HÃY THỂ HIỆN RẰNG BẠN ĐÃ ĐẦU TƯ VÀO CÔNG VIỆC NÀY VÀ TẠO RA “SÂN CHƠI” CHO CHÍNH MÌNH

Những câu hỏi thăm dò được sử dụng để tìm hiểu sâu hơn về công việc, công ty, đội ngũ quản lý và những người mà bạn sẽ làm việc cùng. Hơn thế nữa, những câu hỏi này cho thấy bạn đã đầu tư thời gian và công sức vào việc nghiên cứu tìm hiểu công ty. Điều này cân bằng vị trí của bạn so với người phỏng vấn – người hiện chưa biết rõ bạn đã hiểu về công ty tới mức nào. Theo nguyên tắc thông thường, hãy đưa ra những câu hỏi về sản phẩm, khách hàng và các quy trình, thủ tục như một nhà tư vấn có thể hỏi để hỗ trợ công ty. Bạn hãy coi mình như một chuyên gia tham gia vào một cuộc phỏng vấn tìm hiểu thông tin, trong đó bạn có thể nêu ý kiến của một người có chuyên môn.

Lẽ dĩ nhiên, không ai có thể hỏi tất cả những câu hỏi này chỉ trong một cuộc phỏng vấn tuyển dụng, nhưng bạn lại muốn hiểu rõ về bốn lĩnh vực: công việc, con người, ban quản lý và công ty. Vì thế, trước buổi phỏng vấn tiếp theo của mình, bạn hãy chọn ra bốn hoặc năm câu trong số những câu hỏi dưới đây, viết lại sao cho chúng đáp ứng được những yêu cầu đặc biệt của một cuộc phỏng vấn đơn lẻ.

8 CÂU HỎI HAY NHẤT VỀ VỊ TRÍ CÔNG VIỆC

9-1

Liệu tôi có thể xem bản miêu tả công việc được không? Trách nhiệm quan trọng nhất của công việc này là gì?

Yêu cầu được xem bản miêu tả công việc là một xuất phát điểm khá thuận lợi và dễ dàng cho bạn.

9-2

Mỗi lĩnh vực trách nhiệm nên được dành bao nhiêu thời gian?

Câu hỏi này yêu cầu người phỏng vấn xác định xem điều gì là quan trọng nhất và cần ưu tiên. Thường thì người phỏng vấn sẽ thấy câu hỏi này rất khó vì họ không thực sự biết rõ. Nhưng làm sao bạn có thể thành công được nếu bạn và công ty không thống nhất về điều gì là quan trọng nhất?

9-3

Những dự án ban đầu mà tôi sẽ phải giải quyết là gì?

Cũng giống như câu hỏi trên, đây là một câu hỏi nhằm xác định mức độ ưu tiên, nhưng lần này là tìm hiểu về các dự án.

9-4

Tôi có quyền hạn gì trong việc sử dụng ngân sách/chi tiêu của mình?

Câu hỏi này tìm hiểu xem bạn sẽ phải chịu trách nhiệm công việc đến đâu, trước khi phải đảm đương cả phần trách nhiệm của người nào khác.

9-5

Công ty đang mong muốn sẽ thực hiện được điều gì, và tôi sẽ có vai trò gì trong những kế hoạch đó?

Bạn muốn biết những mục tiêu chiến lược của công ty là gì và công ty mong muốn bạn sẽ đóng góp sức như thế nào.

9-6

Giả sử rằng tôi đã hoàn thành tốt công việc được giao, liệu tôi sẽ phải làm việc cho bộ phận nào khác của công ty nữa không?

Tất nhiên là những việc ưu tiên cần được đặt lên giải quyết trước tiên, nhưng câu hỏi này chỉ ra cho người phỏng vấn thấy rằng bạn có triển vọng làm việc lâu dài.

9-7

Ông/bà có thể miêu tả phong cách quản lý của công ty được không?

Đây là câu hỏi thường được đặt ra nhất về đội ngũ quản lý mà bạn sẽ phải làm nhiệm vụ báo cáo công việc với họ.

9-8

Ông/bà có thể chỉ cho tôi hoặc phác thảo cho tôi thấy sơ đồ tổ chức của công ty được không?

Sơ đồ tổ chức là một sơ đồ cho thấy cơ cấu công ty và giúp bạn hiểu mình sẽ có quyền hạn tới đâu trong đó.

10 CÂU HỎI HAY NHẤT

VỀ CÔNG NGHỆ THÔNG TIN

9-9

Bộ phận công nghệ thông tin (IT) hay kinh doanh sẽ giao việc cho tôi?

Đây là một câu hỏi quan trọng nhằm tìm hiểu những vấn đề rất cơ bản về nguồn lực công nghệ thông tin trong công ty. Các tổ chức có đơn vị kinh doanh đầu tư đáng kể vào lĩnh vực công nghệ thường phản ứng nhanh nhạy với các điều kiện thị trường hơn là những tổ chức có bộ phận IT tách biệt với thực tế của hoạt động kinh doanh. Mặt khác, bộ phận IT thường thay đổi nhanh chóng hơn và bất ổn hơn. Bạn thích môi trường nào trong hai kiểu tổ chức trên đây?

9-10

Các chuyên gia phát triển (phần mềm) thường tiếp xúc ít hay nhiều với các đơn vị kinh doanh?

Sự thay đổi trong cách đặt câu hỏi trên đây nhằm tìm hiểu mối quan hệ giữa bộ phận IT với các đơn vị kinh doanh – mối quan hệ đó là thước đo cho thấy mức độ phản ứng nhanh nhạy của bộ phận IT.

9-11

Công ty có chính sách sử dụng mạng nào không? Tôi có thể xem được không?

Câu trả lời cho câu hỏi này sẽ cung cấp cho bạn một đầu mối hữu ích về mức độ tin cậy nhân viên trong công ty. Một chính sách sử dụng mạng quá kín đáo cho thấy công ty này tỏ ra không thoải mái với những điều bất ổn của việc sử dụng mạng.

9-12

Trưởng bộ phận thông tin hay giám đốc công nghệ phải báo cáo công việc cho ai?

Nếu Trưởng bộ phận thông tin/Giám đốc thông tin (CIO) phải báo cáo trực tiếp cho Giám đốc điều hành (CEO), thì điều đó cho thấy công ty coi chức năng về công nghệ thông tin là có giá trị chiến lược cao.

9-13

Bộ phận/công ty phải đối mặt với những thách thức lớn nhất về mặt công nghệ nào?

Hãy tìm hiểu xem nhà tuyển dụng quan niệm như thế nào về những thách thức kỹ thuật và hãy chuẩn bị tự quảng bá bản thân mình dựa trên những quan niệm đó.

9-14

Theo truyền thống thì các công ty thường sử dụng công nghệ thông tin để giảm các

khoản chi phí quan trọng. Nhưng tôi quan tâm tới việc sử dụng công nghệ thông tin để chớp lấy các cơ hội hàng đầu, chẳng hạn như tạo ra các sản phẩm mới và xác định những thị trường mới. Ông/bà có thể nói công nghệ thông tin được sử dụng như thế nào trong công ty nhằm tạo ra giá trị hàng đầu hay không?

Bạn có muốn làm việc tại một công ty mà ở đó công nghệ thông tin tiếp tục được coi là một chức năng hướng nội hay không?

9-15

Những chiến lược thử nghiệm phần mềm có hoạch định nào mà ông/bà thấy hiệu quả tại công ty?

Hãy lưu ý rằng đây là một câu hỏi chỉ có ý nghĩa đối với người phỏng vấn nào quan tâm tới việc thử nghiệm phần mềm.

9-16

Công ty có ủy ban thẩm định công nghệ thông tin không?

Câu hỏi này giúp bạn hiểu được một số công ty phát triển quỹ và các chiến lược về công nghệ thông tin như thế nào.

9-17

Công ty ông/bà có quy trình phát triển/quản lý sự thay đổi được quy định rõ ràng không, hay quy trình đó là không chính thức?

Nhiều chuyên gia phát triển không ưa thích những quy trình hay tiêu chuẩn mang tính chính thức và được tổ chức, kết cấu rõ ràng; nhưng nhiều chuyên gia khác lại thích làm việc với cơ cấu quy trình đó. Hãy tìm hiểu rõ về môi trường công ty mà bạn đang cân nhắc gia nhập xét trên khía cạnh này.

9-18

Sau nhiều tháng làm việc liên tục, tinh thần của các nhân viên công nghệ thông tin có thể suy giảm. Vậy những phần thưởng nào được ông/bà cho là hiệu quả trong việc công nhận và xét thưởng cho những phần việc ngoài giờ đặc biệt đó?

Câu hỏi này có thể trở nên sâu sắc hơn nếu bạn thực sự có những kiến nghị cụ thể về mặt tài chính cũng như các biện pháp phi tài chính trong việc công nhận và tuyên dương sự chăm chỉ đó. Biết đâu bạn có thể nhận được chính những gì bạn đề xuất thì sao!

5 CÂU HỎI HAY NHẤT DÀNH CHO CÁC VỊ TRÍ BÁN HÀNG VÀ TIẾP THỊ

9-19

Cơ cấu hoa hồng của công ty như thế nào, và tiềm năng thu nhập của tôi trong 1, 3, 5 hay 10 năm nữa ra sao?

Mỗi nhân viên bán hàng cần hiểu rõ các khoản tiền hoa hồng và các khoản đền bù có liên quan được tính toán như thế nào.

9-20

Tôi có thể biết về thang bậc lương cho nhân viên bán hàng/tiếp thị trong công ty được không? Mức cao nhất, mức thấp nhất và mức trung bình?

Đây là một cách hay để biết rõ mức thu nhập bạn có thể đạt được khi vào làm việc tại công ty.

9-21

Bao nhiêu phần trăm trong số các nhân viên bán hàng đạt được chỉ tiêu?

Mỗi nhân viên bán hàng đều có một chỉ tiêu. Nếu một tỉ lệ phần trăm lớn các nhân viên bán hàng không đạt chỉ tiêu đặt ra, thì điều đó có nghĩa là chỉ tiêu đặt ra quá cao hoặc đội ngũ bán hàng không thích hợp hay chưa đầy đủ.

9-22

Bao nhiêu phần trăm số nhân viên hiện tại vượt mức và chưa đạt mục tiêu đã đề ra của mình?

Nói theo cách khác, công ty giải quyết như thế nào đối với những nhân viên bán hàng làm việc không hiệu quả?

9-23

Ông/bà có thể miêu tả kết quả hoạt động của đội ngũ bán hàng được không?

Bạn muốn biết liệu bạn sẽ vào làm với một đội ngũ bán hàng giỏi hay một đội ngũ làm việc kém hiệu quả.

NHỮNG CÂU HỎI THĂM DÒ BỔ SUNG

• Tôi sẽ báo cáo công việc cho ai?

• Tôi sẽ phải viết bao nhiêu bản báo cáo trực tiếp?

• Những người mà tôi sẽ chịu trách nhiệm giám sát là những người như thế nào?

• Tôi có thể gặp gỡ những người làm việc trong bộ phận này được không?

• Doanh thu trung bình của bộ phận mà tôi mong muốn tham gia là bao nhiêu?

• Mỗi năm có bao nhiêu nhân viên mới được tuyển dụng để đảm bảo cho bộ phận có đủ nhân viên?

• Ông/bà sẽ miêu tả văn hóa công ty (hay môi trường làm việc) tại đây như thế nào?

• Ông/bà thích nhất/ghét nhất điều gì khi làm việc dưới quyền [tên người quản lý]?

• Khả năng phản ứng của ban quản lý đối với ý kiến của nhân viên như thế nào?

• Ông/bà có mối liên hệ ở mức nào với giám sát viên và những đồng nghiệp khác?

• Ông/bà làm việc trong môi trường nhóm nhiều hơn hay độc lập nhiều hơn?

• Tổ chức của ông/bà có gì khác biệt so với các đối thủ cạnh tranh khác?

• Kế hoạch về tăng trưởng trong tương lai của công ty là gì?

• Tổ chức của ông/bà đang phải đối mặt với vấn đề gì?

• Điều gì làm ông/bà thích thú nhất khi làm việc tại đây?

• Bộ phận có quy mô, doanh thu bán hàng và thu nhập hiện nay như thế nào?

• Kế hoạch 5-10 năm của công ty là gì?

• Công ty ông/bà có vị thế như thế nào so với đối thủ cạnh tranh?

• Công ty dành loại hình hỗ trợ gì cho việc nghiên cứu và phát triển?

• Ông/bà thấy thích thú điều gì khi làm việc trong công ty này?

• Công ty có các quy định rõ ràng mức trả lương hay không?

• Bao nhiêu phần trăm quỹ thời gian của tôi sẽ được sử dụng vào những chức năng khác nhau mà ông/bà cho là công việc này có liên quan tới?

• (Nếu là một tổ chức lớn thì) giữa các bộ phận có bao nhiêu mối liên hệ tiếp xúc với nhau?

• Ông/bà sẽ miêu tả văn hóa của tổ chức mình ra sao?

• Cách hay nhất để tôi có thể làm quen với các chính sách, thực tiễn và văn hóa công ty là gì?

• Vị trí công việc này phù hợp với cơ cấu bộ phận nói riêng và cả tổ chức nói chung ở điểm nào?

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Nhấn vào giữa màn hình để hiển thị Tùy chọn đọc.
Theo dõi Đọc Sách Hay trên Facebook, mỗi ngày chúng tôi cập nhật những cuốn sách, truyện hay nhất!

Có thể bạn thích