Biên Hùng Liệt Sử
Trần Nguơn Phiêu

Trần Nguơn Phiêu

Trần Văn Giàu - Nhà Giáo Nhân Dân??

Trần Văn Giàu, một nhân vật chủ chốt trong thời Việt Minh giành được chánh quyền ở Nam Bộ vào ngày 25 tháng 8 năm 1945, đã tự phong chức Chủ tịch đầu tiên của Ủy ban Hành chánh Lâm thời Nam Bộ. Mười ngày sau đó, Hồ Chí Minh đã phái Hoàng Quốc Việt và Cao Hồng Lãnh từ Bắc vào, buộc Trần Văn Giàu phải nới rộng thành phần Lâm Ủy Hành Chánh thành Ủy Ban Nhân dân Nam Bộ và phải nhường chức chủ tịch cho Phạm Văn Bạch, một nhân vật không đảng phái vào thời bấy giờ. Sau đó không lâu, Trần Văn Giàu đã bị Hồ Chí Minh triệu hồi về Bắc để phụ trách ngành giáo dục, không cho phép trở về Nam công tác cho mãi đến năm 1975. Vào năm 1992, Trần Văn Giàu đã được chánh quyền Cộng sản Việt Nam phong tặng danh hiệu “Nhà Giáo Nhân dân”.

Người Việt Nam đã từng hấp thụ văn hóa Khổng Mạnh từ ngàn xưa nên lúc nào cũng kính trọng các bậc Thầy của mình. Đạo Khổng há chẳng đã dạy phải xem Thầy trên cả Cha hay sao (Quân, Sư, Phụ). Các tiền nhân mà lịch sử Việt Nam ghi công, được nhìn nhận vào bậc Thầy như Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Đồ Chiểu v. v...là những người được dân chúng mến phục chẳng những vì tài ba lỗi lạc mà cũng vì đức độ sáng chói. Chánh quyền Việt Nam Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa đã muốn dân chúng cùng tôn vinh với họ, coi Trần Văn Giàu là “ nhà giáo nhân dân” của lịch sử hiện đại. Với những kinh nghiệm đau thương mà đảng Cộng sản Việt Nam đã bắt toàn dân gánh chịu trong quá khứ, trong thâm tâm, chúng ta lúc nào cũng thấy vẫn phải nghi ngờ những gì đảng chủ trương đề cao.

Trần Văn Giàu đã có một thời sáng giá ở miền Nam vào thập niên 1940. Nhưng đối với các thế hệ trẻ hiện nay, và cả đến một số đông đồng bào miền Bắc, ta có thể ước đoán là chỉ một số ít người được biết rõ về Trần Văn Giàu. Vì vậy nên người viết bài thấy cần phải nhắc đến thân thế và sự nghiệp của Giàu để chúng ta có thể xét nghiệm tài ba và nhân cách của người được Đảng đề cao là “nhà giáo nhân dân”.

Trần Văn Giàu thuộc một gia đình trung lưu, sinh ngày 6 tháng 9 năm 1911 ở xã An Lạc Long, huyện Châu Thành, tỉnh Tân An. Tân An tức Long An ngày nay là một tỉnh nhỏ trong Nam, ở ven biên Đồng Tháp Mười. Gia đình Trần Văn Giàu có nhiều người tham gia chống Pháp trong phong trào Khởi nghĩa Thủ Khoa Huân. Lúc nhỏ, Trần Văn Giàu theo học trường tiểu học Tầm Vu. Năm 1925, lúc được 15 tuổi thì Giàu theo học trường trung học Chasseloup Laubat. Đây là thời khoảng ông Nguyễn An Ninh trở về miền Nam sau thời gian du học ở Pháp. Nguyễn An Ninh đã tổ chức nhiều cuộc diễn thuyết ở Sài Gòn, phát hành báo La Cloche Félée (Chuông Rè), vận động thanh niên nên thức tỉnh trước tình hình đất nước, tập hợp những người yêu nước ở cả thành thị và nông thôn vào một mạng lưới cốt cán, chuẩn bị thành lập “ Đảng Thanh Niên Cao Vọng”. Trường Chasseloup Laubat, tuy là một trung học cho phần đông con nhà giàu nhưng những vận động sôi nổi của Nguyễn An Ninh cũng đã làm thức tĩnh tâm trạng yêu nước của nhiều học sinh trẻ. Những sinh viên đầy nhiệt huyết này đã bí mật tập hợp thành đảng “Jeune Annam” và tên tuổi họ về sau đã thấy gắn liền với các phong trào cách mạng ở miền Nam: Tạ Thu Thâu, Trịnh Hưng Ngẫu, Nguyễn Văn Số, Bùi Công Trừng, Hà Huy Giáp, Nguyễn Khánh Toàn, Trần Ngọc Danh...v..vv. Nguyễn An Ninh vào thời buổi đó dự định tổ chức một cuộc diễn thuyết lớn ở Vườn Xoài, Sài Gòn nhưng việc không thành vì thực dân ra tay bắt Ninh một ngày trước buổi ra mắt. Cũng vào thời gian đó, Bùi Quang Chiêu trong đảng Lập Hiến từ Pháp trở về lại Việt Nam. Thực dân Pháp đã đe dọa hành hung phản đối Bùi Quang Chiêu về việc ông chủ trương tranh đấu cho Việt Nam được độc lập trong một thể chế Lập Hiến. Nhóm Jeune Annam do Tạ Thu Thâu cầm đầu đã tổ chức đón Bùi Quang Chiêu ở bến tàu Nhà Rồng để bảo vệ Chiêu. Nhân dịp đón rước này, nhóm Jeune Annam cùng dân chúng tham dự cuộc đón rước cũng đã hô hào yêu cầu thực dân Pháp phải thả Nguyễn An Ninh. Trong cuộc biểu tình này không biết Trần Văn Giàu có tham dự không, nhưng đến phong trào dân chúng và sinh viên học sinh các trường biểu tình đưa đám tang ông Phan Châu Trinh năm 1926 thì Giàu có tham gia với các nhóm đàn anh của trường nhưng sau đó, Giàu đã may mắn không bị đuổi khỏi trường.

Việc Trần Văn Giàu được đi học ở trường Chasseloup Laubat và tham dự cuộc bãi khóa nhân dịp đám tang cụ Phan Châu Trinh là do chính Trần Văn Giàu kể lại dưới nhan đề “ Dạy người chính là dạy mình”, đăng trong “Nửa thế kỷ những gương mặt nhà giáo”, Nhà xuất bản Giáo Dục- 1995. Trong một tài liệu khác mà người viết bài hiện đang nắm giữ về sự liên hệ giữa Trần Văn Giàu và Tạ Thu Thâu, thì Trần Văn Giàu lại theo học trung học ở một trường tư thục tên Nguyễn Xích Hồng, trên con đường từ Bà Chiểu sang Phú Nhuận. Giàu lại đi học với cái tên mượn tạm (Vì các khó khăn về tuổi tác hay gì một lý do nào khác, nên phải mượn khai sinh đi học?) là Nguyễn Ngọc Minh. Tạ Thu Thâu dạy Pháp văn ở trường tư thục này và vì thấy Nguyễn Ngọc Minh thông minh, lanh lợi, nên để ý thương yêu và giúp đỡ.

Năm 1928, Trần Văn Giàu được cha mẹ chấp thuận cho sang Pháp học nhưng bắt buộc Giàu phải đi làm đám hỏi vợ trước khi được đồng ý cho đi Tây. Giàu đáp chuyến tàu Cap St Jacques qua Marseille và theo học lớp Đệ nhất (Première) năm 1928-1929 ở Lycée Toulouse, miền Nam nước Pháp. Giàu đậu Tú Tài phần I năm 1929 và năm sau, học Tú Tài phần II, ban Triết. Vào thời đó phần đông một số sinh viên Việt Nam, ngoài Paris, thường hay chọn các tỉnh ở miền Nam như Montpellier, Aix en Provence, Toulouse..., có lẽ vì khí hậu ấm áp hơn là miền Bắc. Những nhà cách mạng có tiếng tăm sau này ở miền Nam thường đều là các sinh viên đã theo học ở Toulouse như Trần Văn Thạch, Phan văn Hùm....v...v.Tạ Thu Thâu thường hay ghé qua Toulouse vì ở đây có một chi bộ của đảng P.A.I. Đảng P.A.I.(Parti Annamite de l’Indépendance tức Việt Nam Độc Lập Đảng) do Nguyễn Thế Truyền thành lập. Vì đến lúc phải trở về nước nên Nguyễn Thế Truyền đã giao lại cho Thâu lãnh đạo đảng P.A.I.

Tại Toulouse, Tạ Thu Thâu vui mừng gặp lại được học trò cũ Nguyễn Ngọc Minh với cái tên mới là Trần Văn Giàu. Thâu đã đối đãi hết lòng với Trần Văn Giàu, coi Giàu như em út vì nhân thấy Giàu khi đi dự hội sinh viên đã thao thao cải rất hăng, lỗi lạc hơn cả các bậc đàn anh đang học cỡ cử nhân. Giai đoạn này đã được nhà văn Huân Phong nêu nhiều chi tiết trong tuần báo Hòa Đồng của Hồ Hữu Tường. Thâu đem nhiều sách hay để hướng dẫn Trần Văn Giàu. Nhiều người đã cho là Thâu đang nuôi dưỡng để thâu nạp Giàu làm đệ tử ruột của mình sau này. Các sinh viên Việt vào thuở đó hay tụ tập ăn uống ở một quán ăn có tên Le Coq Hardi (Con Gà Trống Dạn Dĩ). Chủ quán là một phụ nữ Pháp đảng viên Cộng sản nên đã biết hầu hết các sinh viên Việt Nam du học đến ăn ở quán này. Việc Tạ Thu Thâu chăm sóc đối đãi với Giàu, coi Giàu như em út, bà chủ quán cũng đã biết. Người viết bài có may mắn gặp lại bà chủ quán khi đi du học vào năm 1950. Khi được cho biết là năm 1945, Trần Văn Giàu đã chỉ thị cho người xử tử Tạ Thu Thâu ở Quảng Ngãi, bà đã đưa hai tay lên trời và than: “ Thật là chuyện không thể tưởng tượng!”. Cái quán lịch sử này hiện vẫn còn hoạt động ở số 6 đường Jules Chalande ( Place Puits Clos), gần Đại học Luật và Văn Khoa Toulouse nhưng nay do một chủ nhân khác quản lý.

Vào thời khoảng này, ngày 10 tháng 2 năm 1930, cuộc bạo động Yên Bái do Nguyễn Thái Học và các đồng chí Việt Nam Quốc Dân Đảng tổ chức đã bị thất bại và thực dân Pháp đã đàn áp trong máu lửa những người tham gia cuộc khởi nghĩa. Tuy thất bại nhưng đây là một tiếng bom làm thức tỉnh quần chúng Việt Nam và đã vang dội đến cả Âu Châu. Thực dân đã lên án tử hình 13 liệt sĩ anh hùng Yên Bái.

Một phong trào yểm trợ, làm áp lực trong dư luận Pháp để xin giảm án tử hình cho 13 liệt sĩ Yên Bái bằng bích chương, truyền đơn, khẩu hiệu đã được sinh viên và kiều bào Việt Nam tại Pháp tổ chức rầm rộ nhưng chưa thấy được kết quả. Để đánh mạnh vào dư luận quần chúng Pháp, Tạ Thu Thâu đã tập hợp được một nhóm người để tổ chức một cuộc biểu tình trước Điện Élysée là dinh Tổng Thống Pháp. Điện tín gửi mời sinh viên Việt Nam các tỉnh tụ họp về Paris một ngày trước cuộc biểu tình đã được đáp ứng trong đó gồm có: Trần Quốc Mại Đại diện sinh viên Marseille, Nguyễn Văn Chi ở Lyon, Nguyễn Anh Bồn ở Bordeaux. Toulouse có Nguyễn Văn Quan và Trần Văn Giàu tham dự. Để lôi kéo thêm các đoàn thể bạn tham gia cuộc biểu tình, Tạ Thu Thâu và các bạn xu hướng quốc gia như Hồ Văn Ngà, Lê Bá Cang, Hình Thái Thông...mời họ đến tụ họp ở Tổng hội Sinh viên Đông Dương A.G.E.I.(Association Générale des Étudiants Indochinois), trổ tài hùng biện lôi kéo họ lên taxi đến nơi biểu tình. Tháng 8 năm 2000, người viết bài có dịp đi Pháp nên đến thăm bà Tạ Thu Thâu, cư ngụ ở St Germain en Laye, ngoại ô Paris. Năm đó bà đã trên 95 tuổi, vẫn còn sáng suốt và bà đã hùng hồn thuật lại vai trò “thủ thành” của Bà ở hội quán AGEI để làm địa điểm liên lạc cho cuộc biểu tình.

Cuộc biểu tình rất đông đã lôi cuốn cả nhiều người Pháp tham gia nhưng cuối cùng cũng bị giải tán. Một số sinh viên bị bắt nhốt ở khám Santé, nhưng sau đó thay vì đem ra xét xử, Pháp lại chủ trương trục xuất họ trở về Việt Nam. Ngày 24 tháng 6 năm 1930, ở bến Marseille, chiếc tàu Athos II đã đưa về nước 19 sinh viên thuộc nhiều xu hướng chánh trị: 1. Tạ Thu Thâu - 2. Ngô Quang Huy - 3. Lê Bá Cang - 4. Trần Văn Chiêu - 5. Trần Văn Đởm - 6. Huỳnh Văn Phương - 7. Phan Văn Chánh - 8. Hồ Văn Ngà - 9. Trần Văn Tự - 10. Lê Thiết Tự - 11. Đặng Bá Lân - 12. Trần Văn Giàu - 13. Nguyễn Văn Tạo - 14. Đặng Tấn Phát - 15. Vũ Liên - 16. Nguyễn Văn Tân - 17. Trịnh Văn Phú - 18. Trương Duy Tam - 19. Trương Duy Đạm.

Khi cuộc Kháng chiến Nam Bộ khởi đầu vào mùa thu năm 1945, trong số 19 người được trả về nước trên chuyến tàu Athos II, Trần Văn Giàu đã ra lịnh thủ tiêu 4 nhà ái quốc: Tạ Thu Thâu, Huỳnh Văn Phương, Phan văn Chánh, Hồ Văn Ngà!

Phan Văn Hùm và Hồ Hữu Tường, sau cuộc biểu tình trước Điện Élysée, đã được các đồng chí Pháp đưa đi lánh nạn ở Bỉ nên tránh khỏi bị trục xuất.

Trong số 19 người bị trục xuất về nước, Trần Văn Giàu là trẻ nhất, lúc ấy mới vừa 19 tuổi. Lúc ở Toulouse, một thành phố có tiếng là có nhiều nhà chánh trị khuynh tả, Trần Văn Giàu lãnh trách nhiệm dịch ra tiếng Việt các bài của Cộng sản Pháp để đăng trên tờ Cờ Đỏ, một tờ báo bí mật lưu hành trong giới các binh sĩ Việt Nam bị đưa sang Pháp. Do đó Giàu gia nhập Đảng Cộng sản Pháp vào tháng 5 năm 1929. Trở về Việt Nam, Giàu chánh thức lập gia đình và lãnh dạy học ở trường trung học Huỳnh Công Phát ở Quận Nhứt Sài Gòn, do Hoàng Minh Giám làm hiệu trưởng. Giàu gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương và Xứ ủy Nam Kỳ giao cho Giàu làm giảng viên cho một lớp T.K.(Thanh niên Kộng sản). Lớp huấn luyện này bị mật thám phát giác, bao vây nhưng Giàu thoát được nên từ đó phải hoạt động trong vòng bí mật.

Qua năm sau, đầu năm 1931, cơ sở đảng ở Sài Gòn tan vỡ qua các cuộc khủng bố, vây bắt của thực dân. Trần Văn Giàu xin xứ ủy viên Ung Văn Khiêm cho được xuất dương du học một lần nữa. Giàu bí mật rời Sài Gòn sang Pháp cũng lại đi trên chiếc tàu Cap St Jacques. Chuyến đi trót lọt vì Giàu vốn đã có làm quen với nhiều thủy thủ của tàu trong chuyến đi trước. Qua được Pháp, nhờ Nguyễn Văn Tạo giới thiệu nên Giàu được đưa qua Liên Xô, theo học trường Đại học Phương Đông ở Moscou. Luận án tốt nghiệp ra trường của Giàu có tên “ Vấn đề ruộng đất ở Đông Dương”.

Năm 1933, Giàu trở về Pháp, đáp tàu Hòa Lan đi Singapore và từ đây, bí mật trở về Sài Gòn trên chuyến tàu Félix Roussel của Pháp. Cơ sở đảng Cộng sản ở miền Nam lúc ấy hầu như bị tan vỡ hết. Giàu có công gầy dựng lại Xứ bộ Nam Kỳ và phát hành tờ báo bí mật Cờ Đỏ và cơ sở Cộng sản Tùng thơ. Cuối năm 1933, Giàu bị bắt ở Bà Hom ( Bình Trị Đông) và bị kết án 5 năm tù treo vì không đủ yếu tố buộc tội. Đến tháng 4 năm 1935, sau khi dự Đại hội ở Macao trở về, Giàu lại bị bắt cùng một số người khác và lần này bị kết án 5 năm đày đi Côn Đảo. Tháng 5 năm 1940, mãn hạn tù Côn Đảo, Giàu trở về đất liền chỉ được 9 ngày thì lại bị bắt trở lại vì dư âm bối cảnh cuộc Nam Kỳ Khởi Nghĩa và vì chiến tranh ở Âu Châu đã bùng nổ nên thực dân Pháp chủ trương phải bắt an trí hầu như tất cả các nhà cách mạng Việt Nam. Giàu bị cầm tù ở căng Tà Lài (Bà Rá). Giữa năm 1941, xảy ra cuộc “ vượt ngục” Tà Lài. Giới cách mạng bị giam ở Bà Rá lúc bấy giờ vẫn đồn đại về việc này như một bố trí của Pháp để thành lập những bộ phận giúp đánh đuổi quân Nhật. Tháng 10 năm 1943, trong hội nghị xứ ủy mới thành lập trở lại ở Chợ Gạo (Tân An), Giàu được bầu làm Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ. Trong thời gian này, việc Giàu liên lạc với giới “ Pháp mới” đã được chính bộ hạ thân tín của Giàu là Nguyễn Văn Trấn thuật lại trong quyển “Viết cho Mẹ và Quốc Hội”( nxb Văn Nghệ, năm 1995, trang 106):

Tôi đi. Theo lời nói là đi gặp mấy thằng Tây “de la Résistance”( Tây kháng chiến, lời dịch của người viết bài).......

Tôi gặp được ai. Nhà ở số 19 đường Jean Duclos. Tôi vừa đi vào thì thấy Sáu ngồi gần cửa. Bên tay trái của anh Sáu là chủ nhà. Một thằng Tây quen: Sauterey thơ ký của bộ phận SFIO (Section francaise de l’Internationale ouvrière) là Đảng Xã hội ở Sài Gòn. Bên phải của ông Sáu...! Trời ơi, nó là thằng Duchêne, thanh tra chánh trị của bót lính kín Catinat. Tôi lần lượt bắt tay hai thằng Tây, và ngồi xuống ghế trống.

Thằng Duchêne hình như thấy tôi có gì lúng túng bèn nói với tôi:

-Bấy lâu tụi nó tìm chẳng thấy anh. Và nay thì sự tìm bắt đối với anh tôi đã cắt rồi....”

Với bản tánh luôn luôn đa nghi của cán bộ Cộng sản, trước khi đồng ý đến gặp nhóm “ Pháp Giải phóng” với Trần Văn Giàu ( bí danh “Ông Sáu” trong câu chuyện kể trên), Nguyễn Văn Trấn đã khôn ngoan tìm cách hỏi trước ý kiến các anh lớn trong đảng đang bị còn bị thực dân xử biệt xứ: Nguyễn Văn Tạo ở Rạch Giá, Dương Bạch Mai ở Bà Rịa...thì đều ở xa Sài Gòn. Chỉ có Nguyễn Văn Nguyễn vì ở Gò Công gần hơn nên Trấn chọn đến đó để “ kể chuyện ông Sáu biểu đi gặp Tây, và xin Nguyễn về sau hãy làm chứng cho “khí tiết” của tôi” ( Viết cho Mẹ và Quốc hội, trang 105).

Muốn cho chắc ăn, Nguyễn Văn Trấn một năm sau cũng tìm cách phân bua thêm với Thới, một đại diện đảng đến bắt lại liên lạc với Trấn. Đặc biệt là vì Thới, sau khi biết được việc Trấn đã từ đèo Blao gấp trở về Sài Gòn vì nghe được các tin vượt ngục Tà Lài, Bà Rá, cán bộ Thới lại đã phát biểu: “ Cũng có vượt ngục và vượt ngục. Người ta có đặt vấn đề là do Tây thả!”. Trấn đã tha thiết nói với Thới: “Năm ngoái tôi đã nói với anh Nguyễn, hôm nay tôi nói lại với anh. Xin anh vì kiếp sống chánh trị của tôi, và vì tình của tôi đối với mẹ, mà làm chứng cho tôi...Cuối năm ngoái, có lần tôi về Phú Lạc. Ông Sáu nói: Tối mai ta đi gặp mấy thằng Tây Kháng chiến ” (Viết cho Mẹ và Quốc hội,sđd,trang 100). Trong thâm tâm, Nguyễn Văn Trấn vẫn thấy việc đi tiếp xúc với trùm mật thám Duchêne là việc không ổn: “Tin cái anh mật thám này, thì bằng tin bối Ba Cụm” ( “Bối Ba Cụm”, danh từ miền Nam để chỉ các tay trộm lành nghề ở Ba Cụm, Tân An, chuyên đánh cắp các ghe thương hồ, chuyên chở hàng hóa- Lời ghi thêm của người viết bài).

Sau ngày Nhật đảo chánh Pháp ngày 9 tháng 3 năm 1945, các đảng phái ở miền Nam đã phục hồi hoạt động ráo riết. Ngay cả trước đó, không khí chính trị miền Nam đã bắt đầu sôi sục vì có các phong trào thanh niên thể thao của chánh quyền thực dân Vichy, Pháp. Lợi dụng thời cơ này, các đoàn thể thanh niên đã kết đoàn theo lời kêu gọi của các sinh viên miền Nam “xếp bút nghiên” từ Hà Nội trở về Nam vì tình thế chiến tranh.

Trần Văn Giàu đã tìm cơ hội để tổ chức huấn luyện chính trị, lôi kéo giới thanh niên trí thức phần đông thuộc đảng Tân Dân Chủ do sinh viên Đặng Đức Hiền thành lập ở Hà Nội. Cơ sở lớp huấn luyện này được đặt ở nhà và văn phòng của kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát ở 78-80 đường Mayer ( Hiền Vương) ở Đakao. Huỳnh Văn Tiểng, Lưu Hữu Phước, Mai Văn Bộ, Trương Công Cán...đều có tham dự các lớp này và sau đã được kết nạp vào đảng Cộng sản của Giàu. Đây là lần đầu tiên Giàu mở lớp huấn luyện cho dân trí thức. Ngoài ra, Giàu cũng còn phụ trách một lớp huấn luyện cho Tạ Bá Tòng, một sinh viên gốc Triều Châu, ở Sóc Trăng. Ở Hà Nội, Tòng có sinh hoạt về Thanh niên Cứu Quốc của Lê Quang Đạo nên được Đạo giao phó về tổ chức trong Nam, nhưng được Trần Văn Giàu khuyên là nên tổ chức Tân Dân Chủ đoàn trước. Do đó Giàu đã dạy riêng một lớp chánh trị hơn trên 50 đoàn viên Dân chủ cho Tạ Bá Tòng, ở nhà riêng của dược sĩ Trần Kim Quang ở Thị Nghè. Tạ Bá Tòng sau đó đã rất đắc lực trong việc tổ chức Thanh Niên Tiền Phong miền Hậu Giang.

Trước đó Giàu có tiếng thường phụ trách huấn luyện chính trị cho các tù nhân bị thực dân bắt và Giàu được gán cho biệt danh là “giáo sư đỏ” trong tù. Việc ấy chứng tỏ là trong thời thực dân, chế độ nhà tù tuy ác nghiệt, khiến bao nhiêu người bị bắt đã phải chết trong tù, nhưng tù nhân vẫn còn có được cơ hội liên lạc, sinh sống với nhau, so sánh với chế độ biệt giam, gông cùm, vô cùng tàn bạo của các “trại học tập” Cộng sản sau ngày 30-4-1975!

Sau ngày Nhật đảo chánh Pháp, thống đốc Nhật ở miền Nam là Minoda đã đồng ý cho tổ chức tụ họp thanh niên trong tổ chức Thanh niên Tiền phong, với ý đồ có thể lợi dụng phong trào này khi cần dùng đến nhân lực người Việt. Hồ Văn Ngà và bác sĩ Phạm Ngọc Thạch được lãnh sự Nhật Iito giao cho phụ trách việc này và tổ chức Thanh niên Tiền phong đã phát triển rất mạnh mẻ trong giới thanh và tráng niên. Việc đoàn ngũ hóa nhanh chóng một phần lớn là do không khí phấn khởi của dân chúng sau khi thấy thực dân Pháp bị Nhật hất cẳng và chánh phủ Việt Nam đầu tiên Trần Trọng Kim được thành lập. Huỳnh Tấn Phát, Huỳnh Văn Tiểng cũng đã hăng hái góp phần vào việc huy động phong trào thanh niên này. Trần Văn Giàu, trong bóng tối, đã nhận thức được tiềm lực nguồn nhân sự này nên đã móc nối Phạm Ngọc Thạch để lợi dụng phong trào.

Ngày 15 tháng 8 năm 1945, Đồng Minh tuyên bố Nhật đầu hàng vô điều kiện. Ở Sài Gòn, ngày 21 tháng 8, Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất tổ chức một cuộc biểu tình rầm rộ, có hơn 200 ngàn người tham dự, tỏ ý chí toàn dân đoàn kết trước sự lăm le trở lại Việt Nam của thực dân Pháp. Mặc dầu trước đó, Việt Minh là một tổ chức chưa được dân chúng Nam Bộ nghe đến nhưng lợi dụng thế đứng của họ vì đã có cơ hội cộng tác với Đồng Minh, lập được các chiến khu ở Bắc Việt nên nay, khi Đồng Minh ở thế thắng trận, Việt Minh liền vội vã tung ra các thủ đoạn tuyên truyền để lung lạc ý chí của dân chúng đang bừng bừng quyết đứng lên bảo vệ nền nền độc lập vừa mới tương đối chiếm lại sau ngày Pháp bị Nhật đảo chánh. Phạm Ngọc Thạch, phụ trách tổ chức Thanh Niên Tiền Phong đã được Trần Văn Giàu móc nối từ lâu nên ngày 22 tháng 8, 1945, trong bầu không khí chính trị đầy phân vân ở Sài Gòn, khi Phạm Ngọc Thạch tuyên bố: “Thanh Niên Tiền Phong gia nhập Mặt trận Việt Minh”, Mặt trận Quốc Gia Thống Nhất của Hồ Văn Ngà kể như đã mất hơn phân nửa lực lượng.

Cuộc dành chánh quyền ở Nam Bộ và thành lập Ủy Ban Hành Chánh Nam Bộ do Trần Văn Giàu và các bộ hạ thân tín như Nguyễn Văn Trấn đã được thành công một phần lớn đều nhờ việc nắm được lực lượng Thanh Niên Tiền Phong. Trần Văn Giàu đã rất hãnh diện về việc này. Tháng 10 năm1989, khi Giàu có dịp trở lại Pháp, trong một cuộc nói chuyện có ghi băng giữa Giàu và các nhà cách mạng Việt Nam ở Pháp, Giàu đã tường thuật việc Giàu đề nghị cho TNTP dùng biểu hiệu cờ vàng sao đỏ, cách chào nhau bằng đưa bàn tay mở rộng ngang vai để về sau cờ được đổi thành cờ Việt Minh, sao vàng, nền đỏ; Việt Minh cũng sẽ chào nhau bằng cách đưa tay lên cao nhưng bàn tay nắm chặt lại thành quả đấm...Giàu thành công nhưng Hồ Chí Minh ở Bắc đã phải gởi ngay hai phái viên cấp tốc vào Nam: Hoàng Quốc Việt, đại diện Đảng và Cao Hồng Lãnh, đại diện Tổng bộ Việt Minh để chỉnh lại công việc của Giàu. Bắc bộ phủ lúc đó trách cứ là Giàu đã dựa vào các tổ chức thân Nhật để cướp chánh quyền, khác với chủ trương chống Nhật ở Bắc. Thanh niên Tiền phong cần phải được đổi thành Thanh Niên Cứu Quốc. Trần văn Giàu được chỉ thị phải mở rộng thành phần chánh phủ nên chỉ mười ngày sau khi thành lập Ủy ban Hành chánh Nam Bộ, Giàu không còn được giữ chức Chủ tịch mà phải nhường lại cho Phạm Văn Bạch làm chủ tịch Ủy ban Nhân dân Nam Bộ, Giàu chỉ còn giữ chức Ủy viên Quân sự. Trong buổi hội ở Paris năm 1989, Trần Văn Giàu đã than thở: “ Thế là tôi lại bị gán cho là đã thân Nhật!”.

Kể từ ngày dành được chánh quyền ở Nam Bộ, danh Trần Văn Giàu mới được dân miền Nam biết đến. Trước đó trong thời gian tranh đấu chống Pháp, bí mật và công khai ở Sài Gòn, Giàu không có hành động gì nổi bật. Trong lần biểu tình ngày 2 tháng 9, 1945 dân chúng Sài Gòn lần đầu tiên đã thấy được trong các đoàn biểu tình phô trương lực lượng, có một đám người kỳ lạ, ngực để trần, mình xâm chằng chịt, biểu diễn dưới tấm bản ghi “ Ban Ám sát Xung phong”. Thiên hạ đồn với nhau: đây là tổ chức dưới quyền của Dương Bạch Mai, người phụ trách Quốc Gia Tự Vệ Cuộc.

Ngày 8 tháng 9, tin nhà cách mạng Tạ Thu Thâu bị bắt ở Quảng Ngãi đã làm chấn động không khí chánh trị ở Sài Gòn. Nhóm Tranh Đấu đã thông báo việc này cho dân chúng bằng một bảng lớn dựng trước trụ sở ở góc đường Lagrandière và Aviateur Garros (Lê Thánh Tôn - Thủ Khoa Huân, thời VNCH). Bị chất vấn từ nhiều phía, ngày 9 tháng 9, Giàu ra thông cáo: “Việc Tạ Thu Thâu bị bắt ở Quảng Ngãi không liên quan đến Lâm ủy Hành chánh ở Nam Bộ. Ủy ban Nhân dân ở Nam Bộ được và có quyền xử Tạ Thu Thâu”

Tháng 9 năm 1945 là một khoảng thời gian đặc biệt ở Sài Gòn với tình hình chính trị sôi sục, biến chuyển mau lẹ từng giờ, từng ngày. Sau ngày chánh quyền thực dân Pháp bị Nhật lật đổ, dân chúng đã bồng bột ủng hộ Mặt trận Quốc gia Thống nhất của Hồ Văn Ngà. Nay trên chính trường lại có thêm Mặt trận Việt Minh và sự xuất hiện của Ủy ban Hành chánh Nam Bộ của Trần Văn Giàu với một thành phần gồm toàn các nhân vật của đảng Cộng sản Đệ tam, không có sự tham gia của các nhân vật yêu nước không Cộng sản. Việc này đã khiến dân chúng vô cùng hoang mang. Thêm vào đó lại có việc quân Anh, Ấn đại diện Đồng Minh đổ bộ lên Sài Gòn để giải giới quân Nhật, cùng với tin tức là các lực lượng Pháp đang chuẩn bị tháp tùng quân Anh trở lại Đông Dương. Trong bầu không khí hỗn độn đó, khó có thể có kết quả gì để hòng can thiệp cho số phận Tạ Thu Thâu, một lãnh tụ cótiếng ở miền Nam, có thể có khả năng vận động quần chúng. Số phận của nhà cách mạng miền Nam thật ra kể như đã được quyết định từ miền Bắc. Quyết định thủ tiêu Thâu chắc chắn đã được Bắc bộ phủ quyết định khi chỉ định Hoàng Quốc Việt và Cao Hồng Lãnh lên đường vào Nam cùng lúc khi Tạ Thu Thâu lấy quyết định trở về Sài Gòn khi hay tin Nhật đã đầu hàng Đồng Minh. Trần Văn Giàu, người đã mang ơn Tạ Thu Thâu, chắc hẳn đã biết rõ số phận của Thâu đã được Bắc bộ Phủ quyết định rồi vì ngày 7-9-1945 Hoàng Quốc Việt đã đến tới Nam Bộ và khi gặp Giàu đã cho Giàu biết quyết định của Trung Ương!

Trong buổi gặp gỡ được thâu băng ở Paris ngày 17-10-1989, hiện còn lưu giữ, Trần Văn Giàu đã bị chất vấn về việc Tạ Thu Thâu đã bị xử tử và gán cho tội “Việt gian phá hoại”, do một tên huyện ủy tiểu tốt tên Từ Ty ở Nghĩa Hành, Quảng Ngãi. Trần Văn Giàu đã cao hứng(!) long trọng hứa “ Tôi sẽ “ rửa tiếng” cho Tạ Thu Thâu, nếu đảng Cộng sản Việt Nam không chịu rửa tiếng ”. Nhưng từ ngày hứa đó cho đến nay, chưa hề thấy Giàu chánh thức nói lên một tiếng gì cả!

Khi Hồ Chí Minh tuyên bố ở Pháp năm 1946 nhân dịp bạn thân của Thâu là Daniel Guérin hỏi về cái chết của Thâu: “ Tạ Thu Thâu là một nhà ái quốc có tầm vóc. Chúng tôi khóc cái chết của ông”, ai ai cũng biết đó chỉ là một lời nói dối chính trị. Nhìn lại khoảng đường lịch sử vừa qua, những lời “nói dối chính trị” của Hồ Chí Minh nay được một số nhân sĩ Việt Nam gọi là “khôi hài đen”(black humour), nhất là hai lời tuyên bố đã được Trần Ngọc Danh, Trưởng phái đoàn Đại diện Việt Nam ở Paris đã cho in trong tập “ Hồ Chí Minh”, ấn hành tại Paris, tháng 5 năm 1947. Trần Ngọc Danh nhấn mạnh về hai lời tuyên bố của Hồ Chí Minh: lời thứ nhất đăng trên Journal de Genève: “ Những bạn bè của chúng tôi không cần phải lo ngại là chủ nghĩa mác-xít sẽ du nhập vào đất nước chúng tôi”, lời thứ hai đăng trên báo Le Pays: “ Những lí thuyết mác-xít không thể áp dụng được ở nước chúng tôi”.

Bộ mặt thật của Trần Văn Giàu chỉ đã được dân miền Nam biết đến sau ngày mở màn cuộc Kháng chiến Nam Bộ, ngày 23 tháng 9 năm 1945. Sáng Chủ nhật, lúc 4 giờ sáng ngày lịch sử này, quân Pháp được Tướng Anh, Gracey cho tái võ trang, đã dựa vào lực lượng quân Ghurka của Anh, đi tái chiếm Dinh Xã Tây, trụ sở của Lâm Ủy Hành Chánh Nam Bộ, sở Mật thám đường Catinat, Kho Bạc, nhà Bưu Điện Sài Gòn v...v..Nhưng kiểm điểm lại, người Việt Nam bị mất mạng đầu tiên khi cuộc kháng chiến bắt đầu lại không do thực dân giết mà lại do các tay sát thủ của Dương Bạch Mai và Trần Văn Giàu: đó là Lê Văn Vững thư ký uỷ ban Sài Gòn-Chợ Lớn của nhóm Tranh Đấu và cũng là thủ lãnh Thanh niên Tiền phong vùng Đa Kao.

Rút khỏi Sài Gòn về trú đóng trụ sở ở Chợ Đệm (Tân An), Trần Văn Giàu đã ra lịnh bắt và xử tử Huỳnh Văn Phương, Bùi Quang Chiêu, Dương Văn Giáo, nhà báo Diệp Văn Kỳ, luật sư Hồ Vĩnh Ký và vợ là bác sĩ Nguyễn Thị Sương (Thủ lãnh Phụ Nữ Tiền Phong)...v...v.; vây bắt Hồ Văn Ngà, Trần Quang Vinh...Riêng về trường hợp Huỳnh Văn Phương, chú ruột của Huỳnh Tấn Phát (Chủ tịch sau này của Chánh phủ Lâm thời Cộng hòa Miền Nam) là người đã giúp đỡ khí giới và phương tiện cho tổ chức của Giàu lại là người bị Giàu cố ý thủ tiêu nhanh chóng, chỉ vì Phương đã nắm được các tài liệu về việc Giàu liên hệ với trùm mật thám Pháp Arnoux và Duchêne! Đặc biệt các nhân vật Đệ Tứ hoặc có cảm tình với Đệ Tứ đều được chú ý thủ tiêu: anh giáo Nguyễn Thi Lợi ở Cần Giuộc (Chợ Lớn), người gầy dựng lại nhóm Tranh Đấu ở Sài Gòn sau ngày Nhật đầu hàng, luật sư Hình Thái Thông ở Mỹ Tho, Trần Văn Thạch, Phan Văn Chánh, Nguyễn Văn Số...Đặc biệt ở vùng Hậu Giang, các nhân vật và tín đồ Hòa Hảo đã bị thủ tiêu, chôn ở các hầm hố chôn tập thể miệt Tân Thành, Cái Cái gần biên giới Miên. Cuộc khủng bố trắng này đã được Dương Bạch Mai, Ủy viên Thanh tra Chính trị Miền Đông tiếp tục thi hành ở các vùng Biên Hoà, Thủ Dầu Một, Bà Rịa, Tây Ninh cũng như Nguyễn Văn Tây, Ủy viên Thanh tra Chính trị Miền Tây ra tay đảm trách ở miền Hậu Giang!

Để kết luận về giai đoạn này, có thể nói là để nắm giữ quyền lực riêng về cho đảng Cộng sản Đệ Tam, Trần Văn Giàu đã nhẫn tâm sát hại hầu hết một thế hệ những nhà ái quốc, cách mạng ở Nam Bộ, làm tiêu hao tiềm lực cuộc đoàn kết kháng chiến thuở ban đầu. Trong một cuộc gặp gở sau này với Trịnh Hưng Ngẫu ở Thái Lan, Trần Văn Giàu còn cho ông Ngẫu biết là y chưa hoàn tất việc thanh toán các nhân vật còn có tên trong sổ đen của y. Nhà văn Pháp Michel Tauriac, nghiên cứu về Việt Nam, trong quyển “ Viet Nam, Le dossier noir du Communisme”(Hồ sơ đen Việt Cộng), đã gọi Trần Văn Giàu là “tên sát nhân cũ của Việt Minh ở Nam Việt Nam”( “Trân Van Giau, l’ancien assassin viet minh du Sud-VietNam”, sách đã dẫn, nxb Plon, 2001, trang 103).

Toán của Trần văn Giàu chỉ tồn tại ở Nam Bộ trong một thời gian. Phạm Ngọc Thạch, Dương Bạch Mai, Trần Văn Giàu đều được “mời” ra Bắc, giữ những chức vụ khác. Trần Văn Giàu thì không được trở lại miền Nam cho mãi đến sau ngày 30 tháng 4 năm 1975. Người phụ trách thi hành các chỉ thị sát nhân của Trần Văn Giàu là Nguyễn Văn Trấn, Giám đốc Quốc gia Tự vệ Cuộc, nên Trấn được dân miền Nam đặt cho biệt hiệu là “hung thần Chợ Đệm”. Cuối năm 1948, đang làm bí thư Khu ủy khu 9 thì Trấn cũng bị bứng cho ra Bắc khi Lê Đức Thọ (Sáu Búa) vừa bước chân vô tới biên giới Nam Kỳ. Trấn, thủ hạ thân tín cuối cùng của Giàu bị lột chức và cho làm đại biểu ra dự Đại hội Đảng, cùng đi với trưởng đoàn là Ung Văn Khiêm.

Vai trò và hoạt động của Trần Văn Giàu ở miền Nam kể như được chấm dứt sau năm 1946. Có thể đoán là ở Trung ương Bắc Bộ, Trần Văn Giàu không được các đồng chí ngoài đó hoàn toàn tin cậy vì Giàu đã được gán cho là đã dựa vào thế lực Nhật để dành chánh quyền và nhất là đã có lúc liên hệ với sở Mật thám Pháp. Thêm vào đó còn có việc: năm 1935, sau khi dự Đại hội đảng ở Macao ngày 19 tháng Tư và trở về lại Sài Gòn, Trần Văn Giàu bị bắt và đã khai với bồi thẩm Trần Văn Tỷ khiến 167 người bị bắt (sau đó có 113 được thả). Hồ Hữu Tường đã có đề cập đến việc này trong báo Hòa Đồng: Khi các đồng chí trong tù trách cứ thì Giàu đã thanh minh: “ Mật thám mà đánh tôi chết thì đảng mất đi một thủ lãnh. Tôi khai như vậy, khỏi bị đòn, các đồng chí mỗi người lãnh ít năm tù để trả giá cái mạng sống của tôi”.

Ra Bắc, đúng vào lúc dư luận xôn xao về việc Hồ Chí Minh đã ký Hiệp định Sơ bộ ngày 06-03-1946 với Jean Sainteny, để Pháp đổ bộ lên đất Bắc, Trần Văn Giàu được giao trách nhiệm giải tỏa các công kích của các báo Thiết Thực của nhóm Ngũ Xã và các tờ Sao Trắng, Chính Nghĩa, Việt Nam...của Quốc Dân Đảng Việt Nam. Trần Văn Giàu đã đi nhiều nơi cùng với Lê Khang trong ban Liên Kiểm để dàn xếp các mâu thuẫn Việt Minh và Quốc Dân Đảng. Đó là thời kỳ “Việt Quốc Lê Văn Ninh, Việt Minh Trần Văn Giàu”. Việc này sau cùng đã chấm dứt khi Việt Minh bày ra các vụ phố Ôn Như Hầu và cầu Chiêm Sơn để lấy cớ tiêu diệt cán bộ Quốc Dân Đảng.

Trong báo Văn Nghệ TP.HCM,số 259 ngày 19-25/11/1996, chúc mừng Trần Văn Giàu được 85 tuổi, trong phần lý lịch chỉ có khai vắn tắt: “Từ 1946-1948, Giàu được Trung ương điều sang giúp bạn xây dựng kháng chiến ở Campuchia”.

Thật sự ra trong 2 năm này, Trần Văn Giàu được chỉ định ở Thái Lan vì nơi đây số Việt kiều đã tăng từ 50.000 lên khoảng trên 100.000 sau khi người Việt tản cư từ Lào sang. Vào lúc này, không khí chính trị ở Thái Lan rất có cảm tình với kháng chiến Việt Nam. Thủ tướng Thái, Pridi Banomyong khá tự do và có thiện cảm với cách mạng Việt Nam. Pridi Banamyong và Khuang Aphaivong lại còn biết được Giàu khi còn là bạn học ở Pháp.

Người Việt ở Thái Lan vào thời thủ tướng Pridi, trong không khí tự do, đã không tôn trọng giữ gìn lối sống ngoại kiều: nhà treo cờ đỏ sao vàng phất phới, bộ đội Việt Minh mang vũ khí đi ngoài phố...Khi Trần Văn Giàu sang Thái Lan, có cả bộ đội Việt kiều dàn súng đứng chào! Thủ tướng Pridi còn nhắm mắt giúp cho cả lương thực và vũ khí. Nhờ vậy nên những ai có mặt trong chiến khu Nam Bộ vào các năm 1946-1947 có khi thấy thấp thoáng có các chi đội kháng chiến mặc quân phục màu vàng được gọi là “bộ đội hải ngoại”. Đó là các chi đội Trần Phú năm 1946 và hai đoàn Cửu Long I và II trong năm 1947.

Ngoài việc liên lạc với các tổ chức phái tả ở Bangkok và điều khiển Ủy ban Tiếp tế Nam Bộ, Trần Văn Giàu lại còn phụ trách một toán đặc công chuyên môn chống phá các cơ sở chống Cộng của người Việt tại Thái. Năm 1947, Giàu đã chỉ thị cho toán này ám sát ( cũng lại ám sát!) năm cán bộ Cao Đài ở Bangkok!

Chuyện gì phải đến đã đến, và vào tháng 10 năm 1947, Phibul Songram đã làm cuộc đảo chính ở Thái và đe dọa cắt đứt các hoạt động Việt Minh. Đảng Cộng sản Việt Nam đã cấp thời gởi Hoàng Văn Hoan sang thay thế đại diện chính thức của Việt Nam là Nguyễn Đức Quý nhưng thật sự là để chấm dứt hoạt động của Trần Văn Giàu. Hoàng Văn Hoan đã chấm dứt lề lối hoạt động lộ liễu của các tổ chức Việt kiều đã làm chánh quyền Thái lo ngại. Trong quyển “ Giọt Nước trong Biển Cả”, Hoàng Văn Hoan đã ám chỉ, chỉ trích Trần Văn Giàu, “một đồng chí, đi đâu cũng nói chủ nghĩa Mác”.

Năm 1949, Trần Văn Giàu trở về Việt Nam, được cử làm Tổng Giám đốc Nha Thông tin cho đến năm 1951 thì được chuyển qua công tác ở Bộ Giáo dục. Khi tiếp quản Hà Nội năm 1954, Giàu được làm Khoa trưởng Khoa Văn-Sử trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

Từ 1960 đến 1975, Giàu được phong hàm Giáo sư, công tác ở Ủy ban Khoa học Xã hội.

Trần Văn Giàu, từ ngày được về Bắc phụ trách về giáo dục ở Đại học cũng như ở trường Đảng, đã được học trò hâm mộ phần lớn nhờ vào những huyền thoại truyền tụng về việc Giàu thành công trong Nam. Nhiều đảng viên đã thường hãnh diện là đã được tham dự những lớp huấn luyện của Giàu. Giàu cũng trước tác rất nhiều trong thời gian dạy học. Những tác phẩm có tầm vóc là: Giai cấp công nhân Việt Nam ( 4 tập, gần 1000 trang), Miền Nam giữ vững thành đồng (5 tập), Chống xâm lăng (3 tập, gần 1000 trang)...Những sách viết về sau của Giàu như Sự phát triển tư tưởng ở Việt Nam, hoặc Tư tưởng triết học, đạo đức và chánh trị của Nho giáo đời Tống..., nhất là khi Giàu trở về sống ở Sài Gòn sau năm 1975, nay thường được nhiều học giả cho là viết quá giống các sáng tác của cố giáo sư Nguyễn Đăng Thục trong Nam?

Được huấn luyện hai năm ở trường Đông Phương của đảng ở Moscou, áp dụng các âm mưu và sách lược học được của Stalin và tuyệt đối trung thành với Đệ Tam Quốc Tế, Trần Văn Giàu và các đồng chí đã xây dựng một chế độ độc tài, độc đảng, thích sùng bái cá nhân, cài công an vào tất cả cơ quan của đảng và nhà nước, khiến đảng viên nào sau cùng cũng đâm ra sợ bộ máy nghiền do chính họ tạo ra có thể trở lại nghiền nát họ! Trong khoảng thời gian 1956-1958, khi có những xáo trộn to lớn trong đời sống dân chúng vì việc Cải cách Ruộng đất, mang danh là lý thuyết gia của đảng nhưng không thấy Giàu lên một tiếng gì. Chỉ có một lần Giàu đã dám nói trong một cuộc tranh luận: “ Đào Duy Anh là bậc đàn anh của tôi về sử học, anh Trần Đức Thảo là nhà triết học có uy tín”. Đó là thời gian xảy ra vụ Nhân văn Giai phẩm ở Bắc và Trần Đức Thảo, Đào Duy Anh cũng như nhiều văn nghệ sĩ ở vào tình trạng “ có vấn đề” đối với đảng. Trần Quốc Vượng trong bài “Tình nghĩa Thầy, Trò”, nhắc đến việc này khi còn là sinh viên: “Tình hình lúc bấy giờ không đơn giản”, và dám khen “Anh Đào là một sử gia giỏi”, nói như vậy hồi bấy giờ không dễ. Trần Văn Giàu, một thành phần đúng ra có khả năng phải tranh đấu chống việc làm sai trái của đảng đã không dám lên tiếng. Thà nhìn nhận sự thật phũ phàng về Cải cách Ruộng đất, theo cách nói của Tôn Đức Thắng mới thật là đúng hơn: “ Đ..M..,tao cũng sợ nó, mầy còn biểu tao dám nói cái gì?” ( Viết cho Mẹ và Quốc hội, Nguyễn Văn Trấn, sđd, trang 267).

Trong khoảng thời gian được đảng chỉ định làm công tác giáo dục, Trần Văn Giàu đã có một công trình lớn, viết lách rất nhiều về hầu như mọi đề tài. Tuy nhiên về riêng mặt lý thuyết đảng thì ông vẫn rập theo những luận điệu một chiều của các đồ đệ của tên đồ tể Stalin. Chế độ ở Liên Sô và Đông Âu đã sụp đổ nhưng không thấy Trần Văn Giàu dám lên tiếng về việc có nên xét đến việc thay đổi cấu trúc của chế độ Cộng sản, có nên đề nghị xây dựng lại một thể chế xã hội chủ nghĩa hoàn toàn khác?. Không thấy Trần Văn Giàu lên tiếng có thể chấp nhận thể chế không độc đảng và độc khối, một chế độ đa đảng, một nền kinh tế tự quản với nhiều nghiệp đoàn, tự do giao lưu tư tưởng trong văn nghệ, tự do báo chí, tự do hội họp và lập hội, quyền biểu tình, quyền đình công...tất cả được thật sự tuyệt đối bảo đảm bằng bản Hiến Pháp?

Thi sĩ Tố Hữu một thời đã có danh, sáng tác rất nhiều bài thơ in thành tập như Từ Ấy, Việt Bắc, Gió Lộng...trong đó có một số bài hay, được ưa chuộng. Nhưng nay, nhắc đến Tố Hữu, dân chúng chỉ nhớ đến bài thơ đã làm ông thân bại, danh liệt, bài thơ “ Khóc ông Xít ta lin”:

............

Tiếng đầu lòng con gọi: Xít ta lin

...........

Thương cha, thương mẹ, thương chồng,

Thương mình thương một, thương ông thương mười.

Dân miền Nam nôm na gọi bài thơ này là bài thơ “ Bợ đít Xít Ta Lin”.

Trần Văn Giàu, tuy nay có một vốn liếng viết lách phong phú nhưng vì những tội ác đã gây trong buổi đầu cuộc Kháng chiến Nam Bộ, đã nhẫn tâm giết hại cả một thế hệ những nhà ái quốc, cách mạng ở miền Nam, gán cho họ danh từ Việt gian, phản động, một người đã gây bao nhiêu tang tóc nhưng chưa bao giờ nói lên được một tiếng hối tiếc những việc làm đã qua, nên đối với dân miền Nam, Trần Văn Giàu vẫn còn mang tiếng là một kẻ ác.

Tội ác lúc nào cũng là tội ác, nhứt là tội ác không được hối cải. Trần Văn Giàu vì vậy khó có thể được coi là “ Chu Văn An thời nay ”như một nhà văn của bác và đảng bút danh Trần Thanh Đạm nào đó đã viết (“ Giáo sư Trần Văn Giàu là Chu Văn An thời nay của chúng ta, như núi Thái Sơn giữa đồng bằng sông Cửu Long ”)!.

Nhà văn Pháp Michel Tauriac đã gọi Trần Văn Giàu là “ Tên sát nhân Việt Minh thời trước”. Mặc dầu sự nghiệp giáo dục Trần văn Giàu có thể sẽ còn được nhắc đến trong tương lai nhưng quá khứ đầy tội ác của Giàu không thể để dân chúng miền Nam chấp nhận Giàu là một “Nhà giáo Nhân Dân”.

Hai tay Trần Văn Giàu đã vấy máu anh em cách mạng miền Nam. Một người như thế chỉ có thể được xem là một “ Nhà giáo của đảng Cộng sản Đệ Tam” ở Nam Bộ.

Tháng 10, năm 2002

Bs. TRẦN NGUƠN PHIÊU

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Nhấn vào giữa màn hình để hiển thị Tùy chọn đọc.
Theo dõi Đọc Sách Hay trên Facebook, mỗi ngày chúng tôi cập nhật những cuốn sách, truyện hay nhất!
Biên Hùng Liệt Sử Trần Nguơn Phiêu

Có thể bạn thích