Hiện nay, những người tìm việc đang phải sống trong một bối cảnh bất ổn hơn bao giờ hết. Nói cách khác, nếu bạn muốn được đi làm thì trước tiên bạn sẽ phải nỗ lực rất nhiều để có được việc làm đó đã.

Chỉ vài tháng trước đây thôi, cuộc phỏng vấn việc làm là cơ hội để các ứng viên thể hiện nhu cầu và hướng đến những đề nghị làm việc tốt nhất. Nhưng giờ đây, xu hướng đã thay đổi, gió đã đổi chiều và các ứng viên phải bắt đầu lại từ đầu. Được đào tạo tốt và có chuyên môn thôi vẫn còn chưa đủ. Nếu muốn có một công việc trong môi trường kinh doanh như hiện nay, bạn phải thực sự tỏa sáng trong khi phỏng vấn.

Một trong những cách giúp bạn thực sự tỏa sáng trong khi phỏng vấn là đặt câu hỏi. Đặt câu hỏi là cách tốt nhất để bạn thể hiện hiểu biết của mình về những khó khăn công ty đang gặp phải và chỉ cho họ thấy mối quan tâm thực sự của bạn khi bạn đưa ra đề nghị đảm nhận công việc đó. Cuốn sách này sẽ không chỉ giúp bạn biết được những câu hỏi phỏng vấn mới mà còn cung cấp cho bạn kỹ năng để thể hiện thế mạnh của bản thân và giành được công việc phù hợp với nguyện vọng của mình.

Sau hơn một thập kỷ những người tìm việc nắm thế chủ động, sự sụp đổ của nền kinh tế dot.nets đã dẫn tới kết quả là một môi trường tuyển dụng nhân công chặt chẽ hơn. Những nhà tuyển dụng giờ đây có đủ nguồn lao động để đáp ứng được nhu cầu tuyển chọn khắt khe của mình. Với hàng tá, thậm chí hàng trăm ứng viên cạnh tranh nhau chỉ để có một công việc, những nhà tuyển dụng đang ngày càng nâng cao dần các tiêu chuẩn lựa chọn của họ.

Cạnh tranh để có việc làm chưa bao giờ mạnh mẽ như hiện giờ. Sự đơn giản trong tuyển dụng qua Internet đã giảm triệt để chi phí hồ sơ giấy tờ. Ngày nay, bạn không chỉ cạnh tranh với các ứng viên khác trong cùng một cộng đồng địa phương nhỏ hẹp mà còn cạnh tranh với một số đông những người được đào tạo rất tốt trên toàn thế giới. Cho dù đang phải chìm trong lo lắng và thất vọng thì những người làm công vẫn còn có việc để làm, dầu cho công việc đó có ít cơ hội để thăng tiến đi chăng nữa.

Đối với các doanh nghiệp, lợi ích đạt được từ một quyết định tuyển người đúng đắn sẽ cao hơn bao giờ hết: công việc kinh doanh vận hành nhanh hơn, công ty hoạt động gắn kết hơn. Nhưng chỉ một việc cấp bách không được thực hiện thôi đã có thể khiến cả công ty lao đao trước nguy cơ đi xuống. Thông thường, một quyết định tuyển dụng thiếu hợp lý cũng góp phần mang lại thất bại cho công ty. Chính vì thế, các công ty không có cơ hội thứ hai để chuộc lại lỗi lầm. Tất cả phải được thực hiện chính xác ngay từ những bước chiến lược đầu tiên.

Nâng cao hiệu quả cho ứng viên

Trong cuộc đấu tranh sinh tồn, ngày càng có nhiều công ty ra quyết định nâng cao hiệu quả làm việc cho các ứng viên. Hiện nay, bất cứ công ty nào cũng đều dành một phần tiền thưởng cho năng suất lao động cao của các cá nhân xuất sắc. Họ muốn thuê những người có khả năng làm tăng doanh thu ở mức độ đáng kể cho công ty theo từng ngày. Khi một ứng viên không có khả năng khẳng định giá trị của mình chỉ trong vòng vài phút của cuộc phỏng vấn, thì điều đó đồng nghĩa với việc họ không hy vọng có cơ hội tiến xa hơn nữa.

Ngày nay, chẳng có mấy công ty chủ trương tuyển dụng những nhân sự được đào tạo với năng lực chỉ đủ để giải quyết công việc ở mức độ chấp nhận được. Trên thị trường lao động, những nhà tuyển dụng nhận thức được rằng họ không được phép tiến hành bất cứ công việc nào, ở bất cứ cấp độ nào dưới mức hiệu quả làm việc của các “siêu sao”. Các công ty này luôn tìm kiếm những cá nhân không những liên tục chứng minh được khả năng tạo ra kết quả làm việc nổi bật một cách đều đặn mà còn có khả năng làm việc với cường độ cao trong thời gian dài trên mức tiêu chuẩn. Đó chính là những động lực thúc đẩy có sức mạnh thay đổi, là những người xứng đáng đứng vào hàng ngũ lãnh đạo, giúp công ty vượt qua khó khăn.

Ngày nay, nhà tuyển dụng nào cũng mong muốn ngay lập tức nhìn thấy bằng chứng chứng minh cho định hướng hành động của các ứng viên, cùng với đó là cam kết làm việc lâu dài, có trách nhiệm, sự say mê và ham học hỏi để tiến bộ của họ. Đó là những phẩm chất cần thiết phải có để mỗi người có thể nhận được công việc mình mong muốn. Trong trường hợp bạn là người thụ động, thiếu cam kết, định hướng ngắn hạn và tính cách hướng nội, thờ ơ thì chắc chắn bạn sẽ nằm trong dach sách bị loại ra trước tiên. Năng lực của bạn, được thể hiện qua cách đặt những câu hỏi có ý nghĩa, sẽ chỉ cho nhà tuyển dụng thấy bạn có xứng đáng nằm trong mối quan tâm hàng đầu của họ hay không.

Phải chăng cuộc phỏng vấn nghề nghiệp trong thời đại ngày nay giống như một chướng ngại vật trên một chặng đường đua buộc chúng ta phải vượt qua? Chính xác là như vậy! Bạn sẽ chỉ có vài phút để thể hiện trước nhà tuyển dụng rằng mình là người có năng lực tầm cỡ thế giới.

Các công ty đang không ngừng thắt chặt quá trình tuyển chọn nhân viên để loại ra tất cả những nhân sự nghiệp dư và dối trá. Cuộc phỏng vấn tuyển dụng thường vẫn nhận được sự chú ý và coi trọng quá mức như một công cụ quan trọng để đạt được các mục tiêu của tổ chức. Nếu bạn đang trong quá trình phỏng vấn, bạn nên biết rằng nhà tuyển dụng đang không ngừng vận dụng rất nhiều “kỹ thuật” phỏng vấn và lựa chọn. Bạn có thể nhận thấy những kỹ thuật đó trong tất cả các mặt của quá trình tuyển chọn, từ khi phỏng vấn xin việc, kiểm tra chặt chẽ nguồn gốc xuất thân cho đến những đánh giá y tế. Cuốn sách này sẽ đem đến cho bạn những hiểu biết súc tích nhất về những gì bạn sẽ phải trải qua trong thế giới của những cuộc phỏng vấn.

Rất nhiều người tìm việc nghĩ rằng mục tiêu chính của họ chỉ là đi đến cuộc phỏng vấn. Thật là sai lầm! Thậm chí nếu bạn nghĩ mục tiêu quan trọng nhất của mình là kiếm được một lời đề nghị làm việc thì suy nghĩ đó cũng mới chỉ khá hơn suy nghĩ trên một chút thôi, và nó còn thể hiện bạn là người thiển cận, chỉ nhìn thấy lợi ích tiền bạc trước mắt. Trên thực tế, mục tiêu hàng đầu của một người tìm việc phải là một lời đề nghị cộng tác làm việc thỏa mãn được các đòi hỏi cả về ngắn hạn và dài hạn của chính người đó. Nói cách khác, đó phải là một vị trí phù hợp cho cả nhà tuyển dụng lẫn ứng viên.

Để gặt hái được thành công trong phần này của quá trình tìm việc, ứng viên phải có khả năng phỏng vấn ngược trở lại nhà tuyển dụng. Tại thời điểm này của quá trình, mối quan hệ giữa ứng viên và nhà tuyển dụng nên giữ ở một mức độ thân thiện nào đó. Nếu bạn phải tham gia vòng tuyển chọn cùng một số ứng viên khác, và năng lực của tất cả là tương đương nhau, thì bạn sẽ phải cạnh tranh trên một số vấn đề khác ít khó khăn hơn. Nếu bạn vẫn trong cuộc đua, thì cơ may nhà tuyển dụng muốn thuê bạn ít nhất sẽ tương đương với mong muốn của bạn được làm cho họ. Khi tất cả đã sẵn sàng thì đó cũng là cơ hội để bạn xác định xem liệu đây có phải là công việc tốt nhất cho sự nghiệp của mình không. Bạn phải phỏng vấn ngược lại nhà tuyển dụng, và khi làm việc đó bạn sẽ có thêm một cơ hội để củng cố niềm khát khao của chính mình để trở thành ứng viên tốt nhất. Cuốn sách này sẽ giúp bạn thực hiện được điều đó thông qua các bước triển khai cụ thể.

Để cuốn sách này có ý nghĩa và giá trị thực tế, tôi đã đặt câu hỏi cho hàng trăm nhà tuyển dụng, các chuyên gia hướng nghiệp cũng như rất nhiều giám đốc dịch vụ tuyển dụng nhân sự về các câu hỏi hay nhất và dở nhất mà họ từng được nghe từ ứng viên. Có những câu hỏi thực sự sâu sắc. Một số câu khác chỉ đơn thuần được coi là có hiệu quả, giúp kết thúc cuộc phỏng vấn bằng những nhận xét xác đáng. Cho dù những câu hỏi có đáng nhớ đến đâu, xét cả về mặt hay và dở, thì điều đáng nhớ là biết trước luôn tốt hơn biết sau và đừng bao giờ để mình trở thành người biết sau cùng. Những câu hỏi hay nhất trong số những câu hỏi hay, cùng với lời bình của những nhà tuyển dụng được sắp xếp trong suốt chiều dài cuốn sách. Những câu hỏi này cũng được tổng hợp trong phụ lục riêng cuối cuốn sách này.

Một cuộc trò chuyện giữa độc giả và tác giả cuốn sách

Tác giả: Cám ơn vì anh đã xem cuốn sách của tôi. Anh có gặp khó khăn gì khi tìm nó không?

Độc giả: Không hề. Chỉ dẫn của ông rất chính xác. Cuốn sách nằm ngay kia trong phân mục Nghề nghiệp – đúng chỗ ông nói.

Tác giả: Tốt rồi. Tôi rất vui khi anh quan tâm đến cuốn sách này. Cứ thoải mái đi nhé. Xin mời anh một tách cà phê!

Độc giả:Cám ơn ông, để sau cũng được.

Tác giả: Anh biết đấy, tôi sẽ nói với anh về lợi ích khi mua cuốn sách này. Nó là một công cụ hiệu quả, có thể giúp anh tiếp cận với cuộc phỏng vấn xin việc. Những câu hỏi có trong sách sẽ đẩy anh lên vị trí cao nhất có thể được. Bằng cách đặt ra những câu hỏi đúng, anh có thể nhanh chóng thể hiện được giá trị đích thực mà chỉ mình anh mới có, từ đó nhấn mạnh ngay với nhà tuyển dụng rằng anh chính là giải pháp cho tất cả những trục trặc đang có của công ty.

Độc giả: Một cách tiếp cận theo kiểu Vấn đề – Giải pháp. Nghe rất hứa hẹn. Tôi có thể ghi chép được không?

Tác giả: Tất nhiên rồi! Nào, tôi muốn cuộc trao đổi này sẽ khiến chúng ta hiểu nhau hơn. Có lẽ chúng ta nên bắt đầu bằng kỳ vọng của anh về những lợi ích mà cuốn sách này sẽ đem tới cho công việc của riêng anh, được không?

Độc giả: Trong phỏng vấn tìm việc, tôi luôn mong muốn mình lúc nào cũng ở trong thế sẵn sàng đặt những câu hỏi thông minh và sâu sắc, để thực sự gây “sốc” đối với nhà tuyển dụng, buộc họ phải đặt ngay tôi vào tầm ngắm, xếp tôi vào danh sách những người sẽ được chọn.

Tác giả: Tôi thích cách nghĩ của anh.

Độc giả: Tôi muốn câu hỏi của tôi phải củng cố một thực tế rõ ràng rằng tôi là ứng viên tốt nhất cho vị trí công việc. Tôi sẽ đề nghị được làm công việc đó nhưng theo hướng nhà tuyển dụng phải chấp nhận hồ sơ của tôi và đưa ra một lời đề nghị khả dĩ.

Tác giả: Hiển nhiên cuốn sách sẽ giúp anh đạt được mục tiêu đó. Ở điểm này, xin phép cho tôi được mô tả cuốn sách theo trình tự nội dung và cách tôi sắp xếp nó để từ đó giúp anh tạo ngay được ấn tượng trong khi tham dự phỏng vấn. Anh sẽ có các thông tin cần thiết để xác định liệu việc mua cuốn sách này có ích lợi gì đối với các mục tiêu nghề nghiệp của anh hay không? Triết lý bán hàng của NXB McGraw-Hill là: quyết định mua sách phải là một sự phù hợp cho cả hai phía, hoặc là không phía nào có lợi cả. Anh thấy sao?

Độc giả:Ông nói nghe cũng hấp dẫn. Tôi hỏi một câu được không?

Tác giả: Anh cứ hỏi.

Độc giả: Ông đã hỏi tôi về những điều kiện. Vậy những điều kiện của ông là gì?

Tác giả: Đơn giản lắm. Anh có 12 đô 95 xu không?

Độc giả: Ồ, có chứ.

Tác giả: Như vậy là anh đã đáp ứng được tất cả những đòi hỏi của tôi rồi.

Độc giả: 12 đô 95? Tất cả chỉ có vậy sao? Vậy mà tôi đã nghĩ một cuốn sách với kho kiến thức khổng lồ như vậy sẽ đáng giá hơn nhiều.

Tác giả: Cám ơn những lời khen của anh, nhưng cuốn sách này không hướng dẫn cách khéo ăn nói. Nói ngọt chẳng bao giờ giúp anh tiến bộ trong sự nghiệp cả. Chỉ những câu hỏi thông minh và thể hiện được tính chiến lược mới thực sự có tác dụng. Chính vì thế hãy để tôi mô tả ngắn gọn cho anh về những gì mà cuốn sách này sẽ mang lại. Cuốn sách có 3 phần. Phần I bàn về nguyên tắc để đặt ra những câu hỏi hay nhất. Chương 1, “Tại sao bạn phải đặt câu hỏi?”, đánh giá tổng quan, giải thích sự cần thiết đặt câu hỏi và đề ra một số định hướng sao cho câu hỏi đặt ra có thể gây được ấn tượng mạnh nhất. Chương 2, “Những câu hỏi không nên đặt ra”, chỉ ra các lĩnh vực, chủ đề nên tránh. Chương 3, “Khi nào có thể đặt câu hỏi?”; chương 4, “Hãy thực tập”; chương 5, “Ông có phiền không nếu tôi ghi chép?” sẽ đề cập đến các vấn đề về thời gian, cách nghiên cứu và ghi chép vắn tắt một cách tôn trọng đối với người phỏng vấn.

Phần II liệt kê 201 câu hỏi thông dụng nhất. Đây là hệ thống các câu hỏi mà chúng ta cần sử dụng để thiết lập các câu hỏi cơ sở dùng trong các cuộc phỏng vấn về sau này.

Có một số câu hỏi được coi là thích hợp nhất với các kiểu tình huống phỏng vấn khác nhau. Từ chương 6, “Câu hỏi dành cho nhà tuyển dụng, các công ty “săn đầu người” và các hãng môi giới lao động”, chương 7, “Câu hỏi cho các giám đốc nhân sự”, đến chương 8, “Câu hỏi cho các nhà tuyển dụng” sẽ liệt kê các câu hỏi đặc biệt có ý nghĩa khi sử dụng để hỏi đối với mỗi kiểu nhà quản lý kể trên.

Sang Phần III, tôi hy vọng anh sẽ thấy đây là một phần đặc biệt có tác dụng. Phần này đề cập một số hoàn cảnh chung nhất của hầu hết các cuộc phỏng vấn và khuyến nghị một số câu hỏi hiểm hóc trong mỗi hoàn cảnh đó. Lấy ví dụ, Chương 9, “Câu hỏi thăm dò”, nhằm vào các câu hỏi thể hiện mối quan tâm của chúng ta về công việc và về công ty. Chương 10, “Câu hỏi phòng vệ”, bảo vệ chúng ta khỏi việc xác định và chọn lựa nhầm công việc. Chương 11, “Câu hỏi phản hồi”, tập trung vào các câu hỏi cho phép nhà tuyển dụng xác định được những phản ứng tiêu cực, từ đó chúng ta có thể cùng họ giải quyết các phản ứng tiêu cực này. Chương 12, “Câu hỏi thúc giục hành động”, đề xuất các tiêu chí để cuối cùng chúng ta có thể nhận được lời đề nghị làm việc – đây là bước quan trọng nhất mà hầu hết các ứng viên đều bỏ quên.

Độc giả: Tôi đặc biệt quan tâm đến các câu hỏi trong Chương 13, “Câu hỏi dành cho những cá nhân xuất sắc”. Thực sự thì có ứng viên nào dám đặt ra các câu hỏi thẳng thừng như vậy không?

Tác giả: Cũng có một số người làm như vậy. Đây chính là vấn đề về mức độ tự tin của chúng ta khi ở cương vị là một ứng viên. Chương 14, “Bạn đã nhận được một lời đề nghị làm việc. Xin chúc mừng!” đề cập niềm vui của ứng viên khi nhận được lời đề nghị làm việc trong khi anh ta thực sự mong muốn có công việc đó. Một cách tự nhiên, anh sẽ có rất nhiều câu hỏi. Chương 15, “Bạn không vượt qua cuộc phỏng vấn. Vậy thì bạn sẽ làm gì?” hướng đến một sự thật rất gần rằng có thể đơn xin việc của chúng ta sẽ bị từ chối. Đừng quá căng thẳng vì điều đó. Chúng ta vẫn còn hy vọng, hoặc giả nếu đơn xin việc bị từ chối và thực sự không còn cơ hội ở lại công ty thì ít ra chúng ta cũng đã có dịp rất tốt để học hỏi.

Trên đây là cách thức trình bày cuốn sách. Anh còn câu hỏi nào nữa không?

Độc giả: Có chứ. Từ những gì ông nói với tôi, tôi chắc rằng cuốn sách này chính là thứ tôi cần. Chính vì thế liệu tôi có thể mua, đọc và sẽ tiếp tục hỏi ông những vấn đề còn sót lại hoặc những điều mới nảy sinh không?

Tác giả: Tất nhiên rồi. Hãy gửi mail cho tôi theo địa chỉ [email protected] Tất cả các câu hỏi của mọi người đều được hoan nghênh, và tôi mong rằng anh sẽ là người tốt nhất trong những công việc mà anh đang tìm kiếm.

JOHNKADORSans-serif, Illinois

Tháng 1/2002

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Nhấn vào giữa màn hình để hiển thị Tùy chọn đọc.
Theo dõi Đọc Sách Hay trên Facebook, mỗi ngày chúng tôi cập nhật những cuốn sách, truyện hay nhất!

Có thể bạn thích