Cuộc chiến tranh bắt buộc
Sự ra đời của mặt trận 479

Từ khi có những diễn biến phức tạp trên biên giới Tây Nam, rồi cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc thực sự đã xảy ra. Trung ương Đảng, Chính phủ và Bộ Quốc phòng nước ta đã quan tâm một cách sâu sắc đến những biến cố xảy ra trên hai đầu đất nước.

Để tập trung lãnh đạo các lực lượng vũ trang và nhân dân ở các tỉnh phía Nam. Ngay từ những ngày đầu cuộc tổng tiến công vào Campuchia mùa Xuân năm 1979, Bộ Chính trị và Thường vụ Đảng uỷ quân sự Trung ương, Bộ Quốc phòng nước ta đã tổ chức ra Sở chỉ huy tiền phương, nhằm hoàn thành sứ mệnh lịch sử của đất nước trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và làm nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia.

Sở chỉ huy tiền phương Bộ Quốc phòng đặt tại sân bay Tân Sơn Nhất. Sau khi Campuchia được giải phóng, Bộ tư lệnh tiền phương chuyển sang Thành phố Phnôm Pênh và gọi là Bộ tư lệnh Mặt trận 719 (hoặc Bộ tư lệnh quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia) do Thượng tướng Lê Đức Anh đứng đầu.

Cuộc tổng tiến công như vũ bão của quân ta đã đập tan chế độ diệt chủng Pol Pot-Ieng Sary, đất nước Campuchia được giải phóng; nhưng kẻ thù vẫn còn đó. Đội quân đông đảo của chúng tan rã ra thành từng mảng và đang được tập hợp lại dưới sự hà hơi tiếp sức và điều khiển của các thế lực bên ngoài, hòng khôi phục lại chính quyền, để giành lai tất cả những gì đã mất. Bên cạnh đó, chính quyền và lực lượng vũ trang Cách mạng Campuchia vừa mới hình thành, chưa đủ sức để quản lý đất nước, nhân dân đang bị kìm kẹp, tứ tán khắp nơi.

Phải xây dựng lại đất nước Campuchia từ đầu, từ con số 0. Đó là trách nhiệm đặt ra hết sức nặng nề đối với quân tình nguyện Việt Nam ta trên đất nước này.

Đứng trước tình hình đó, để bảo vệ thành quả Campuchia Campuchia vừa mới giành được, theo yêu cầu của Mặt trận dân tộc cứu nước Campuchia, quân tình nguyện Việt Nam tiếp tục ở lại để giúp nhân dân Campuchia xây dựng lại đất nước, nhằm thực hiện các nhiệm vụ sau đây:

-Giúp Bạn đưa dân về quê, cứu đau, cứu đói, phục hồi sản xuất.

-Cùng với Bạn xây dựng chính quyền và lực lượng vũ trang từ Trung ương đến địa phương.

-Cùng với Bạn tiếp tục chiến đấu để loại bỏ nguy cơ phục hồi chế độ diệt chủng phản động của kẻ địch.

Một loạt chủ trương, biện pháp đã được ta và Bạn đặt ra, bao gồm: Hiệp định liên minh chiến đấu Việt Nam-Campuchia được ký kết; các Bộ tư lệnh Mặt trận, các đoàn chuyên gia quân sự và dân sự lần lượt được tổ chức trên chiến trường; các đơn vị lực lượng vũ trang Cách mạng Campuchia được thành lập và nhiều công việc khác nữa.

Ngày 14-4-1979, Bộ tư lệnh Mặt trận 479 được thành lập. Tư lệnh đầu tiên của Mặt trận 479 là thiếu tướng Bùi Thanh Vân và Chính uỷ-đại tá Lê Thanh. Tiếp đến là Bộ tư lệnh các Mặt trận 579, 779, 979 được thành lập. Các đoàn chuyên gia quân sự địa phương như đoàn 7701 (Công Pông Thơm), đoàn 7702 (Công Pông Chàm), đoàn 7703 (xXvây-riêng), 7705 (Xiêm Riệp), đoàn 7706 (Prây Veng). Tại tỉnh Bát Tam Băng đoàn chuyên gia quân sự 7704 cũng đã được thành lập, do đại tá Đỗ Huy Trường làm Đoàn trưởng. Khi đồng chí Đỗ Huy Trường về Cục nghiên cứu nhận công tác khác, thì đại tá Phạm Thành Hưng về thay cà đại tá Nguyễn Ngọc Doanh làm Đoàn phó chính trị đoàn chuyên gia.

Quán triệt quan điểm “giúp bạn là tự giúp minh”, toàn thể cán bộ chiến sĩ Mặt trận 479 nói riêng và quân tình nguyện Việt Nam trên chiến trường Campuchia nói chung đã làm hết sức mình với một tình cảm chân thành, một động cơ trong sáng.

Trong cuộc tổng tiến công vừa qua, chúng ta đã gặp rất nhiều những người dân Campuchia yêu nước và chúng ta đã tiếp nhận họ vào đội ngũ. Nhiều người đã giúp đỡ bộ đội Việt Nam trong công tác vận động quần chúng, đưa dân trở lại phum-sóc, giúp ta tuyên truyền chính sách của mặt trận và giúp ta truy đánh, truy quét địch lẩn trốn. Nhiều người, sau này, đã trở thành những cán bộ cao cấp của Đảng nhân dân Campuchia, của Chính phủ và quân đội Cách mạng Campuchia.

Tôi còn nhớ: Năm 1979, trong lúc truy đánh, truy quét địch, chúng tôi đã gặp đồng chí Côi-Bun-Tha, một thanh niên mới lớn, một nạn nhân của chế độ diệt chủng ppo. Đồng chí nhất mực đi theo bộ đội Việt Nam, cùng sống và chiến đấu. Đồng chí đã học tập được rất nhiều ở bộ đội Việt Nam. Dần dần, sau những năm 1980, đồng chí đã trở thành sư đoàn trưởng của sư đoàn bộ binh 196, sát cánh cùng sư đoàn bộ binh 309 chúng tôi-đảm nhiệm trên một địa bàn trọng yếu ở phía Tây tỉnh Bát Tam Băng. Rồi sau đó, đồng chí trở thành chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh và đã trở thành Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Hoặc đồng chí Sai-Xa-Mon, trưởng ban cán sự tỉnh, chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh Bát Tam Băng; hay đồng chí Keo-Kim-Giang, phó chỉ huy trưởng-tham mưu trưởng tỉnh đội Bát Tam Băng (nay là Đại tướng Tổng tư lệnh các lực lượng Hoàng gia Campuchia) và nhiều đồng chí khác nữa.

Tình hình trên chiến trường Campuchia trong những năm đầu thập niên 80 còn hết sức phức tạp. Trong cuộc tổng tiến công vào Campuchia mùa Xuân năm 1979, địch đã đề ra ba mục tiêu chiến lược là “Rút lui chiến lược: 1979-1980,” “Cầm cự chiến lược 1981-1983” và và “Phản công chiến lược: sau năm 1983”.

Trước sức mạnh tiến công của quân ta, ngay từ năm 1979, để bảo toàn lực lượng, địch đã chủ trương chiến lược là “rút lui”. Tư tưởng này đã thành phương châm từ chiến lược đến chiến dịch và chiến thuật cũng như thủ đoạn chiến đấu của binh lính trên chiến trường-“Địch tiến, ta lùi”. Do đó khi chúng ta tiến công hàng loạt căn cứ, thị trấn và thành phố trên các Quân khu Đông Bắc, Đông và Đông Nam của địch, lực lượng của chúng bị tiêu diệt không bao nhiêu. Tháo chạy là hành động để bảo toàn lực lượng trước sức mạnh tiến công của ta.

Tháng 4 năm 1979 cơ bản ta đã giải phóng toàn bộ Campuchia. Sau năm 1979, địch đã chuyển sang “Chiến lược cầm cự” với mục tiêu trong 3 năm chúng sẽ làm chủ các vùng rừng núi, nông thôn, đồng bằng để tiến tới bao vây thành thị. Giai đoạn này chúng đã kéo dài cuộc chiến tranh du kích với ta, nhằm tiêu hao lực lượng ta, làm cho ta “sa lầy” trên chiến trường Campuchia, buộc ta phải co vào các thị trấn, thị xã và các thành phố lớn để tạo thời cơ “phản công chiến lược”, hoặc lấy cứ để quốc tế hoá vấn đề Campuchia, buộc quân đội Việt Nam phải rút về nước.

Để phục vụ cho ý đồ đó, ngay từ khi đất nước Campuchia được giải phóng, bọn phản động Pol Pot-Ieng Sary-Khieu Xamphon được các thế lực bên ngoài giúp sức, chúng đã lập nên cái gọi là ”trại tị nạn” nằm dọc biên giới Campuchia-Thái Lan và ở những vùng rừng núi để tập trung lực lượng, nhận viện trợ của nước ngoài và duy trì cuộc chiến tranh du kích lâu dài với ta và chính quyền cách mạng Campuchia.

Hàng loạt các “trại tị nạn” được hình thành và xây dựng từ những năm 1980 trở đi. Các “trại tị nạn” ở An-long Veng, Prếch-vi-hia, Đăng-rếch, Ămpin, Đăng-cum, Phnôm Mê Lai, Sơ đa, Ô đa, Com Riêng, Tà sanh… đã trở thành những căn cứ quân sự. Từ đây, vừa là nơi tiếp nhận hàng viện trợ, vừa tổ chức huấn luyện quân sự do các chuyên gia nước ngoài chỉ đạo để bằng mọi cách tung lực lượng vào nội địa Campuchia tấn công quân tình nguyện Việt Nam, uy hiếp chính quyền và lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia.

Bằng các hình thức “trá hàng”, trong những năm 1980, 1981, 1982 và đầu 1983 chúng đã thâm nhập vào nội địa Campuchia một lực lượng khá lớn và biến thành những phần tử “hai mặt” trong chính quyền và nhân dân Bạn. Đồng thời trong những năm đó, địch tăng cường đánh phá khắp nơi trên địa bàn Mặt trận 479.

Trở lại với tình hình năm 1979, sau khi Quân đoàn 3 rút đi, sư đoàn bộ binh 309 đảm nhiệm khu vực Nam đường số 10, Quân đoàn 4 của ta đã đưa sư đoàn bộ binh 9 lên đứng chân và hoạt động ở khu vực phía Tây đường số 5, Ni-mít đi Pôi Pét, Sôphi.

Trên hai tỉnh thuộc phạm vi hoạt động của Mặt trận 479 là tỉnh Xiêm Riệp và Bát Tam Băng, hiện tại đã có 5 sư đoàn bộ binh quân tình nguyện Việt Nam gồm: sư đoàn bộ binh 309, 317, 5 và 9 tại tỉnh Bát Tam Băng; sư đoàn bộ binh 302 đảm nhiệm phía Bắc tỉnh Xiêm Riệp và một phần tỉnh Prếch-vi-hia-nơi tiếp giáp với địa bàn thuộc trách nhiệm của Mặt trận 579.

Về phía lực lượng vũ trang của Bạn, ngoài các tiểu đoàn bộ đội huyện, tỉnh, Bạn đã thành lập trên địa bàn này được 3 sư đoàn. Đó là sư đoàn bộ binh 196 (hoạt động tại huyện Pailin, chủ yếu khu vực Nam đường số 10) sư đoàn bộ binh 179 (hoạt động ở khu vực Đăng-cum, Ămpin, Pôi Pét, Sơ-vai-Chếch và Si-sô Phô-sau này là tỉnh Bần-tia Miên-chây), sư đoàn bộ binh 286 cùng với sư đoàn bộ binh 302 ta hoạt động ở khu vực Phnôm Cu-lên (núi Hồng), Chông-can, Ka-ra-lanh và dãy Đăng-rếch. Sau đó, Bạn còn thành lập thêm sư đoàn bộ binh 6, hoạt động tại khu vực Nam-sấp, Bua, Ămpin Prămđơm.

Như vậy, trên phạm vi hai tỉnh đã có tới 9 đến 10 sư đoàn bộ binh và các tiểu đoàn, lữ đoàn, trung đoàn xe tăng, pháo binh và các lực lượng khác với hàng vạn người. Chúng ta đã giúp Bạn tổ chức các tiểu đoàn, trung đoàn, sư đoàn bộ binh và các binh chủng. Cuối năm 1980 và sang năm 1981, các Bộ tư lệnh và cơ quan Khu vực cũng đã được hình thành và bước vào hoạt động. Mặt trận 479 giúp Bạn tổ chức và xây dựng cơ quan Khu vực 4 (sau này goi là Bộ tư lệnh Quân khu 4) do đồng chí Hun-Xà-von làm tư lệnh, đồng chí Song-sa-phiếp làm tham mưu trưởng và các đồng chí khác).

Để tạp thắng lợi trong vấn đề xây dựng lực lượng vũ trang giúp Bạn. Sở chỉ huy và cơ quan thuộc các đơn vị của Bạn được bố trí gần Sở chỉ huy và cơ quan cùng cấp của bộ đội Việt Nam.

Bộ tư lệnh và cơ quan Khu vực 4 đóng bên cạnh Bộ tư lệnh và cơ quan Mặt trận 479 ở thị xã Xiêm Riệp; Sở chỉ huy và cơ quan sư đoàn bộ binh 196 được bố trí gần Sở chỉ huy và cơ quan sư đoàn bộ binh 309 của ta tại cua chữ “V” đường số 10. Sau khi tổ chức ra các đoàn chuyên gia quân sự thì các đoàn chuyên gia quân sự của ta được bố trí bê cạnh cơ quan các cấp của Bạn, như đoàn chuyên gia quân sự khu vực 4 được tổ chức vào đầu năm 1984-do đồng chí thiếu thướng Trần Văn Đối làm đoàn trưởng, đồng chí đai tá Hồ Đình Quỳ làm đoàn phó, chuyên gia tham mưu trưởng, đồng chí thiếu tướng Phùng Đình Ấm và đại tá Phan Cảnh làm trưởng, phó đoàn chuyên gia chính trị. Không những các đoàn chuyên gia quân sự và dân sự từ Quân khu xuống đến các tỉnh và thành phố được tổ chức một cách hoàn chỉnh, mà ngay từ cuối năm 1979 và đầu năm 1980, ta đã phái ra một đội ngũ cán bộ đông đảo, tổ chức ra các đội công tác len lỏi xuống những phum, xã ở các vùng sâu, vùng xa để giúp Bạn xây dựng cơ sở chính quyền và lực lượng vũ trang, giúp Bạn tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Nhà nước cách mạng Campuchia.

Khi các sư đoàn chủ lực của Bạn được thành lập và lực lượng vũ trang địa phương được hình thành và phát triển, chúng ta đã kịp thời tổ chức hệ thống chuyên gia từ các sư đoàn xuống đến tận các đơn vị cơ sở. Các đoàn chuyên gia đóng bên cạnh Bộ tư lệnh khu vực 4 của Bạn; các đoàn chuyên gia cấp Tỉnh, cả về quân sự lẫn chính trị như đoàn 7704, 7705 được bố trí cạnh Uỷ ban Nhân dân và Bộ chỉ huy quân sự hai tỉnh Bát Tam Băng và Xiêm Riệp. Nêu lên vấn đề này để chứng tỏ rẳng Đảng, Nhà nước và quân đội ta rất quan tâm đến công tác giúp Bạn một cách toàn diện.

Về công tác giúp Bạn xây dựng cơ sở chính quyền và lực lượng vũ trang địa phương lại càng khó khăn và phức tạp hơn. Bởi vì những người lãnh đạo chân chính, những chiến sĩ cách mạng, những nhà yêu nước đã bị chế độ độc tài Pol Pot thủ tiêu gần như hầu hết trong 2 năm cầm quyền. Mặt khác, trong cuộc tổng tiến công vừa qua, kẻ địch tan rã và trà trộn trong dân thành những phần tử hai mặt khống chế chính quyền non trẻ của Bạn. Nhân dân Campuchia tuy căm thù chúng nhưng trình độ dân trí còn thấp và luôn bị khống chế, đe dọa. Vì vậy mà khi tổ chức chính quyền cơ sở các cấp thì biết trao trách nhiệm cho ai. Vả lại, trong công tác vận động quần chúng của bộ đội ta cũng gặp không ít khó khăn do ngôn ngữ bất đồng. Song có một điều, chúng ta xác định rằng đại bộ phận nhân dân là tốt. Nếu khơi dậy được tinh thần dân tộc và mối quan hệ đoàn kết lâu đời giữa nhân dân hai nước thì nhất định chúng ta sẽ thành công.

Tôi xin kể ra đây một câu chuyện có tính hài hước, nhưng lại là sự thật, sự thật nói lên tình cảm truyền thống của nhân dân hai nước Việt Nam-Campuchia; đặc biệt là tấm lòng của người dân Campuchia vừa mới được giải phóng đối với bộ đội Việt Nam.

Chuyện kể rằng: Có một đơn vị bộ đội Việt Nam trên đường hành quân qua một phum nhỏ: mùa khô trời nắng nóng, anh em hỏi dân làng: “nước ở đâu?”. Đồng bào ở đây không biết tiếng Việt Nam nên có nhiều người nói “Ót-che” (nghĩa là không biết). Anh em ta hỏi ở đâu cũng đều được trả lời như thế. Có mấy đồng chí hơi bực mình: “Tức thật! Tức thật!”. Đồng bào nghe nói tiếng “tức” (trong tiếng Campuchia nghĩa là nước), liền cho người đưa nước đến cho bộ đội. Nhưng ở đây, người thì đông mà nước lại rất hạn chế. Một anh lính quê khu tư nói một câu bâng quơ: “Người “đôông” ra ri mà được từng nớc nác, thì ai uống ai nhịn đây!” (Tiếng phổ thông có nghĩa là: Người đông thế này mà được từng ấy nước thì ai uống ai nhịn đây). Đồng bào nghe bộ đội nói tiếng “đôông” (trong tiếng Campuchia “đôông” nghĩa là nước dừa), liền cho người lên hái dừa cho bộ đội. Mỗi gia đình mang đến mấy trái, cả thôn tập trung lại được số dừa xếp thành đống. Bộ đội ta cười hả hê, có anh chàng quê miền trong nói như tuyên bố: uống “chết” bỏ. Bà con ở đây nghe tiếng “chết” (tiếng Campuchia “m’chếch” có nghĩa là chuối), tưởng bộ đội Việt Nam muốn ăn chuối, nên những buồng chuối chín lại được mang ra. Nhân dân vui mừng ngồi nhìn bộ đội Việt Nam ăn uống no nê như những đứa con xa về thăm cha mẹ vậy… Còn biết bao câu chuyện cảm động trước tấm lòng của odòng bào Campuchia dành cho bộ đội Việt Nam chúng ta trong những năm làm nhiệm vụ quốc tế trên đất nước chùa tháp này.

Từ đây, trên chiến trường, mỗi đợt truy quét địch ngoài địa hình hoặc mỗi lần đi đến các phum, sóc làm công tác vận động quần chúng, bộ đội ta luôn sát cánh cùng bộ đội và nhân dân Campuchia cùng chiến đấu và công tác bên nhau. Đây là những biểu tuợng của mối liên minh chiến đấu Việt Nam-Campuchia; là hình ảnh “anh bộ đội cụ Hồ” trong lòng quân và dân nước Bạn.

Tôi nhớ, sau cuộc tổng tiến công, sư đoàn bộ binh 309 chúng tôi cơ động đến đóng quân và hoạt động trên địa bàn tỉnh Bát Tam Băng. Trong những ngày ấy, địch lùa dân chạy theo chúng vào rừng, nhiều người đã lả đi vì đói, vì khát, vì ốm đau, bệnh tật. Bộ đội ta vừa truy kích địch vừa khiêng cáng những người dân kiệt sức trở về phía sau, bón cháo cho từng người, tổ chức khám bệnh, cho thuốc, nhường cơm, sẻ áo cho họ trong lúc khó khăn. Có nhiều người dân cảm động quá, nói không nên lời: “Bộ đội Việt Nam tốt quá, đã cứu nhân dân chúng tôi lần thứ 3. Chúng tôi nhớ ơn bộ đội Việt Nam suốt đời!”-Đó là câu nói thường gặp ở nhân dân Campuchia.

Sau hai tháng thành lập Mặt trận 479, từ ngày 14 tháng 4 đến 14 tháng 6 năm 1979, trên phạm vi hai tỉnh Xiêm Riệp và Bát Tam Băng, ta đã giúp Bạn tổ chức học tập cho 14.921 người dân, xây dựng chính quyền hoàn chỉnh được 129 phum, 12 xã và một thị trấn (Sisôphôn) gồm 83.000 dân, xây dựng 339 du kích xã, lựa chọn được 1.153 du kích phum, 66 uỷ viên xã.

Trên hướng của đoàn 72 (phiên hiệu của sư đoàn bộ binh 309 trong năm 1979-1980) đảm nhiệm đã tổ chức học tập cho 11.600 lượt người. Tổ chức chính quyền được 26 phum, 26 đội du kích (330 người), trng bị 130 súng; bầu được 52 uỷ viên phum: huyện Sầm Rông 20 phum, huyện Chông Can 6 phum.

Đoàn 59 (phiên hiệu của sư đoàn bộ binh 302 trong năm 1979-1980) trên địa bàn tỉnh Bát Tam Băng đã củng cố 12 cơ quan xã, 113 phum, phát động nhân dân tố giác và bắt 74 tên địch, ra trình diện 174 tên khác.

Đoàn 75 (phiên hiệu của sư đoàn bộ binh 5 trong năm 1979-1980) đã xây dựng được cơ quan ở 10 phum (xã Công Pông Soai được 7 phum), bầu được 14 uỷ viên, tổ chức học tập cho 3861 lượt người dân.

Toàn tỉnh Xiêm Riệp có 92 xã, tính từ đầu giải phóng, ta đã xây dựng chính quyên được 33 xã. Tỉnh Bát Tam Băng có 101 xã, đã xây dựng được 14 xã.

Tính chung trong hai năm 1979-1980, sư đoàn bộ binh 309 đã giúp nhân dân Bát Tam Băng 43 tấn lúa giống, 16.702 tấn gạo cứu đói, giúp nhân dân sản xuất 68.574 ha lúa, tặng 6.232 bộ quần áo, xây dựng và sửa chữa 62 trường học với 638 lớp, 6.070 trẻ em được đến trường. Cán bộ chiến sĩ của sư đoàn bộ binh 309 còn vận động, quyên góp được một số tiền đủ để mua sách vở cho các em đến trường, xây dựng được 32 trạm xá phum với 420 giường bệnh; đã khám và phát thuốc và điều trị cho 2.117 người. Ta đã thành lập ra 55 đội công tác. Phối hợp với 55 đội công tác là các tổ tự quản ở 9 xí nghiệp, nhà máy của Bạn. Các tổ chức quần chúng này đã sát cánh cùng chúng ta tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Mặt trận, giúp chính quyền, cơ sở hoạt động. Sư đoàn còn tổ chức, xây dựng và huấn luyện quân sự cho 3 tiểu đoàn, 8 đại đội bộ binh tỉnh, huyện. Nhiều đơn vị, cá nhân trong lực lượng vũ trang địa phương của Bạn trên địa bàn tỉnh Bát Tam Băng đã độc lập tác chiến, hoặc hợp đồng chiến đấu với ta đạt hiệu suất chiến đấu tốt cụ thể là:

Đội du kích xã Xưa thuộc huyện Mông-côn Bô-rây, tỉnh Bát Tam Băng được thành lập tháng 6 năm 1979 có 20 người do đồng chí Út Sơn làm xã đội trưởng. Đội du kích này đã đánh 5 trận, diệt 6 tên địch, thu 178 súng. Có trận đã đánh lui nhiều đợt phản kích của địch đông gấp nhiều lần.

Đội du kích xã Chòm Nom, cũng thuộc huyện Mông-côn Bô-rây có 30 người, do đồng chí Leng Loóc làm xã đội trưởng. Trong một tháng đội du kích đã đánh 4 trận-trong đó có 2 trận phối hợp với quân tình nguyện Việt Nam, diệt 8 tên, bắt 45 tên (có 3 tên chỉ huy), thu 16 súng.

Đội du kích xã Lô-via cũng thuộc Mông-côn Bô-rây, có 25 người, do đồng chí Sơn Pon làm xã đội trưởng, đã đánh một số trận, diệt 5 tên, bắt 16 tên, thu 37 súng.

Đội du kích xã Chang Ha, huyện Sisôphôn diệt 5 tên, bắt 3 tên thu 3 súng.

Hoặc là đội du kích xã Sơ-rai Ch-năng, ngày 23 tháng 7 đã đánh lui một lực lượng địch khoảng 70 tên, có cối 82 mm và 12,7 mm yểm trợ tấn công vào một phum, đội du kích xã này đã diệt được 5 tên, bắn bị thương 5 tên khác, thu 1 khẩu AK và bảo vệ được nhân dân ở đây, và còn nhiều đội du kích các xã khác thuộc địa bàn tỉnh Bát Tam Băng đều đã đánh được địch, bảo vệ được cơ sở chính quyền cách mạng và nhân dân địa phương.

Đặc biệt là đại đội 131, bộ đội tỉnh Bát Tam Băng, trong mùa khô 1979, 1980 đã đánh 15 trận, diệt 79 tên địch, bắt 58 tên, thu 27 súng, 5 lựu đạn. Đại đội đã tổ chức tuyên truyền các chính sách của mặt trận được 16 buổi cho nhân dân, đưa được 20700 người về quê cũ làm ăn.

Trong phong trào hành động cách mạng đã xuất hiện nhiều gương chiến đấu dũng cảm, tận tuỵ với công việc được giao, được nhân dân tin tưởng; như đồng chí Sóc Long, trợ lý tham mưu của tiểu đoàn 18 bộ đội tỉnh, trong một trận, một mình đồng chí đã diệt được 6 tên địch; đồng chí Sóc Đen, tiểu đoàn phó tiểu đoàn 18 luôn luôn gương mẫu trong công tác, dũng cảm trong chiến đấu. Trong trận đánh ngày 20-7-1979, đồng chí đã chỉ huy tiểu đoàn diệt được nhiều địch. Riêng đồng chí đã diệt được một tên, thu 1 súng, sau đó đồng chí bị hy sinh. Hoặc là các đồng chí Mi Khương, cán bộ đại đội 113 gan dạ, dũng cảm, diệt 10 tên, thu 10 súng; đồng chí Non Chăn Rên, đại đội phó đại đội 133 đã diệt được 2 tên, bắt 8 tên, thu 2 súng… và còn rất nhiều, rất nhiều đồng chí cán bộ, chiến sĩ khác thuộc các đại đội 131, 133, 134, 135… đã lập được thành tích trong chiến đấu và công tác.

Được sự giúp đỡ tận tình của các đơn vị thuộc sư đoàn bộ binh 309 quân tình nguyện Việt Nam và chuyên gia Việt Nam trong năm 1979 và 1980 trên địa bàn tỉnh Bát Tam Băng đã có 9 đội du kích xã, 5 đại đội, 1 tiểu đoàn bộ đội tỉnh và gần 100 cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang tỉnh Bát Tam Băng được khen thưởng.

Không chỉ có lực lượng vũ trang các tỉnh Bát Tam Băng đã hoạt động tốt, có hiệu quả, mà trên địa bàn tỉnh Xiêm Riệp cũng có nhiều tập thể và cá nhân tiêu biểu trong phong trào hành động cách mạng. Đội du kích xã Pơ-rây-chơ-rúc thuộc huyện Puốc đã chiến đấu nhiều trận diệt được địch, thu được vũ khí, nội bộ đoàn kết, tích cực trong công tác vận động quần chúng, bảo vệ được Chính quyền cách mạng. Đội du kích xã Soxaddan cũng thuộc huyện Puốc, có nhiều thành tích trong chiến đấu và công tác, phối hợp với quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hoạt động có hiệu quả, và gần 50 đồng chí cán bộ, chiến sĩ thuộc các đội du kích xã và tiểu đoàn 6, 8 Đông Bắc địa phương tỉnh Xiêm Riệp cũng đã được khen thưởng.

Sau này, các đơn vị đã trưởng thành, phát triển lên thành những đơn vị chủ lực mạnh trong lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia.

Tuy nhiên, với bản chất ngoan cố, chống phá đến cùng của địch, được sự tiếp tay của các thế lực bên ngoài, với âm mưu kéo dài cuộc chiến tranh du kích, tiêu hao lực lượng vũ trang ta và Bạn, hòng lật lại thế cờ, chuyển từ chiến lược cầm cự sang chiến lược phản công và tiến công, với hy vọng nhằm quốc tế hoá vấn đề Campuchia. Trên địa bàn tỉnh Bát Tam Băng lúc bấy giờ, địch tập trung được một lực lượng đáng kể. Trong cuộc chiến tranh giành dân, chúng đã mua chuộc, hù dọa, lôi kéo lên vùng biên giới giữa Campuchia-Thái Lan, thành lập ra các cái gọi là trại tị nạn; nhưng thực chất là để bắt lính, bổ sung cho các đơn vị goi là trung đoàn, sư đoàn của chúng, và lợi dụng “trại tị nạn” để nhận viện trợ từ bên ngoài, rồi bắt nhân dân vận chuyển vũ khí vào nội địa để cung cấp cho bọn phản động chống phá ta và Bạn lâu dài.

Từ cuối năm 1980 trở đi, chỉ trên hướng chính diện khoảng 50-60 km vùng biên giới tỉnh Bát Tam Băng, từ Phnôm Mê Lai xuống đến Nam thị trấn Pailin, chúng đã xây dựng được 5 căn cứ, với hàng vạn dân, gồm: căn cứ Cao Mê Lai, Sơ-đa, bắc Ô-đa, Com Riêng, Tà Sanh-Sầm Lốt. Riên căn cứ Cao Mê Lai, cuối năm 1979, sư đoàn bộ binh 309 bàn giao lại cho sư đoàn bộ binh 5 chốt giữ. Nhiều lần địch tấn công, gây sức ép, ta và địch giành đi, giật lại mấy lần, nhưng cuối cùng địch đã chiếm lại được. Nơi đây là văn phòng Trung ương 3 phái Campuchia phản động lập ra để quan hệ với một số nước bên ngoài và kéo dài cuộc chiến tranh. Chúng đã tổ chức và khôi phục lại các đấu sư đoàn, như sư đoàn bộ binh 320 có các căn cứ ở Sơ-đa-Ô-đa, sư đoàn bộ binh 415 ở Com-Riêng-Pailin, sư đoàn bộ binh 221 ở Tà Sanh-Sầm Lốt, sư đoàn bộ binh 519 ở Đăng-cum và các đơn vị khác.

Từ những căn cứ này, chúng thiết lập ra các hành lang vận chuyển chủ yếu là vũ khí, đạn được, mìn vào sâu trong nội địa, đến Biển Hồ. Còn lương thực thì chúng bắt ép dân ở trong nội địa cung cấp. Các hành lang này, địch thường lợi dụng sơ hở của ta ở những nơi tiếp giáp giữa 2 đơn vị, như hành lang Nam Phnôm Mê Lai-là nơi tiếp giáp giữa sư đoàn bộ binh 5 và sư đoàn bộ binh 309. Hoặc ở cả những nơi tiếp giáp giữa các trung đoàn trong một sư đoàn. Tình trạng này còn kéo dài mãi đến mùa khô năm 1984.

Ngoài những căn cứ trên tuyến biên giới phía Tây tỉnh Bát Tam Băng, phía Bắc, Đông Bắc Sisôphôn (như Đăng-cum, Ămpin) và các nơi khác, địch còn thiết lập các căn cứ lõm trong nội địa, nhất là xung quanh Biển Hồ.

Đến đây, bạn có thể hỏi là vì sao năm 1979, trong cuộc tổng tiến công, ta đã đánh tan chế độ diệt chủng Pol Pot-Ieng Sary và đã giải phóng hoàn toàn đất nước Campuchia, nay vẫn còn tồn tại nhiều căn cứ lớn, nhiều đơn vị địch như thế?

Xin thưa: Đó là một thực tế! Với một đội quân phản động hàng vạn tên, lại được các thế lực thù địch với ta nuôi dương. Trong một thời gian rất ngắn, với sức mạnh tiến công như vũ bão của các binh đoàn bộ đội ta, kẻ thù đã chủ động tháo chạy để bảo toàn lực lượng. Trên chiến trường lúc bấy giờ, sinh lực của chúng bị tiêu diệt không bao nhiêu. Với bản chất ngoan cố của kẻ thù, chúng lại tập hợp lại với âm mưu tiến hành một cuộc chiến tranh du kích lâu dài với ta. Vả lại, đánh một kẻ địch tháo chạy trong điều kiện trên đất đối phương, địa hình rừng núi và nhất là núi liền núi, sông liên sông với nước láng giềng Thái Lan thì lại càng không dễ. Không lại trừ việc quân ta áp dụng phương thức tác chiến trong từng giai đoạn có lức chưa thật phù hợp với tình hình cụ thể về địa hình và đối tượng tác chiến.

Một vấn đề không kém phần quan trọng, có ảnh hưởng đến hiệu suất chiến đấu trên chiến trường mà ở các phần sau tôi xin được đề cập một cách cụ thể hơn: Đó là công tác nắm địch trong quá trình tiến công giải phóng Campuchia và cả trong quá trình giúp Bạn của những năm sau này.

Trong cuộc chiến vừa qua diễn ra trên đất nước Campuchia, sau cuộc tổng tiến công có nhiều ý kiến cho rằng: kẻ địch bấy giờ chỉ là một đội quân bại trận, một đám tàn quân không không kém. Điều đó hoàn toàn đúng. Bởi vì sau cuộc tổng tiến công đó, ta đã làm sụp đổ hoàn toàn một chính quyền phản động từ Trung ương đến địa phương, sức mạnh về quân sự đã bị suy sụp, tổ chức bị rối loạn, mất hết tính chủ động và lâm vào thế bị động trên chiến trường. Về đối nội thì bị thất bại, bị đại bộ phận nhân dân căm thù đến tận xương tuỷ. Còn về đối ngoại thì bị cô lập trên trường quốc tế, nguy cơ bị mất chiếc ghế Liên Hiệp Quốc luôn bị đe dọa. Song trong thời điểm hiện tại, với lực lượng còn đông, lại được một số nước bên ngoài viện trợ vũ khí và đám tàn quân đó đã được tập hợp lại thành từng đơn vị hẳn hoi. Bên cạnh đó là khả năng của chính quyền và lực lượng vũ trang của Bạn chưa thể làm chủ được một đất nước vừa mới hồi sinh. Âm mưu của địch, từ năm 1980 trở đi, đã chuyển sang một chiến lược mới: Tiến hành một cuộc chiến tranh du kích lâu dài ở Campuchia. Vì vậy mà quân tình nguyện Việt Nam còn phải tiếp tục làm nghĩa vụ quốc tế là giúp Bạn đánh bại mọi âm mưu của kẻ thù, xây dựng chính quyền và lực lượng vũ trang cho đến khi nào Bạn tự đảm đương được công việc của mình. Và trong 10 năm sau đó, chúng ta đã phải trả giá bằng hàng ngàn sinh mạng cho nghĩa vụ này. Đã đến lúc chúng ta cần nhìn nhận một cách toàn diện và khách quan. Tất cả đều là có thể.

Đối với sư đoàn bộ binh 309 chúng tôi, bước đầu trong nghĩa vụ quốc tế, đã đem lại một số kết quả thiết thực: Từ con số “0”, chính quyền cơ sở đã được hình thành và đi vào hoạt động. Lực lượng vũ trang của Bạn tuy còn yếu về khả năng chiến đấu, ít về số lượng, nhưng cũng đã sát cánh cùng bộ đội Việt Nam chiến đấu bảo vệ được chính quyền phum, xã, đến tỉnh. Hoạt động sản xuất của các xí nghiệp trong các huyện và thị xã Bát Tam Băng cũng đã được khôi phục.

Bộ đội ta đã có nhiều kinh nghiệm chiến đấu và công tác trên một địa bàn có tình hình chính trị rất phức tạp, địa hình thời tiết khắc nghiệt của một vùng cực Tây Bắc Campuchia. Đặc biệt là đã kết hợp được các hoạt động giữa ta và Bạn, chuyển được phương thức hoạt động, vận dụng cách đánh phù hợp với đối tượng và địa hình tác chiến ở phía Tây tỉnh Bát Tam Băng này.

Từ phương thức tác chiến hiệp đồng binh chủng, ta đã chuyển sang hoạt động phân tán với những trận phục kích, tập kích, tao ngộ quy mổ nhỏ diễn ra trên các loại địa hình. Hiệu suất chiến đấu trên chiến trường ngày càng cao, đã gây không ít khó khăn cho địch. Trái lại, bộ đội ta càng ngày càng trưởng thành nhiều mặt. Đơn cử một số trận đánh cấp phân đội và dưới phân đội đạt được hiệu suất chiến đấu cao trong những tháng ngày đầu tiên làm nhiệm vụ quốc tế như sau:

-Ngày 29-5-1979, trong một trận đánh vận động ngoài địa hình, tiểu đoàn 3 trung đoàn bộ binh 812 diệt gọn một tiểu đoàn địch, diệt tại chỗ 83 tên, thu gần 50 súng các loại tại huyện Mung, phía Nam tỉnh Bát Tam Băng.

-Ngày 15-7-1979, đại đội 11, tiểu đoàn 3 thuộc trung đoàn bộ binh 812 diệt gọn một đại đội địch, diệt tại chỗ 35 tên, thu 22 súng cùng ở khu vực trên.

-Ngày 13-8-1979, với cách đánh luồn sâu vào sau căn cứ của trung đoàn bộ binh 905 thuộc sư đoàn bộ binh 320 của đich ở Ô-đa, tiểu đoàn 8 thuộc trung đoàn bộ binh 31 đã tiêu diệt 39 tên, thu 37 súng.

-Ngày 28-11-1979, cũng tại khu vực Ô-đa, tiểu đoàn 6 trung đoàn bộ binh 96 đã đánh một trận vận động tập kích vào đội hình địch đang co cụm ngoài căn cứ, diệt trên 30 tên, thu 37 súng các loại.

Không những cấp cơ sở tiểu đoàn, đại đội chiến đấu có hiệu suất cao, mà kể cả một số trận như trận phục kích bằng mìn, chỉ có một tổ 3 đồng chí thuộc tiểu đoàn 3 trung đoàn bộ binh 812 cũng diệt được 11 tên, thu 6 súng. Và rất nhiều trận đánh khác được thực hiện trong những năm sau đó. Tình hình trên chiến trường lúc này quả là nóng bỏng.

Lực lượng tác chiến của Mặt trận 479 vẫn chưa có gì thay đổi lớn; nhưng trên hướng sư đoàn bộ binh 309 (tức là địa bàn phía Tây tỉnh Bát Tam Băng) thì có một ít thay đổi: sư đoàn bộ binh 341 được rút về nước, thay vào đó là trung đoàn bộ binh 250 của Quân khu 5 được điều sang nằm trong đội hình sư đoàn bộ binh 309. Cũng cần nói qua một số nét về trung đoàn này: được thành lập vào ngày 22-11-1968, trung đoàn bộ binh 250 là một trung đoàn chủ lực của Quân khu 5. Trong chiến tranh giải phóng, chống sự xâm lược của Đế quốc Mỹ, trung đoàn làm nhiệm vụ bảo đảm hậu cần, tiếp vận. Địa bàn chủ yếu là các tỉnh Gia Lai, Đắc Lắc và tỉnh Quảng Đức cũ. Tuy chưa có một bề dày liên đoàn như các trung đoàn khác, nhưng với thành tích trong công tác bảo đảm chiến đấu và đánh địch, trung đoàn cũng đã dược tặng thưởng một huân chương Quân công hạng 3 và nhiều huân chương chiến công các loại. Trung đoàn có đại đội 9, tiểu đoàn 3 được tuyên dương đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời chống Mỹ.

Trước khi chiến tranh biên giới Tây Nam bùng nổ, trung đoàn bộ binh 250 trực thuộc Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Đắc Lắc và được điều sang Mặt trận 479, trở thành một trong ba trung đoàn thuộc biên chế chính thức của sư đoàn bộ binh 309 vào tháng 12 năm 1979. Trung đoàn bộ binh 250 có sở trường đánh vận động và có khả năng hoạt động độc lập trên một hướng. Người chỉ huy đầu tiên của trung đoàn trong những ngày đầu làm nhiệm vụ quốc tế là Thái Văn Hoà-trung đoàn trưởng-và Nguyễn Đình Củng-chính uỷ trung đoàn. Cuối năm 1980, do yêu cầu nhiệm vụ hai đồng chí Thái Văn Hoà và Nguyễn Đình Cùng đi nhận nhiệm vụ khác, đồng chí Trịnh Ngọc Huấn và Trần Sỹ Mỹ được điều về đây với cương vi là trung đoàn trưởng và chính uỷ trung đoàn.

Đồng chí thiếu tá trung đoàn trưởng Trịnh Ngọc Huấn là một người rất nhanh nhẹn. Năm 1976 khi tôi đang công tác tại trườn Quân chính Quân khu 5, đồng chí là học viên lớp bổ túc cán bộ tiểu đoàn. nhữngkỷ niệm giữa tôi với đồng chí là những lần đồng chí “quậy tới bến” ở trong lớp và những lúc đi dã ngoại ngoài thao trường, rồi anh em lại xa nhau; bây giờ mới được gặp lại. Còn đồng chí thiếu tá-Chính uỷ trung đoàn Trần Sỹ Mỹ thì đã sống và công tác với tôi trong suốt cuộc chiến tranh chống Mỹ ở miền Trung. Những năm làm nhiệm vụ đánh giao thông trên đường Quốc lộ 19, rồi đánh địch nống lấn sau hiệp định Paris ở vùng Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định. Lúc đó, tôi là tiểu đoàn trưởng, đồng chí là chính trị viên cùng ở tiểu đoàn 6, trung đoàn bộ binh 12 thuộc sư đoàn 3 Sao Vàng. Đồng chí là một cán bộ chính trị có nhiều kinh nghiệm và cũng là một cán bộ có “số đào hoa” nhất trong đội ngũ cán bộ cùng lứa với chúng tôi hồi đó. Tôi cũng rất bất ngờ khi gặp lại đồng chí tại chiến trường này-nơi có cái tên “cua chữ V” đường số 10 huyện Pailin.

Bây giờ hai đồng chí bắt đầu đảm nhiệm trọng trách lãnh đạo, chỉ huy trung đoàn bộ binh 250 chiến đấu trên một địa bàn khó khăn nhất, phức tạp nhất mà chúng ta còn có dịp nói đến ở phần sau.

Trước khi trung đoàn bộ binh 250 nằm trong đội hình của sư đoàn bộ binh 309, trung đoàn bộ binh 726 cũng là một trung đoàn của tỉnh Đắc Lắc-trực thuộc đoàn 334 làm kinh tế của Quân khu 5-đã có mặt trên địa bàn tỉnh Bát Tam Băng và cũng là một trong những trung đoàn được tăng cường, bổ sung cho sư đoàn bộ binh 309. Trước mắt đảm nhiệm hoạt động trên trục đường số 10 thuộc huyện Pailin, thay cho sư đoàn bộ binh 341 rút về nước cùng với Quân đoàn 3. Thời gian này đồng chí trung tá Nguyễn Đình Đức, trung đoàn trưởng, đồng chí trung tá Nguyễn Văn Hiền là chính uỷ. Sau này đồng chí Nguyễn Đình Đức được điều sang trung đoàn 812 làm trung đoàn trưởng cùng với đồng chí trung tá Nguyễn Văn Quán, chính uỷ, trấn giữ tại thị trấn Pailin. Đồng chí Hà Văn Mẫn được làm chính uỷ trung đoàn 726. Nhớ lại những ngày đầu của cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc trên biên giới Tây Nam, trung đoàn bộ binh 276 cũng là một trong những trung đoàn bộ binh của Quân khu 5 đã có mặt trên chiến trường Đông Bắc Campuchia. Như trong phần đầu cũng đã nói, từ những kết quả chiến đấu giữ vững trận địa mà trung đoàn bộ binh 276 thực hiện đã tạo điều kiện thuận lợi cho trung đoàn bộ binh 31 tiến công đánh chiếm cao điểm 312 ngày 24-12-1979 tại tỉnh Ratanakiri.

Trong thời gian trung đoàn bộ binh 726 được tăng cường cho sư đoàn bộ binh 309 trên địa bàn tỉnh Bát Tam Băng, trung đoàn cũng là một đơn vị hoạt động tác chiến có hiệu quả, một số trận đạt hiệu suất chiến đấu cao, đã chuyển được phương thức tác chiến phù hợp với đối tượng và địa bàn nơi trung đoàn đảm nhiệm.

Tại huyện Pailin, trên trục đường số 10, ngày 20-6-1979, qua công tác giúp Bạn phát động quần chúng nhân dân, địch đã ra hàng 14 tên, giao nộp cho trung đoàn 7 súng; và cũng trong ngày này, trung đoàn 726 truy quét địch Nam đường số 10 diệt 10 tên, thu 11 súng. Đến ngày 25 tháng 6 tại khu vực Đông Nam “cua chữ V” thuộc huyện Săng ke, ta diệt 14 tên, thu 8 súng, bắt 1 tù binh.

Đặc biệt ngày 26-7-1979, tại phía Nam “cua chữ V”, đại đội 1 tiểu đoàn 1 thuộc trung đoàn bộ binh 726 sau khi diệt 1 tên, thu 1 súng của tổ cảnh giới địch, ta phát hiện một vị trí trú quân của một đại đội đội đihc, đại đội 1 của ta nhanh chóng bao vây, chia cắt, tiêu diệt gần hết đại đội địch này, diệt tại chỗ 22 tên, thu 19 súng các loại (có 1 đại liên, 1 súng chống tăng B41), là trận đánh xuất sắc, diệt nhiều địch, thu vũ khí ta không thương vong và chấp hành tốt chính sách.

Tổng hợp tình thình tác chiến của trung đoàn bộ binh 726 trên khu vực trục đường số 10, huyện Pailin, tỏng bản tin số 8 ra ngày 30-6-1979 của Cục chính trị thuộc Mặt trận 479 có ghi: “Đoàn 726 hoạt động tại khu vực Tà Sanh-Sầm Lốt và khu vực “cua chữ V” (Bát Tam Băng) trong tháng 5 năm 1979 đã đánh 20 trận, diệt 158 tên, bắt 30 tên, thu 55 khẩu súng các loại (trong đó có 1 khẩu cối 82 mm, 2 khẩu cối 60 mm, 1 khẩu 12,7 mm), một xe GAT, một máy thông tin PRC25 và nhiều đạn được, lương thực, quân trang, quân dụng. Trong tháng 6 năm 1979, Đoàn đã đánh 27 trận, diệt 86 tên, bắt 10 tên, ra hàng 23 tên, thu 184 súng các loại, 1 xe ô tô vận tải và nhiều đạn dược”.

Cùng thời gian, trên địa bàn Mặt trận 479, các đơn vị khác cũng đã dấy lên phong trào thi đua diệt giặc lập công, đẩy mạnh công tác giúp Bạn, xây dựng chính quyền cách mạng ở cơ sở. Cũng trong bản tin trên, cho đến ngày 30-6-1979, ta đã giúp Bạn xây dựng được chính quyền 48 xã (tỉnh Bát Tam Băng được 17 xã). Các đội công tác của 3 cơ quan thuộc Bộ tư lệnh Mặt trận 479 đã xây dựng được chính quyền của 28 phum trong tổng số 33 phum thuộc 3 xã ở thị xã Xiêm Riệp. Trong đó xã Xiêm Riệp 1 đã xây dựng được 14/14 phum, tuyển chọn đưa vào đội ngũ 190 du kích; Xiêm Riệp 2 xây dựng được 10/11 phum, 136 du kích; Xiêm Riệp 3 xây dựng được 4/8 phum, 76 du kích.

Đặc biệt qua công tác phát động quần chúng, xây dựng cơ sở cách mạng đã phát hiện ra các chi bộ, đảng viên của các đảng phái phản động Pol Pot và XêRêKa (Khơme tự do) và hệ thống địch ngầm trong cơ quan chính quyền các cấp.

Như vậy, tại tỉnh Bát Tam Băng do sư đoàn bộ binh 309 đảm nhiệm từ cuối 1979 đến đầu 1980 đã có tất cả 5 trung đoàn bộ binh, một trung đoàn pháo binh, một tiểu đoàn Tăng-Thiết giáp, một tiểu đoàn pháo phản kích 37 mm, một tiểu đoàn công binh, một tiểu đoàn hoá học, một tiểu đoàn trinh sát và một số lực lượng khác. Tổng số khoảng 10 ngàn chiến sĩ.

Về lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia, có sư đoàn chủ lực 196, 3 tiểu đoàn bộ binh huyện, 8 đại đội và nhiều trung đội du kích thôn, xã…

Sau khi các đoàn chuyên gia nói chung trên toàn chiến trường ra đời, ở tỉnh Bát Tam Băng có đoàn 7704 đóng tại thị xã Bát Tam Băng, bên cạnh UBND và Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, trên địa bàn đã có sự phân công phân nhiệm một cách chặt chẽ. Các đơn vị bộ đội chủ lực thì hoạt động đánh địch ngoài địa hình, nhằm hỗ trợ trực tiếp cho đoàn chuyên gia quân sự (Sau này, chúng ta tổ chức thêm hệ thống chuyên gia dân sự. Ở Bát Tam Băng có đoàn chuyên gia dân sự do đồng chí Mười Chấp làm trưởng đoàn), chỉ đạo các đơn vị thuộc quyền, các đội công tác tuyên truyền, phát động quần chúng xây dựng chính quyền, xây dựng cơ sở Đảng, các tổ chức quần chúng và lực lượng vũ trang giúp Bạn. Sức mạnh tổng hợp giữa các tổ chức đã được phát huy tối đa, giúp cho công tác giúp Bạn ngày càng tốt hơn, hiệu quả hơn. Lực lượng chủ lực của ta trên chiến trường cũng đã tiến hành triển khai theo thế chiến lược mới để bảo đảm thực hiện nhiệm vụ theo chức năng của từng lực lượng.

Cuối năm 1979, tôi được điều lên sư đoàn với cương vị Phó tham mưu trưởng, rồi Phó sư đoàn trưởng-Tham mưu trưởng sư đoàn 309. Đội hình của sư đoàn bộ binh 309 lúc này đã được điều chỉnh lại như sau:

-Trung đoàn bộ binh 31, đứng chân ở Buôi Chrey và hoạt động ở khu vực Ba núi (tên địa danh này là do ta đặt ra, vì có 3 hòn núi nằm cạnh đường số 10 từ thị xã Bát Tam Băng đi Pailin).

-Trung đoàn bộ binh 250 đứng chân ở Ochipu, gần cao điểm 550, khu vực Tà Sanh-Sầm Lốt.

-Trung đoàn bộ binh 812 đứng ở thị trấn Pailin, cách biên giới Campuchia-Thái Lan khoảng 10 km, là nơi có đồn điền cà phê và mỏ đá kim cương.

-Trung đoàn bộ binh 96 đứng ở Côm-Riêng, về phía Bắc thị trấn Pailin khoảng 20 km và sát đường biên giới Thái Lan.

-Trung đoàn bộ binh 726, từ huyện Pailin, trên trục đường 10, được rút về thị xã Bát Tam Băng và trực thuộc đoàn 7704 làm nhiệm vụ trong nội địa.

-Trung đoàn pháo binh 36 cùng Sở chỉ huy sư đoàn vẫn triển khai ở thị xã Bát Tam Băng.

Xem ra thì lực lượng chủ lực của ta đã bị dàn mỏng, phân tán. Ở đây, chúng ta đã xây dựng một khu vực phòng ngự của một sư đoàn, trong đó có 3 trung đoàn như một bàn tay xoè ra 3 hướng, triển khai trên tuyến một, với chính diện khoảng từ 60-80 km, trên bành trướng phía tây tỉnh Bát Tam Băng. Thậm chí, ở sư đoàn bộ binh 309 và một số đơn vị khác của Mặt trận 479, có những đại đội độc lập, cách biệt đội hình cả chục km. Do đó đã gặp rất nhiều khó khăn trong công tác vận chuyển tiếp tế và chi viện chiến đấu, khi bị địch tấn công.

Sang năm 1981, địch từ các căn cứ trên tuyến biên giới tăng cường thâm nhập vào nội địa. Đến cuối năm 1981 và đầu năm 1982, địch đã thực hiện được 3221 vụ thâm nhập vào nội địa, trong đó, trên tuyến biên giới có 2564 vụ, chiếm 79%. Vì vậy, Bộ tư lệnh Mặt trận 479 chủ trương tiến hành một chiến dịch hoạt động tổng hợp, goi là “Chiến dịch C81”, nhằm bung các lực lượng phía trước ra tiến công, đánh phá các căn cứ của địa dọc tuyến biên giới, đánh cắt đường giao thông vận chuyển, tiếp tế, thâm nhập của chúng từ biên giới vào nội địa. Còn ở trong nội địa, các lực lượng địa bàn tiến hành các hoạt động truy quét, phá các căn cứ lõm, thu gom kho tàng, đạn được của địch, kết hợp với nhân dân nhằm tiêu diêt địch cài, cắm trong dân, xây dựng thực lực cách mạng.

Mục tiêu đặt ra cho các đơn vị chủ lực phía trước của ta và Bạn là triệt phá các căn cứ của địch trên tuyến biên giới-nơi xuất phát của những lực lượng xâm nhập vào nội địa của địch. Trên hướng chủ yếu của Mặt trận có các căn cứ Đăng-cum, Ămpin, hướng này do sư đoàn bộ binh 5 kết hợp với sư đoàn bộ binh 179 của Bạn đảm nhiệm. Trên hướng Bát Tam Băng gồm các căn cứ của sư đoàn bộ binh 320, như ở Sơ-đa, Bắc Ô-đa (là căn cứ của trung đoàn bộ binh 905 thuộc sư đoàn bộ binh 320 Pol Pot), căn cứ Com Riêng-Pailin thuộc sư đoàn bộ binh 415, căn cứ Tà Sanh-Sầm Lốt của sư đoàn bộ binh 221. Tất cả những căn cứ này, do sư đoàn bộ binh 309 đảm nhiệm, phải triệt phá cho bằng được. Trên hướng Bắc tỉnh Xiêm Riệp thuộc phạm vi hoạt động của sư đoàn bộ binh 302. Bộ đội Việt Nam và sư đoàn bộ binh 266 thuộc bộ đội cách mạng Campuchia.

Mùa khô 1981-1982 lại đến với bộ đội ta trên chiến trường; tuy mùa khô khắc nghiệt, nhưng so ra, thì mùa khô vẫn là mùa tương đối thuận lợi. Nếu khắc phục được tình trạng thiếu nước nghiêm trọng, thì bộ đội có nhiều lợ thế hơn địch. Bởi vậy, trên vai người chiến sĩ trên địa bàn này luôn luôn có mang theo ngoài bi đông, còn thêm một ống tre chứa đầy nước. Đó cũng là kinh nghiệm của người lính sư đoàn bộ binh 309 chúng tôi mà bất cứ đơn vị nào thuộc Mặt trận 479 đều chưa trải qua. Đơn giản một điều là địa bàn của họ là đồng bằng. Nắm vững tình hình trên địa bàn tác chiến, tôi đã cho lập ra một bản đồ địa chí, đánh dấu tất cả những nơi có nước trong mùa khô ở phía Tây tỉnh Bát Tam Băng như ở Nam Sấp, Bua, Ô-đa, Com Riêng, Ămpin Prăngđơm và nhiều nơi khác để khi bộ đội hoạt động trên những khu vực này biết mà sử dụng các nguồn nước đó. Còn ở những nơi không có nguồn nước thì người chỉ huy phải có biện pháp khắc phục.

Để chuẩn bị cho chiến dịch C81 thắng lợi, Bộ tư lệnh Mặt trận 479 đã tổ chức Sở chỉ huy tiền phương, đóng tại xã Bà Vâl, do thiếu tướng Lê Chí Thuận, phó tư lệnh Mặt trận chỉ huy, cùng với cán bộ cơ quan 4 Cục và các chủ nhiệm binh chủng. Về phía Bạn có một số đại diện tham gia vào Sở chỉ huy tiền phương, gồm có đồng chí Keo Kim Giang, phó chỉ huy, tham mưu trưởng thuộc Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, đồng chí Ung Sa My, phó chủ tịhậu cần Uỷ ban nhân dân tỉnh Bát Tam Băng và một số đồng chí khác. Trước đó, chúng tôi đã tung nhiều toán trinh sát nắm mục tiêu. Đây là công việc không đơn giản chút nào! Kẻ địch thì rất nham hiểm; với chiến thuật “đầu nhọn, đuôi dài” như đã nói ở phần đầu, chúng luôn luôn tung lực lượng ra bám sát ta từ căn cứ đông quân. Mỗi một hành động của ta từ nơi xuất phát được chúng phát hiện và truyền về căn cứ của chúng. Cho nên, các toán trinh sát của ta đều bị chặn lại từ xa, không sao đột nhập được vào các mục tiêu cần tiến công. Đã có lần, tôi cùng đồng chí Đào Quang Năm-phó sư đoàn trưởng sư đoàn bộ binh 309-đi bằng máy bay trực thăng lên kiểm tra trung đoàn bộ binh 96. máy bay ta không xác định được vị trí của trung đoàn để hạ cánh, đã bay quá lên vùng biên giới giữa Campuchia-Thái Lan. Từ trên máy bay nhìn xuống thấy cả một vùng dọc biên giới hàng chục km, rộng khoảng 500 m, là những căn cứ địch, với những dãy nhà tranh san sát, có cả những công sự, hầm hào xen kẽ trong trại lính. Thế mới biết là từ sau cuộc tổng tiến công, chưa có một lực lượng nào của ta làm chủ khu vực này. Nhiều lần đột nhập chính diện không thành, chúng tôi đã tổ chức một tổ trinh sát gọn nhje, có chuẩn bị máy thông tin vô tuyến điện, luồn sâu sang đất Thái Lan, đặt được đài quan sát ở dãy núi Tà-ngók cách biên giới chừng 500 m. Tại Sở chỉ huy trung đoàn bộ binh 31, tôi mở máy canh và hồi hộp chờ đợi. Bỗng đài kỹ thuật bắt được tín hiệu của đài địch. Chúng la ó: có bộ đội Việt Nam trên núi Tà-ngók và cho lực lượng lên đó. Tôi lo lắng và cho báo ngay với tổ trinh sát. Quả nhiên, 20 phút sau thì địch đã nổ súng. May sao, số anh em trinh sát này thoát được an toàn.

Tuy chưa năm được thật cụ thể yêu cầu của một đơn vị chiến thuật, nhưng những gì tổ trinh sát đã nắm được và qua khai thác một số tù binh, hàng binh, cũng đã đủ để chúng tôi hạ quyết tâm tiến công vào căn cứ của trung đoàn địch ở Bắc Ô-đa.

Đầu năm 1981, đồng chí Lê Chí Thuận-sư đoàn trưởng-và đồng chí Nguyễn Văn Chước-chính uỷ sư đoàn lên Mặt trận 479 nhận công tác. Đồng chí Lê Đức Thiện-trung đoàn trưởng trung đoàn bộ binh 812-lên thay, với cương vị là sư đoàn trưởng. Đồng chí Nguyễn Thành Út được bổ nhiệm phó sư đoàn trưởng về Chính trị lên thay đồng chí Nguyễn Văn Chước. Thời kỳ này, quân tình nguyện Việt Nam ở Campuchia đã thực hiện cơ chế một chỉ huy.

Khi bước vào mùa khô 1981-1982 đồng chí Lê Đức Thiện chuyển sang làm chuyên gia sư đoàn trưởng sư đoàn bộ binh 196 bộ đội cách mạng Campuchia, tôi được bổ nhiệm làm sư đoàn trưởng sư đoàn bộ binh 309 và bước vào chiến dịch C81.

“Quả đất xoay tròn”, năm 1977, khi tôi là phó hiệu trưởng trường Hạ sĩ quan Quân khu 5, anh Nguyễn Văn Chước là chính uỷ nhà trường, còn anh Nguyễn Thành Út là Chính trị viên của một tiểu đoàn học viên đóng quân ở Hoà Hội, thuộc huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định. Chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra, ba chúng tôi đều được điều động về đây để thành lập và xây dựng sư đoàn bộ binh 309. Lúc tôi là trung đoàn trưởng trung đoàn bộ binh 31 thì anh Nguyễn Thành Út là phó chính uỷ, kiêm chủ nhiệm chính trị trung đoàn. Hôm nay, khi tôi là sư đoàn trưởng thì anh Út lại là phó Chính uỷ sư đoàn. Hai anh em đã cùng hợp lực xây dựng các đơn vị từ trước đến nay. Số phận đã gắn bó cuộc đời chúng tôi lại với nhau trong những năm chiến đấu, công tác trên đất nước Campuchia này gần 10 năm. Có biết bao những kỷ niệm, vui có mà buồn cũng có. Mỗi người trong đời thường có một hoàn cảnh, những tất cả chúng tôi đều là những cán bộ chỉ huy, lãnh đạo; đều tập trung toàn tâm, toàn ý là làm thế nào để sư đoàn hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng và hai Nhà nước đã giao phó. Mối quan hệ này đã tạo nên sức mạnh, là điều kiện thuận lợi để góp phần vào việc hoàn thành nhiệm vụ của sư đoàn.

Sau khi đoàn chuyên gia quân sự 7704 được thành lập, Sở chỉ huy sư đoàn bộ binh 309 chuyển lên đập Pinh-Puôi phía Đông Bắc đường 10, cách xã Lâm-Chầm-Pâu (Ba núi) khoảng 10 km. Nơi đây có một đập nước được tạo thành bởi một con đê nối liền giữa 2 ngọn núi cách nhau khoảng 2 km đường chim bay. Sở chỉ huy được đặt ở đầu con đê (cũng là con đường xe ô tô đi được) về phía Đông Bắc. Trước mặt Sở chỉ huy là đồng ruộng, làng mạc và đập nước; phía sau lưng, về phía Tây là một dãy các điểm cao. Thật là một địa hình lý tưởng! Tôi đã cho thiết lập một chốt quan sát trên điểm cao. Dưới chân điểm cao này là Sở chỉ huy sư đoàn, phía sau điểm cao là tiểu đoàn trinh sát; kế đến là tiểu đoàn vận tải và hệ thống kho tàng. Quang cảnh ở đây trên là núi, dưới là đập nước mênh mông, đúng với câu “sơn thủy hữu tình”, không khác gì một khu an dưỡng, nghỉ mát.

Để tạo nên nếp sống văn hóa trên chiến trường, chúng tôi đã chú ý đến công tác xây dựng doanh trại, duy trì các chế độ chính quy. Ngoài các công trình chiến đấu như hầm hào, công sự, chúng tôi đã tiến hành xây dựng một loạt các công trình khác như hội trường, nhà kho, bệnh xá, doanh trại bộ đội, với các công trình thể thao, thể dục. Và, đặc biệt là quan tâm đến hệ thống đường sá cơ động từ Sở chỉ huy đi các hướng.

Trung đoàn pháo binh 36 (nay đổi tên là trung đoàn pháo binh 487) từ thị xã Bát Tam Băng được điều lên đứng chân ở xã Tà Hen trên trục đường 58. Trục đường này chạy dài từ Sisôphôn đế Bà Vâl-Lô-Via-Tà Hen về Sơ-rê-an-tiếc, xuống thị trấn Pailin, hợp điểm với đường số 10 tại Pailin.

Các đơn vị trực thuộc cũng được điều chỉnh như tiểu đoàn Tăng-Thiết giáp ở đầu đập Pinh-Puôi về phía Nam. Tiểu đoàn hoa học ở ngay đoạn giữa đập nước, tiểu đoàn 25 công binh ở đoạn giữa, trên đường đi từ Sở chỉ huy sư đoàn đến trung đoàn pháo binh 487. Tất cả các đơn vị phía sau đã được điều chỉnh hoàn tất trước khi sư đoàn bước vào chiến dịch C81. Còn các trung đoàn bộ binh hầu như không có gì thay đổi.

Ngày 12-1-1982, sau khi báo cáo quyết tâm lần cuối và kế hoạch chiến đấu trong chiến dịch C81 lên Sở chỉ huy Mặt trận 479, sư đoàn bộ binh 309 và các đơn vị trên toàn chiến trường bắt đầu bước vào chiến dịch.

Trận đánh mở đầu trên hướng Bát Tam Băng của sư đoàn bộ binh 309 chúng tôi là trận tiến công đánh chiếm căn cứ của trung đoàn bộ binh 905 thuộc sư đoàn bộ binh 320 Pol Pot ở phía Bắc Ô-đa. Căn cứ này nằm sát biên giới Thái Lan trên phần đất của Campuchia, xung quanh núi cao, rừng rậm tạo thành cái lòng chảo, chính giữa là con suối Phasi-người Thái gọi là suối Nam Sai. Và cũng là đường biên giới giữa hai nước. Phía Đông là các dãy núi đá vôi. Cao nhất là điểm cao 505, và trên điểm cao này, chúng tôi đặt đài quan sát pháo binh. Lực lượng tham gia trong trận này gồm trung đoàn bộ binh 31 (chủ công), trung đoàn bộ binh 96, một đại đội Tăng-Thiết giáp, một đại đội lựu pháo 105 và các lực lượng khác như công binh, trinh sát,… Sở chỉ huy phía trước của sư đoàn đặt tại điểm cao 309, phía sau hướng chủ yếu khoảng 500 m. Xác định đây là một trận tập kích hiệp đồng binh chủng với quy mô sư đoàn (thiếu một trung đoàn bộ binh), với đặc điểm là địa hình rừng núi. Điều khó khăn lớn nhất là trên các hướng có thể tiếp cận được, thì địch đã bố trí những bãi mìn dày đặc, kể cả mìn chống bộ binh và chống xe tăng.

Đêm hôm trước ngày nổ súng, tiểu đoàn công binh 25 của sư đoàn do tiểu đoàn trưởng, đại uý Nguyễn Văn Khạ và trung uý Nguyễn Văn Hoà-phó tiểu đoàn trưởng-chỉ huy đã tiến hành phát quang, cưa cây, gỡ mìn, để chuẩn bị đường cho xe tăng vào chiếm lĩnh. Những nơi gần địch thì các đồng chí cho gài sẵn thuốc nổ vào gốc cây lớn, để khi nổ súng thì cho bộc phá nổ phá cây.

Trận địa pháo 105 mm triển khai phía sau, bên phải Sở chỉ huy sư đoàn khoảng 200 m. Chúng tôi cũng dùng những biện pháo như trên để phát quang xạ giới. Trung đoàn bộ binh 96 được giao nhiệm vụ mở một mũi đột kích chính diện từ hướng Đông Bắc mục tiêu, nhằm chia cắt giữa 2 căn cứ Ô-đa và Sơ-đa. Hai căn cứ này cũng thuộc sư đoàn bộ binh 320 của địch và cách nhau khoảng 2 km, có đường ô tô nối liền nhau.

Trên hướng chủ yếu, trung đoàn bộ binh 31 được tăng cường đại đội tăng-thiết giáp, mở một mũi đột kích từ hướng Đông Nam thẳng vào mục tiêu. Trận này chúng tôi không tổ chức lực lượng dự bị chung, nhưng trên các mũi, các hướng đều có lực lượng dự bị. Như vậy, chỉ còn phía sau căn cứ địch là không có lực lượng luồn sâu, vu hồi; vì đó là đất Thái Lan và địa hình rất phức tạp. Sau này, khi ta nổ súng thì phần lớn lực lượng của địch dã chạy qua đó.

Xin bạn đọc cần lưu ý rằng: đây là lần đầu tiên chúng tôi tiến công đánh chiếm căn cứ này. Về sau, căn cứ này địch đã khôi phục lại và chúng tôi còn phải tiến công đánh chiếm lại lần nữa, vào mùa khô năm 1984.

Sáng ngày 15-0-1982, thời tiết lúc này đang là mùa khô, nhưng vì địa hình rừng núi nên 7 giờ mới thấy rõ mục tiêu. Đài pháo binh ở điểm cao 505 báo cáo: “Tình hình trong mục tiêu vẫn bình thường”. Và trên các hướng bộ đội đã vào vị trí xuất phát. Tại Sở chỉ huy sư đoàn, mọi người đều hồi hộp chờ đợi. Tất cả các phương tiện thông tin đều mở máy, sẵn sàng nhận lệnh. Đúng 7 giờ 10 phút, trận địa pháo của ta bắt đầu nổ súng. Nhưng quả đạn đầu tiên theo đài quan sát báo cáo thì không trúng mục tiêu mà vọt qua bên kia biên giới Thái Lan. Sau ít phút hiệu chỉnh thì pháo ta bắn trúng vào căn cứ địch. Địch trong căn cứ bắt đầu nhốn nháo.

Trong 10 phút bắn chuẩn bị, đồng thời từ các hướng, các mũi bí mật tiếp cận vào gần mục tiêu; công binh giật bộc phá để làm nốt phần còn lại là mở thêm một đoạn đường gần 100 m nữa, để cho xe tăng chuẩn bị đột kích. Trên hướng trung đoàn bộ binh 96, mìn địch quá nhiều nên đội hình nhích lên rất chậm. Sau 10 phút pháo ngừng bắn, trung đoàn bộ binh 31, dưới sự chi viện trực tiếp của xe tăng, đã tiến công mãnh liệt vào căn cứ. Địch chống trả quyết liệt. Pháo cối từ bên đất Thái Lan bắn vào đội hình trung đoàn bộ binh 31, nhưng lúc này bộ đội ta đã đánh chiếm được một khu vực phía Nam căn cứ, đội hình phía sau đang tiến dần vào sát mục tiêu. Do đó, đạn pháo địch hầu hết đều vọt ra phía sau.

Trung đoàn bộ binh 96, tuy tốc độ tiến công có chậm nhưng cũng đã cắt được đoạn giữa của 2 căn cứ địch. Bị hoả lực xe tăng và hoả lực đi cùng bộ binh tiến công dồn dập, địch hoảng sợ, tháo chạy lên hướng Sơ Đa-Cao Mê Lai, gặp phải mũi tiến công chia cắt của trung đoàn bộ binh 96, chúng vượt qua biên giới, sang đất Thái Lan, để lại nhiều xác chết.

Sau 30 phút chiến đấu, ta đã làm chủ hoàn toàn căn cứ địch, diệt tại chỗ 25 tên, thu một số súng, trong đó có một khẩu pháo phòng không 37 mm. Từ 10 giờ trở đi cho đến khoảng 15 giờ chiều, các trận địa pháo cối của địch bên đất Thái Lan bắn liên tục dưới chân núi trên hướng tiến công của trung đoàn bộ binh 31. Đạn pháo cối nổ chát chúa đến nỗi khi tôi rời Sở chỉ huy để vào với trung đoàn bộ binh 31-đang ở trong căn cứ địch-cứ bị đạn pháo chặn lại. Tại đài quan sát, pháo binh phát hiện rất rõ khẩu sơn pháo 85 của địch khi bắn choé lửa đầu nòng, nhưng pháo của ta hiệu chỉnh mãi vẫn không trúng. Đến khi có một số quả pháo của ta rơi xung quanh thì địch mới kéo pháo chạy sâu vào nội địa Thái Lan. Song, các trận địa cối 120 mm của địch vẫn cứ bắn mãi vào chân núi.

Tại Sở chỉ huy, chúng tôi suy nghĩ và đặt câu hỏi với nhau: “Tại sao ta đã làm chủ được căn cứ địch từ sáng đến giờ mà pháo cối địch vẫn cứ bắn khu vực gần cửa mở trên hướng chủ yếu?”. Anh em ở Sở chỉ huy nhận định rằng: có thể còn có một mục tiêu nào đó mà ta chưa phát hiện được. Địch bắn pháo để ngăn chặn sự phát triển của quân ta.

Chúng tôi lệnh cho trung đoàn bộ binh 31 lùng sục, tảo trừ xung quanh căn cứ địch vừa mới chiếm được; quả nhiên, sau một lúc, đồng chí trung đoàn trưởng trung đoàn bộ binh 31 Lê Văn Thuận báo cáo: “Đã phát hiện được một cái hang đá, trong đó có một số xe ôtô, chưa nắm được có bao nhiêu chiếc. Nhưng địch bố trí mìn dày đặc nên chưa vào được”. Tại Sở chỉ huy, chúng tôi mừng run lên. Tin trung đoàn bộ binh 31 thu được xe ôtô của địch lan nhanh ra các đơn vị trong sư đoàn, rồi được báo cáo lên Sở chỉ huy Mặt trận 479. Mọi người rất mừng rỡ.

Tôi đã nghĩ ngay đến việc làm thế nào để đưa được xe ôtô về phía sau, dù chỉ 1-2 chiếc; vì có như vậy thì ý nghĩa của trận đánh được nâng cao hơn, đề phòng địch cho quân vào phá huỷ mất. Tôi ra lệnh cho đồng chí Lê Văn Thuận: “Sử dụng ngay một đại đội bộ binh lùng sục quanh khu vực hang đá, chốt chặn tất cả ngả đường vào hang, đề phòng địch luồn sâu vào phá huỷ số xe đó. Nhắc nhở bộ đội chú ý mìn địch. Tôi sẽ cho tiểu đoàn công binh xuống ngay để dò min và sẽ tổ chức đưa xe ra!”.

Trong khi đó, địch vẫn tiếp tục nã cối từ đất Thái Lan sang, đạn rơi xung quanh hang đá. Chúng tôi đã tính đến việc mở đường mới để đưa số xe ôtô chiến lợi phẩm ra ngoài, nhưng địa hình ở đây không thể được, vì nếu làm như vậy sẽ rất chậm. Mặt khác, tôi cũng rất tin tưởng vào trình độ phát hiện và dò gỡ mìn địch của anh em công binh nên đã nhất trí với đề nghị là sẽ dò gỡ sạch mìn và đưa xe ra theo đường xe ôtô cũ, đã bỏ từ lâu. Phải nói rằng tiểu đoàn công binh của sư đoàn bộ binh 309 thật tuyệt vời cả về tinh thần chiến đấu dũng cảm, lẫn trình độ chuyên môn kỹ thuật và có ý thức trách nhiệm rất cao. Địa hình ở đây rất phức tạp cho việc cơ động binh khí kỹ thuật, trong khi địch cài mìn dày đặc. Thế mà tiểu đoàn công binh, ban đêm đốt đuốc, phát cây, dò gỡ mìn địch, làm đường cho xe tăng, pháo binh ta vào chiếm lĩnh được bí mật, an toàn và đúng với thời gian quy định.

Nhận nhiệm vụ rà phá mìn địch để đưa xe ôtô chiến lợi phẩm ra, đồng chí Hoàng Văn Khạ-tiểu đoàn trưởng và đồng chí Nguyễn Văn Hoà đã tổ chức ngay lực lượng và trực tiếp chỉ huy bộ đội thi hành nhiệm vụ. Các đồng chí mang theo cả máy dò mìn và các dụng cụ khác. Song với địa hình ở đây thì chủ yếu vẫn là đôi tay, đôi mắt và cái đầu thông min của bộ đội. Kẻ địch rất nham hiểm. Toàn bộ những xe ôtô còn mới nguyên, mỗi xe đã có sẵn một cơ số xăng dầu trên xe; còn trên đồng hồ số km thì còn thấp. Theo tính toán trên bản đồ thì có thể số xe này mới nhập của nước ngoài, chạy từ một quân cảng nào đó đến đây. Toàn bộ có 6 chiếc và hàng trăm xe đạp thồ còn nguyên đai, nguyên kiện. Địch đã gài mìn dày đặc xung quanh hang đá, dưới ghế ngồi và xung quanh các bánh xe. Hễ cứ xê dịch bánh xe khoảng 3-5 phân là mìn sẽ nổ. Vậy mà anh em công binh của ta đã phát hiện và dò gỡ được hàng trăm quả mìn của địch. Chúng tôi cho các chiến sĩ lái xe của tiểu đoàn vận tải xuống kiểm tra và đưa được toàn bọ số xe đó và các loại chiến lợi phẩm khác về phía sau được an toàn.

Chớp thời cơ lúc địch còn đang hoang mang dao động, sau khi đánh chiếm căn cứ trung đoàn bộ binh 905 ở Bắc Ô-đa, 2 trung đoàn bộ binh 31 và 96 tiếp tục phát triển lên Sơ-đa, Phnôm Mê Lai tiêu diệt thêm một số địch và làm chủ hoàn toàn các căn cứ địch từ Phnôm Mê Lai xuống đến Bắc Pailin, dọc tuyến biên giới, với chiều dài trên 60 km. Cũng trong thời gian này, trên hướng chủ yếu của Mặt trận 479, sư đoàn bộ binh 5 cũng đã đánh chiếm căn cứ Đăng-cum của sư đoàn một sư đoàn địch dọc biên giới Campuchia-Thái Lan, cách cửa khẩu Pô-Pét khoảng 30 km về phía Đông. Tại Sở chỉ huy tiền phương Mặt trận 479, đồng chí Keo Kim Giang đã chỉ đạo và tổ chức cho các lực lượng vũ trang tỉnh phối hợp cùng quân tình nguyện Việt Nam hoạt động truy quét địch tại các khu vực Xai-xa-mon, Nam, Bắc Ămpin-Prămđơm và nhiều nơi khác thuộc huyện Mông Côn Bô Rây. Uỷ ban nhân dân tỉnh Bát Tam Băng đã huy động hàng vạn dân bắc cầu Bà Vâl, phát quang, làm đường từ Bà Vâl lên Prăngđơm-Nam-sấp, từ Sisôphôn lên Sơ-vai-chếch và nhiều nơi khác.

Kết thúc chiến dịch C81, sư đoàn bộ binh 309 đã tiêu diệt 255 tên địch, thu 190 súng các loại (trong đó có một khẩu pháo phòng không 37 mm), 6 xe ôtô vận tải, trên 100 xe đạp thồ và nhiều phương tiện chiến tranh khác; triệt phá hoàn toàn hai căn cứ của sư đoàn bộ binh 320 địch từ Phnôm Mê Lai xuống đến Ô-đa với chiều dài trên tuyến biên giới từ 60-80 km, tạm thời triệt được nguồn tiếp tế, cắt được trục hàng lang thâm nhập nội địa của địch ở phía Tây tỉnh Bát Tam Băng.

Tiền phương Bộ Quốc phòng và Bộ tư lệnh Mặt trận 479 đánh giá sư đoàn bộ binh 309 hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Sư đoàn được tặng thưởng huân chương quân công hạng nhì và 4 huân chương quân công hạng ba cho các đơn vị: trung đoàn bộ binh 31 và 96, tiểu đoàn bộ binh 9 thuộc trung đoàn bộ binh 31, tiểu đoàn cán bộ 25 của sư đoàn; và 35 huân chương chiến công cho tập thể và cá nhân trong sư đoàn, vì đã lập được thành tích xuất sắc trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu.

Chiến dịch C81 kết thúc thắng lợi có ý nghĩa lớn lao, đã có tác dụng trực tiếp với phong trào cách mạng Campuchia trong nội địa tỉnh Bát Tam Băng. Ta đã huy động được hàng vạn dân tham gia phục vụ chiến dịch; qua đó cho thấy khả năng tổ chức, điều hành của chính quyền các cấp của Bạn được nâng cao thêm một bước đáng kể.

Ngày 19-2-1982, tại trận địa pháo 130 mm (nằm về phía Tây Bua, cách biên giới với Thái Lan khoảng 10 km), đoàn cán bộ của Bành trướng 719 và Bộ tư lệnh Mặt trận 479, do thượng tướng Lê Đức Anh, tư lệnh Mặt trận 719 và thiếu tướng Lê Thanh, tư lệnh Mặt trận 479, đáp máy bay xuống kiểm tra tình hình tác chiến của sư đoàn bộ binh 309. Các đồng chí tư lệnh đã tỏ ý hài lòng với những kết quả mà sư đoàn bộ binh 309 đã đạt được trong quá trình tiến công tiêu diệt địch và làm chủ được các căn cứ. Đồng thời tư lệnh Mặt trận 719 cũng đã gợi ý Bộ tư lệnh Mặt trận 479 có hình thức khen thưởng xứng đáng đối với sư đoàn. Cuối cùng đồng chí chỉ thị cho chúng tôi về nhiệm vụ trong mùa mưa tới. Với những người trực tiếp thi hành nhiệm vụ trên chiến trường, chúng tôi đã đề ngị đồng chí tư lệnh một số vấn đề cần nghiên cứu:

1.Để bảo vệ các mục tiêu vừa đánh chiếm trên tuyến biên giới, triển khai lực lượng nhằm “khoá chặt biên giới”, không cho địch thâm nhập, vận chuyển vào nội địa thì cần phải có lực lượng bảo đảm hàng lang phía sau của ta. Nếu không các lực lượng phía trước của ta dễ bị địch cô lập.

2.Vấn đề bung lực lượng ra để thực hiện việc ngăn chặn địch thâm nhập, sẽ dấn tới việc dàn mỏng đội hình trong suốt những tháng mùa mưa thì rất khó khăn, lực lượng ta dễ bị tiêu hao.

3.Nếu thực hiện các ý định trên thì trong phạm vi 40-60 km từ Phnôm Mê Lai xuống đến Ô-đa-Com Riêng cần có một lực lượng khoảng 2 sư đoàn bộ binh, vì chính diện đã rộng mà chiều sâu từ căn cứ trong nội địa của ta ra đến biên giới rất xa, nếu tính từ Bà Vâl (sông Mông-côn Bô-rây) đến các lực lượng phía trước, phải đến 60-80 km.

Cuối mùa khô 1982, thời tiết thật oi bức, nhưng buổi chiều đã có những cơn mưa rào báo hiệu một mùa mưa nữa sắp đến. Khí hậu ở Campuchia nói chung cũng gần giống với khí hậu ở Nam Bộ và vùng Tây Nguyên nước ta. Ở đây có 2 mùa: mùa mưa và mùa khô. Giữa hai mùa đó là cái tết Chôn-Ch’năm-Thực hiện’mây, tết té nước để ăn mừng khi mùa mưa đến. Mùa mưa, vạn vật nơi đây sẽ sinh sôi, nẩy nở; cây cối sẽ đâm chồi nẩy lộc; cá Biển Hồ mang trứng và sinh đẻ. Do đó, ở Campuchia, đến mùa mưa, người ta hạn chế đánh bắt cá ở Biển Hồ… Và mùa mưa, các lực lượng vũ trang của ta và Bạn trên chiến trường cũng hạn chế những đợt hoạt động, tập trung co về trong các căn cứ, chỉ tổ chức những phân đội bung ra đánh hàng lang để hạn chế sự xâm nhập của địch từ biên giới vào nội địa.

Để tạo thuận lợi cho các hoạt động mùa mưa, cuối mùa khô 1982, Mặt trận 479 còn tổ chức một hoạt động đệm. Trên hướng của sư đoàn bộ binh 309 ở phía Tây tỉnh Bát Tam Băng, trung đoàn bộ binh 250 tổ chức đưa lực lượng ra truy quét địch ở khu vực phía Nam Sầm Lốt; trung đoàn bộ binh 96 tiếp tục truy quét địch ở khu vực Ô Đa-Sơ Đa và phía Nam Phnôm Mê Lai. Các lực lượng khác như xe tăng, thiết giáp, pháo binh và Sở chỉ huy phía trước của sư đoàn rút về căn cứ trong nội địa. Trung đoàn bộ binh 31 được rút ra làm lực lượng dự bị 2 cấp (sư đoàn và Mặt trận 479).

Trên hướng của trung đoàn bộ binh 250 (khu vực Tà Sanh-Sầm Lốt) đã đưa được lực lượng ra gần sát biên giới. Hướng này, từ đầu chiến dịch C81, trung đoàn bộ binh 250 vẫn hoạt động có tính độc lập. Đồng chí Nguyễn Khánh-phó sư đoàn trưởng-được cử xuống trực tiếp chỉ đạo các hoạt động của trung đoàn. Khi trung đoàn bộ binh 250 tiến ra biên giới thì gặp một căn cứ địch thuộc sư đoàn bộ binh 221 đóng ở phía Nam Sầm Lốt và bị chúng ngăn chặn quyết liệt. Trong điều kiện địa hình rừng núi, ta lại nắm địch không chắc, nhưng mọi hành động của ta địch lại nắm rất rõ. Thấy đội hình của ta tiến công ở thế bất lợi (dưới chân của một cao điểm), địch từ sườn núi bắn vào bên sườn của trung đoàn bộ binh 250. Đồng thời chúng cho quân luồn ra phía sau đội hình của ta. Do đó, khoảng 1/3 lực lượng phía trước bị chia cắt. Trung đoàn bộ binh 250 đã tỏ ra lúng túng.

Đồng chí Nguyễn Khánh điện cho tôi: “Hiện nay, trung đoàn bộ binh 250 đã bị địch bao vây, tiến không được mà rút ra cũng không xong. Đề nghị cho trung đoàn bộ binh 31 xuống”. Sau khi tôi nắm lại tình hình, trao đổi với đồng chí Nguyễn Thành Út và cơ quan tham mưu, rồi điện xuống cho trung đoàn bộ binh 250 và đồng chí Khánh như sau: “Hãy cho một lực lượng lên chiếm lĩnh điểm cao ở phía Nam, đưa hoả lực lên đó, rồi bắn mạnh vào đội hình địch; đồng thời phải loại trừ được lực lượng địch đang chia cắt đội hình của ta, nối liền phía trước với phía sau”.

Một lúc lâu, các đồng chí dưới đó vẫn chưa giải quyết được và tiếp tục điện về Sở chỉ huy sư đoàn, xin cho trung đoàn bộ binh 31 tăng viện. Thấy tình hình căng thẳng, một mặt, tôi điện báo cáo tư lệnh Mặt trận 479 xin ý kiến (vì hiện giờ trung đoàn bộ binh 31 cũng là lực lượng dự bị của Mặt trận); đồng thời tôi điện cho đồng chí Khánh (đồng điện cho trung đoàn 250) như sau: “Trung đoàn bộ binh 31 đã trải qua một đợt hoạt động từ đầu chiến dịch, nay đã rút ra củng cố để làm lực lượng dự bị chung cho 2 cấp. Sức chiến đấu đã giảm sút, vả lại, nếu đưa trung đoàn bộ binh 31 xuống đó phải được lệnh của tư lệnh Mặt trận. Trong khi đang chờ ý kiến của trên, các đồng chí động viên bộ đội xử trí tình huống này cho tốt”. Tôi cũng nhắc lại là phải đưa được một lực lượng của ta lên chiếm lĩnh điểm cao phía Nam và đưa hoả lực lên đó. Cuối ngày hôm đó, các đồng chí ở đây cũng đã giải quyết được mọi việc. Sau đó trung đoàn bộ binh 250 cũng rút về căn cứ.

Trước khi bước vào mùa mưa, theo chỉ thị của tư lệnh 719 và Bộ tư lệnh Mặt trận 479, tất cả các lực lượng chung trên tuyến biên giới lùi sâu vào tuyến 2-tức là tuyến xuất phát-trước khi bước vào chiến dịch C81. Với chủ trương là tập trung các trung đoàn trên từng khu vực, lấy tiểu đoàn, đại đội làm cơ sở để xây dựng các điểm chốt có công sự vững chắc, kết hợp với hệ thống hoả lực và vật cản; từ đó, tung từng toán ra bên ngoài để tiến hành đánh, cắt hành lang vận chuyển của địch trên tuyến biên giới. Đồng thời, các lực lượng trong nội địa phối hợp liên tục, truy quét địch, hỗ trợ cho phong trào cách mạng của nhân dân.

Từ đây, những khái niệm “điểm tựa”, “cụm điểm tựa”, “khu vực phòng ngự” xem ra được áp dụng lần đầu tiên trên chiến trường Campuchia của quân ra. Đây là một vấn đề mới, có phần phù hợp với quy luật tất yếu sẽ diễn ra trong quá trình chiến tranh.

Nếu dàn mỏng lực lượng ra để thực hiện ý muốn “khoá chặt biên giới” thì với địa hình như phía Tay tỉnh Bát Tam Băng và với đối tượng tác chiến phân tán, đánh du kích với ta, thì lực lượng ta dễ bị tiêu hao, dễ bị chia cắt và gặp muôn vàn khó khăn. Do đó, phải bố trí đội hình tập trung trên một phạm vị nhất định (có thể chi viện được cho nhau trong một cự ly tương đối gần) là hoàn toàn hợp lý.

Trong điều kiện mùa mưa, công tác vận chuyển, tiếp tế từ căn cứ hậu cần trong nội địa ra biên giới ở đây quá xa, gần cả trăm cây số. Cho nên đội hình có về tuyến trung gian là phù hợp. Vì thế, cần quán triệt tư tưởng tiến công địch trong chiến đấu: phòng ngự là việc phải đặt lên hàng đầu. Phải giải quyết bằng được mâu thuẫn là giữa dàn mỏng lực lượng để khoá chặt biên giới thì sẽ gặp khó khăn nhiều mặt; nếu co về trong các điểm tựa, cụm điểm tựa thì địch dễ dàng thâm nhập vào nội địa và đưa các lực lượng ép sát, quấy rối và bức rút lực lượng ta. Phải xác định điểm tựa, cụm điểm tựa là nơi xuất phát, tung một bộ phận lực lượng ra bên ngoài, để chếin đấu ngăn chặn địch: là nơi dựa vào công sự, vật cản đánh địch, bảo vệ trận địa và cũng là nơi để các lực lượng phía sau thay nhau nghỉ ngơi, sinh hoạt.

Bước vào mùa mưa năm ấy, đội hình của sư đoàn bộ binh 309 được bố trí như sau:

-Phía trước vẫn là 3 trung đoàn bộ binh gồm: trung đoàn bộ binh 812 ở thị trấn Pailin0xd 3 cụm điểm tựa cấp tiểu đoàn: một ở Bắc thị trấn trên trục đường 58 xuống Pailin; một ở phía Tây, gần cầu Sập, đối diện với biên giới Campuchia-Thái Lan và một ở đầu đường số 10, phía Đông thị trấn Pailin. Sở chỉ huy trung đoàn và các phân đội trực thuộc đóng tại trung tâm thị trấn.

-Trung đoàn bộ binh 96 lùi vào khu vực Nam-sấp, cách biên giới Campuchia-Thái Lan khoảng 15 km, xây dựng các cụm điểm tựa ở dãy cao điểm 230 Đông Bắc Nam-sấp, một cụm điểm tựa ở Bua, cao điểm 309. Lực lượng cònlại làm nhiệm vụ bảo vệ đường vận chuyển từ Ămpin-Prăngđơm lên Nam-sấp. Sở chỉ huy trung đoàn và các bộ phận trực thuộc bố trí ngay tại Nam-sấp.

-Trung đoàn bộ binh 250 vẫn bố trí như từ đầu tại Tà Sanh-Sầm Lốt, xây dựng một số điểm tựa và bảo vệ đường vận chuyển với sư đoàn bộ binh 196 của Bạn từ đường số 10 xuống Tà Sanh.

-Trung đoàn bộ binh 31 được đưa về khu vực Ba núi làm lực lượng cơ động.

-Trung đoàn pháo binh 487 vẫn về đứng ở xã Tà-hen.

-Sở chỉ huy sư đoàn và các đơn vị trực thuộc vẫn như trước khi bước vào chiến dịch C81, tức là đóng tại khu vực đập nước Pinh-Puôi.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Nhấn vào giữa màn hình để hiển thị Tùy chọn đọc.
Theo dõi Đọc Sách Hay trên Facebook, mỗi ngày chúng tôi cập nhật những cuốn sách, truyện hay nhất!
Cuộc chiến tranh bắt buộc Sự ra đời của mặt trận 479

Có thể bạn thích