Viết về một đề tài có màu sắc địa phương chắc chắn không ít thì nhiều cũng không tránh khỏi những nhận định chủ quan nhứt là cái mà người ta thường gọi là "óc địa phương."

Vì thế tác giả đã rán viết cuốn sách nầy với tinh thần khách quan được chừng nào hay chừng ấy.

Nếu gọi quyển nầy là sách biên khảo hay lịch sử đều được vì phần đầu đã phần lớn dựa vào bộ Biên Hòa Sử Lược Toàn Biên của sử gia Lương Văn Lựu gồm Lịch sử, Địa Lý và Phong Thủy.

Phần sau, tác giả đã cập nhật hóa phần nhơn sự với sử liệu mà chỉ có nội bộ (insider) mới biết, thêm phần những kỷ niệm rời phản ảnh trung thực những gì tác giả đã thực sự làm nhơn chứng được xử dụng làm tư liệu không tìm thấy trong các sử sách.

Vì lý do nêu trên, nếu có thiếu sót và sơ xuất không thể tránh khỏi, thì điều đó ngoài ý muốn của tác giả. Phần còn lại tác giả xin để dành cho các biên khảo gia giàu kiến thức hơn bổ túc.

Tác giả đã cố tình thêm phần các đặc sản Biên Hòa để những ai đã làm việc hay đồn trú tại Biên Hòa ít nhiều đã gặp lại nhiều địa danh quen thuộc gây nhớ những kỷ niệm êm đềm của một thời đã qua.

Tác giả đã gắn bó với đất Biên Hùng từ thuở thiếu thời tới lúc phải rời bỏ nơi chốn chôn nhau cắt rún một cách tức tưởi, trừ những năm du học và đi làm việc xa nhà.

Riêng tác giả đã có dịp đồn trú tại quận Xuân Lộc (sau thành tỉnh Long Khánh), quận Long Thành, quận Công Thanh và quận Dỉ An cộng thêm thời gian Đại Tá tỉnh trưởng Lâm Quang Chính biệt phái ngoài bảng cấp số để đi theo phái đoàn ngũ lại các ấp theo chương trình "thăm dân cho biết sự tình" cùng các sĩ quan trưởng phòng Tiểu khu như Thiếu tá Thành, Thiếu tá Tấn, Thiếu tá Châu, Đại uý Khuê, Đại úy Cư và ban văn nghệ Tâm lý chiến.

Học hỏi về tỉnh nhà phong phú thêm khi Y sĩ Đại Tá Lương Khánh Chí, Bác Sĩ của cố Đại Tướng Đỗ Cao Trí, chỉ huy trưởng Liên Đoàn 73 Quân Y cử tôi đi thanh tra về kỷ thuật với ba cố vấn Quân Y Mỹ bằng trực thăng hàng tuần, thăm các Quân Y Viện Tây Ninh; QYV Nguyễn Văn Nhứt, Vũng Tàu; QYV Trần Ngọc Minh, Sài Gòn; Trung Tâm Hồi Lực Vũng Tàu; tải thương tại Bịnh Viện IV Dã chiến ở Bình Dương lúc chiến tranh đang dử dội nhất, tàn khốc nhất, và các bịnh viện Tiểu khu phối hợp Quân Dân Y trong 13 tỉnh vùng III Chiến thuật để có dịp so sánh tinh hoa của từng địa phương.

Có nhận diện quê hương, tìm hiểu quê hương tường tận mới yêu quê hương nhiều hơn. Tôi đã để lại dấu chân cùng khắp quê nội và quê ngoại ở Tân Uyên nên muốn viết về quê hương với đầy đủ cảm quan trìu mến.

Cánh bên nội tiếp cận thì có Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy, Kiến Trúc Sư Nguyễn Văn Nguyện, Giám đốc Nha Mỹ thuật Học Vụ, Giáo Sư Liêng Khắc Văn, Đại học Sydney, Úc châu; Đại tá Tống Đình Bắc, Giám đốc Cảnh sát Đặc Biệt Miền Đông, Y sĩ trưởng Hải quân Đại tá Trần Nguơn Phiêu, Cục phó Cục Quân Y và Tổng Trưởng Xã Hội, Kỷ sư Đỗ hữu Cảnh, Phó Giám đốc Nha Khoáng chất, chú Tư Trần Doản Chấp, lục sự Tòa Án...

Cánh bên ngoại, má tôi là cô giáo Nguyễn Thị Mỹ, em má tôi là dì Út Đạn, cũng cô giáo Tân Triều, Giáo sư Dương Ngọc Sum, Pétrus Ký, Giáo Sư Phan Công Minh, Giám đốc Nha Trung Tiểu học, Phan Công Tâm, Giám đốc Nha Tình Báo Nội Vụ, Trung tá Ngô Văn Thương, Quân Cụ; Bác sĩ Nguyễn Phú Cường, cậu Ba Phạm Văn Vang và cậu Tám Mai Văn Hạo (người đỗ ba bằng một lượt) là hai người vào bưng thời Việt Minh chống Pháp, cậu Ba Vang nhờ Pháp bắt bỏ tù nên sống sót, còn cậu Tám Hạo bị Lê Duẩn ám hại rồi đổ thừa Pháp giết vì từ chối không vô đảng Cộng Sản; cô Trương Tố Quyên, trước là Hộ sinh quốc Gia của Bịnh Viện Biên Hòa...

Ngoài ra trong tập sách nhỏ đầy ấp ân tình này, rải rác tôi có nhắc đến đại gia đình Biên Hòa, những người tôi đã từng học chung, đã được quen biết và những người tôi còn nhớ tên do một liên hệ nào đó, nhưng tôi tránh không nhắc tới vài người không đáng xếp vào loại liệt oanh như đề tựa thượng dẩn.

Viết về vùng đất quê hương có rất nhiều kỳ thú, được ôn lại những kỷ niệm ấu thơ tưởng chừng như đã quên. Các ký ức thân thương đi lạc có dịp tuôn về như thác đổ, những hồi ức đó như dòng sông Đồng Nai trong xanh, lửng lờ thốt lên thành lời thơ, khiến tôi một đời bâng khuâng, tiếc nuối đã không làm gì tốt đẹp cho quê hương, nạn nhân của bom đạn (vùng oanh kích tự do) và thuốc hóa học khai hoang (chemical defoliation) độc hại Orange Agent đã phá hại hoa màu và con người xứ bưởi..

Nếu có độc giả nào cho là tôi có óc địa phương thì tôi đành chấp nhận. Cũng như các tác giả khác khi đề cập đến quê cha đất tổ, nơi chôn nhau cắt rún của họ, chắc họ cũng làm y như vậy.

Tôi cũng xin lưu ý quý độc giả là phần trên Địa Lý Phong Thủy (feng shui, géomancy) và phần Địa lý (géography) ở cuối bài trong mục đặc sản là hai chữ có nghĩa hoàn toàn khác nhau.

Tôi đã viết theo phương pháp luận (méthodology) của sử học, mục đích trước tiên là để lưu niệm cho con dân tỉnh Biên Hòa còn nhớ nguồn gốc, hai là để giúp các biên khảo gia cần sử liệu, vì thế, để tôn trọng sự thật, tôi đã phản ảnh trung thực một số vấn đề không nên nói ra, điều quan trọng là tôi đã không bẻ cong ngòi bút dưới một áp lực nào. Và tôi xin gánh chịu mọi trách nhiệm và hậu quả những bí ẩn tôi đã đóng góp, tôi sẳn sàng làm nhơn chứng và sẳn sàng đối chất trước lịch sử.

Với lòng yêu quê hương vô bờ bến. Tôi xin ghi lại cái có thể gọi là phiến diện của một con dân tỉnh nhà Biên Hòa để cống hiến cho lịch sử và quê hương. (TTV)

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Nhấn vào giữa màn hình để hiển thị Tùy chọn đọc.
Theo dõi Đọc Sách Hay trên Facebook, mỗi ngày chúng tôi cập nhật những cuốn sách, truyện hay nhất!

Có thể bạn thích