Bí mật tư duy triệu phú
Tư Duy Triệu Phú Số 15

Người giàu bắt tiền phải phục vụ mình. Người nghèo làm việc vất vả để kiếm tiền.

Nếu bạn cũng giống như hầu hết mọi người, thì có thể bạn đã lớn lên với suy nghĩ đã được lập trình rằng bạn “phải làm việc chăm chỉ để kiếm tiền”. Tuy nhiên, cũng rất có khả năng bạn đã trưởng thành với cách lập trình khác, rằng bạn phải biết cách làm cho tiền của bạn “phục vụ cho bạn”.

Làm việc chăm chỉ đúng là yếu tố quan trọng, nhưng nếu làm việc chăm chỉ không thôi thì bạn sẽ không bao giờ làm giàu được. Bạn hãy nhìn xem, trên thế giới có hàng triệu, hàng tỷ người đang làm việc quần quật cả ngày lẫn đêm đấy thôi, nhưng họ có giàu không? Không! Phần lớn trong số họ có giàu không? Không! Phần lớn trong số họ túng quẫn hay gần như thế.

Ngược lại, bạn thấy ai hay tha thẩn quanh các câu lạc bộ thể thao ngoài trời khắp thế giới? Ai dành cả buổi chiều để chơi golf, tennis hay bơi thuyền? Ai dành các ngày trong tuần để mua sắm và nhiều tuần để đi nghỉ mát? Xin thưa, đó là người giàu! Vậy thì hãy nói thẳng như thế này: Ý nghĩ rằng “bạn phải làm việc chăm chỉ để giàu có” là thiếu cơ sở thực tế.

Khi đề cập đến đạo đức nghề nghiệp, kinh sách của đạo Tin Lành có câu: “Công việc đáng giá 1 đô-la được trả bằng 1 đô-la”. Không có gì sai trong câu nói đó, chỉ có điều người ta quên bảo chúng ta nên làm gì với đồng đô-la được trả ấy. Biết được nên làm gì với đồng đô-la đó chính là điểm khởi đầu để bạn bước từ chỗ chỉ biết làm việc chăm chỉ sang chỗ làm việc một cách thông minh.

Người giàu có thể dành nhiều ngày trong tuần để thư giãn, giải trí, bởi vì họ biết làm việc một cách thông minh. Họ biết sử dụng đòn bẩy kinh doanh. Họ thuê người khác làm việc cho họ và họ bắt cả “tiền” phải làm việc cho họ.

Người ta nhất định phải làm việc chăm chỉ để kiếm tiền. Tuy nhiên, đối với người giàu, làm việc chăm chỉ, vất vả chỉ là một giải pháp tạm thời, trong khi đối với người nghèo, tình trạng đó cứ kéo dài mãi mãi. Người giàu hiểu rằng họ phải làm việc chăm chỉ cho đến khi những đồng tiền do họ làm ra đủ để phục vụ lại bản thân họ. Họ hiểu rằng tiền của họ làm việc càng nhiều, thì họ sẽ làm việc càng ít.

Bạn hãy nhớ rằng tiền là năng lượng. Phần lớn mọi người bỏ ra năng lượng lao động và thu về năng lượng tiền bạc. Những người đạt được tự do tài chính đã học được cách thay thế năng lượng lao động bằng các dạng năng lượng khác, bao gồm sử dụng lao động của người khác, hệ thống kinh doanh trong công việc, hay vốn đầu tư. Nói chung, trước hết bạn vẫn phải làm việc chăm chỉ để kiếm tiền, rồi sau đó hãy để tiền bạc làm việc để phục vụ bạn.

Khi bước chân vào cuộc chơi tiền bạc, hầu hết mọi người không có khái niệm sẽ phải làm gì để giành chiến thắng. Khi nào bạn sẽ thắng trong cuộc chơi này? Mục tiêu của bạn là gì: ba bữa một ngày, 100.000 đô-la thu nhập hàng năm, trở thành triệu phú hay triệu triệu phú?

Tại khóa học Tư Duy Triệu Phú, chúng tôi vẫn thường nói với học viên của mình rằng mục đích của cuộc chơi tiền bạc là để không bao giờ phải làm việc nữa, trừ khi bạn muốn thế, và nếu được, bạn sẽ “làm việc vì yêu thích, chứ không phải vì bắt buộc”.

Nói cách khác, cái đích mà bạn nhắm đến phải là tự do về tài chính càng sớm càng tốt. Định nghĩa về sự tự do tài chính của tôi khá đơn giản: đó là khả năng sống một cuộc sống như bạn mong ước mà không phải làm việc hay lệ thuộc tài chính vào người khác.

Tuy nhiên, bạn cần lưu ý rằng “lối sống mong ước” của bạn sẽ tốn kém đấy. Vì vậy, để có thể thật sự tự do, bạn cần phải kiếm ra tiền mà không phải làm việc. Thu nhập có được khi bạn không phải làm việc gọi là thu nhập thụ động. Muốn là người chiến thắng trong cuộc chơi tài chính, mục tiêu của bạn là phải kiếm đủ thu nhập thụ động để trang trải cho lối sống mong ước của bạn. Điều đó có nghĩa là bạn chỉ trở nên tự do về tài chính khi thu nhập thụ động của bạn lớn hơn các khoản chi tiêu của bạn.

Tôi đã xác định được hai nguồn thu nhập thụ động chủ yếu. Nguồn thứ nhất là “tiền làm việc cho bạn”, bao

gồm các khoản lãi đầu tư từ các công cụ đầu tư tài chính như cổ phiếu, trái phiếu, hối phiếu, hay từ các thị trường tiền tệ, các quỹ hỗ tương, cũng như sở hữu các vật thế chấp hay những tài sản có giá trị gia tăng và có thể chuyển đổi thành tiền mặt.

Nguồn thu nhập thụ động chính thứ hai là “hoạt động kinh doanh làm việc cho bạn”. Nguồn này tạo ra thu nhập liên tục từ các hoạt động kinh doanh mà cá nhân bạn không cần phải trực tiếp tham gia một cách liên tục và thường xuyên, bao gồm tiền cho thuê bất động sản, tiền nhuận bút từ sách, âm nhạc, hay phần mềm, bản quyền các ý tưởng, trở thành một người nhượng quyền kinh doanh, làm chủ nhiều kho hàng, sở hữu các máy bán hàng tự động hoặc máy chơi điện tử, tiếp thị mạng lưới… Ý tưởng ở đây là những doanh nghiệp đó, chứ không phải bạn, phải vận hành và đem lại giá trị cho mọi người.

Như hoạt động tiếp thị theo kiểu mạng lưới chẳng hạn. Công việc này thường không đòi hỏi bạn phải bỏ ra ngay một số vốn lớn. Hơn nữa, một khi bạn đã hoàn tất những phần việc cơ bản ban đầu thì nguồn thu nhập cứ thế “chảy” về liên tục, năm này qua năm khác. Đây là một dạng khác của ý tưởng tạo nguồn thu nhập mà không cần bạn trực tiếp làm việc. Liệu công việc mà ngày nào bạn cũng phải cắm đầu vào làm có mang lại thu nhập tương tự không?

Tôi không muốn nhấn mạnh thêm về tầm quan trọng của việc tạo ra các nguồn thu nhập thụ động. Điều này hết sức đơn giản: không có thu nhập thụ động, bạn không bao giờ được tự do về tài chính. Nhưng, và đây là cái NHƯNG lớn, bạn có biết đa số mọi người đều gặp khó khăn trong việc tạo ra thu nhập thụ động. Ở đây có ba lý do.

Thứ nhất là do suy nghĩ đã định hình trong tâm thức. Hầu hết chúng ta được lập trình để không tạo ra thu nhập thụ động. Ví dụ bạn ở độ tuổi thanh thiếu niên và bạn cần tiền. Lúc đó cha mẹ bạn sẽ nói gì? Họ có bảo: “Được thôi, con hãy tạo ra thu nhập thụ động” không? Chắc là không! Đa số các bậc phụ huynh của chúng ta nói với con cái rằng: “Hãy tự đi làm mà kiếm tiền”, “Tìm một công việc mà làm” hay một câu khác đại loại thế. Chúng ta được dạy phải làm việc để kiếm tiền, còn khái niệm “tạo ra thu nhập thụ động” là hoàn toàn xa lạ với đa số chúng ta.

Thứ hai, đa số chúng ta không bao giờ được dạy cách tạo ra thu nhập thụ động. Tôi cũng không được dạy môn Thu nhập Thụ động 101 trong trường phổ thông, mà được dạy cách đóng bàn ghế và rèn đồ sắt (bạn hãy để ý rằng cả hai đều là việc làm cả) và tôi đã làm được một cái chân nến tuyệt đẹp cho mẹ tôi. Chúng ta không được học về cách tạo nên thu nhập thụ động trong trường học, vậy chúng ta có thể học điều đó ở đâu đây? Không đâu cả. Và thế là phần lớn chúng ta không biết chút gì về nguồn thu nhập đó, và không làm gì để có thu nhập đó.

Cuối cùng, do chúng ta không bao giờ được tiếp cận hay được gợi ý về thu nhập thụ động và đầu tư, nên chúng ta không quan tâm nhiều đến nó. Chúng ta đã để nghề nghiệp và các lựa chọn kinh doanh của mình lệ thuộc chủ yếu vào thu nhập từ công việc. Nếu từ nhỏ bạn đã hiểu rằng mục tiêu tài chính hàng đầu là tạo ra thu nhập thụ động, thì chắc bạn đã xem xét lại một số lựa chọn nghề nghiệp ấy phải không nào?

Tôi thường khuyên mọi người hãy mạnh dạn lựa chọn, thậm chí thay đổi hoạt động kinh doanh hay lĩnh vực nghề nghiệp (nếu cần) để tìm một hướng đi mới sao cho việc tạo ra thu nhập thụ động là tự nhiên và tương đối dễ dàng. Điều đó đặc biệt quan trọng, bởi vì hiện nay có quá nhiều người làm việc trong các ngành dịch vụ, nghĩa là nơi đích thân họ phải có mặt và trực tiếp bỏ sức lực ra để kiếm tiền. Không có gì sai trái khi làm việc trong các ngành dịch vụ, nhưng chỉ trừ trường hợp bạn đầu tư thành công một cách khác thường, nếu không bạn sẽ bị “cột chặt” vào công việc và bạn sẽ mãi mãi không được nghỉ ngơi.

Bằng cách lựa chọn các cơ hội kinh doanh có khả năng tạo ra thu nhập thụ động, bạn sẽ nhận được cái tốt nhất của hai thế giới – đó là thu nhập từ công việc hiện tại và thu nhập thụ động sau này.

Tiếc rằng hầu như tất cả mọi người đều được lập trình để chỉ có nguồn thu từ công việc và phản đối thu nhập thụ động. Thái độ đó sẽ được thay đổi hoàn toàn sau khi bạn tham dự khóa học Tư Duy Triệu Phú. Ở đó, chúng tôi thay đổi kế hoạch tài chính trong tâm thức bạn bằng các kỹ

thuật thực nghiệm sao cho việc tạo ra thu nhập thụ động trở thành bản năng bình thường và tự nhiên đối với bạn.

Người giàu biết nhìn xa: họ luôn cân bằng các khoản chi tiêu hiện tại với việc đầu tư để có sự tự do tài chính trong tương lai. Trong khi đó, người nghèo chỉ nghĩ đến chuyện trước mắt và lái cuộc đời mình theo những thỏa mãn tức thời. Người nghèo biện hộ: “Làm sao mà tôi có thể suy nghĩ về ngày mai, khi tiền của tôi chỉ vừa đủ để tồn tại ngày hôm nay?”. Vấn đề nằm ở chỗ sớm muộn gì thì cái “ngày mai” đó sẽ trở thành “hôm nay”, nghĩa là nếu bạn không lưu tâm đến vấn đề ngày mai, thì khi ngày mai đến, bạn cũng sẽ phải nhắc lại chính câu nói đó mà thôi.

Để trở nên giàu có hơn, bạn có hai lựa chọn: hoặc phải kiếm được nhiều hơn, hoặc phải chi tiêu ít tiền hơn cho cuộc sống hàng ngày. Tôi không thấy ai chĩa súng vào đầu bạn và bảo bạn phải sống trong ngôi nhà như thế nào, sử dụng loại xe gì, mặc quần áo của nhà thiết kế nào hay ăn món gì. Bạn có toàn quyền lựa chọn và quyết định lối sống của mình. Đó là vấn đề ưu tiên. Người nghèo chọn “hiện tại”. Người giàu chọn “cân bằng”.

Suốt 25 năm cha mẹ vợ tôi làm chủ một cửa hàng tạp hóa nhỏ chuyên bán lẻ thuốc lá, kẹo, kem, kẹo cao su và nước ngọt. Họ thậm chí còn không bán vé xổ số. Giá bán trung bình mỗi món hàng thường chưa tới một đô-la. Tóm lại, họ chỉ thu được chút ít từ công việc kinh doanh nhỏ xíu đó. Họ không đi ăn uống ở nhà hàng, không mua những

bộ quần áo hợp mốt và sử dụng chiếc xe đã cũ. Họ sống thoải mái và giản dị, vậy mà họ đã trả hết số tiền trả góp mua nhà, chưa kể họ còn mua được một nửa tòa nhà có cửa hiệu của họ trong đó. Ở tuổi 55, bằng cách tiết kiệm và đầu tư hợp lý như thế, cha mẹ vợ tôi đã có thể nghỉ hưu.

Đối với hầu hết mọi người, việc mua sắm để có cảm giác thỏa mãn tức thời không gì khác hơn là một cố gắng vô vọng để che giấu sự bất mãn của chúng ta trong cuộc sống. Thông thường, việc chi tiêu bắt nguồn từ nhu cầu thể hiện cảm xúc nội tâm. Hội chứng đó rất phổ biến và được biết đến như là “hội chứng mua sắm” - một căn bệnh tâm lý của những người luôn chi tiêu quá mức cần thiết. Hội chứng mua sắm và nhu cầu thỏa mãn tức thời không hề liên quan đến những món hàng bạn mua, mà lại gắn liền với cảm giác không hài lòng của bạn. Thói quen chi tiêu quá mức đó là kết quả của bản kế hoạch tài chính trong tâm thức bạn.

Natalie, một học viên của chúng tôi, kể rằng cha mẹ cô là những người hà tiện hết mức. Họ bao giờ cũng dùng phiếu giảm giá để mua bất cứ thứ gì, thậm chí mẹ cô còn có một chiếc hộp xếp đầy phiếu giảm giá và tất cả đều được phân loại rõ ràng. Cha cô có chiếc xe 15 “tuổi” đã gỉ sét và Natalie rất xấu hổ khi bị người khác bắt gặp cô đang ngồi trong đó, nhất là mỗi khi mẹ đến đón cô ở trường. Mỗi khi ngồi vào xe, cô luôn cầu mong để không có ai nhìn thấy. Trong các kỳ nghỉ mát, gia đình cô không bao giờ

thuê phòng khách sạn, cũng không bao giờ đi máy bay, mà lái xe 11 ngày đường xuyên suốt đất nước và cắm trại ngay bên đường. Năm nào cũng vậy!

Với cha mẹ cô, mọi thứ đều “quá đắt đỏ”. Cách họ hành xử khiến Natalie luôn có cảm giác rằng gia đình cô rất túng quẫn. Nhưng không, cha cô có thu nhập khá cao vào thời điểm đó, 75.000 đô-la một năm. Cô thấy chuyện này thật khó hiểu.

Vì căm ghét những thói quen hà tiện của họ, nên cô quyết phải làm ngược lại. Cô muốn mọi thứ của cô đều phải sang trọng và đắt tiền. Khi cô ra ở riêng và bắt đầu làm ra tiền, cô thậm chí không nhận ra rằng chỉ trong chớp nhoáng, cô đã tiêu hết sạch số tiền cô có.

Natalie chi tiêu nhiều đến mức cô không thể thanh toán cho những nhu cầu thiết yếu nhất. Đó là lý do cô ghi tên vào khóa học Tư Duy Triệu Phú, và - cô nói - khóa học đó đã cứu vớt cuộc đời cô.

Trong khóa Tư Duy Triệu Phú, khi học đến phần “cá tính tiền bạc”, quan điểm của Natalie đã thay đổi hoàn toàn. Cô chợt hiểu ra vì sao cô tiêu hết tiền. Đó là cách cô phản ứng trước lối sống quá hà tiện của cha mẹ mình. Đó cũng là cách cô chứng tỏ với bản thân và cả thế giới rằng cô không hà tiện. Sau khóa học đó, cùng với sự thay đổi kế hoạch tài chính trong tâm thức, Natalie đã không còn cảm thấy bị thôi thúc tiêu tiền một cách ngu ngốc như vậy nữa.

Natalia kể, gần đây khi đi dạo qua một trung tâm mua sắm, cô để ý chiếc áo khoác bằng da lộn màu nâu nhạt lộng lẫy trong cửa hiệu mà cô thường ghé qua. Cô chợt nghĩ: “Chiếc áo này hợp với mình đấy, nhất là với màu tóc vàng của mình. Mình cần chiếc áo đó, vả lại mình cũng chưa có chiếc áo khoác nào thật đẹp cả”. Vậy là cô ghé vào cửa hàng. Khi thử áo, cô kịp liếc mắt sang tờ phiếu ghi giá và thấy con số 400 đô-la. Cô chưa bao giờ chi nhiều tiền đến thế cho một cái áo khoác. Trong đầu cô lại nói: “Thì sao nào? Chiếc áo trông rất tuyệt! Hãy mua đi! Mình sẽ kiếm lại số tiền ấy sau”.

Đấy chính là lúc cô khám phá ra rằng khóa học Tư Duy Triệu Phú đã tác động đến cô mạnh mẽ như thế nào. Ngay tại thời điểm cảm tính của cô đề nghị mua cái áo, lý trí với thái độ tích cực mới của cô đã lên tiếng: “Mình nên dừng việc này lại và bỏ 400 đô-la đó vào tài khoản Tự do Tài chính! Mình cần chiếc áo đó để làm gì? Mình đã có áo khoác rồi mà”.

Cô gửi lại chiếc áo và hẹn hôm sau quay lại, thay vì mua ngay lúc đó như thói quen thường lệ của cô. Và cô không bao giờ quay lại để mua chiếc áo đó. Natalie nhận ra rằng “hồ sơ” thích thỏa mãn vật chất của cô đã được thay bằng “hồ sơ” tự do tài chính. Trong cô không còn cảm giác phải tiêu xài để khẳng định mình nữa. Cô biết đã đến lúc áp dụng điều tốt nhất mà cha mẹ đã làm mẫu cho cô, đó là thói quen tiết kiệm, nhưng cô vẫn không quên tự thưởng cho mình những niềm vui nho nhỏ bằng số tiền ngày một lớn dần trong Tài khoản Hưởng thụ của cô.

Rồi Natalie dẫn cha mẹ đến khóa học Tư Duy Triệu Phú để họ có thể tạo cuộc sống cân bằng hơn. Cô vui mừng báo tin rằng bây giờ họ đã sống trong các khách sạn nhỏ bên đường, mua xe mới, học cách khiến tiền phải phục vụ họ, và họ đang hưởng thụ cuộc sống của những triệu phú thật sự.

Giờ thì Natalie hiểu rằng cô không cần phải tằn tiện như cha mẹ cô để có một cuộc sống thoải mái, nhưng cô cũng nhận thức được rằng nếu cô cứ tiếp tục chi tiêu một cách vô thức, cô sẽ không bao giờ được tự do về tài chính. Natalie nói: “Tuyệt thật, giờ tôi đã có thể kiểm soát cả tâm trí lẫn tiền bạc của mình rồi”.

Như vậy, mục tiêu cuối cùng của chúng ta là bắt tiền làm việc để phục vụ chúng ta, như chúng ta đã lao động vất vả để kiếm tiền, và điều đó có nghĩa là bạn phải tiết kiệm và đầu tư, chứ đừng biến hành động phung phí tiền bạc thành một nhiệm vụ phải làm trong đời.

Ở đây có sự đối lập đáng ngạc nhiên.

Người giàu có nhiều tiền mà lại chi tiêu ít, trong khi người nghèo có rất ít tiền mà chi tiêu quá nhiều.

Người nghèo làm việc để kiếm tiền trang trải cuộc sống hiện tại, còn người giàu làm việc để kiếm tiền dành cho các vụ đầu tư của họ, và những thương vụ đó sẽ đem lại tiền cho họ trong tương lai.

Người giàu mua tài sản là thứ có khả năng sẽ gia tăng giá trị trong tương lai, còn người nghèo “mua” các khoản chi phí là thứ sẽ mất giá trong thời gian ngắn.

Người giàu tích tụ đất đai. Người nghèo tích tụ hóa đơn.

Tôi vẫn thường bảo các con: “Hãy mua bất động sản”. Tốt nhất là bạn hãy mua những bất động sản có thể đem lại dòng thu nhập dương, hoặc bất kỳ loại bất động sản nào cũng được, vẫn hơn là bạn không có bất động sản. Tất nhiên, giá trị của bất động sản sẽ biến động theo nhu cầu thị trường và có thể tăng hay giảm, nhưng rồi sau 5, 10, 20 hay 30 năm sau, chắc chắn trị giá của nó sẽ cao hơn rất nhiều hôm nay. Và có thể đó là tất cả những gì bạn cần để trở nên giàu có.

Hãy mua những thứ mà ngay lúc này bạn có khả năng chi trả. Nếu cần số vốn lớn hơn, bạn có thể cộng tác với những người bạn quen biết và tin cậy. Trường hợp duy nhất khiến bạn gặp rắc rối với bất động sản là khi bạn mở rộng kinh doanh quá nhanh và buộc phải bán đúng thời điểm thị trường đang xuống dốc. Chỉ cần bạn để ý lời khuyên trước đây của tôi và quản lý tiền một cách đúng đắn, khả năng việc này xảy ra sẽ vô cùng thấp, thậm chí hầu như không bao giờ. Người ta nói: “Đừng chờ đợi để mua bất động sản. Hãy mua bất động sản và chờ đợi”.

Tôi đã kể cho bạn nghe câu chuyện của cha mẹ vợ tôi về hiệu quả của việc đầu tư vào bất động sản, còn bây giờ

tôi sẽ lấy ví dụ liên quan đến cha mẹ tôi. Cha mẹ tôi không nghèo, nhưng chỉ thuộc tầng lớp trung lưu. Cha tôi làm việc chăm chỉ, còn mẹ tôi ở nhà chăm sóc mấy anh em tôi vì sức khỏe bà rất kém. Cha tôi là thợ mộc và ông nhận thấy rằng các nhà thầu xây dựng không ngừng mở rộng những khu đất mà họ đã mua nhiều năm trước đó. Ông cũng nhận ra rằng tất cả họ đều rất giàu có. Cha mẹ tôi quyết định cũng dùng những đồng tiền dành dụm ít ỏi của mình để mua một lô đất rộng hơn 3.000 mét vuông cách thành phố họ sống khoảng 30 km. Khu đất lúc đó trị giá

60.000 đô-la. 10 năm sau, một công ty phát triển bất động sản quyết định sẽ xây dựng trung tâm thương mại lớn trên khu đất đó. Cha mẹ tôi đã bán mảnh đất và thu về 600.000 đô-la. Trừ đi số tiền ban đầu, họ có khoản lợi tức trung bình là 54.000 đô-la mỗi năm từ vụ đầu tư này, trong khi mỗi năm, cha tôi chỉ kiếm được khoảng 15.000 đô-la đến

20.000 đô-la từ công việc làm đồ mộc của ông. Giờ cha mẹ tôi đã nghỉ hưu và sống rất thoải mái, nhưng tôi bảo đảm rằng nếu không có vụ mua bán bất động sản này, thì đến tận hôm nay họ vẫn sẽ sống rất đạm bạc. Thật may mắn là cha tôi đã nhận ra sức mạnh của việc đầu tư, nhất là đầu tư vào bất động sản. Bây giờ bạn đã biết tại sao tôi tích cóp đất đai.

Người nghèo nhìn đồng đô-la và chỉ “thấy” một đô-la – thứ có thể dùng để trao đổi lấy một thứ gì đó họ muốn trong thời điểm hiện tại. Người giàu xem một đồng đô-la như một loại hạt giống có thể gieo trồng để thu hoạch

hàng trăm đô-la khác, rồi chúng có thể được gieo trồng tiếp nhằm cho thu hoạch hàng nghìn đô-la khác nữa. Bạn hãy suy nghĩ về điều đó. Mỗi đô-la bạn chi tiêu hôm nay có thể sẽ làm tiêu tan của bạn hàng trăm đô-la ngày mai. Với cá nhân tôi, mỗi đô-la đều là một người “chiến sĩ đầu tư” với sứ mệnh đem lại “tự do tài chính” cho chủ nhân của chúng là tôi. Khỏi phải nói, tôi rất cẩn trọng với các “chiến sĩ tự do” của mình và không bao giờ cho phép mình sử dụng chúng một cách tùy tiện, dễ dãi.

Quy Tắc Thịnh Vượng số 34:

Người giàu coi mỗi đô-la như một “hạt giống” có thể gieo trồng để thu hoạch hàng trăm đô-la khác, rồi chúng có thể được gieo trồng tiếp nhằm cho thu hoạch hàng nghìn đô-la khác nữa.

Bí quyết ở đây là bạn phải có kiến thức về lĩnh vực đầu tư. Hãy làm quen với hàng loạt công cụ đầu tư và công cụ tài chính khác nhau như bất động sản, thế chấp, chứng khoán, trái phiếu, quỹ đầu tư, tỷ giá tiền tệ… cùng hàng loạt khái niệm khác. Sau đó, hãy chọn một lĩnh vực và tìm hiểu thật kỹ lưỡng để nắm vững mọi chi tiết như một chuyên gia thực thụ. Hãy bắt đầu từ lĩnh vực đó và rồi từng bước mở rộng ra các lĩnh vực khác.

Tóm lại, người nghèo làm việc chăm chỉ và nhanh chóng chi tiêu hết tất cả số tiền họ kiếm được, và kết quả

là họ cứ phải làm việc cật lực suốt cuộc đời. Người giàu làm việc chăm chỉ, chi tiêu tiết kiệm, và đầu tư tiền bạc của họ để họ không bao giờ phải làm việc vất vả nữa.

TUYÊN BỐ: Bạn hãy đặt tay lên ngực và nói…

“Tiền của tôi làm việc để phục vụ tôi và mang đến cho tôi nhiều tiền hơn.”

Rồi bạn đặt tay lên trán bạn và nói…

“Tôi có Tư Duy Triệu Phú!”

NHỮNG HÀNH ĐỘNG CỦA TƯ DUY TRIỆU PHÚ

1. Hãy tìm hiểu về hoạt động đầu tư bằng cách tham gia các khóa học về đầu tư, mỗi tháng đọc ít nhất một cuốn sách về đầu tư và các tạp chí về đầu tư, tài chính. Tôi không đề nghị bạn răm rắp tuân theo những lời khuyên của họ, mà tôi khuyến cáo bạn làm quen với các phương án tài chính khác nhau. Sau đó, hãy chọn một lĩnh vực để nghiên cứu thật kỹ càng và bắt đầu đầu tư trong lĩnh vực đó.

2. Hãy chuyển mối quan tâm của bạn từ các thu nhập “chủ động” sang thu nhập “thụ động”. Tìm kiếm và đề ra ít nhất ba chiến lược nhằm tạo ra nguồn thu mà không cần bạn làm việc, trong cả lĩnh vực đầu tư lẫn kinh doanh. Lập tức nghiên cứu và thực hiện những chiến lược đó.

3. Đừng chờ đợi để mua bất động sản. Hãy mua bất động sản rồi chờ đợi.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Nhấn vào giữa màn hình để hiển thị Tùy chọn đọc.
Theo dõi Đọc Sách Hay trên Facebook, mỗi ngày chúng tôi cập nhật những cuốn sách, truyện hay nhất!
Bí mật tư duy triệu phú Tư Duy Triệu Phú Số 15

Có thể bạn thích