Hữu ngạn sông Đồng Nai thì có núi Châu Thới (80m), trên đỉnh có chùa Phật là một thắng cảnh; Gò Ông Sảnh (8m) ở Bữu Hòa, có đền thờ Nguyễn Tri Phương ngó qua Hiệp Hòa có đền thờ Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, có hầm đá; Núi Vải Lượng ở Long Bình; Núi Ông Viễn ở ấp chợ Hàm Luông. Cũng như ở thượng nguồn có đền thờ đức Trịnh Hoài Đức và dũng tướng Trần Thượng Xuyên. Khúc sông Đồng Nai gần trước đền thờ Nguyễn Tri Phương, hồi xưa, để cản trở tàu bè Pháp ông có đổ các "Cản" bằng đá mà dân địa phương gọi là "ông Nghê".

Bên tả ngạn (rive gauche) thì có Núi đất (20m) có hầm đá; núi Long Ẩn (40m) ở Bửu Long, Tân thành; núi Bình Điện (Bửu Long), có ngôi Bửu Phong cổ tự, là một danh thắng hằng năm rất nhiều du khách, đặc biệt mái chùa xung quanh được ghép bằng miểng sành xanh trắng hình Long, Lân, Qui, Phụng rất nghệ thuật, là nơi hẹn hò trai gái, nhìn xuống phi trường Biên Hoà; Núi Đất (sau Câu Lạc Bộ Hồ Tắm Biên Hoà); núi Uất Kim (Đồng Nghệ); Ký Sơn (núi Hòa Phát).

Mạn Bắc có núi Dốc Lớn (36m), núi Dốc Cầy (Bà Én, 15m) có cây dâu; núi Bà Cẩm (Lạc an, 80m), trước có chùa Phật, sau Pháp phá làm tháp canh; dốc Kỳ Lân (20m, Mỹ Lộc) có đá đỏ; núi Lồ ồ (50m, Thường Lang) có đá đen, có chùa Phật, nhiều cây ăn trái, có nước mát quanh năm; núi Đào Cương Đào Lư có Lò Gốm; núi Chánh Hưng có lá buông để chằm nón, quạt và đan buồm; núi Yên Cẩm; Văn Sơn; núi Thần Qui (hay Ba Ba) là chỗ phát nguyên sông Phước Long; Na Sơn có nhiều tre lồ ồ; Mông Sơn có mây Thiết Đằng; Thố Sơn; núi Mô Khoa (huyền thoại là có sơn thần); núi Tà Mô Liên có tà thần của thổ dân; núi Trà Cụ; núi Tiên Cước trên đỉnh có dấu chơn tiên; núi Châu Săn có tre lồ ồ; núi Bùng Binh (Thiện Tân, Bào Hang); núi Chà (15m, Tân Định, Thiện Quang); núi Ông Tạ (10m); núi Bà Hiên (15m, sông Mây); núi Giáp (20m, Gò Mọi, Thiện Tân) là doanh trại của một nhóm kháng chiến chống Pháp đầu Thế kỷ 20; núi Gang Toi (Đại An); gò Bà Núi (Cầu Xay Xóm Cháy), núi Bạch Thạch có đá trắng, có nhiều sơn thú; Gò Thạch Hỏa là cồn đá lửa màu đen khi có nắng thường xẹt hỏa quang.

Trên Phước Long thì có núi Lư Duẩn (Bà Rá) có nhiều tre lồ ồ, trúc cho măng lai, mây, trái trường, trái bứa, trái xay, trái xay lông, trái trâm (trái cơm nguội), có vườn điều lộn hột của Pháp bỏ hoang, có vườn cao su.

Vùng Long Khánh thì có Hương Sơn (núi Sóc Lu, Gia Nhan) nhiều giây mây sa đằng; núi Làng Giao (Bào tra); núi Câu Khánh; núi Bà Rịa, có đường dũng đạo dưới mặt đất, có đền thờ thần nữ; núi Thùy Vân (Mây Tào) có chùa Hải Nhật, có Thần Nữ Phong (Dinh Cô), núi Sa Trúc (Núi nứa) gần Ngãi Giao, Sông Ray; núi Lá Thổ Sơn (Phước Hòa); núi Lãi Kỵ (Gành Rái) đầu núi làm cửa hữu cho Ngọc Tỉnh, đuôi làm ngoại hình cho Cần Giờ; núi Thương Sơn (cạnh sông Xích Lam); núi Thần Mẩu (mũi Thị Khiết, Sa Động) có đền Thần Nữ mà giới ghe thuyền thờ phượng rất kính cẩn; núi Xích Sơn (tại các thôn Long Giới, Long Lập, Long Hiệp, Long Kiên, Long Xuyên, Phước Thúy, Phước Thọ, Phước Hiệp, Hiệp Hòa (Đức Thạnh); núi Tà Lộc ở Rừng Lá; núi Khỉ, núi Bề" (Sông Dinh-Sông Cô Kiều); núi Thiết Sơn (núi Nghệ gần La Vân); núi Trấn Biên (núi Dinh tại Phước Hòa - Ngãi Giao) tịch mịch, có tùng lộc, sơn khê, là nơi tịnh cốc của sư Khắc Chân; núi Nữ Tăng (Tóc Tiên-Thị Vải) tại Phú Mỹ, (Ông Trịnh), xưa có am ni cô Lê Thị Nữ.

Vùng Thủ Đức có Gò Lão Tố (giồng Ông Tố); gò Khổng Tước Nguyên (Gò Công-Trau Trảu) tại các thôn Phước Chánh, Nghĩ Chánh, Mỹ An (Long Thạnh Mỹ).

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Nhấn vào giữa màn hình để hiển thị Tùy chọn đọc.
Theo dõi Đọc Sách Hay trên Facebook, mỗi ngày chúng tôi cập nhật những cuốn sách, truyện hay nhất!

Có thể bạn thích