Chủ nhật – Tháng 9: Hè qua thu, lòng người bỗng chốc trở nên nhẹ nhõm.

Khải Hưng lưỡng lự cuối cùng cũng tiến lại, bấm chuông nhà hàng xóm. Tới lần thứ ba, Diệp Anh mới xuất hiện trong bộ quần áo ngủ, nửa kín nửa hở. Áo của cô trễ qua một bên. Đầu tóc rối bời, như thể cô vừa phải vật lộn với thứ gì đó, rất dữ dội. Cô thều thào qua khe cửa.

- Gì đấy?

- Cô rảnh không?

- Giờ thì không.

- Chuyện hôm trước, tôi xin lỗi.

- Chuyện gì?

- Thì việc tôi nói truyện cô viết không bằng truyện sex, còn hôm trước thì ném quả cam vào lưng cô. Chúng ta hòa chứ?

- Hòa hả? Được thôi. Tôi cũng không muốn thắng. Thế đi. Tôi đang gấp lắm.

Diệp Anh toan đóng cửa thì bị Khải Hưng chặn lại.

- Chúng ta hòa rồi thì tôi nhờ cô một việc được không?

Khải Hưng kéo lại cánh cửa khiến nó mở toang nhưng anh chưa kịp nói gì thì Diệp Anh đã gấp gáp chạy vào nhà. Khải Hưng tò mò bước theo sau. Cánh cửa nhà vệ sinh đóng sầm. Diệp Anh uể oải ngồi xuống, tựa lưng vào tường, trán lấm tấm mồ hôi. Khải Hưng tiến lại gần, chăm chú nhìn cô như thể vẫn đang tìm cơ hội để tiếp tục những lời lúc trước còn chưa nói hết.

Diệp Anh dồn sức, cố nói rõ ràng nhất có thể.

- Anh giúp tôi thay đổi tư thế rồi nói.

Khải Hưng cúi thấp xuống, quàng tay Diệp Anh qua cổ, nâng cô dậy. Anh nhận thấy cơ thể cô nóng ran, còn tay mình thì đang gồng cứng. Lần đầu, anh sửng sốt về sự chênh lệch quá lớn giữa dáng vẻ bên ngoài và trọng lượng thực của một người. Sau khi đặt Diệp Anh vào giường, Khải Hưng phát hiện trên chiếc tủ gần đó một túi thuốc bèn cầm lên, chăm chú đọc. Khóe miệng khẽ nhếch qua bên.

- Hôm qua cô ăn gì?

Diệp Anh nhắm nghiền mắt, lắc đầu rồi nhanh chóng chìm vào giấc ngủ. Cô thấy mình như đang bị nhốt trong một nhà máy đồng hồ. Nghìn chiếc, nghìn nhịp, chạy không ngưng nghỉ. Một sự hỗn loạn khiến tất cả các dây thân kinh đều căng giãn.

Khi vào phòng vệ sinh để tìm một chiếc khăn ướt, Khải Hưng liếc thấy trong sọt rác nhà Diệp Anh rất nhiều túi nilon và hộp xốp. Đủ thứ mùi hỗn độn. Anh đưa chân đẩy phần nắp lại cho kín, cảm thấy ngạc nhiên vì cho đến giờ Diệp Anh mới rơi vào tình trạng này.

Lát sau, Diệp Anh từ từ nâng dần hai bên mí mắt nặng trĩu. Cô giật tay lại sau khi nhìn thấy một người đàn ông lạ mặt với mái tóc bông xù xuất hiện ngay trước mặt mình. Khải Hưng từ đâu bước đến, chạm nhẹ vào vai cô, hất cằm về phía bình nước đang treo trên cây quần áo ngay gần đó. Bàn tay gồng cứng của Diệp Anh dần thả lỏng, yên lặng để một mũi kim đâm xuyên qua.

Mọi việc xong xuôi. Khải Hưng quay nhìn vị bác sĩ khi ông chuẩn bị ra về.

- May mà em nhớ ra phòng khám của thầy ở gần đây.

- Nhưng cậu không nhớ nó mở cửa và đóng cửa giờ nào.

Khải Hưng cười trừ, lấy chiếc túi da đặt trên ghế sofa đưa cho người đàn ông đó.


- Tại em gấp quá, lại không cách nào đưa cô ấy xuống nhà để đến viện được.

Người đàn ông nheo mắt nhìn Diệp Anh thùng thình trong bộ đồ ngủ ngoại cỡ. Cô cũng đang nhìn ông, hết sức chăm chú.

- Thầy? Vậy ra anh cũng là bác sĩ?

- Phải.

- Bác sĩ gì?

- Tâm lí.

Diệp Anh bật cười. Sau đó, tiếng cười như thể vỡ òa, không thể dừng lại.

- Anh là bác sĩ tâm lí?

Người đàn ông đó có vẻ phật ý, cau mày.

- Cậu ta có gì không giống?

- Thầy, lần đầu tiên khi em giới thiệu mình ở khoa tâm lí thầy cũng cười y như thế. Thầy còn nói trông em ăn mặc như một kẻ tâm thần.

Người đàn ông đó cười trừ như thể đã quên hết chuyện trước đây.

Sau khi tiễn ông ấy ra về, trong nhà chỉ còn lại Khải Hưng và Diệp Anh. Diệp Anh muốn trở mình nhưng lại không thể. Cô liếc nhìn Khải Hưng, cảm giác rất gò bó, bất tiện.

- Cám ơn anh. Lát bạn tôi sẽ qua đây. Anh cứ về nghỉ đi.

- Cô mệt thì cứ nghỉ. Tôi đi loanh quanh xem một lát.

Khải Hưng đi một vòng quanh nhà Diệp Anh, vừa đi vừa nói vọng vào.

- Nghe người ta nói nhà văn sống bẩn lắm, thậm chí có người tới tháng trời không đánh răng, gội đầu, tắm rửa. Xem ra cô không như thế.

- Tôi thử rồi nhưng sau đó thì ốm suốt một tuần.

Khải Hưng nhanh chóng xuất hiện bên cạnh giường Diệp Anh, sửng sốt nhìn cô.

- Lúc mới đầu, tôi chỉ viết, viết và viết. Viết tới quên hết mọi chuyện xung quanh. Bây giờ thì khá hơn rồi. Tôi tự biết cân bằng cuộc sống. Tôi nghĩ tôi không làm việc để chết.

- Thấy rồi. Cô chạy bộ, trồng cây, nghe nhạc, thỉnh thoảng còn đi dạo nữa.

- Vậy là anh biết hết về cuộc sống của tôi đấy. Còn tôi chẳng biết gì về anh.

Khải Hưng cúi xuống, chăm chú nhìn những khung ảnh đặt trên chiếc tủ bên cạnh giường của Diệp Anh. Khi còn nhỏ, phần lớn thời gian, Diệp Anh là một đứa trẻ béo mập và rất lười vận động. Lớn hơn một chút, cô lúc nào cũng muốn đem vứt hoặc giấu những tấm ảnh đó đi. Nhưng ông nội cô đã ngăn lại và cất giữ chúng. Ông nói với cô khi lớn lên rồi, cô nhất định phải xem để nhớ lại cô khi đó, khi vẻ bề ngoài chưa từng cản trở cô kết bạn, giành thành tích cao và vui vẻ trong sự bao bọc của mọi người xung quanh.

Khải Hưng dừng lại rất lâu trước một khung ảnh nhỏ, là hình chụp Diệp Anh và cả gia đình trong ngày sinh nhật.

- Cô rất giống mẹ.

- Đôi mắt thì đúng thế. Còn những thứ khác, tôi không rõ. Thế anh giống ai?

- Chẳng ai cả. Lúc bé, tôi giống một con khỉ con. Đen nhẻm, gầy gò.

- Vậy chắc hồi bé anh không có nhiều bạn. Trẻ con thường thích những thứ có vẻ ngoài đẹp đẽ. Nhưng tôi đoán bây giờ anh đang được bù đắp rồi.

- Cô sẽ chẳng bao giờ biết thế nào là đủ.

- Vậy anh còn cần gì nữa?


- Mấy bức ảnh như thế này chẳng hạn.

- Mấy thứ này, ai chẳng có. Có khó gì.

Khải Hưng tiến lại, ngồi sát mép giường, xoay xoay chiếc nhẫn trên tay.

- Năm tôi 9 tuổi, mẹ tôi đột ngột qua đời. Chưa đầy một năm, bố tôi đã dẫn về một phụ nữ và một đứa bé 4 tuổi bắt tôi gọi một người là mẹ, một người là em.

Diệp Anh lẩm bẩm, nhẩm tính.

- Chưa đầy 1 năm. Đứa bé 4 tuổi. Em cùng cha khác mẹ. Đứa bé đấy…

Khải Hưng khẽ gật đầu.

- Là do bố tôi và bà ta ngoại tình trước đó rồi sinh ra.

Diệp Anh nhướn mày nhìn Khải Hưng.

- Thể nào, hôm đó anh nổi điên như vậy. Được. Lần sau, nếu bà ta tới tôi sẽ giúp anh đuổi đi.

Khải Hưng nhìn thái độ kiên quyết của Diệp Anh, bật cười.

- Việc đấy tôi sẽ tự làm. Nhưng tôi có việc khác nhờ cô, được chứ?

Diệp Anh gật đầu.

- Hứa không?

- Nếu tôi không làm thì việc hứa hẹn có cần thiết không?

- Thế rút cục cô có làm hay không?

- Tôi làm. Nhất định làm. Nhưng là việc gì mà anh phải sốt sắng như thế?

- Trồng cây.

- Trồng cây? Cây gì?

- Thủy tiên vàng.

- Thủy tiên vàng? Thế tôi có mấy chậu đấy, anh mang một chậu về.

- Không. Tôi phải tự tay trồng. Tôi đã thử làm theo sách nhưng đều chết cả. Tôi thấy cô trồng được rất nhiều. Cô dạy tôi.

- Chuyện đó không khó. Nhưng anh trồng làm gì? Có cô nào anh đang tán tỉnh thích hoa thủy tiên vàng à?

- Cũng có. Sau này tôi sẽ nói với cô.

Nói rồi Khải Hưng rời khỏi giường, ngồi vào chiếc ghế trong góc phòng chăm chú đọc một cuốn sách lấy từ kệ sách của Diệp Anh.

- Nhà xem xong rồi. Anh không về à? Tôi không thích người lạ ở trong nhà mình.

- Lúc truyền nước, cô có thể bị sốc, phải có người bên cạnh trông.

Cánh cửa ban công chưa khép kín bị gió đẩy qua bên. Diệp Anh rùng mình vì lạnh. Cô nghiêng đầu, liếc nhìn Khải Hưng. Anh chỉ trông cô được chừng 15 phút thì ngủ gục trên ghế. Cuốn sách chưa lật qua trang sau cũng rơi cả xuống đất. Trông dáng vẻ mệt mỏi của anh xem ra đã mấy ngày không ngủ. Diệp Anh nhướn mày tự hỏi không biết có phải do tìm hiểu cách trồng cây mà tới mức này. Vậy thì xem ra người phụ nữ kia đối với anh, rất có sức hấp dẫn.

Diệp Anh gai người vì tiếng Khải Hưng nghiến răng, như thể trong mơ anh đang cố sức gặm đứt thứ gì đó. Cô thật muốn bước xuống giường rồi dùng ngón tay kẹp chặt cánh mũi anh để những âm thanh kì quái đó không tiếp tục quấy nhiễu căn phòng yên tĩnh. Cô thở dài, nhắm mắt lại, cố nghĩ tới những điều dễ chịu hơn.

Khi còn nhỏ, Diệp Anh từng muốn rời khỏi căn nhà chật hẹp trong khu tập thể cũ kĩ này để đến một nơi thật rộng rãi. Cô thường than phiền về việc chưa từng có phòng riêng. Một mùa hè, cô được về quê và sống ở nhà một người họ hàng suốt ba tháng. Căn nhà rộng rãi, lại chẳng có nhiều người khiến Diệp Anh vô cùng thích thú. Một tuần sau khi tới, sự hứng khởi vẫn được duy trì bởi niềm vui thích, tò mò khám phá từng ngóc ngách. Nhưng sau đó, cô bắt đầu có cảm giác của một người lạc đến hoang đảo, luyến tiếc vô cùng cuộc sống ở đất liền. Ngoài những lúc tha thẩn ngoài vườn hoặc cố tìm một đứa trẻ gần đó để chơi cùng, cô thường tự mình đi bộ men theo con đường hẹp phía sau nhà. Một nghĩa địa nhỏ với những ngôi mộ vô danh, một căn nhà dựng tạm gần như chẳng bao giờ có người lui tới. Tất cả khép lại với những lối đi phủ kín bùn đất hoặc những bụi cỏ gai cô chưa từng biết tên.


Một buổi chiều, cô ngồi trên chiếc võng trước nhà, vừa gỡ những chiếc gai bám đầy trên quần áo, vừa nhẩm đếm số ngày còn lại trong tháng.

Một tháng sau, cô được ông nội đón về nhà. Tối hôm đó, cô đã có một sinh nhật vui vẻ với một miếng bánh kem trên chiếc giường sắt cũ kĩ.

Bạn sẽ không biết được rút cục mình đang có những gì cho tới khi trải nghiệm điều ngược lại.

Thứ 5 – Tháng 10: Khí lạnh ập tới thành phố, mọi người bất ngờ nhiều hơn thích thú.

Sau 2 tháng nhẫn nại lấp đầy những kiến thức còn hổng, Đan Nguyên hồi hộp chờ thằng bé thông báo kết quả bài kiểm tra. Lúc này, cô còn cảm thấy hồi hộp hơn cả khi chờ đợi kết quả thi đại học. Thằng bé đặt bài kiểm tra trước mặt cô. Cô từ từ liếc từ dưới mép giấy lên trên.

- 9 điểm!

- Thế cô nghĩ con được mấy điểm?

Đan Nguyên bối rối.

- 10 điểm, cô nghĩ thế.

Thằng bé tủm tỉm cười, quay quay chiếc bút chì trên tay.

- Con cũng nghĩ thế. Nhưng ít nhất con cũng đứng thứ 2 trong lớp. Con ngồi cạnh con đã chép bài con mà chỉ được 6. Sau khi mẹ nó xem kết quả, mẹ nó gọi nó là “con bò” và thậm chí khi nó nói chuyện, mẹ nó còn giả vờ không nghe thấy và nói: “mẹ nó không hiểu tiếng của loài bò”. Mẹ nó thật ngu ngốc. Người làm sao sinh ra bò được. Chỉ có bò mới sinh ra bò thôi.

Thằng bé uống một hớp nước quả rồi thổi bong bóng trong mồm trước khi tiếp tục.

- Con nói thế với nó và nó về nói lại với mẹ nó nhưng sau đó nó bị ăn tát và mẹ nó thì chỉ khóc thôi.

Đan Nguyên nuốt nước miếng. Cô cảm thấy lo lắng nhiều hơn là buồn cười.

- Người ta không dùng từ “con” để chỉ người.

Đan Nguyên phải uống một ngụm nước trước khi tiếp tục.

- Còn chuyện mẹ bạn ấy gọi bạn ấy là con bò thì chỉ là đùa thôi.

Thằng bé phá lên cười.

- Không phải đùa đâu cô. Bố con cũng gọi con như thế khi con không nghe lời.

Đúng lúc đó, thằng bé nhìn thấy Quốc Dũng ở cửa, như thể sắp quay lưng bỏ chạy. Nó bèn gọi giật:

- Cô không tin thì hỏi bố con đi. Bố! Bố!

Câu nói đó khiến cả Đan Nguyên và Quốc Dũng đều bối rối. Hai người ngượng ngùng đối mặt nhau, gật đầu chào hỏi.

Giờ học bắt đầu. Đan Nguyên giao bài cho thằng bé rồi cúi xuống, chăm chú gạch chân những phần trọng tâm trong sách. Thằng bé cặm cụi làm bài, khác hẳn ngày thường. Cô nhủ thầm có thể kết quả lần này đã làm nó phấn chấn.

Khoảng 30’ sau, nó kêu đau bụng. Đan Nguyên lo lắng nhìn điệu bộ của thằng bé. Nó nói nhà vệ sinh trong phòng đang bị hỏng nên nhanh nhẹn chạy xuống tầng dưới. Vài phút sau, Đan Nguyên đột nhiên nghe thấy tiếng hét, rồi tiếng đồ đạc đổ vỡ. Cô xô cửa chạy ra ngoài. Khi xuống tới nơi, cô nhìn thấy sàn cầu thang đầy những mảnh vỡ. Ngay gần đó, Quốc Dũng đang ngồi sụp xuống, bàn chân tứa máu.

Thằng bé cố bày ra một trò đùa tinh quái. Nó trốn dưới gầm cầu thang để chờ Đan Nguyên xuống tìm. Nghe tiếng bước chân, nó hét lên, nhảy ra ngoài. Tức thì khay ấm chén trên tay bác giúp việc rơi cả xuống đất, vỡ tan. Quốc Dũng nghe tiếng bèn đẩy cửa bước ra xem có chuyện gì thì không may giẫm phải các mảnh vỡ.

Thằng bé tái xanh mặt. Nó chưa từng nghĩ việc bản thân cho là thú vị lại dẫn tới hậu quả này. Quốc Dũng trừng mắt nhìn nó, nắm tay siết chặt. Đan Nguyên chưa từng thấy bộ dạng này ở anh. Cô dùng hai tay, từ phía sau, nhấc thằng bé lên, mở cửa phòng kế bên, cau mày ra hiệu cho nó ở yên trong đó.

Quốc Dũng dùng chiếc khăn tắm đang quấn trên cổ tự mình băng vết thương lại. Bác giúp việc luống cuống nhìn Đan Nguyên. Cô tiến lại gần, quàng cánh tay còn lại của anh qua vai. Ba người chậm chạp bước xuống cầu thang.

Khuôn mặt Quốc Dũng kề sát mặt Đan Nguyên. Làn da ram ráp. Bộ quần áo ngủ khoác vội xộc xệch.

Nhận thấy vết thương không thể xử lí ở nhà, bác giúp việc bèn bắt taxi để đưa Quốc Dũng tới bệnh viện. Chiếc xe chạy nhanh qua con đường vắng vẻ. Đan Nguyên ngồi ghế trước, liên tục nhìn về phía sau. Cô rùng mình nhận ra máu từ tấm khăn trắng đang thấm xuống sàn xe. Quốc Dũng nhắm mắt, tựa đầu vào ghế. Tài xế gấp gáp đổi làn đường, vượt trước các xe khác.

Chủ nhật – Tháng 10: Ngày nóng nực.


Cuối tuần, trung tâm nơi Linh An làm việc tổ chức cho bọn trẻ đi dã ngoại. Mọi việc diễn ra suôn sẻ cho đến khi một phụ huynh phát hiện con mình bị lạc. Cả đoàn nhốn nháo. Người lớn trách cứ nhau. Trẻ con được dịp chạy nhảy, la hét. Sau vài vòng tìm kiếm không có kết quả, đột nhiên Linh An nhớ ra một chỗ chưa tìm tới. Quả thật, cô đã đúng. Ở góc nhà vệ sinh, một bé gái đang đứng khóc thút thít. Linh An nhìn váy cô bé thì đoán chắc cô bé tới nhà vệ sinh nhưng không kịp, vì xấu hổ nên cứ đừng trong này khóc một mình. Linh An lục trong túi chiếc áo chống nắng rồi khoác vào cho cô bé. Hai cô trò tất tả chạy ra xe.

Sẩm tối, Linh An rã rời về tới phòng mình. Cô đổ gục xuống giường. Tức thì, một sinh vật béo múp míp phủ kín bởi một lượt lông dày màu trắng bò lên người cô, nằm yên lặng.

- Prince, mày không nóng nhưng tao nóng.

Cô ngồi dậy, ôm con thú cưng vào lòng rồi cưng nựng trước khi đặt nó xuống sàn và trừng mắt răn đe. Nó cọ mình vào tấm thảm phía dưới, kêu lên vài tiếng khó hiểu rồi bỏ đi.

Linh An nhanh chóng chìm vào giấc ngủ. Cô mơ thấy mình bị nhốt trong một căn phòng tối om. Bên ngoài, có tiếng cười khúc khích. Nhưng dù cô cố gọi cửa thế nào cũng không ai đáp lại. Cô sợ hãi tìm kiếm xung quanh một lối ra. Tất cả mọi thứ cứ quay vòng trước mắt. Cô hét lên. Tỉnh dậy.

Linh An bật dậy. Lúc này, cô phát hiện điện thoại của mình đang đổ chuông liên hồi. Ý thức dần trở lại. Cô lao xuống khỏi giường, chạy vào nhà tắm. Tất cả thật nhanh nhẹn cho đến khi cô mở cửa tủ quần áo, một thứ mùi kinh khủng xộc vào mũi. Mùi chua đặc trưng. Sau nhiều năm chung sống, cô biết chắc đây là mùi gì, xuất phát từ đâu và ai là thủ phạm. Cô hét lên:

- Prince! Con mèo ngủ!

Tủ quần áo của cô giờ không còn một bộ có thể mặc được. Cô cuống quýt chạy quanh nhà. Cuối cùng, cô nhớ ra bộ váy trắng lần trước mẹ cô đem đi tẩy vẫn treo trong phòng bà.

Cô ra khỏi nhà nhanh như chớp. Chiếc váy điệu đà không làm cô giảm tốc độ. Cô nhanh chóng vượt trước tất cả các xe trên đường. Nhanh tới độ có hai nam thanh niên phóng vụt lên, ánh mắt thán phục: “Đua không em?”

Xe của cô phanh kít trước nhà hàng vừa kịp lúc anh quản lí quay đi. Cô len lén vào bếp trước khi hai người có thể chạm mặt nhau. Nhà hàng làm ăn phát đạt nên mở mang thêm. Diện tích giờ rộng gấp ba trước đây. Công việc sửa sang, dọn dẹp tất cả nhân viên đều phải tham gia. Cô cũng được gọi tới phụ trách phần bếp núc.

Vừa vào tới bếp, một người phụ nữ tầm 40 tuổi dáng người cao lớn đã kéo tay cô lại, thì thầm.

- Biết chuyện gì chưa?

Linh An lắc đầu.

- Bồ cũ của cô em vừa bị đá.

- Chị nói ai?

Người phụ nữ đó đập mạnh vào vai Linh An khiến cô đau điếng.

- Đừng khinh chị ở xó bếp mà không biết gì. Cái gã nhạc sĩ mới nổi ấy. Bị đá rồi. Hôm qua, chị thấy cô bồ của hắn đi với anh quản lí nhà hàng, thân thiết lắm.

Linh An nheo mày.

- Mới đây họ còn lên báo với nhau mà.

- Anh quản lí ưng cô ta ngay từ lần cô ta tới đây phỏng vấn. Có gì mà không thể. Hai bánh lấy gì so với bốn bánh. Em cũng biết rõ gã đó mà. Có tài nhưng không tiền.

Linh An vờ như không để ý, yên lặng rửa chỗ rau trước mặt. Nước chảy xuống. Mát lạnh. Thật dễ chịu.

- Cô em hả hê lắm đúng không? Đời mà. Gieo nhân nào gặt quả ấy.

Rồi chị ta hát ngêu ngao bài gì đó lần đầu Linh An nghe qua. Chất giọng sang sảng khiến bài hát méo mó. Nhưng Linh An lại cảm thấy nó thật vui tươi. Có lẽ bản thân cô cũng không thể phủ nhận việc này khiến cô tin vào sự công bằng. Một niềm tin mà bao lâu nay cô đánh mất.

Vì chuyện đó mà cả ngày Linh An rất xông xáo làm việc. Cả gian bếp chỉ có chưa tới 5 người mà phải chuẩn bị đồ ăn cho mấy chục người nên công việc làm không xuể. Nhưng cô không thấy mệt. Thỉnh thoảng còn đệm đàn bằng miệng cho người phụ nữ đứng bên cạnh.

Mặt trời lên tới đỉnh, mọi người đều mệt nhoài. Linh An nhanh nhẹn bưng đồ ăn lên. Cô vừa đi vừa nhún nhảy. Đột nhiên, cô nghe thấy tiếng ai đó hét lên, kêu cô tránh qua bên. Nhưng chiếc váy bó sát khiến cô lúng túng. Lúc này, cô cảm thấy tóc mình bị giật ngược ra sau, lôi đi. Sau khi định thần lại, cô mới biết trong lúc bản thân vui vẻ bê đồ ăn tới thì dàn đèn phía trên đang trực rơi xuống. Nhật Minh ở gần nhanh tay phản xạ, nắm lấy tóc cô, lôi cô ra khỏi đó. Nhưng lại bị cô ẩn ngã, khủy tay quệt vào những mảnh đèn vỡ.

Trong số nhân viên, có một người trước đây từng làm y tá bèn tới sơ cứu cho anh. Linh An đứng cạnh thấy vết thương bị đổ trực tiếp thuốc khử trùng vào thì tự thấy xót, nước mắt trực chảy ra. Anh ngước nhìn cô, hỏi:

- Cô xót lắm à?

Linh An trừng mắt.

- Nếu anh nhấc tôi lên thay vì kéo tóc thì đã không bị như thế.

- Nếu tôi đủ thời gian để cân nhắc thì giờ đầu cô đã nằm dưới giàn đèn rồi.


Linh An không đôi co thêm, lặng lẽ vào nhà bếp đem ra cho Nhật Minh một cốc nước mát. Cô đặt cốc nước vào tay anh. Nhật Minh ra hiệu cho Linh An cúi xuống rồi thì thầm vào tai cô:

- Cô cất điệu bộ hớn hở đó đi. Ai cũng đoán được cô vui vì cái gì đấy.

Nụ cười thoảng qua trên môi Linh An biến mất. Cảm giác day dứt vài phút trước trong thoáng chốc đã không còn.

Về đến nhà, Linh An vội vã cởi bỏ chiếc váy bó sát, ném vào góc phòng. Một chiếc hộp giấy lật ngược, những khung ảnh vỡ trong đó rơi ra ngoài.

Linh An tiến lại gần, ngồi xuống, co chân lại, chăm chú nhìn.

Khi vụ scandale đó xảy ra, trên mạng xuất hiện hàng loạt những bình luận ác ý, thậm chí từ những người trước đây từng hết mình ủng hộ cô. Khi đọc được những cái tên họ đặt cho cô, cô thấy sức nóng dồn khắp thân thể. Cô đứng bật dậy, lục tìm trong túi một con dao bấm. Chỉ vài phút sau, cô nằm yên lặng dưới sàn nhà. Hơi thở gấp gáp. Xung quanh, những tờ báo viết về cô rách tả tơi, những khung ảnh chụp cô mỗi lần biểu diễn bị đập vỡ. Tối hôm đó, cô đứng yên lặng trước những khung ảnh nham nhở, tay lần sờ trên những mảnh kính còn sót lại. Sau đó, cô lặng lẽ thu dọn lại xấp giấy dưới chân và tháo những khung ảnh đó xuống, đặt gọn vào trong một chiếc hộp.

Cuộc sống của Linh An là chuỗi dài may mắn, vì thế cô luôn vui vẻ, bước vội vàng trên con đường định sẵn. Lần đầu vấp ngã dễ dàng trở thành sự đả kích lớn. Nhưng lúc này cô cảm thấy vui vì hố sâu đó đã giúp cô có thể tự mình rẽ sang hướng khác.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Nhấn vào giữa màn hình để hiển thị Tùy chọn đọc.
Theo dõi Đọc Sách Hay trên Facebook, mỗi ngày chúng tôi cập nhật những cuốn sách, truyện hay nhất!

Có thể bạn thích