Sắp tới nhà, toan lo kế sách,

Gặp người cũ, vội hỏi con thơ

Trời biển mênh mông, gió trăng man mác. Giữa lừng trời trăng treo gương vặc vặc, trên mặt biển gió thổi sóng lao xao; trăng dọi nước vàng, nước chào trăng lố xố.

Chiếc tàu "Orénoque" chỉ mũi hướng nam mà chạy, rượt trăng tách nước, lướt gió tuôn sương. Lối 12 giờ khuya, bạn tàu với hành khách đều an giấc, duy về phía sau lại có hai người Tây còn nằm trên ghế nói chuyện với tiếng chưn vịt quạt quạt đùng đùng hoài mà thôi.

Mẹ con Thu Vân trải chiếu nằm trên "boong"[1] đắp mền mà ngủ. Thu Cúc ngủ được một giấc rồi mở mắt ra thấy mẹ đầu choàng khăn, mình mặc áo lạnh, chơn quấn mền nỉ đương ngồi khoanh tay ngó ra biển. Nó lần lần ngồi dậy hỏi mẹ:

- Má chưa ngủ sao?

- Chưa.

- Bữa nay má còn mệt nữa hay không?

- Bữa nay má bớt mệt, mà trong mình bần thần dã dượi và ớn lạnh quá. Sao con không ngủ đi, mới nửa đêm con thức dậy làm chi?

Thu Cúc lặng thinh không trả lời, Thu Vân hỏi như vậy rồi cũng bỏ qua, cách một hồi lâu, Thu Cúc lại hỏi:

- Mình về Sài Gòn rồi tìm đến nhà ông nội mà ở hay là đi đâu má?

Thu Vân day qua ngó con, ứa nước mắt mà nói rằng:

- Phải đành liều về nhà ông nội con chớ biết đi đâu bây giờ.

Thu Vân ngừng một hồi rồi nói tiếp:

- Nầy con, con còn nhỏ dại, lẽ thì má không nói việc nhà cho con biết. Ngặt vì cha con đã mất rồi má, thì bịnh hoạn không biết chết bữa nào. Vậy má phải nói chuyện gia đạo của mình cho con rõ, đặng phòng khi má chết thình lình thì con biết rõ bà con bên nội, bên ngoại mà tìm. Bà con bên má chẳng có ai đông, duy có một người chú ruột tên là Đoàn Thanh Bạch ở Ba Se, thuộc tỉnh Trà Vinh. Còn phía bên nội của con thì có một ông nội con, tên là Lê Hiển Đạt ở Nha Mân, thuộc tỉnh Sa Đéc, hồi trước có làm Hội đồng. Ông nội con giàu có lớn, có ruộng đất, có lò gạch, ông sanh có một mình ba con đó mà thôi, chớ không có con nào khác. Bà con hai bên có bao nhiêu đó, con phải ráng mà nhớ. Thuở nay má tuy có chú, ba con tuy có cha, mà cũng như không, bởi vì ba với má hồi trước gặp nhau, hai bên đều ghét hết thảy. Chú của má thì từ má, còn ông nội của con thì từ ba con, nên ba con không biết chú của má là ai, má cũng chưa gặp mặt ông nội con lần nào. Chớ chi ba con mạnh giỏi, thì chẳng nói làm chi, ngặt vì ba con mất rồi vậy nên má tính đem con về cho ông nội con, đặng như rủi má có chết thì con có chỗ mà nương nhờ, và ông nội con cũng có chút cháu hủ hỉ. Ông nội ghét ba với má lắm, quyết định không cho ba với má thấy mặt. Vậy má tính về tới Nha Mân, má với con phải giấu giếm, đừng nói thiệt là con cháu chi hết, phải lập thế làm tôi tớ lân la dọ tình ý, chừng nào ông nội con hết giận rồi sẽ tỏ thiệt chớ không nên nói liền. Má còn nói cho con biết việc nầy nữa; con có một người chị tên là Thu Ba, lớn hơn con một tuổi. Hồi đó mới được bốn năm tháng thì ba với má lạc mất nó, mười mấy năm nay nó biệt tích không biết đâu mà tìm. Bây giờ về tới Sài Gòn má sẽ lo hỏi thăm tin tức của chị con. Còn phận con thì phải nhớ con có một chị, đặng ngày sau may gặp nhau con hiểu mà nhìn. Hồi nhỏ nó giống con lắm, bây giờ lớn chắc nó còn giống nhiều hơn nữa. Má có khai sanh của nó trong rương song ba con chưa nhìn nó được.

Lúc Thu Vân nói Thu Cúc ngồi chăm chỉ lóng tai nghe. Chừng mẹ nói dứt lời, nó liền cúi mặt xuống mà nói rằng:

- Má lo việc nhà làm chi. Má lo đây rồi má mệt nữa đa. Việc nhà của mình con đã biết rõ hết.

- Sao con biết? Ai nói với con?

- Ba nói.

- Nói hồi nào?

- Hồi ba gần đi Tây. Chiều chiều ba dắt con đi chơi, ba nói rõ hết.

- Ba con nói như thế nào?

- Ba cũng nói như má mới nói đó vậy. Mà ba lại có nói rằng tuy ba cưới má ông nội không chịu song sau ba có làm hôn thú rành rẽ rồi. Còn phận con thì ba có khai sanh hẳn hoi, duy có một mình chị Thu Ba hồi đẻ không có ba, sau lạc mất nên ba chưa nhìn chị làm con được. Ba dặn nếu rủi ba có chết con phải khuyên má dắt con về ông nội đặng con nhìn. Ví dầu ông nội không chịu nhìn con thì chừng ông trăm tuổi già, con phải đem khai sanh ra đối chiếu mà lãnh gia tài, chớ đừng để cho người dưng ăn uổng. Ba lại còn dặn chừng nào con khôn lớn, hễ gặp ai lớn hơn con một tuổi mà mặt mày hoặc bộ tướng giống con thì con phải hỏi thăm gốc gác coi có phải chị Thu Ba hay không. Nếu phải thì con phải nhìn. Như chị ấy nghèo thì con phải nuôi chị, vì chị lạc mất từ hồi nhỏ, chắc là chị cực khổ lắm, nếu con ăn gia tài của ông nội mà không ngó ngàng đến chị thì tội nghiệp cho chị lắm.

- Ba con có dặn mấy việc đó hay sao?

- Thưa có.

Thu Vân ngồi ngẫm nghĩ một hồi rồi lấy vạt áo lau nước mắt má nói rằng:

- Ba con lo xa quá. Sao mà biết chết nên dặn con như vậy! Mà má nghĩ người ở đời phải lấy tình nghĩa làm trọng, chớ tiền của mà sá gì. Má muốn sao ông nội con vì tình máu thịt mà thương con nên nhìn con, chớ má không muốn dùng luật pháp mà giành gia tài của ông nội con. Vậy má tính về tới Nha Mân, má với con phải giả dạng kẻ nghèo khổ rồi lập thế vô ở đợ với ông nội con. Hễ vô được trong nhà rồi thì con phải ăn ở cho khéo léo, phải làm thế nào cho ông nội con đem lòng thương con. Mà má biết trong mình má bịnh nặng lắm sợ má sống không được tới ngày ông nội con thương con, vậy nói cùng mà nghe, nếu rủi má có nhắm mắt mà theo ba con đi nữa, thì con phải nhớ mấy lời má mới dặn con đây mà làm, nghe không con.

Con Thu Cúc cười mà đáp rằng:

- Má cứ nói chuyện chết hoài! Má chết rồi con làm sao nhìn chị Thu Ba cho được. Con có biết chị ấy đâu! Má vui vẻ đặng trong mình khoẻ khoắn mà dắt con về ông nội chớ. Má đừng lo, hễ con gặp ông nội con nói chuyện thì ông nội thương con liền.

Thu Vân nghe con nói như vậy nàng cũng cười, rồi mẹ con nằm xuống mà ngủ. Thu Cúc tánh ham vui, chưa biết lo, nên hễ nằm xuống thì ngủ liền, còn Thu Vân phần thì thương vì nỗi chồng, phần thì lo nỗi con, trong trí không an, nên nằm thao thức cho đến sáng mà ngủ cũng chưa được.

Tàu "Orénoque" tới bến Sài Gòn vào 4 giờ chiều.

Thu Vân trong mình nóng nóng lạnh lạnh song phải gượng gạo mướn cu ly vác rương lên bờ rồi kêu một cái xe kiếng[2] chở rương qua chợ Bến Thành, tính lên nhà ngủ "Lục Tỉnh" mà ở đỡ. Xe chạy qua gần khỏi cầu Khánh Hội, Thu Vân bỗng thấy ba người đàn ông với một người đàn bà đương ngồi tại đầu cầu. Nàng quay đầu lại mà nhìn rồi kêu người đánh xe bảo ngừng xe lại. Xe đương xuống dốc cầu bị trớn, ngừng không được, nên phải chạy xuống gần hết dốc rồi mới ngừng. Thu Vân bèn biểu người đánh xe ngoắt kêu người đàn bà ngồi trên đầu cầu hồi nãy. Người đàn bà ấy đi lại, ba người đàn ông cũng đi theo sau. Khi họ đi gần tới xe, thì thấy người đàn bà tuổi chừng 40, miệng rộng, da đen, đầu choàng một chiếc khăn vải rằn, mình mặc một cái áo bà ba, vải đen và một cái quần vải đen cũ.

Chừng người ấy tới, Thu Vân mới ló đầu ra mà hỏi rằng:

- Xin chị cho phép tôi hỏi thăm một việc. Tôi nhớ mày mạy chị là chị hai Thình, không biết có phải không?

Người đàn bà ấy chưng hửng đứng nhìn Thu Vân trân trân rồi cười mà đáp rằng:

- Phải, tôi là hai Thình. Xin lỗi cô, không biết cô ở đâu, tôi quên.

Thu Vân vừa nghe người ấy xưng mình là hai Thình, thì nàng vội vã mở cửa xe và leo xuống mà nói rằng:

- Tôi hồi trước ở nhà ông phán Kim; tôi mướn chị nuôi vú, chị quên hay sao? Con nhỏ của tôi ở đâu? Chị báo hại quá! Hồi đó chị biệt mất, làm vợ chồng tôi đón chị hết sức rồi trông cũng mỏi hơi. Con nhỏ của tôi bây giờ ở đâu?

Chị hai Thình cười ngỏn ngoẻn rồi đáp rằng:

- Thế cô là cô ba hồi đó ở nhà ông phán Kim. Lâu quá nên tôi quên. Mà bây giờ sao cô ốm dữ vậy?

Thu Vân châu mày hỏi rằng:

- Tôi hỏi con nhỏ tôi đâu! Dầu chị có mắc việc gì chị ra không được, thì chị cũng phải gởi thơ cho vợ chồng tôi hay, đặng có lập thế rước con tôi, chớ sao chị bặt tin như vậy?

- Thủng thẳng rồi tôi nói cho cô nghe mà. Hồi cô đi cô gởi tiền cho ông Phán đặng ông ấy mua giấy tàu cho tôi đi sau. Thiệt cô đi ba bốn bữa, con nhỏ hết bịnh. Tôi nói với ông Phán mua giấy tàu cho tôi đi, ông Phán lần lựa cứ nói chưa có tiền hoài. Rồi kế ông đau mất; cách vài bữa vợ ông đau cũng mất nữa. Tôi có tiền đâu đặng mua giấy tàu mà đi.

- Dầu hai vợ chồng ông Phán không đưa tiền đi nữa thì chị cũng đánh dây thép cho tôi hay đặng tôi gởi tiền khác về cho chị đi, chớ sao chị lại nín mất ở trong nầy?

- Tôi có biết cô ở đâu mà đánh dây thép.

- Còn con nhỏ của tôi đâu? Năm nay nó được bao lớn?

- Nó chết lâu rồi.

- Chết hồi nào?

- Lâu quá tôi có nhớ đâu.

Thu Vân ứa nước mắt, đứng ngẫm nghĩ một hồi rồi nói rằng:

- Nó đau bịnh gì mà chết? Chị có khai tử hay không?

Hai Thình bợ ngợ một hồi rồi day mặt chỗ khác và nói rằng:

- Tôi không nhớ... Lâu quá ai nhớ được.

Thu Vân thấy bộ Hai Thình ái ngại mà lại nghe lời đối đáp lôi thôi nên trong lòng phát nghi, nàng bèn nói rằng:

- Chị nói thiệt cho tôi nghe đi mà, chị giấu làm chi. Tôi chắc con tôi không chết. Vậy chị biết nó ở đâu, chị chỉ giùm cho tôi, tôi cho tiền chị xài.

Hai Thình đứng lặng thinh. Con ngựa kéo xe đi tới 2, 3 bước, làm cho người đánh xe phải chạy lại trước đầu mà níu nó. Ba người đàn ông đi theo Hai Thình hồi nãy ngồi chồm hổm trên lề đường, dụm đầu lại nói chuyện song mắt cứ ngó theo phía xe kiếng đậu hoài. Hai Thình ngẫm nghĩ một hồi rồi nói mơn trớn với Thu Vân rằng:

- Hồi nãy tôi sợ cô rầy nên tôi phải nói dối, chớ thiệt em không có chết.

- Vậy chớ nó ở đâu bây giờ?

- Thiệt nó ở đâu tôi không biết; để thủng thẳng coi. Có lẽ tôi hỏi thăm cũng ra mối mà. Cô bây giờ ở đâu?

- Tôi ở ngoài Bắc mới về tới đây. Bây giờ tôi đi kiếm khách sạn mướn phòng mà nghỉ một bữa cho khoẻ, rồi tôi đi về dưới Sa Đéc.

- Cô ở khách sạn thiên hạ rần rộ nghỉ giống gì đặng. Thôi, cô vô nhà tôi mà nghỉ.

- Nhà chị ở đâu?

- Tôi ở trong Bàn Cờ.

- Cô không biết hay sao? Bàn Cờ ở phía Ô Mai[3] đó. Tôi ở nhà lá, song không chật lắm. Cô với em vô đó nghỉ được. Ở nán vài bữa đặng tôi dọ hỏi coi con Thu ba bây giờ ở đâu.

Thu Vân suy nghĩ nàng phải nhờ Hai Thình mới tìm Thu Ba được. Vừa về tới Sài Gòn mà gặp được Hai Thình, ấy là dịp may; vậy phải theo chị ta đặng biết nhà mà cậy chị ta kiếm con.

Thu Vân bèn biểu Hai Thình lên xe mà đi. Hai Thình trở lại từ giã hai người đi với chị ta rồi lên xe và biểu người đánh xe chạy thẳng vô Bàn Cờ.

Xe vô tới ngang cửa, Hai Thình biểu ngừng lại, rồi mời Thu Vân vô nhà. Thu Vân dặn người đánh xe chờ, rồi mẹ con đi theo Hai Thình.

Trong khi Hai Thình móc chìa khoá trong túi ra mở cửa thì Thu Vân đứng ngoài ngó mông. Thuở ấy ở xóm Bàn Cờ nhà cửa thưa thớt, chớ không phải đông đặc như bây giờ. Nhà Hai Thình ở cách nhà hai bên cả một hai chục thước. Ấy là một túp nhà lá nhỏ và thấp, cửa bằng ván, vách cặp[4] bằng lá dừa. Tuy nhà tum húm, song phía trong có một bộ ván dầu[5] với một cái bàn và ít cái ghế. Nhà nghèo mà sạch sẽ, vén khéo.

Thu Vân vô nhà rồi, liền hỏi rằng:

- Đâu chị nói thiệt cho tôi biết coi con Thu Ba của tôi ở đâu.

- Khoan. Để tôi nấu nước chế trà cho cô uống.

- Thôi thôi. Tôi không khát nước. Chị làm ơn nói chuyện con Thu Ba cho tôi nghe.

- Cô nóng nảy quá. Để thủng thẳng tôi nhớ coi... Ờ, ờ tôi nhớ hồi đó tôi đau, hết sữa, phần không biết cô ở đâu mà trả em lại cho cô. Túng thế tôi phải năn nỉ với chị chín Hô nhờ chỉ nuôi giùm.

- Chị chín Hô ở đâu?

- Chỉ ở gần một bên tôi. Chỉ thấy em Thu Ba thiếu sữa khóc hoài chỉ mới làm ơn bồng về nuôi khuấy sữa bò cho nó bú.

- Chị chín Hô bao lớn?

- Chị lớn mà. Hồi đó sồn sồn, lớn bộn rồi.

- Bây giờ biết làm sao tìm chỉ cho ra?

- Để sáng mai tôi lên Tân Định tôi hỏi thăm coi có ai biết chị ấy bây giờ ở đâu hay không. Cô đừng lo, chắc tôi hỏi ra mà.

- Hồi chị cho con nhỏ tôi đó, nó được mấy tháng.

- Bảy tám tháng gì đó.

- Chẳng giấu chị làm chi, ở nhà tôi trước khi đi Tây thì căn dặn tôi đừng có quên dọ tin tức con Thu Ba trong giây phút nào. Nay ở nhà tôi[6] chẳng may mất rồi, tôi lại càng lo làm cho vừa ý chồng hơn nữa. Nếu chị kiếm giùm được con Thu Ba cho tôi, thì tôi cám ơn chị lắm. Ví như họ muốn đòi tiền công nuôi nó bao nhiêu tôi cũng sẵn lòng thối lại cho họ. Miễn là tôi được gặp con tôi thì thôi, tốn hao chút đỉnh cũng không sao.

- Tôi hứa với cô tôi tìm được thì chắc được, cô đừng lo mà! Thôi, cô ở đây rồi sáng mai cô đi với tôi lên Tân Định mà hỏi thăm. Có cái lên trời thì tôi lên không được, chớ trong lục tỉnh nầy có chỗ nào mà tôi tìm không tới.

Thu Vân được tin con như vậy thì nàng mừng rỡ vô cùng. Chẳng phải là nàng tránh sự tốn hao, nhưng vì nàng muốn ở gần hai Thình đặng hỏi thăm chuyện của con nữa, nên nàng mới bằng lòng trả tiền xe rồi đem rương vô nhà hai Thình mà ở đậu.

[1] (pont): sàn tàu

[2] loại xe do một hoặc hai con ngựa kéo. Thùng xe thường có bốn chỗ ngồi đối diện nhau. Bên hông xe có gắn kiếng (kính) để che mưa gió, vì vậy gọi là xe kiếng

[3] hay Ô Ma, thành Au Mare, hướng tây giáp ranh với chợ Bàn cờ. Sau hiêp định Genève, một phần của thành nầy là trụ sở của „Ủy ban quốc tế kiểm soát đình chiến“

[4] hay kẹp. Kết lá làm nóc nhà gọi là lợp, kết lá làm vách gọi là cặp

[5] ván ngựa, một thứ bàn ghế kê trên cặp chưn 4 cẳng như con ngựa gỗ, dùng như divan, bằng gỗ cây dầu

[6] tiếng xưng hô để chỉ chồng hay vợ

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Nhấn vào giữa màn hình để hiển thị Tùy chọn đọc.
Theo dõi Đọc Sách Hay trên Facebook, mỗi ngày chúng tôi cập nhật những cuốn sách, truyện hay nhất!

Có thể bạn thích