7 Loại Hình Thông Minh
Chương 4. Trí Thông Minh Âm Nhạc

Phát triển năng khiếu âm nhạc của bạn

Những câu chuyện vụ án cùng những điều bí ẩn đầy phức tạp là yêu tố cơ bản để làm nên nhân vật thám tử Sherlock Holmes huyền thoại và nổi tiếng của nhà văn Arthur Conan Doyle. Và thậm chí đôi khi thám tử Holmes còn gặp phải những tình huống rất khó giải quyết, đòi hỏi phải có những nỗ lực đặc biệt. Những lúc đó, ông thường lấy chiếc violon ra và chơi nhạc. Âm nhạc dường như mở ra mọi cánh cửa cho việc điều tra, cho phép ông giải quyết được vấn đề phức tạp trước đó còn là một mớ hỗn độn. Các tác phẩm trinh thám hư cấu có thể cho chúng ta biết nhiều đầu mối quan trọng trong việc sử dụng âm nhạc để tư duy hiệu quả. Người ta thường nói âm nhạc có sức hấp dẫn, làm dịu đi tâm trạng căng thẳng, cũng thật chính xác khi nói âm nhạc có thể điều chỉnh tư tưởng.

Vai trò của âm nhạc trong quá trình suy nghĩ hàng ngày trở nên sáng tỏ với tôi vào một hôm, khi có người thợ mộc đến lắp ống khói trên trần phòng ăn của gia đình. Anh đi vào phòng, xác định vị trí lắp đặt và miệng anh bắt đầu phát ra những âm thanh khe khẽ, có nhịp điệu "Uh - huh - uh - huh - uh - huh". Anh hát ngâm nga trong khi đang xem xét và suy nghĩ một cách thận trọng về công việc. Dường như anh đang nghĩ xem cái lỗ sẽ rộng bao nhiêu và quan sát xem dụng cụ nào cần dùng cho công việc. Sau đó anh giơ tay lên về phía trần nhà giống như một người chỉ huy bản nhạc giao hưởng và gõ những âm thanh lách cách vui nhộn, như thể anh nhấn mạnh lại những ý tưởng chuyên môn đã được suy nghĩ chắc chắn và sẽ được tiến hành. Cuối cùng có thể thực sự nói rằng toàn bộ công việc đã được giải quyết xong ở trong tư duy, suy nghĩ của anh. Anh kết thúc công việc khi đang lẩm nhẩm một bài hát nổi tiếng có giai điệu vui tươi. Sau đó tôi phát hiện ra anh đã từng là nhà sáng tác nhạc jazz trước khi trở thành thợ mộc tự do. Nhưng dù đã để lại chiếc kèn saxophone ở phía sau, anh tiếp tục sử dụng hiểu biết về âm nhạc trong công việc mới của mình.

Bạn không cần phải là một nhà soạn nhạc chuyên nghiệp để nghĩ về âm nhạc. Hầu hết chúng ta đều sử dụng tư duy âm nhạc trong mọi ứng xử và công việc trong cuộc sống hàng ngày. Chúng ta bị âm nhạc bao quanh từ tối tới sáng. Chúng ta thức dậy bằng đồng hồ báo thức âm nhạc, nghe các bài hát trên đài khi đi làm, làm việc trong các tòa nhà có phát các bản nhạc nhẹ và sau một ngày làm việc, chúng ta thư giãn ở nhà bằng cách nghe đĩa CD và chương trình MTV. Các nghi lễ quan trọng nhất trong đời sống của chúng ta như đám cưới và lễ tang luôn được tổ chức với sự có mặt của âm nhạc. Chúng ta tập chơi nhạc, sùng bái âm nhạc và mua sản phẩm âm nhạc để thưởng thức. Nền giáo dục âm nhạc không chính thống này không chỉ giúp chúng ta trong tư duy mà còn ảnh hưởng mạnh mẽ đến cách suy nghĩ của chúng ta. Chương này sẽ giúp bạn tìm hiểu sự ảnh hưởng của âm nhạc đến các thành phần tạo nên tư duy của bạn, như: trí nhớ, sự tưởng tượng và tính sáng tạo.

Họ đang trình diễn bài hát của chúng ta

Quảng cáo đã được biết đến từ nhiều năm qua, song các nhà tâm lý học có kinh nghiệm vừa mới bước đầu đánh giá được một điều quan trọng: lồng một khẩu hiệu hoặc một cụm từ ngữ vào âm nhạc làm cho nó khó bị quên. Nếu bạn đang ở vào khoảng những năm 1950, bạn sẽ có thể tìm ngay ra từ bị thiếu trong thành ngữ âm nhạc sau: "Hãy nhìn nước Mỹ trong của bạn". Những độc giả trẻ tuổi có thể làm điều này tốt hơn với một đoạn thơ vần, lưu hành trong khoảng thời gian gần đây hơn: "Ớ, chúng tôi làm tất cả là vì bạn". Cả hai đoạn thông điệp bằng âm nhạc này đều không còn được phát trên sóng phát thanh trong mấy năm vừa qua, nhưng dường như trong đầu bạn vẫn có thể nảy ra ngay những từ bị thiếu trong các câu trên, còn nhanh hơn nhiều so với việc bạn nhớ xem bữa tối qua mình ăn gì. Ở một nơi nào đó trong bộ não của chúng ta, có hàng nghìn đoạn âm nhạc như thế luôn trôi nổi giống như những mảnh vỡ trôi dạt trên biển, hay như những người lang thang vô định. Mỗi một đoạn nhạc này chỉ chờ một tín hiệu là được kích hoạt.

Bài tập sau đây sẽ giúp bạn nhận biết xem thực sự bạn có bao nhiêu đoạn nhạc được lưu giữ và đang trôi trong ký ức của bạn.

Lớp học bằng âm nhạc

Hãy làm bài tập này cùng một hoặc hai người bạn. Hãy hát các đoạn nhạc quảng cáo mà gần đây bạn đã được nghe qua đài hoặc ti vi. Nếu cần, bạn hãy dành thời gian để nghe thực tế một vài lần trước khi bắt đầu làm bài tập. Hãy viết ra các đoạn nhạc và tốt hơn là hãy hát chúng và ghi âm. Nếu bạn từng làm quảng cáo, thì lời của các đoạn bài hát có thể còn lóe lên trong tâm trí bạn nhiều hơn nữa. Nếu bạn không thể nhớ được thì hãy nghĩ về một loạt các hạng mục thường được quảng cáo, như ô tô, bánh hamburgers, đồ uống, đồ chơi và quần áo. Từ các đoạn quảng cáo đang lưu hành mà bạn nhớ được, bạn tiếp tục mở rộng trí nhớ đến các đoạn thơ quảng cáo có cùng chủ đề không còn được phát sóng trong nhiều tháng hoặc nhiều năm gần đây. Bạn cố nghĩ ra càng nhiều các bản nhạc khác nhau càng tốt. Bạn cũng có thể tiến hành các bước tương tự như trên đối với danh sách đứng đầu bốn mươi bài hát hoặc bộ phim trong vòng hai mươi lăm năm qua và các chủ đề khác trên ti vi.

Quảng cáo đã làm được việc tuyệt vời là lấp đầy tâm trí của chúng ta bằng những thông tin không có ích. Tuy nhiên, bạn có thể sử dụng các trò tương tự để hệ thống lại tư duy của mình và chỉ đưa vào đó những kiến thức được bạn lựa chọn. Trước khi phát minh ra ngôn ngữ viết, các cộng đồng xã hội đã phải nghĩ ra cách lưu truyền kiến thức từ thế hệ này sang thế hệ khác. Thông thường, việc truyền lại những tài liệu quan trọng cho sự duy trì bộ tộc là cả một vấn đề khó khăn. Những người nhiều tuổi hơn cần phải nói với các thành viên trẻ tuổi về nền văn hóa, về phả hệ của họ, về lịch sử, về dữ liệu hàng hải hoặc những loài thực vật có độc và loài nào có thể ăn được, những kiến thức này được truyền lại sau khi những thế hệ lớn tuổi qua đời. Âm nhạc là một phương pháp tốt để họ chuyển tải những thông tin này tới thế hệ con cháu. Thông tin được chia ra thành những đoạn nhỏ và đưa vào những bài hát, bài thánh ca hoặc làm thành các đoạn nhạc ngắn. Ngày nay, những nền văn hóa cổ vẫn sử dụng phương pháp truyền đạt kiến thức bằng cách này. Thí dụ trường hợp một người Iatmul có học hành ở New Guinea biết được khoảng từ 10 nghìn đến 20 nghìn tên của thị tộc mà không cần các tài liệu ghi chép. Một phần bí mật của thành công này là vì anh ta có thể hát đều đều những cái tên theo một nhịp điệu nhún nhảy nào đó.

Bài tập tiếp theo sẽ chỉ cho bạn cách sử dụng nhịp điệu và âm nhạc để nhớ được một bài hát khó có chứa đựng thông tin.

Danh sách mua sắm bằng âm nhạc

Chọn một danh sách ngắn về các mục mà bạn muốn ghi nhớ, chẳng hạn như danh sách các thứ cần mua sắm, những điều cần làm trong ngày, lịch trình các công việc nhà cần làm, những thứ cần nhớ. Hãy viết các đề mục lên một tờ giấy và bắt đầu đọc một cách chầm chậm. Sau đó tăng dần tốc độ đọc lên và cố gắng tìm ra nhịp trong mỗi lần đọc (Mar-tha, Bet-ty, Pe-te, John). Tiếp tục giữ nhịp điệu đọc cho tới khi bạn không cần giấy nữa.

Trong suốt thời Trung cổ, các tu viện đã sử dụng âm nhạc để giúp các thầy tu học thuộc lòng Kinh Thánh. Theo cách tương tự, gần đây các nhà sư phạm sử dụng âm nhạc cổ điển để kích thích trí tuệ, giúp hấp thụ tri thức dễ dàng hơn. Một phương pháp khác dựa trên công trình nghiên cứu của chuyên gia tâm thần học người Bungari, Georgi Lozanov, liên quan đến việc nghe một bản nhạc với nhịp điệu phù hợp (nhịp 4/4 được coi là tối ưu) trong khi nhắc lại tài liệu cần học theo nhịp nhạc. Một cách khác nữa, người học nhắm mắt và tập trung lắng nghe người khác nhắc lại những thông tin cần học một cách có nhịp điệu, phù hợp với những bản nhạc. Một nghiên cứu được Quân đội Mỹ thực hiện và đã được Viện Khoa học Quốc gia Mỹ kiểm định, cho rằng việc sử dụng nhạc nền hứa hẹn là một công cụ học tập hiệu quả khi được sử dụng kết hợp với những phương pháp học tập thông thường. Một cuộc nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng phương pháp học bằng nhạc này có thể rất hiệu quả cho việc ôn luyện ngoại ngữ, nắm vững các thuật toán, các khái niệm khoa học và các thông tin trừu tượng khác. Bài tập dưới đây minh họa cách sử dụng phương pháp cho phù hợp với nhu cầu của mỗi người.

Khóa học bằng siêu âm nhọc

Bạn chọn một đoạn nhạc của Mozart, Beethoven, Bach, Vivaldi, Pachelbel, Handel hoặc Haydn có tiết tấu tương đối phù hợp. Sau đó bạn hãy lựa chọn loại tài liệu, ví dụ như tài liệu về các công thức toán, các sự kiện lịch sử, từ vựng ngoại ngữ, các đoạn văn hoặc các khái niệm khoa học. Hãy đọc to tài liệu một cách rõ ràng, theo nhịp điệu của bản nhạc đã được ghi sẵn. Sau đó nhờ một người bạn đọc lại tài liệu cho bạn nghe, trong khi bạn ngồi hoặc nằm ở tư thế thoải mái và mắt nhắm lại trong trạng thái nghỉ ngơi. Bạn và người bạn càng tập trung chú ý và có nhiều cảm hứng trong quá trình đọc bao nhiêu thì bài tập càng hiệu quả bấy nhiêu. Người đọc cần thay đổi ngữ điệu đọc, đầu tiên đọc to, sau đó nhẹ nhàng, rồi tăng tốc độ lên vừa phải và lặp lại chuỗi trình tự này cho đến khi bản nhạc kết thúc.

Khả năng hình dung âm thanh

Khi Wolfgang Amadeus Mozart còn là một cậu bé, ông đã đi thăm nhà thờ Sistine ở Rome và bị mê hoặc trước một bản nhạc được nghe ở đó. Thật không may, Tòa thánh Vatican đã ra sắc lệnh quy định rằng tác phẩm âm nhạc này, tác phẩm Miserere của Gregorio Allegri, chỉ được biểu diễn ở bên trong nhà thờ Sistine và không được sao chép dưới bất cứ hình thức nào. Mozart đã phản ứng lại quyết định đó theo một cách rất riêng. Ông đã tới dự buổi trình diễn bản nhạc này thêm một lần nữa, sau đó quay về nhà và sao chép lại toàn bộ bản nhạc từ trí nhớ. Mozart có thể thực hiện được kỳ công này là vì ông có khả năng tái tạo lại trong trí nhớ âm thanh của mình một bản sao hoàn hảo tác phẩm thần thánh của Allegri. Khả năng của ông tương tự như kỹ năng hình dung ra hình ảnh trực quan của các họa sỹ tài năng. Sau này ông đã nói rằng khi soạn nhạc, ông có thể cùng lúc nghe thấy tất cả các nốt nhạc trong tác phẩm của mình. Các nhà soạn nhạc khác cũng có trí tưởng tượng về thính giác tương tự như vậy. Schumann có thể vừa nghe nhạc piano, vừa nhẩm các thanh điệu của những dụng cụ khác như toàn bộ dàn nhạc đang chơi. Khi Tchaikovsky viết một bản giao hưởng, ông có thể hình dung ra âm thanh của nó sẽ được trình diễn như thế nào trong buổi hòa nhạc ở đại sảnh Moscow.

Khả năng nghe thấy các nốt nhạc trong đầu là một dấu hiệu quan trọng cho thấy một người có năng khiếu về âm nhạc. Một trong số rất ít những nghiên cứu khoa học về hình ảnh thính giác cho biết hơn 50% các nhà soạn nhạc chuyên nghiệp được khảo sát cho rằng họ nghe nhẩm trong đầu bài hát America chơi bằng đàn piano rõ như thể nó đang thực sự được chơi. Dưới 5% các nhà tâm lý học được phỏng vấn có thể nói cùng một ý kiến như vậy.

Một nhà tâm lý học đã viết: "Tôi đã cảm nhận được những hình tượng âm nhạc rất riêng biệt và rõ ràng như thể chính mình đang hát bài America, nhưng không có cách nào để tôi thể hiện được hình tượng đó ra giống như nó đã được chơi trên đàn piano." Mặc dù vậy, khả năng này có thể được rèn luyện và trau dồi. Paul R. Fansworth, nguyên Giáo sư Tâm lý học của trường Standford, nhận xét: "Chúng ta biết rằng những hình ảnh eidetic (nhớ và hình dung lại rõ nét) về thính giác ở trẻ em nói chung là khác xa và tốt hơn nhiều so với ở người đã trưởng thành. Rất nhiều người trưởng thành đã mất đi khả năng nhớ hình ảnh eidetic thính giác của họ do việc thiếu sự rèn luyện".

Bài tập sau đây sẽ cho bạn một cơ hội thuận lợi để lấy lại những khả năng đã bị mất này bằng cách gợi lại một số "khoảnh khắc âm nhạc" từ "ngân hàng âm thanh" nằm sâu bên trong con người bạn.

Ký ức ghi nhớ về những bản nhạc

Hãy ngồi thoải mái vào một chiếc ghế và nhắm mắt lại, thở đều và sâu trong khoảng một đến hai phút. Loại bỏ những cảm giác và suy nghĩ tản mạn vào lúc này. Tạo ra những hình tượng âm thanh dưới đây trong tâm trí (nếu có thể, bạn nên nhờ một người bạn đọc giúp lần lượt từng điều một):

Tiếng mưa rơi trên mái nhà.

Một bản nhạc hiệu của chương trình ti vi mà bạn yêu thích.

Một đoạn nhạc cổ điển bất kỳ.

Âm thanh từ giọng hát của chính bạn.

Một vài âm thanh của tiếng đàn.

Âm thanh của tiếng dế kêu.

Một nhóm người cùng đồng ca bài hát Chúc mừng sinh nhật.

Âm thanh của chuông gió.

Một bài hát nào đó bạn rất thích thuở nhỏ.

Một bài hát nổi tiếng gần đây bạn được nghe trên sóng phát thanh.

Một giai điệu do chính bạn sáng tác.

Bài Twinkle Twinkle Little Star (Lấp lánh, lấp lánh, ngôi sao nhỏ) được chơi bằng đàn violin.

Bạn hãy phân biệt từng hình tượng âm thanh theo thang đo mức độ từ 0 đến 6 (0 = không có hình tượng âm thanh; 1= hình tượng âm thanh rất mờ nhạt; 2 = hình tượng âm thanh mờ nhạt; 3 = hình tượng hơi rõ nét; 4 = hình tượng âm thanh rõ nét; 5 = hình tượng âm thanh rất rõ nét; 6 = hình tượng âm thanh rõ nét như được nghe trực tiếp), chú ý tới những hình tượng âm thanh rõ nét nhất và nên lặp lại quá trình nghe bằng tâm trí để hỗ trợ phát triển kỹ năng này. Hãy tự tạo thêm cho mình những đoạn nhạc yêu thích khác chưa được đề cập đến ở trên.

Bạn có thể nuôi dưỡng những hình tượng âm nhạc của mình đến mức độ bạn cảm thấy như mình đang sở hữu một máy nghe nhạc Walkman ở ngay trong nội tâm. Hãy tập luyện cách suy nghĩ này ở mọi lúc, mọi nơi mà bạn có thể, chẳng hạn vào lúc bạn đang bị kẹt trong khi xếp hàng tại một cửa hàng tạp hóa, hay trên một ghế đợi tại bên xe buýt hoặc tại ga tàu, hoặc đơn giản là khi bạn muốn thư giãn mà không có gì để nghe. Đến lúc này bạn đã sở hữu một máy nghe nhạc cầm tay của chính mình, nó được nối tới bộ não âm nhạc của bạn, nơi có hàng ngàn bản nhạc luôn sẵn sàng cho sự lựa chọn của bạn. Giờ đây, giới hạn duy nhất chỉ còn là sức tưởng tượng âm nhạc của bạn.

Einstein với nhịp điệu

Một nhà thơ Mỹ ở thế kỷ XX là Hart Crane đôi khi dành hàng tháng hay thậm chí hàng năm để xem xét cách thực hiện các ý tưởng cho một công việc mới, trước khi ngồi lại để sắp xếp và lắp ghép tất cả các ý tưởng đó lại với nhau. Những lần như vậy âm nhạc thường đóng một vai trò quan trọng trong quá trình sáng tạo của ông. Ông nghe một bản rumba của Cuba, một bản tình ca hoặc có thể là một đĩa nhạc Ravel's Bolero và bắt đầu đánh máy một cách miệt mài, ông chỉ dừng lại khi cần chuyển đĩa nhạc. Sau đó, ông nhanh chóng chuyển những sảng khoái âm nhạc này thành một bài thơ mới. Âm nhạc là nền tảng trong các hoạt động sáng tạo của ông để tạo ra một tác phẩm hoàn thiện. Những cá nhân kiệt xuất khác cũng sử dụng âm nhạc theo kiểu tương tự như vậy nhằm kích thích tài năng của họ. Trong quá trình phát triển bom nguyên tử, nhà vật lý hạt nhân Edward Teller đã làm cho các đồng nghiệp tại Phòng thí nghiệm Los Alamos tỉnh táo vào ban đêm bằng cách chơi những bản nhạc của Beethoven bằng cây đàn piano đặt trong phòng điều hành của ông. Albert Einstein thường chơi violon, còn Albert Schweitzer chơi organ, và cùng với điều đó, âm nhạc đã nuôi dưỡng niềm đam mê khoa học và chủ nghĩa nhân văn trong tâm hồn họ.

Vai trò của âm nhạc trong việc kích thích tiềm thức sáng tạo đã được nhiều công trình nghiên cứu khoa học chứng minh. Trong một thí nghiệm, những người đã trưởng thành giành được điểm cao hơn khi làm bài kiểm tra về khả năng sáng tạo hình ảnh nếu họ được đặt vào một không gian có âm nhạc. Trong hai nhóm đối tượng nghiên cứu khác, những người được cho nghe những bài hát đã kể những câu chuyện thú vị hơn và viết được những tác phẩm có tính sáng tạo hơn những người làm việc trong im lặng. Điều này chỉ ra rằng âm nhạc sở hữu một thuộc tính rất độc đáo là giúp mở ra những tư duy mới và giải tỏa sự ức chế. Những nền văn hóa cổ đại cũng nhận ra sức mạnh của âm nhạc và đã sử dụng tiếng trống, bài hát và lời ca trong các nghi lễ để đưa những thành viên của bộ tộc sang trạng thái bị thôi miên, làm thay đổi cơ bản quá trình suy nghĩ của họ. Những bài tập sau đây sẽ giúp bạn, thông qua âm nhạc đến với những luồng tư duy mới, để giải quyết những vấn đề khó khăn, tăng cường sự nhận thức trong quá trình sáng tạo của bản thân và dự đoán những khả năng mới có thể xảy ra trong cuộc sống của bạn.

"Chiếc lò ấp" bằng âm nhạc

Trước khi bắt đầu bài tập này, bạn hãy lựa chọn một hoặc nhiều đoạn âm nhạc có thể giúp đánh thức tiềm năng sáng tạo ở trong bạn. Nên lựa chọn những bản nhạc giúp bạn tìm lại được nguồn cảm hứng hoặc những trạng thái thăng hoa đã có trong quá khứ. Chuẩn bị kỹ lưỡng với các đoạn nhạc sao cho bạn có thể dễ dàng thể hiện được nhịp điệu của chúng bằng cách sử dụng chiếc que để gõ nhịp. Sau đó, hãy viết vào tờ giấy một câu hỏi mà bạn muốn tìm câu trả lời. Đó có thể là một vấn đề đã làm bạn bối rối tại cơ quan, một tình huống cần được làm sáng tỏ trong cuộc sống cá nhân của bạn hoặc một số câu hỏi quan trọng khác mà bạn đã cố gắng trả lời theo nhiều phương án khác nhau. Dành ít nhất nửa tiếng đồng hồ để viết ra những giải pháp tìm được, những chướng ngại cản trở tư duy hay bất kỳ một sự liên tưởng nào đó chợt nảy ra trong đầu. Sau đó hãy cất giấy bút đi, rồi ngồi hoặc nằm thoải mái, thở sâu và đều trong một hoặc hai phút. Cuối cùng, bật đài đĩa (hoặc nhờ một người bạn bật hộ) và lắng nghe một bản nhạc. Tránh tập trung vào các câu hỏi trong lúc này, thay vào đó hãy để tâm trí của bạn đung đưa theo từng điệu nhạc. Hãy để ý tới bất kỳ một ý tưởng, một hình ảnh hoặc một sự liên tưởng nào chợt xuất hiện. Sau khi thực hiện bài tập, ghi lại những kinh nghiệm này và tìm kiếm trong đó những thông tin giúp trả lời câu hỏi của bạn,

Âm nhạc có thể đóng vai trò như một chất kích thích mỗi khi bạn cần nâng cao sức sáng tạo của mình trong cuộc sống. Nếu bạn cần học một khối kiến thức hoặc chính bạn cảm thấy bị căng thẳng trong công việc, hãy coi âm nhạc như một cách loại bỏ bế tắc. Âm nhạc hoạt động như một sự cân bằng giữa các công việc cần đến tư duy ngôn ngữ và tư duy logic mà chúng ta thực hiện trong suốt cả ngày. Nó tạo ra một sự chuyển dịch mới mẻ giữa các lĩnh vực khác nhau và cho chúng ta một con đường đến với những triển vọng mới trong cuộc sống.

Khi bạn quan tâm đặc biệt tới âm nhạc, vô tình bạn đã khuấy lên những nhận thức từ đáy sâu tâm hồn mình. Tiếng huýt sáo một giai điệu có ý nghĩa đặc biệt có thể chợt vang lên trong tâm trí bạn một cách hoàn toàn vô thức. Gần đây, khi đang lững thững trên đường phố với một tâm trạng buồn nản, tôi chợt phát hiện mình đang ngâm nga lời bài hát của Billy Joe, I love you just the way you are (Tôi yêu vì em chính là em). Đoạn nhạc cho tôi biết rằng, một phần sâu trong tâm hồn tôi không bị cảm giác chán chường xâm chiếm. Cái phần âm nhạc trong tiềm thức của tôi như một tiếng lòng, đã tự đảm bảo rằng tâm trạng của tôi vẫn còn tốt lắm. Một lúc nào đó, khi một bài hát xuất hiện trong đầu bạn (thậm chí trong giấc mơ), bạn hãy kiểm tra chủ đề, tên, lời và ý nghĩa âm nhạc của bài hát để liên hệ và tìm manh mối xác định tình trạng của mình trong cuộc sống hiện tại.

Người ta đã cười giễu khi tôi học đánh đàn piano

Khi lên tám tuổi, tôi đã thực sự nghĩ mình sẽ là một Chopin thứ hai. Bởi vì từ lúc sáu tuổi, tôi đã tỏ ra rất thích thú khi chơi một cây đàn piano cũ tại nhà ông bà tôi. Tôi thích trèo lên chiếc ghế gỗ dài của cây đàn, gõ nhịp những âm thanh mà tôi đã nghe và tự tạo ra một số đoạn nhạc nhỏ của riêng mình. Sau đó bố tôi đã gửi tôi và các chị em gái cho một giáo viên dạy nhạc, ông còn mua về nhà nhiều dụng cụ âm nhạc như cây đàn piano hiệu Steinway, đàn hạc, đàn clavi cỡ nhỏ, đàn piano loại nhỏ hay đàn organ. Sau sáu năm luyện tập, tôi ngừng học chơi nhạc và giờ đây, khi đã trưởng thành, rất hiếm khi tôi ngồi vào cây đàn piano để sáng tác, dù chỉ một nốt nhạc.

Dù tôi đã được tiếp cận với một số nhạc cụ âm nhạc ít phổ biến từ khi còn bé, song câu chuyện của tôi không khác mấy so với những câu chuyện học nhạc của rất nhiều người Mỹ khác. Nhiều người trong chúng tôi đã tham gia vào các khóa học nhạc với tất cả niềm đam mê và lòng nhiệt thành nhưng khi trưởng thành vẫn không đạt được ước vọng trở thành một nhạc công thực thụ. Một vài người trong số chúng tôi vẫn còn băn khoăn: bây giờ có quá muộn để học chơi một loại nhạc cụ nào đó không? Câu trả lời tất nhiên là không. Nhà giáo dục John Holt đã nhấn mạnh một điều trong cuốn sách của ông Never Too Late: My Musical Life Story (Không bao giờ là quá muộn: Câu chuyện về cuộc đời âm nhạc của tôi), đó là: việc học tập, kể cả học âm nhạc hay học các lĩnh vực khác, là một quá trình gian khó kéo dài suốt cả cuộc đời. Trong cuốn sách, ông đã chia sẻ những thăng trầm trong cuộc đời âm nhạc của ông, những khó khăn bỡ ngỡ ban đầu khi ông cầm đến cây đàn cello ở tuổi mười lăm, nhưng sự luyện tập cao độ, hết sức kiên trì và bền bỉ đã giúp ông có đủ trình độ để chơi cùng với dàn nhạc hoặc trong các nhóm nhạc. Holt nhấn mạnh: "Các nhà sư phạm nói rằng nếu chúng ta không học chơi nhạc từ khi còn nhỏ thì chúng ta sẽ rất khó học được khi đã trưởng thành. Song không phải như vậy. Tất nhiên sẽ rất tốt nếu chúng ta đến với âm nhạc một cách thoải mái và hứng thú khi còn trẻ, còn nếu không sau đó chúng ta có thể gặp khó khăn hơn, nhưng học âm nhạc không bao giờ là quá muộn".

Có thể bạn thích chơi được một nhạc cụ nào đó nhưng bạn không có sự cảm thụ âm nhạc. Có lẽ bạn đã bị tổn thương do những lời nhạo báng của một giáo viên dạy nhạc, của những ông bố hay bà mẹ vô tâm khi bạn còn là một đứa trẻ. Họ đã chế giễu và làm bạn xấu hổ, rằng bạn hát hoặc chơi nhạc cụ quá thô thiển hoặc tẻ nhạt. Theo ông Frank Wilson, trợ lý cho Văn phòng chuyên gia thần kinh học tại San Francisco thuộc Trung tâm Y tế trường Đại học California: "Đối với phần lớn trẻ em, mù tịt về âm nhạc là nguyên nhân cơ bản làm mọi người đinh ninh rằng, âm nhạc không dành cho mình trong suốt cuộc đời họ". Ông tuyên bố: "Tôi chắc chắn một điều rằng tất cả chúng ta đều có thể phát triển khả năng âm nhạc. Điều này đúng cho mọi lứa tuổi, mọi sự hiểu biết nền tảng về âm nhạc, không phân biệt sự khác nhau của kích thước cũng như hình dáng của các ngón tay, miệng, đôi tai... Tất cả chúng ta đều có âm nhạc ở trong chính bản thân mình và chúng ta có thể học để thể hiện được chúng bằng cách này hay cách khác."

Lý do khiến rất nhiều người thất bại trong nỗ lực học để làm chủ được một nhạc cụ nào đó khi còn trẻ và sau đó lại tiếp tục thất bại trong những cố gắng vô vọng ở tuổi trưởng thành, theo Wilson, là có quá nhiều cảm xúc và áp lực ở một người chuẩn bị biểu diễn trước khán giả. Trong khi đó, bản thân mục đích và lợi ích của âm nhạc lại không phải là như vậy, nó đơn giản chỉ để vui chơi và là một hình thức giải trí. Ông đưa ra những lời khuyên sau đây cho những người bắt đầu học nhạc muộn:

- Hãy quyết định loại nhạc cụ bạn muốn chơi và thể loại nhạc bạn muốn trình diễn.

- Hãy hỏi nhiều giáo viên dạy nhạc trước khi lựa chọn một giáo viên cho mình.

- Liên hệ với các học trò của giáo viên đó để có thể học hỏi kinh nghiệm của họ trong việc học tập với giáo viên này.

- Hãy chọn giáo viên có nhiều kỹ năng trong âm nhạc, đồng thời có triết lý sống phù hợp với bạn và các sở thích của bạn.

- Hãy học thử vài bài học cơ bản đầu tiên với giáo viên của mình, sau khoảng năm đến mười buổi, bạn nên ngồi lại với giáo viên và đánh giá những kết quả, kinh nghiệm mà bạn đã đạt được.

- Đảm bảo bạn và giáo viên của bạn có mối quan hệ hợp tác tốt đẹp, đừng ngại ngùng khi phải đặt câu hỏi với giáo viên, đừng che giấu những vướng mắc mà bạn có thể gặp phải trong quá trình học tập.

Khả năng cảm thụ âm nhạc của khán giả

Âm nhạc không phải là lãnh thổ của riêng một nhóm người hoạt động trong lĩnh vực này mà dành cho tất cả mọi người. Bằng chứng cho thấy điều này nằm ở nhiều nền văn hóa trên thế giới, nơi phần lớn công dân được rèn luyện để trở thành những người am hiểu âm nhạc. Ở Hungary, noi gương người đi tiên phong trong lĩnh vực âm nhạc những năm đầu thế kỷ XX là nhà soạn nhạc Zoltan Kodaly, hầu hết trẻ em đều được cho học nhạc hàng ngày ở trường. Trong khu vực Dagombas ở phía Bắc Ghana, người ta nói trẻ em ở đây bị lôi cuốn vào các hoạt động âm nhạc cũng giống như trẻ em Mỹ bị các chương trình vô tuyến truyền hình hấp dẫn. Thậm chí ở đất nước có nền công nghệ phát triển như Nhật Bản, Chương trình giáo dục tài năng Suzuki đã góp phần làm cho nhiều thanh thiếu niên được tiếp cận với cây đàn violon và piano.

Tuy nhiên hãy nhớ rằng, bạn không bắt buộc phải học những bài học âm nhạc tiêu chuẩn để phát triển năng khiếu cảm thụ âm nhạc của bạn. Samuel Taylor Coleridge một lần nữa đã nhấn mạnh: "Tôi không có khả năng cảm thụ âm nhạc, tôi không hát để kiếm sống được, nhưng tôi có niềm yêu thích âm nhạc và có thể phân biệt được những bản nhạc hay và dở". Rất nhiều người bộc lộ khả năng âm nhạc của mình một cách đơn giản thông qua việc biết thưởng thức một đĩa nhạc hoặc một chương trình âm nhạc trực tiếp, hay chỉ là việc lắng nghe những giai điệu tự nhiên xuất hiện trong cuộc sống hàng ngày. George Gershwin đã nói: "Tôi thường xuyên nghe thấy tiếng nhạc trong nhịp đập của trái tim". Nhà soạn nhạc người Mỹ Aron Copland đưa ra ý kiến là có ba mức độ trong việc nghe và cảm thụ âm nhạc:

- Mức độ cảm thụ âm nhạc bằng giác quan: Lắng nghe những âm thanh phát ra một cách thích thú.

- Mức độ có thể biểu đạt được âm nhạc: Chú trọng tới giai điệu và ý nghĩa của từng đoạn nhạc hay bản nhạc. Ví dụ phải phân biệt được một tác phẩm âm nhạc có giai điệu êm đềm, thanh thản với một tác phẩm nhạc sôi nổi, rộn rã. Hoặc người nghe phải hiểu được những lời nhắn nhủ nằm sâu trong bản nhạc mà nhà soạn nhạc gửi gắm vào đó.

- Mức độ cảm nhận âm nhạc thực thụ: Tập trung chú ý vào các thành phần khác nhau trong cấu trúc của bản nhạc như giai điệu, cách hòa âm phối khí, nhịp điệu, âm sắc hay màu sắc của thanh âm, cách sắp xếp trong bản nhạc, đồng thời cũng phải hiểu được thể loại âm nhạc (ví dụ: có thể phân biệt được một bản sonat với một bản nhạc giao hưởng, hoặc phân biệt được một bản rongdo có tiết tấu lặp lại với một bản fuga có đoạn nhạc lặp lại).

Copland đã chỉ ra rằng người thực sự nghe được một bản nhạc phải nghe được đồng thời ở cả ba cấp độ, nhưng để trở thành một người nghe nhạc chuyên nghiệp thì cần phải có "lòng quyết tâm sắt đá và nghe được nhiều loại nhạc hơn nữa so với những bản nhạc mà bạn đã từng nghe". Theo Copland, cần chủ động trong việc thẩm định âm nhạc: "Bạn chỉ có thể hiểu biết về âm nhạc khi nghe một cách có ý thức. Đừng là một người chỉ biết nghe mà phải là người biết nghe vì một điều gì đó". Bằng cách tự khám phá bản thân qua các thể loại nhạc khác nhau, trau dồi khả năng nghe và cảm thụ âm nhạc với óc phê bình và thử nghiệm một số gợi ý được đưa ra trong chương này, bạn có thể học cách làm mềm dẻo cơ thẩm âm mà không cần phải luyện tập hàng ngày một cách đơn điệu. Ngay cả Chopin cũng chưa bao giờ có được điều đó tốt đến như vậy.

25 CÁCH PHÁT TRIỂN TRÍ THÔNG MINH ÂM NHẠC CỦA BẠN

- Hãy hát ngay cả khi bạn đang tắm hoặc đang đi lại.

- Chơi trò Name that Tune (Gọi tên giai điệu) hoặc những trò chơi âm nhạc khác với bạn bè.

- Đến tham dự những buổi hòa nhạc hoặc những buổi biểu diễn ca nhạc.

- Tích cực sưu tầm những bản nhạc yêu thích và nghe chúng hàng ngày.

- Tham gia vào đội hợp xướng của nhà thờ hoặc đội hợp xướng của khu phố.

- Thực hiện những bài học nhạc tiêu chuẩn bằng nhạc cụ nào đó.

- Làm việc với các bác sỹ chuyên chữa bệnh bằng âm nhạc.

- Mỗi tuần dành ra một giờ để lắng nghe những thể loại âm nhạc lạ tai như nhạc jazz, nhạc đồng quê, nhạc cổ điển, dân ca, nhạc quốc tế hoặc các dòng nhạc khác.

- Hình thành thói quen ca hát trong thời gian sinh hoạt gia đình.

- Mua một cây đàn organ điện tử, học những giai điệu và những hợp âm đơn giản.

- Mua những nhạc cụ gõ nhịp tại các cửa hàng đồ chơi và chơi theo nhịp điệu để có một nền tảng âm nhạc ban đầu.

- Tham gia một khóa học thẩm định âm nhạc hoặc lý thuyết nhạc tại một trường đại học nơi bạn sinh sống.

- Đọc các bài phê bình âm nhạc trên các báo, tạp chí và tạp chí chuyên ngành.

- Tình nguyện hát ở nhà dưỡng lão, ở bệnh viện hoặc ở trung tâm chăm sóc sức khỏe thường xuyên.

- Tạo một bối cảnh âm nhạc trong quá trình học tập, làm việc, khi dùng bữa hoặc vào một số khoảng thời gian khác tương đối yên tĩnh trong ngày.

- Có những cuộc thảo luận với bạn bè về đề tài âm nhạc.

- Đọc tiểu sử của những nhà soạn nhạc và ca sỹ nổi tiếng.

- Lắng nghe các giai điệu trữ tình xuất hiện một cách tự nhiên như tiếng chim hót, tiếng ồn ào của máy giặt hoặc những nhịp chân bước.

- Khám phá lại các thể loại âm nhạc mà bạn yêu thích khi bạn còn là một đứa trẻ.

- Sáng tạo ra những giai điệu của riêng bạn.

- Làm những cuốn tự truyện âm nhạc của bạn bằng cách sưu tập những đoạn băng ghi âm các giai điệu từng phổ biến rộng rãi vào các thời kỳ khác nhau trong cuộc đời bạn.

- Lập danh sách tất cả các bản nhạc bạn nghe được trong thời gian một ngày, từ bản nhạc nền nhẹ được phát ở siêu thị cho đến chương trình âm nhạc trên truyền hình hoặc đài phát thanh.

- Mua những thiết bị công nghệ cao (như thiết bị âm nhạc giao tiếp với máy tính MIDI, phần mềm máy tính). Những thứ đó cho phép bạn có thể tự học lý thuyết âm nhạc hoặc có thể chơi các nhạc cụ ngay trên máy tính.

- Thường xuyên ca hát với gia đình hoặc bạn bè từ một đến hai giờ mỗi ngày, trong những buổi gặp mặt, vui chơi.

- Tham gia học các chương trình đặc biệt đào tạo ngắn hạn về âm nhạc của hãng Suzuki, Kodasly, Orff-Schulwerk và các hệ thống của Dalcroze.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Nhấn vào giữa màn hình để hiển thị Tùy chọn đọc.
Theo dõi Đọc Sách Hay trên Facebook, mỗi ngày chúng tôi cập nhật những cuốn sách, truyện hay nhất!
7 Loại Hình Thông Minh Chương 4. Trí Thông Minh Âm Nhạc

Có thể bạn thích