là lý do tại sao giá bạn nhận được cho một chiếc vé máy bay lại bất ngờ nhảy vọt khi bạn trả hóa đơn.

Một số người không thấy nhiều vấn đề với cái gọi là “thuế tiêu thụ đặc biệt” được áp lên các món hàng mà chính phủ muốn làm bạn nản lòng ngưng sử dụng. Thuế liên bang cho một gói thuốc lá là 1,01 đô-la, cho một hộp 6 lon bia là 33 xu. Một số người sẽ nói: “Ừ thì mấy thứ đó dù sao cũng có tốt lành gì cho bạn đâu, nên ta phải đánh thuế mấy thứ đó cao hơn.” Tương tự, dầu đốt, thứ đảm bảo cho những người sống ở phía Bắc có thể giữ ấm ngôi nhà của họ trong suốt mùa đông cũng bị hầu hết các bang đánh thuế. Điểm chính ở đây là tất cả những thứ thuế lén lút này đang mạ kiền và làm mờ mắt người Mỹ cho đến chết. Tệ hơn, chúng che giấu những chi phí thực có liên quan đến ông lớn chính phủ. Nếu người dân thường Mỹ ý thức được chính phủ đã móc túi họ bao nhiêu tiền mỗi năm – ước tính là 40% tiền lương của bạn – chắc hẳn sẽ có một cuộc nổi loạn thuế có thể biến Bữa tiệc trà ở Boston trông như một giờ thiếu chuyên nghiệp.

Điều này vừa sai vừa không công bằng. Nó cũng là một chính sách kinh tế tồi. Khi thuế tăng, người ta sẽ làm gì? Nhiều người khôn ngoan sẽ chuyển tiền thành các trái phiếu miễn thuế. Và bạn đoán được điều gì không? Chính quyền sẽ không lấy được số tiền họ nghĩ là mình sẽ nhận được. Luật Hauser, được đặt theo tên của W. Kurt Hauser, chủ tịch danh dự Viện Hoover, Đại học Standford, đã giải thích, thuế suất biên cá nhân cao nhất trong 60 năm qua đã đánh đu loạn xạ, đi từ mức rất cao 92% trong năm 1952-1953 lao một mạch xuống 28% trong năm 1988-1990. Song, bất chấp mức thuế suất này, tiền thu từ thuế thu xét theo tỷ lệ phần trăm GDP gần như vẫn giữ nguyên, trung bình ở mức dưới 19%. Đó là vì khi các thứ thuế trở nên quá khó chịu, thì người ta đơn giản là sẽ chuyển tiền ra khỏi bàn tay của chính quyền liên bang và đưa nó tới các thiên đường miễn thuế. Thuế suất cao không làm tăng thu nhập từ thuế của chính phủ, tất cả những gì chúng làm là đẩy tiền ra khỏi nền kinh tế hiệu quả đang tạo ra công ăn việc làm và nhốt nó lại trong những khoản đầu tư ít năng động hơn như trái phiếu. Chỉ có gã khờ mới ủng hộ một kế hoạch tai họa như thế. Song, đó chính xác lại là con đường mà Barack Obama đang đi theo.

Không có gì ở điều này gây ngạc nhiên cho bất kỳ ai để tâm chú ý năm 2008. Bạn còn nhớ Joe anh thợ sửa ống nước chứ? Barack Obama, khi ấy là ứng cử viên, đã nói rõ ý đồ của ông ấy: “Tôi tin rằng khi ta trải rộng sự thịnh vượng ra khắp nơi, tất cả mọi người đều được hưởng lợi.” Thế nên, ngay từ đầu chúng ta đã biết điều này sẽ hướng đến đâu, vì công việc của chính phủ không phải là trải tiền của bạn ra khắp nơi. Chính bạn sẽ tự mình trải tiền khi bạn quyết định bạn muốn tiêu nó, đầu tư nó hay quyên tặng nó như thế nào. Obama ủng hộ các thứ thuế vì ông ấy tin chính quyền nên quyết định nhiều hơn và bạn nên quyết định ít lại.

Đã đến lúc phải khôn ngoan về thuế.

Chúng ta cần một hệ thống thuế công bằng và khôn ngoan – một hệ thống khuyến khích tăng trưởng, tiết kiệm và đầu tư. Đã đến lúc ngưng trừng phạt người làm việc vất vả và tinh thần khởi nghiệp. Cụ thể, chúng ta cần làm 5 điều sau. Trước hết, thuế di sản cần phải chết. Thật vô đạo đức khi chính quyền đánh thuế bạn ngay cả khi bạn đã chết, để chiếm lấy một phần tiền và tài sản mà bạn đã bỏ cả đời gầy dựng, và bạn cũng đã trả thuế cho những thứ đó rồi. Con cái bạn xứng đáng hưởng tài sản của bạn, chứ không phải chính quyền liên bang. Tổng thống George W. Bush đã xóa bỏ thuế di sản (đôi lúc còn được gọi là thuế thừa kế) được 1 năm. Thế nhưng, sau năm 2010, dưới thời Obama, thứ thuế này lại đội mồ sống lại. Giờ đây, các tài sản, có giá trị trên mức miễn thuế, sẽ bị đánh thuế với thuế suất lên đến 35%. “Có vẻ như việc phần lớn số tiền từ tài sản thừa kế đã bị đánh thuế ngay khi người ta kiếm được số tiền đó,” tờ Wall Street Journal viết. “Điều này làm ngơ thực tế rằng phần lớn khoản tiết kiệm lâu dài và khoản đầu tư kinh doanh nhỏ ở Mỹ đều được thúc đẩy bởi khả năng trao truyền lại của cải cho thế hệ tiếp theo… Toàn bộ điều này có nghĩa là thuế di sản càng cao thì động cơ tái đầu tư vào các hoạt động kinh doanh gia đình càng thấp.”

Một nghiên cứu của Douglas Holtz-Eakin, cựu giám đốc Cục Ngân sách Quốc hội Hoa Kỳ, phát hiện thấy rằng việc đẩy thuế di sản từ 0% lên 45% (con số mà Obama muốn) là một tác nhân giết hại công ăn việc làm đã được chứng minh, vì nó sẽ tước đi 1,6 ngàn tỷ đô-la vốn cho các hoạt động kinh doanh nhỏ khỏi tay những người tạo ra việc làm. Việc này, theo Holtz-Eakin, sẽ làm tổn hại 1,5 triệu việc làm mới. Làm sao ta có thể ngồi yên và cứ để mọi chuyện xảy ra vào thời điểm 25 triệu người Mỹ không thể kiếm đủ việc để chăm lo cho gia đình họ? Thuế di sản chỉ gia tăng 1% bé xíu trong tổng thu nhập liên bang. Thêm vào đó, những người thừa kế đã phải trả lợi nhuận thu được trên tài sản mà họ thu được từ bất kỳ của cải nào rồi. Việc làm này đơn giản là sai.

Obama nói rằng “khi nghĩ về cải cách thuế, ta cần nghĩ về công bằng. Thế nào là công bằng?”. Được thôi, tôi sẽ nói cho ông biết thế nào là không công bằng, thưa Ngài tổng thống: Giết chết 1,5 triệu việc làm và bóp nghẹt sự tăng trưởng kinh tế chỉ để Ngài cảm thấy dễ chịu và an tâm về việc lấy được tiền từ các doanh nghiệp gia đình và rải nó ra khắp nơi khi Ngài và giới quan chức của Ngài thấy phù hợp. Nếu ta bãi bỏ thuế di sản, ta sẽ có 1,5 triệu việc làm, đẩy mạnh vốn cho doanh nghiệp nhỏ lên hơn 1,6 ngàn tỷ đô-la, mở rộng bảng lương lên 2,6%, tăng khả năng các doanh nghiệp thuê lao động mới lên 8,6% và mở rộng đầu tư lên 3%. Đó là điều dễ hiểu như không. Đã đến lúc xử chết thuế di sản một lần cho xong. Hơn 1 triệu việc làm phụ thuộc vào điều đó.

Hai là, ta cần giảm thuế lợi nhuận và cổ tức – hai thứ thuế nữa đã được chứng minh là những kẻ giết chết việc làm và đầu tư. Tất nhiên là, tổng thống Obama muốn làm ngược lại. Ông muốn tăng thuế lợi nhuận từ 15% lên 20%. Ông cũng muốn kích thuế cổ tức lên mức tương tự như thế. Một lần nữa, trong thế giới của Obama, tất cả chỉ là để trừng phạt thành công và tái phân phối của cải. Như nhà kinh tế học J. D. Foster đã chỉ ra, “Obama nói rất rõ trong cuộc tranh luận tranh cử với Thượng nghị sỹ Clinton khi đó rằng tăng tiền thu từ thuế không phải là lý do chính khiến ông này đề xuất đẩy cao thuế lợi nhuận.” Ngay cả các con số ngân sách riêng của tổng thống cũng cho thấy mức giảm vô cùng nhỏ 0,01% trong sức tăng trưởng kinh tế hàng năm – điều không thể tránh được nếu đi theo các chính sách thuế của Obama – sẽ xóa sạch số tiền mà ông ấy hy vọng gạn lấy được bằng việc tăng thuế lợi nhuận. J. D. Foster kết luận, “Tổng thống nên đặt những ưu tiên của mình sang một bên và ép Quốc hội duy trì mức 15% hiện hành cho thuế lợi nhuận và thuế cổ tức cho đến khi nền kinh tế đạt tới điểm đáp ứng đủ công ăn việc làm.” Nâng các loại thuế suất này vào lúc này (hay bất kỳ khi nào) đều là hành động thiển cận về mặt kinh tế.

Chủ nghĩa tư bản cần có tư bản. Khi cướp tư bản khỏi tay các nhà đầu tư, chính phủ cũng lấy đi số tiền tạo ra việc làm – những công việc thật sự trong khối tư nhân đang góp phần đảm bảo sức khỏe của nền kinh tế ta. Với một người tuyên bố tạo việc làm là điều đầu tiên ông ta nghĩ đến khi thức dậy và là điều sau cùng ông ta nghĩ về trước khi đi ngủ, thì hẳn bạn sẽ nghĩ ông ta phải hiểu điều đó rõ hơn. Nhưng thực tế không phải vậy. Đó là lý do tại sao ta cần một tổng thống mới, một người giữ thuế lợi nhuận ở mức thấp.

Điều thứ ba ta cần làm là hạ thuế doanh nghiệp Mỹ từ 39% xuống 0%. Như tôi đã nói, thuế doanh nghiệp Mỹ cao thứ hai thế giới. Mức thuế doanh nghiệp trung bình trên trường quốc tế là 26%. Làm sao ta có thể mong các công ty thuê người lao động Mỹ và đặt cơ sở kinh doanh của họ tại Mỹ khi chính phủ ta áp lên họ một thuế suất không thể chịu nổi. Chuyện đó thật không tưởng. Tôi muốn khuyến khích các công ty Mỹ ở lại Mỹ và thuê nhân công Mỹ, và tôi muốn các công ty nước ngoài dời doanh nghiệp của họ đến Mỹ và tạo ra công ăn việc làm ở Mỹ. Chúng ta là đất nước vĩ đại nhất trên trái đất này – các công ty của thế giới muốn có mặt ở đây. Thuế doanh nghiệp 0% chắc hẳn sẽ tạo ra một sự bùng nổ việc làm chưa từng có. Hàng triệu việc làm sẽ trở thành hiện thực. Đây chả phải là điều khó hiểu gì. Bạn cắt thuế doanh nghiệp đi và các công ty sẽ ở lại Mỹ hoặc chuyển đến Mỹ, và điều đó sẽ tạo ra việc làm. Ai lại không hiểu chuyện đó?

Vấn đề là chúng ta có một tổng thống quan tâm đến việc theo đuổi một loại sứ mệnh ý hệ kỳ quặc nào đó đi ngược lại với truyền thống thị trường tự do của Mỹ. Nhìn này, chúng ta không có thời gian vờ vịt đâu. Người dân của ta đang tổn thất nặng nề. Đây là thông điệp của tôi dành cho Tổng thống Obama: Nước Mỹ là đất nước tư bản chủ nghĩa. Hãy khôi phục nó và sống với nó! Hãy tháo gông xiềng đang kìm kẹp những người tạo ra việc làm và chúng ta sẽ đưa người Mỹ trở lại làm việc với số lượng lớn. Hãy dẹp ngay thuế doanh nghiệp và tạo ra hàng triệu việc làm mới đồng thời thúc đẩy nền kinh tế lề mề của ta tiến lên.

Bốn là, đã đến lúc phải cứng rắn đối với nhưng ai đẩy việc làm ra nước ngoài và tưởng thưởng cho các công ty trung thành với Mỹ. Nếu một công ty Mỹ đẩy việc làm của mình ra nước ngoài, công ty đó sẽ phải chịu mức thuế 20%. Với những công ty đã sai lầm chuyển hoạt động kinh doanh ra nước ngoài nhưng giờ nhìn thấy ánh sáng và sẵn sàng trở về nhà, mang theo công ăn việc làm, họ sẽ phải trả thuế 0%. Điểm cốt yếu là: Hãy thuê người lao động Mỹ và bạn sẽ thắng. Chuyển việc làm ra nước ngoài, bạn sẽ phải trả thuế. Ngoài ra, tôi cũng muốn các nước khác rốt cục phải bắt đầu trả tiền để được bước vào thị trường của ta. Vậy nên, đây là thỏa thuận: Bất kỳ nước nào vận chuyển hàng hóa vào Mỹ đều phải trả 20% thuế. Nếu họ muốn có một miếng bánh trên thị trường Mỹ, họ sẽ phải trả thuế cho Mỹ. Sẽ không còn kiểu miễn phí bước vào chương trình hoành tráng nhất nữa – nhất là với Trung Quốc.

Điểm thứ năm và là điểm cuối trong kế hoạch thuế của tôi là cải cách thuế thu nhập. “Chính phủ đang sung công quá số mức tiền lương của bạn. Mã số thuế cũng là một hệ thống rất, rất phức tạp buộc người Mỹ phải mất 6,1 tỷ giờ đồng hồ mỗi năm khi cố hình dung ra nó. Người Mỹ cũng lãng phí hàng tỷ đô-la khi thuê tuyển kế toán để cố hiểu mã số thuế. Bạn có thể thuê 100 kế toán tính thuế cho bạn và tất cả họ sẽ đưa ra những con số khác nhau. Điều đó cho bạn biết gì? Nó cho tôi biết rằng đã đến lúc chúng ta phục hồi sự đơn giản và sự lành mạnh cho thuế thu nhập. Đây là kế hoạch thuế thu nhập của tôi:

  • Kiếm được dưới 30.000 đô-la, bạn trả 1%.

  • Từ 30.000 đến 100.000 đô-la, bạn trả 5%.

  • Từ 100.00 đến 1 triệu đô-la, bạn trả 10%.

  • Trên 1 triệu đô-la, bạn trả 15%.

Rất rõ ràng và công bằng. Hơn hết là, nó có thể viết vừa đủ trên mặt sau tấm bưu thiếp và sẽ giải thoát người Mỹ cả đống việc về kế toán và vô số thời gian lãng phí để giải mã mã số thuế.

Đất nước chúng ta đang thèm khát một cuộc cải cách thuế thực sự. Đó là lý do tại sao chúng ta phải bổ sung kế hoạch thuế thu nhập 1-5-10-15. Cứ để Trung Quốc, OPEC và các nước khác trả thuế, chứ không phải ta. Giờ gần như đã là quá muộn rồi… và tất cả họ đều có tiền.

Tôi tin chính phủ đã lấy đủ từ số tiền mà bạn vất vả làm ra. Nếu chúng ta muốn có việc làm ở Mỹ, ta cần ban hành chính sách thuế 5 bước của tôi: Xử chết thuế di sản, hạ thuế lợi nhuận và cổ tức, loại bỏ thuế doanh nghiệp để tạo thêm nhiều việc làm cho người Mỹ, áp thuế 15% cho các việc làm thuê ngoài và 20% cho các hàng nhập khẩu, và ban hành kế hoạch thuế thu nhập 1-5-10-15.

Chính phủ cần thôi cái trò móc túi ta. Mỗi lần làm vậy, nó sẽ làm chậm lại sự tăng trưởng và giết chết việc làm. Ta cần quay lại làm những gì ta biết là hiệu quả. Tổng thống Reagan đã nói rất đúng: Hạ thuế sẽ tạo ra nhiều tự do và cơ hội hơn cho tất cả. Đã đến lúc chúng ta cần gửi cho các chính trị gia một thông điệp lớn dõng dạc và rõ ràng. Như Thượng nghị sỹ Everett Dirksen từng nói: “Khi cảm thấy nhiệt tỏa ra, họ sẽ thấy ánh sáng.” Đã đến lúc ta phải tỏa nhiệt rồi.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Nhấn vào giữa màn hình để hiển thị Tùy chọn đọc.
Theo dõi Đọc Sách Hay trên Facebook, mỗi ngày chúng tôi cập nhật những cuốn sách, truyện hay nhất!
Đã Đến Lúc Phải Cứng Rắn Để Khôi Phục Sự Vĩ Đại Của Nước Mỹ Chương 4. Đó Là Tiền Của Bạn - Bạn Nên Giữ Nhiều Hơn

Có thể bạn thích